Trên 20 năm gắn bó với các phong trào, bà Nguyễn Thị Thu Hà thật sự là người bạn, người chị, người cô, người mẹ của phụ nữ, người lao động trong phường Long Bình.
“Cô Hà ơi, con muốn ly dị chồng nhưng anh ấy không chịu thì con phải làm sao?”, “Mẹ Hà ơi, mẹ con ở quê mới mất, mẹ Hà cho con mượn tiền về quê nhé!”, “Chị Hà ơi, mấy đứa nhỏ ở khu nhà trọ đáng thương quá, chị có cách gì giúp tụi nó không?...” là những lời đề nghị thắm thiết của nữ công nhân, hội viên phụ nữ với bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Long Bình (TP.Biên Hòa).
Bà Nguyễn Thị Thu Hà “người mẹ” của trên 1 ngàn nữ công nhân xa quê. |
Trên 20 năm gắn bó với các phong trào, bà Nguyễn Thị Thu Hà thật sự là người bạn, người chị, người cô, người mẹ của phụ nữ, người lao động trong phường Long Bình. “Có trường hợp tôi đứng ra hòa giải cho các cặp vợ chồng trẻ quay về chung sống bên nhau, nhưng cũng có khi tư vấn cho họ ly hôn, giải thoát cho nhau” - bà Hà chia sẻ.
* Mẹ của… ngàn công nhân
Công nhân xa quê vốn thiếu thốn tình cảm người thân, bà Hà lại niềm nở, dễ gần nên các công nhân tuổi 20, 30 vẫn quen miệng gọi bà bằng mẹ.
Bà Hà tâm tình, bà có 1 con ruột đang học đại học và 1 con ra trường, có chồng làm sĩ quan quân đội. Tuy vậy, con nuôi là công nhân, lao động nói giọng Bắc - Trung - Nam thì bà có cả ngàn người.
“Công nhân đứa nào cũng dễ thương, giàu tình cảm. Chỉ có điều, các cháu còn trẻ quá nên mình phải chỉ dạy từng chút như con cái trong nhà. Vì vậy, các cháu rất quý tôi, đứa gọi bằng mẹ, đứa gọi bằng bà, trong khi tôi mới 50 tuổi” - bà Hà tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà (ngoài cùng, bên trái) cùng nữ công đoàn viên chuẩn bị bữa tiệc mừng Ngày Quốc tế phụ nữ (8-3). |
Vợ chồng công nhân Thi và Kha (ở trọ tại KP.6, phường Long Bình) liên tục hục hặc chuyện tình cảm, tiền nong. Biết chuyện, bà Hà gọi chị Thi ra trước sân nhà trọ hỏi han sự tình. Mới đầu, chị Thi còn úp mở chuyện anh Kha hay bạo hành chị. Được động viên, chị bộc bạch hết nỗi lòng muốn chia tay anh Kha, nhưng thương thằng cu Hải còn nhỏ. Bà Hà hiểu chuyện, khuyên chị bình tĩnh để hôm sau gặp anh Kha sẽ giải quyết đâu vào đó.
Biết vợ mách chuyện bị đánh với mẹ Hà, anh Kha chẳng đợi hôm sau mà ngay chiều hôm đó tìm đến nhà bà thú tội. Vậy là đôi bạn trẻ công nhân Thi - Kha hết lục đục, anh Kha bỏ được tật rượu chè, ngày càng tỏ rõ là người cha, người chồng có trách nhiệm.
Bà Hà tâm sự, có trường hợp bà tìm cách hàn gắn hạnh phúc cho đôi bạn, cũng có trường hợp không hàn gắn được thì bà hướng dẫn cho vợ hoặc chồng ly hôn. Đó là những trường hợp người chồng hoặc vợ quá ích kỷ, sống thiếu trách nhiệm, thiếu thiện chí xây dựng hạnh phúc gia đình.
Phường Long Bình có lớp học tình thương của bà giáo Dư (ở KP.8) nhận phổ cập tiểu học cho con em lao động nhập cư nghèo. Để động viên bà Dư và các cháu nhỏ, bà Hà vận động mạnh thường quân, kết hợp với nhiều tổ chức, đơn vị thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng.
Còn các cháu nhỏ là con em lao động nghèo tại các khu nhà trọ không bị thua thiệt thỉnh thoảng lại được nhận quà, học bổng của Hội Phụ nữ, Công đoàn, chính quyền, chủ nhà trọ do bà Hà kêu gọi tài trợ.
“Nhờ làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ, kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở phường Long Bình nên tôi gặp nhiều thuận lợi trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nữ công nhân nhà trọ” - bà Hà bộc bạch.
* Xây dựng “Nhà trọ văn minh”
Cứ đến Ngày Quốc tế phụ nữ (8-3), bà Nguyễn Thị Thu Hà lại thêm tất bật việc chăm lo cho phụ nữ là công đoàn viên, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường và cả nữ công nhân lao động tại các khu nhà trọ. Công việc vất vả nhưng bà Hà vẫn vui, vẫn nở nụ cười khi nhìn thấy đấng mày râu trân trọng trao những đóa hoa cho giới phụ nữ, dù người phụ nữ đó là không phải là vợ họ, không xinh, không sang trọng. |
Phường Long Bình có nhiều khu công nghiệp đóng chân nên thu hút nhiều lao động nhập cư, nhất là lao động nữ.
Để tạo điều kiện tốt nhất về nơi ở cho người lao động, như: văn minh, trật tự, thắm tình…, Hội Liên hiệp phụ nữ phường với vai trò đơn vị phụ trách đã phối hợp với công an, Công đoàn, ban điều hành khu phố… xây dựng mô hình “Nhà trọ văn minh”.
Đến nay, đã có 193 trong tổng số 2,5 ngàn hộ kinh doanh nhà trọ trên địa bàn phường đăng ký xây dựng “Nhà trọ văn minh” theo lời kêu gọi của Hội Phụ nữ phường.
Để xây dựng tốt mô hình này, bà Hà đã cùng với phụ nữ các khu phố phối hợp chặt với công an, ban điều hành khu phố, các tổ nhân dân tuyên truyền đến chủ nhà trọ ý nghĩa của mô hình “Nhà trọ văn minh” trong việc giữ gìn an ninh trật tự, môi trường sống đảm bảo cho người thuê trọ.
Từ mô hình “Nhà trọ văn minh”, bà Hà đã xây dựng được các câu lạc bộ: nữ chủ nhà trọ, nữ công nhân nhà trọ và trung tâm tư vấn pháp luật cho công nhân.
Bà Hà cho biết hàng năm Hội Phụ nữ và Công đoàn phường kết hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, TP.Biên Hòa tổ chức nhiều đợt giao lưu văn nghệ, tuyên truyền pháp luật lao động cho công nhân tại các khu nhà trọ; đồng thời tổ chức đi thăm, tặng quà, tặng vé xe, trao học bổng và cắt tóc miễn phí cho công nhân lao động và con em công nhân khó khăn với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng/năm.
“Chúng tôi còn vận động được 90% các chủ nhà trọ trên địa bàn phường tổ chức vui tất niên, trung thu, tặng quà cho người thuê trọ. Thông qua nhiều hoạt động, chúng tôi xây dựng được mối quan hệ thân thiện, nghĩa tình, đoàn kết giữa chủ nhà trọ với người thuê trọ và giữa những người thuê trọ với nhau” - bà Hà tâm sự.
Công nhân, người lao động phương xa đến phường Long Bình cư trú, làm việc gọi bà Hà là mẹ, là bà. Bí thư Đoàn Thanh niên phường Long Bình Phan Thị Thuật cho hay, bà Hà rất quan tâm đến đoàn viên Công đoàn phường, như: tổ chức đi du lịch; thăm hỏi đoàn viên và người nhà đoàn viên khi ốm đau; tặng học bổng “học giỏi, sống tốt” cho con em đoàn viên Công đoàn.
Riêng cán bộ Công đoàn khó khăn về kinh tế, bà Hà có giải pháp động viên, hỗ trợ kịp thời để đoàn viên Công đoàn mình yên tâm công tác, không bỏ việc.
Là “mẹ” của ngàn đứa con nói giọng Bắc - Trung - Nam ngoài xã hội, ở trong nhà bà Hà luôn tỏ rõ là người vợ, người mẹ gương mẫu, trách nhiệm của gia đình và là bà chủ nhà trọ tốt bụng của mấy chục công nhân.
Đoàn Phú