Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiêng liêng địa đầu Tổ quốc

10:01, 06/01/2017

Trong những điểm du lịch thuộc hàng "độc" bởi giá trị lịch sử không thể thay thế, có 2 điểm mà có lẽ người Việt Nam nào cũng mong muốn một lần trong đời được đặt chân đến. Đó là Cột cờ Lũng Cú (xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) - địa đầu cực Bắc, và mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) - điểm cuối cùng phía Nam đất nước.

Trong những điểm du lịch thuộc hàng “độc” bởi giá trị lịch sử không thể thay thế, có 2 điểm mà có lẽ người Việt Nam nào cũng mong muốn một lần trong đời được đặt chân đến. Đó là Cột cờ Lũng Cú (xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) - địa đầu cực Bắc, và mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) - điểm cuối cùng phía Nam đất nước.

Du khách hôn cờ Tổ quốc tại Cột cờ Lũng Cú (xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).
Du khách hôn cờ Tổ quốc tại Cột cờ Lũng Cú (xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).

* Lính biên phòng cũng làm du lịch

Thượng úy Nông Quang Lập, Trưởng đồn “mới toanh” của Đồn biên phòng Lũng Cú, cho biết ngoài nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, những năm gần đây Đồn biên phòng Lũng Cú còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác xây dựng, nâng cao đời sống kinh tế của người dân thông qua hoạt động du lịch. Bởi hàng năm Cột cờ Lũng Cú đã trở thành điểm đến của cả triệu du khách trong và ngoài nước. Chỉ riêng trong tuần lễ diễn ra lễ hội hoa tam giác mạc (giữa tháng 10-2016), đã có khoảng 200 ngàn lượt khách đến tham quan Cột cờ Lũng Cú.

Cột cờ Lũng Cú (xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).
Cột cờ Lũng Cú (xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).

Nằm trên đoạn đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc, là điểm cao nhất của cực Bắc nước ta, Cột cờ Lũng Cú mang ý nghĩa thiêng liêng trong tâm thức của người dân Việt. Nằm chót vót trên đỉnh núi Rồng có độ cao khoảng 1.470m so với mực nước biển, theo tư liệu cột cờ được xây dựng từ thời Lý. Trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo, cột cờ hiện nay được xây dựng vào năm 2010, có diện tích 54m2 tượng trưng cho 54 đồng bào dân tộc anh em sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Thiết kế cột cờ cao 33,15m, có hình bát giác với 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước; con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang. Du khách đến Cột cờ Lũng Cú đều có nguyện vọng hôn lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trên đỉnh cột cờ, nhưng sức gió nơi đây rất mạnh nên du khách cũng phải có “duyên” mới được toại nguyện. Thượng úy Nông Quang Lập cho biết, phải luôn giữ hình ảnh lá cờ trong mắt du khách nên khoảng 1 tuần hoặc 10 ngày đồn biên phòng lại thay cờ mới do gió mạnh làm cờ dễ bị rách.

Địa điểm Đồn biên phòng Lũng Cú hiện nay tương truyền là nơi vua Quang Trung sau khi đại thắng quân Thanh đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn, và cứ mỗi canh giờ ( 2 tiếng đồng hồ) trống lại được gióng lên 3 hồi vang xa như một hình thức khẳng định chủ quyền đất nước. Lũng Cú chính là tiếng Mông của từ Long Cổ, tức trống của vua.

* Cà Mau đứng mũi chịu sào

Trước đây để đến mũi Cà Mau, du khách hoặc đi bằng đường thủy, hoặc phải “lụy” 4 quãng phà nếu đi đường bộ. Năm 2015, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng 4 chiếc cầu: Năm Căn, Kênh Cái Tắt, Sáu Nạn và Trại Lưới để du khách có thể thẳng đường đến xã Đất Mũi. Tuy nhiên, so với địa điểm Cột cờ Lũng Cú thì đường đến mũi Cà Mau vẫn chưa được đầu tư đồng bộ khi còn là đường cấp phối, đặc biệt là phải xuyên qua khu dân cư ấp Kinh Đào với loại đường nội bộ bề ngang chỉ vừa lọt một chiếc ô tô. Vì thế, khi có xe chiều ngược lại, trong 2 xe phải có một chiếc tìm cách “né” vào sân nhà nào đó để nhường đường, nếu không sẽ giống như chuyện “2 chú gấu qua cầu”. Nhiều du khách nói vui, đây là “tuyến đường văn hóa” nhất nước khi các phương tiện lưu thông đều tự giác nhường nhịn nhau.

Giao thông chưa thuận lợi nên mũi Cà Mau khó thể phát triển du lịch như mong muốn. Tuy nhiên, cảm xúc của du khách khi đặt chân đến địa đầu phía Nam Tổ quốc vẫn thiêng liêng không kém. Nơi đây, du khách nào cũng xúc động bên cột mốc tọa độ quốc gia số 0001 và chụp ảnh lưu niệm với “con tàu Tổ quốc” quanh năm tung bay cờ đỏ sao vàng trên đỉnh “cột buồm” - lấy ý tưởng từ 2 câu thơ của Xuân Diệu: “Đất nước tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau”.

Cột mốc cực Nam Tổ quốc ở mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) được thiết kế như một con tàu.
Cột mốc cực Nam Tổ quốc ở mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) được thiết kế như một con tàu.

Tất nhiên, chuyến hành trình không thể thiếu việc ngắm nhìn mũi Cà Mau. Đó là một chòm cây gồm mắm, đước vươn ra Biển Đông, xa xa là bờ kè đê biển dài khoảng 3km bảo vệ đất mũi không bị xói mòn, xâm thực, ở khoảng trống giữa chòm cây và đê biển là những hàng cây mắm nhỏ. Ông Dương Minh Vĩnh, Giám đốc Bảo tàng Cà Mau, cho biết người Cà Mau có câu “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát” để hình dung về quá trình lấn biển mở đất của người dân nơi tận cùng đất nước.

Mắm là loài thực vật chịu được vùng nước mặn lẫn nước lợ, khi trái rụng trôi theo dòng nước rồi bám đất phát triển, vì thế cây mắm có thể nhanh chóng sinh sản, vươn lên ở vùng giáp ranh giữa đất và nước, không chỉ có tác dụng giữ đất mà còn giúp đất được bồi đắp và lấn dần thêm ra biển, lâu dần trở thành rừng. Đi sau mắm là đước - loài cây cũng chịu được nước mặn hoặc lợ, đặc biệt là có chức năng “biến” nước mặn thành nước ngọt nên còn có biệt danh là “máy lọc nước”. Trái đước nảy mầm, sinh cây con từ lúc còn treo lơ lửng trên cây, khi rụng xuống có thể cắm ngay vào đất rồi trụ lại, bám rễ. Bộ rễ đước, còn gọi là chang đước, cũng là nét độc nhất vô nhị trong các loài thực vật, giúp đước “bước” từ nơi này đến nơi khác trong quá trình lấn biển, đồng thời là “mái nhà chung” cho cá, tôm, cua trú ngụ, sinh sản. Cây đước có nhiều giá trị về kinh tế, trong văn học đước được hình tượng hóa như con người kiên cường, bất khuất, có lẽ vì thế tỉnh Cà Mau đã chọn cây đước làm biểu trưng. Và theo sau đước là cây tràm - cũng là loài cây có khả năng chống chọi ở vùng đất khắc nghiệt, có giá trị kinh tế cao.

Mũi Cà Mau là vùng đất bồi, cộng thêm sự “hỗ trợ” của mắm, đước, từ nhiều năm nay hàng năm vùng đất mũi đều “lấn” ra biển khoảng vài mét.

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều