Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người gác chắn không chuyên

10:03, 01/03/2017

Hơn một năm qua, người dân đã dựng thanh chắn, canh chừng đoạn đường bộ giao cắt với đường sắt (đường ngang dân sinh) qua 2 tổ 7 và 8, KP.3, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Thường trực 24/24 giờ, mỗi khi tàu hỏa đi qua, những "nhân viên gác chắn" không chuyên lại kéo gác chắn xuống,...

Hơn một năm qua, người dân đã dựng thanh chắn, canh chừng đoạn đường bộ giao cắt với đường sắt (đường ngang dân sinh) qua 2 tổ 7 và 8, KP.3, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Thường trực 24/24 giờ, mỗi khi tàu hỏa đi qua, những “nhân viên gác chắn” không chuyên lại kéo gác chắn xuống, cảnh báo người đi lại trên đường ngang dân sinh để không xảy ra tai nạn thương tâm.

Tàu hỏa đi qua những nơi có đường ngang dân sinh an toàn hơn nhờ những người gác chắn không chuyên.
Tàu hỏa đi qua những nơi có đường ngang dân sinh an toàn hơn nhờ những người gác chắn không chuyên.

Địa bàn phường Tân Hiệp hiện có 2 đường ngang dân sinh nằm ở 2 tổ 7 và 8, KP.3. 2 đường ngang dân sinh này nối từ KP.3 sang KP.1, phường Tân Hiệp. Điều đáng nói là 2 con đường tắt này mỗi ngày có rất nhiều công nhân, học sinh đi từ đường Nguyễn Ái Quốc ra quốc lộ 1, hoặc đến các trường: TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng, THPT chuyên Lương Thế Vinh, đại học Đồng Nai…

* Vì cộng đồng

Trưởng KP.1 Trần Văn Lung cho hay, theo quan sát của ông vào giờ cao điểm, chỉ chưa đầy 5 phút đã có trên 100 lượt xe 2 bánh di chuyển qua 2 đường ngang dân sinh này. “Vào cuối năm 2015 đã xảy ra vụ bà chở cháu đi học vào sáng sớm qua đoạn đường ngang dân sinh ở tổ 7, do không chú ý nên bị tai nạn chết cả 2 người, ai thấy cũng đau lòng. Tháng 2-2016, UBND phường Tân Hiệp ký hợp đồng với vài người dân đứng ra trực gác chắn cảnh báo người dân đi lại khi có tàu hỏa đến. Ban đầu có khoảng 8 người trực gác 2 điểm ở tổ 7 và 8, thời điểm từ 6-20 giờ mỗi ngày. Về sau, do lượng người đi đông và buổi tối khó quan sát nên tăng lên 12 người, chia làm 3 ca trực. Từ đó, 2 đoạn đường ngang dân sinh ở phường Tân Hiệp luôn có người túc trực để kéo thanh chắn, cảnh báo người đi đường” - ông Lung nói.

Nhà ở gần đoạn đường ngang dân sinh ở tổ 7, KP.3, chị Hồ Thị Lý là một trong những người đầu tiên ký hợp đồng làm nhân viên trực gác chắn không chuyên với UBND phường Tân Hiệp.

Đường dân sinh qua đường sắt ở tổ 7, KP.3, phường Tân Hiệp có bề ngang nhỏ, vào giờ cao điểm mật độ đi lại rất đông.
Đường dân sinh qua đường sắt ở tổ 7, KP.3, phường Tân Hiệp có bề ngang nhỏ, vào giờ cao điểm mật độ đi lại rất đông.

Chị Lý cho hay, lúc mới làm chưa ai biết sẽ được hưởng lương, thưởng ra sao, chỉ biết nhà gần đường ngang dân sinh, dù ít hay nhiều thì mọi người vẫn sẽ cùng nhau đứng ra cảnh báo cho người đi đường. Thời gian đầu trực gác chắn, nhiều người đi đường thấy có người đóng thanh chắn, cảnh báo tàu hỏa nên đã hỏi thăm và ngỏ lời cảm ơn về hành động đó.

“Hàng ngày, thời điểm từ 6-8 giờ và từ 16-19 giờ có nhiều người đi qua đoạn đường ngang dân sinh ở đây, nhất là xe 2 bánh đi nườm nượp. Vài tuần nay, đường Nguyễn Ái Quốc đang thi công nên lượng xe qua còn đông hơn. Mấy năm trước, lúc chưa có người ra trực gác chắn, hầu như năm nào ở đây cũng có tai nạn đường sắt mà phần lớn đều thiệt mạng chỉ vì không chú ý quan sát, may lắm mới có người thoát chết. Nay chúng tôi chia ca ra đứng canh chốt, khi tàu hỏa gần đến chúng tôi sẽ nhận được điện thoại báo từ trạm gác chắn ở đường Đồng Khởi, sau đó hạ gác chắn ở đây xuống” - chị Lý chia sẻ.

* Lo việc bao đồng

Ông Nguyễn Bôn, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, đánh giá: “Theo nguyên tắc, đường ngang dân sinh cần phải cấm, nhưng do nhu cầu đi lại của người dân quá cao nên chính quyền các cấp đã linh động xử lý bằng cách ký hợp đồng với những người dân làm công việc gác chắn tàu hỏa. Sau hơn một năm áp dụng, các điểm đường ngang dân sinh có người dân trực gác chắn đã không còn xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, đảm bảo an toàn đi lại cho bà con”.

Bất kể nắng mưa hay đêm ngày, lúc nào tại vị trí gác chắn ở các đoạn đường ngang dân sinh thuộc 2 tổ 7 và 8, KP.3, phường Tân Hiệp cũng có 2 người (mỗi gác chắn) túc trực để kéo thanh chắn và phất cờ hiệu khi có tàu đi qua. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tuấn (nhân viên gác chắn không chuyên ngụ KP.1, phường Tân Hiệp) cho biết do là nhân viên gác chắn không chuyên nên không có đồng phục, không có chòi che nắng che mưa vì thế khi trực đêm, nhất là những đêm có mưa to gió lớn sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi suốt 8 giờ liên tục phải đứng trước hiên nhà người khác trú mưa, rồi canh có điện thoại báo tin tàu hỏa đến để chạy ra kéo gác chắn.

Ông Tuấn còn cho biết: “Bị nói nặng lời, khó nghe là điều bình thường, có người còn dọa đánh chúng tôi nữa. Mà có gì đâu, nghe điện báo có tàu gần đến, chúng tôi chạy lại canh giờ kéo thanh chắn, nhưng tàu hỏa đến chậm nên bị nhiều người la lối, trách chúng tôi gây kẹt xe. Đường ngang chỉ khoảng 3m, lại có độ dốc cao, trước kia chưa có thanh chắn, chúng tôi chỉ cầm cờ ra hiệu nên nhiều người lỡ trớn chạy xe lên lúc tàu gần đến, thế là chúng tôi đẩy nhanh xe qua hoặc kéo ngược lại. Vậy mà họ cũng trách chúng tôi...”.

Các nhân viên gác chắn không chuyên cho hay, một số nhân viên đường sắt còn đòi phải tháo dỡ thanh chắn gác đường ngang dân sinh (dù thanh chắn không cản trở tàu), hoặc yêu cầu phải có người đứng liên tục bên thanh chắn thì họ mới đồng ý duy trì. Đến khi mọi người giải thích và đem hợp đồng ký với UBND phường ra thì các nhân viên kia mới chịu thôi.

Ông Hà Đăng Bộ (ngụ KP.1, phường Tân Hiệp) kể thêm, nhiều lúc ông bị người đi đường cố ý quẹt xe vào người hoặc bị dọa đánh, ông dù rất bực nhưng cũng phải bỏ qua. Nhiều người đi đường hiểu và thông cảm thì thôi, chứ gặp người nóng tính, hung hăng dễ xảy ra xô xát; nhất là khi có việc vội còn phải dừng lại để đợi tàu đi qua, mà đợi tàu mãi vẫn chưa thấy nên mọi bực tức đều trút lên người gác chắn.

Ông Bộ chia sẻ: “Gia đình chúng tôi mỗi ngày đều đi qua đường ngang dân sinh này nên việc chúng tôi làm trước tiên là vì gia đình mình, sau đó là vì tính mạng của người khác. Đa phần là người lớn tuổi, hoặc nhà ở gần đường ngang dân sinh mới ký hợp đồng với UBND phường để làm công việc trực gác chắn. Bây giờ chúng tôi nhận lương theo hợp đồng hơn 3 triệu đồng/tháng, không kèm bảo hiểm hay các khoản khác. Thu nhập này chỉ đủ phụ phí sinh hoạt cho gia đình nhưng mọi người đều cố gắng làm, chỉ mong sắp tới  chính quyền địa phương hỗ trợ thêm chòi gác để nắng mưa cho đỡ cực, ban đêm không phải trú sương, tránh mưa dưới hiên nhà người khác”.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều