Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuộc sống bình dị của "người hùng"

10:03, 19/03/2017

Người đàn ông gầy guộc, dáng vẻ khắc khổ và làn da đen nhẻm không khác gì so với 1 năm trước. Đó là giữa trưa 20-3-2016, một chiếc sà lan đang lưu thông trên sông Đồng Nai, khi chuẩn bị qua cầu Ghềnh thì đột nhiên va vào trụ cầu giữa sông. Chỉ trong tích tắc, 2 nhịp cầu Ghềnh rơi xuống sông.

“Trong đời mình, tôi không thể nào quên giây phút kinh hoàng khi chứng kiến chiếc sà lan đâm sập cầu Ghềnh. Sau sự cố ấy, tôi được nhiều người gọi là “người hùng”, nhưng nghĩ lại thấy việc mình làm cũng bình thường, ai trong trường hợp đó cũng sẽ làm như thế vì chẳng ai muốn có tai nạn nghiêm trọng hay thảm họa gì xảy ra…” - ông Huỳnh Ngọc Hoàng (47 tuổi, ngụ phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) tâm sự.

Ông Huỳnh Ngọc Hoàng với nhiều giấy khen, kỷ niệm chương được tặng từ nhiều ban, ngành Trung ương, địa phương.
Ông Huỳnh Ngọc Hoàng với nhiều giấy khen, kỷ niệm chương được tặng từ nhiều ban, ngành Trung ương, địa phương.

Người đàn ông gầy guộc, dáng vẻ khắc khổ và làn da đen nhẻm không khác gì so với 1 năm trước. Đó là giữa trưa 20-3-2016, một chiếc sà lan đang lưu thông trên sông Đồng Nai, khi chuẩn bị qua cầu Ghềnh thì đột nhiên va vào trụ cầu giữa sông. Chỉ trong tích tắc, 2 nhịp cầu Ghềnh rơi xuống sông.

* Ký ức mãi không thể quên

“Lúc ấy, tiếng động phát ra to lắm, rồi căn nhà rung lắc giống như có động đất. Ngay sau đó, tôi chạy ào ra bờ sông xem chuyện gì đang xảy ra. Vừa chạy đến thì thấy cầu đã sập, dưới sông một chiếc sà lan bị lật úp” - ông Hoàng kể lại.

Sau vài giây trấn tĩnh, ông Hoàng chạy rất nhanh đến chỗ các nhân viên gác chắn hét to lên để thông báo cầu Ghềnh đã sập rồi, phải làm gì đó để chặn tàu lại. Các nhân viên gác chắn lúc này ngơ ngác, không hề biết chuyện gì đang diễn ra và cứ tưởng ông Hoàng nói đùa. Nhưng rồi trước thái độ kiên quyết của ông Hoàng, các nhân viên gác chắn lập tức ra tín hiệu dừng tàu khẩn cấp. Lúc này, đoàn tàu chở hàng chạy hướng Ga Dĩ An qua TP.Biên Hòa chỉ cách cầu khoảng 200m.

Ông Huỳnh Ngọc Hoàng bên cầu Ghềnh mới sau sự cố bị sà lan tông sập.
Ông Huỳnh Ngọc Hoàng bên cầu Ghềnh mới sau sự cố bị sà lan tông sập.

Đối với ông Hoàng, sau sự cố đó ông trở thành “người nổi tiếng” bất đắc dĩ. Câu chuyện làm “người hùng” diễn ra trong vài phút ngắn ngủi, nhưng có thể giúp tránh được những thương vong có thể xảy ra, để lại trong ông nhiều cảm xúc và ký ức đặc biệt. Chỉ khi tàu dừng tại ngã tư Chợ Đồn, ông mới cảm thấy nhẹ nhõm để về nhà, trở về với cuộc sống thường ngày.

Rót ly nước mời khách, ông Hoàng khoe với chúng tôi mới được một đơn vị trao tặng kỷ niệm chương vì thành tích báo tin cầu Ghềnh sập. Từ đó đến nay, cuộc sống của gia đình ông ít nhiều có sự thay đổi. Cả xóm nhỏ luôn cảm kích trước tinh thần, tích cực vì cộng đồng của ông.

“Ngày thường chú ấy chẳng đi đâu xa, không dám làm gì nặng vì bệnh đau lưng. Vậy mà hôm đó, chú Hoàng chạy nhanh lẹ như vậy, quên hết cả đau… Nếu không báo kịp, đoàn tàu bị lao xuống sông thì những toa phía sau có thể sẽ đổ lật xuống hàng loạt nhà dân sát ngay bên cạnh đường ray, khi đó không biết sẽ thêm điều khủng khiếp nào xảy ra…” - người hàng xóm nói về hành động của ông Hoàng.

Nhờ được biết đến như “người hùng” cầu Ghềnh mà ông Hoàng và gia đình nhận nhiều sự giúp đỡ hơn. Với số tiền được thưởng từ địa phương, các ngành chức năng, ông sửa sang lại căn nhà cũ và để dành ít tiền chữa trị căn bệnh thoát vị đĩa đệm đã hành hạ ông bao năm qua.

* Dang dở chuyện chữ nghĩa

Hiện tại, dáng vẻ của cầu Ghềnh vẫn giữ được hình vòm giống như cầu cũ, gồm 3 nhịp, mỗi nhịp dài 75m, cao 13m, nặng khoảng 260 tấn. So với cầu cũ, cầu mới có thêm 2 làn xe 2 bánh lưu thông qua lại, tĩnh không thông thuyền cũng được nâng lên 6,5m (cao hơn 2m so với cầu cũ), đáp ứng tốt hơn giao thông đường thủy khu vực sông Đồng Nai.

Sau 96 ngày thi công liên tục bất kể ngày đêm, cầu Ghềnh mới được hoàn thành với 2 làn đường dành riêng cho xe máy và người đi bộ, giúp người dân đi lại thuận lợi và an toàn hơn. Đứng ở một góc sông Đồng Nai nhìn cầu Ghềnh mới, bất cứ ai cũng phải khẳng định cầu Ghềnh mới được xây dựng an toàn, chắc chắn hơn cầu cũ. Đó là điểm tựa vững chắc cho những chuyến tàu nườm nượp qua lại trên đoạn sông mang nhiều ký ức này.

“Gia đình tôi sinh sống ở đây từ lúc còn hoang vu, lau sậy um tùm. Ngày ấy, cha mẹ tôi đến đây khai hoang, dựng nhà và lập nghiệp. Mấy anh chị em trong nhà đều có tuổi thơ gắn liền với khúc sông này nên sau khi lập gia đình, ai cũng ở gần nhau, ngay cạnh con sông Đồng Nai, có cầu Ghềnh bắc qua. Mỗi chiều đứng đón gió từ lòng sông thổi vào mát rượi và sảng khoái vô cùng” - ông Hoàng bộc bạch.

Đứng dưới chân cầu Ghềnh mới, ông Hoàng thuộc lòng và kể vanh vách từng đoạn sông có đá ngầm, nước xoáy bởi nơi đây đã gắn bó với tuổi thơ của ông. Mỗi ngày, có hàng trăm chuyến tàu chạy qua nên ông cũng như người dân đều nhớ rõ thời gian từng chiếc tàu đến và đi.

Cũng trên đoạn sông này, điều làm ông Hoàng nhớ nhất là lúc khoảng 20 tuổi, ông từng cứu 2 học sinh tắm sông suýt bị dòng nước xoáy cuốn trôi. Ngay sau khi phát hiện các cháu chới với giữa dòng nước, ông đã kịp thời đưa các cháu vào bờ và tiến hành sơ cứu để giành lại mạng sống cho các cháu từ tay “tử thần”. Từ đó đến nay, hễ giúp được ai trong lúc hoạn nạn là ông tham gia mà không do dự.

Cuộc sống lam lũ từ nhỏ, không được đến lớp học tập nên hiện tại chuyện chữ nghĩa với ông Hoàng vẫn còn xa vời. Ngay sau vụ tai nạn cầu Ghềnh, ông được nhận dạy chữ miễn phí tại một lớp học tình thương. Thế là, cứ buổi chiều ông lại cắp sách đến lớp với phấn trắng, bảng đen, gò mình đọc, viết từng con chữ.

Tuy nhiên, do điều kiện gia đình khó khăn, lại mắc căn bệnh thoát vị đĩa đệm đã làm ông như bị trói tay chân, khiến hành trình tìm con chữ chẳng thể trọn vẹn. Được một thời gian, sức khỏe không đảm bảo nên ông quyết định dừng việc học ở tuổi gần 50, tất cả hy vọng dồn vào đứa con nhỏ đang vào tuổi đến trường.

“Mọi việc nặng nhẹ, cả thu nhập của gia đình trông vào chuyện buôn gánh bán bưng của vợ. Tôi lấy vợ muộn nên con còn nhỏ, năm nay mới vào lớp 1. Hàng ngày, tôi đưa đón con đi học rồi về quanh quẩn ở nhà chẳng đi đâu xa. Mỗi lần nhìn thấy con ngoan hiền, tối về thắp đèn học bài, tôi lại thấy mừng trong bụng, hy vọng đời con sẽ tươi sáng hơn. Cháu rất hiếu động khiến căn nhà nhỏ cũng trở nên sôi động và ấm cúng hơn” - ông Hoàng chia sẻ.

Thanh Hải

Tin xem nhiều