Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuân về với làng Chơro

10:01, 02/01/2017

Qua Tết Dương lịch, đồng bào Chơro ở các ấp Gia Hòa và Trung Sơn (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) bắt đầu tất bật đón Xuân Đinh Dậu 2017. Người lo trang trí nhà cửa, dọn dẹp vườn tược, người mải mê chăm sóc ruộng hoa lay ơn, cúc, thọ cho kịp vụ hoa tết.

Qua Tết Dương lịch, đồng bào Chơro ở các ấp Gia Hòa và Trung Sơn (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) bắt đầu tất bật đón Xuân Đinh Dậu 2017. Người lo trang trí nhà cửa, dọn dẹp vườn tược, người mải mê chăm sóc ruộng hoa lay ơn, cúc, thọ cho kịp vụ hoa tết.

Ông Văn Thương (phải, ngụ ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) với 3 sào hoa lay ơn chờ tết.
Ông Văn Thương (phải, ngụ ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) với 3 sào hoa lay ơn chờ tết.

Thêm một mùa xuân về, đồng bào Chơro ở xã Xuân Trường thêm tuổi mới. Cán bộ phụ trách dân tộc - tôn giáo xã Xuân Trường Thái Đăng Dược bày tỏ, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Chơro ở địa phương phát triển theo từng mùa xuân, nên năm nay họ ăn tết lớn và vui hơn năm rồi.

Đổi thay ở Trung Sơn

2 năm nay, sức khỏe của già làng Văn Lương (ấp Trung Sơn) giảm sút nên việc già phải nhờ Trưởng ấp Nguyễn Xuân Mạnh quán xuyến giùm. Tuy vậy, già Lương vẫn còn minh mẫn để nhớ lại chuyện xưa.

Già Lương kể, trước đây dân làng của già khổ và còn lạc hậu lắm. Họ chỉ trồng được lúa một vụ và cây mì, cây bắp trên đồi cao nên hay bị thiếu ăn. Sau năm 1975, đồng bào Chơro ở đây vẫn còn sống kiểu du canh du cư và còn mê tín. Nhà nào trong làng có người bệnh tật thì mời thầy cúng, rồi giết gà, heo thậm chí trâu, bò để đuổi bệnh. Mãi đến năm 1990, cha già Lương là ông Nét K’rsoi bỏ tập tục lạc hậu, không tin thầy cúng đuổi bệnh và đi bác sĩ khám chữa bệnh thì mọi người trong làng mới dần làm theo.

Người uy tín Nhu Si Luých (ấp Gia Hòa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) đã bán bớt ít dê trong chuồng để lo tết.
Người uy tín Nhu Si Luých (ấp Gia Hòa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) đã bán bớt ít dê trong chuồng để lo tết.

Cuộc sống dần ổn định qua những mùa xuân. Đồng bào dân tộc Chơro của già Lương bắt chước người Kinh trồng tiêu; ruộng làm 3 vụ với 2 bắp, 1 lúa hoặc trồng hoa bán dịp tết; nuôi dê, nuôi bò sinh sản. Nhà nào ít đất, dư lao động thì được vận động học nghề, giới thiệu việc làm, lập dự án vay vốn ngân hàng để nâng cao thu nhập. “Nay địa phương vận động bà con trong làng làm nông thôn mới nên cái đói không còn, lạc hậu cũng lùi vào quá khứ. Mỗi mùa xuân về, đồng bào Chơro trong làng ai cũng có tết vui vẻ, sung túc” - già Lương nói.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng ấp Nguyễn Xuân Mạnh cho biết nhìn vào điều kiện sống, sinh hoạt khó biết làng Chơro của già Lương còn hộ nghèo. Tuy nhiên, ông vẫn thường xuyên vận động các mạnh thường quân trong và ngoài xã mỗi tháng được 1-2 lần tặng quà cho bà con. Riêng dịp lễ, tết thì bà con được tặng nhiều quà và quà giá trị hơn ngày thường.

Cũng theo ông Mạnh, ông và già Lương còn tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của xã, huyện về cho ấp nhằm ưu tiên hỗ trợ dân trong làng về vốn làm ăn, sửa nhà ở, việc làm, cây con giống... “Điều đáng mừng là dân trong làng rất đoàn kết, có ý thức chung tay cùng địa phương trong các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới, nông thôn mới, phát triển kinh tế gia đình” - ông Mạnh bộc bạch.

Qua Tết Dương lịch, những ruộng hoa lay ơn, cúc, thọ… của đồng bào Chơro ấp Trung Sơn đã bắt đầu hé nụ. Vì sức khỏe giảm sút, cái chân của già Lương không cho phép mình đi ngắm hoa của đồng bào trồng thường xuyên như trước, vì vậy mỗi buổi sáng ra trước cửa nhà nhìn mây trắng trên ngọn Gia Lào báo mùa xuân đến, lòng già Lương khấp khởi cùng dân làng đón mùa hoa thắng lợi.

Già Lương nói: “Cây hoa vụ tết là biểu trưng cho sự tiến bộ của đồng bào Chơro ở ấp Trung Sơn. Bởi, cây hoa rất khó tính, nhưng đồng bào của già vẫn chinh phục được nó. Nhờ nó mà năm nào đồng bào Chơro trong ấp cũng có được cái tết vui vẻ”.

Gia Hòa chộn rộn

Ông Trần Văn Bông, Trưởng ấp Gia Hòa bày tỏ, đồng bào Chơro ở Gia Hòa và Trung Sơn đón tết không thua kém người Kinh và các dân tộc thiểu số khác. Ngày tết, nhà nào cũng có thịt, bánh và các loại thức uống để vui xuân, tiếp khách. “Bây giờ, đồng bào Chơro ở đây không còn chuyện vay nông sản non để vui tết hoặc ngày tết co ro trong nhà vì nhà thiếu gạo, thiếu tiền” - ông Bông cho biết.

Dù không trồng được hoa bán tết, đồng bào Choro ở ấp Gia Hòa cũng có tiêu, mì, cao su, dê, bò… để vui xuân.

Ông Nhu Si Luých (người uy tín ở ấp Gia Hòa) cho hay đồng bào Chơro ở Trung Sơn và Gia Hòa là anh em một nhà. Lý do chia làng vì tách ấp chứ không phải anh em mất đoàn kết. Vì vậy, khi đồng bào Chơro ở Trung Sơn biết dựa vào điều kiện khí hậu mát mẻ và nguồn nước dồi dào từ núi Gia Lào để trồng hoa đón tết thì đồng bào Chơro ở Gia Hòa biết sang huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) khai hoang đất để trồng cao su, điều và đẩy mạnh chăn nuôi, tìm việc làm... Nhờ vậy, khi năm hết tết đến, đồng bào Chơro ở Gia Hòa cũng tích lũy được ít tiền để vui xuân.

Cao su sau nhiều năm rớt giá, cuối năm lại tăng cao; các hộ trồng cao su ở Gia Hòa, như: Văn Út, Điểu Kiều, Văn Lực… vui lắm.

Ông Văn Út cho hay, dù diện tích cao su tiểu điền của đồng bào Chơro không nhiều như người Kinh, nhưng cuối năm nghe tin cao su được giá ai cũng mừng. Cho nên, các hộ dân Chơro trong làng có cao su tất nhiên sẽ đón tết lớn hơn, vui hơn năm rồi. Còn ông Điểu Kiều tâm sự, cuối năm mà đồng tiền vô nhà nhiều hơn đi ra thì hên. Vì lẽ đó, dù thu được nhiều cao su ông vẫn đón tết tiết kiệm nhằm giữ cái hên trong nhà lâu dài.

Nhà nào không có cao su thì có bò, dê trong chuồng và tiền thưởng cuối năm, vụ bắp, mì vừa thu hoạch xong để vui tết.

Ông Văn Thác bày tỏ, đồng bào Chơro trong làng nhà nào cũng có bò, dê. Bà con chỉ cần bán con bò hoặc cặp dê là có cái tết ấm áp. Nhà nào có con em làm công nhân thì có thêm tiền thưởng tết nên càng vui hơn. “Chục năm nay, tết đến nhà nào cũng chuẩn bị thịt, bánh để tiếp khách. Riêng trẻ con có quần áo mới, tiền lì xì để chơi xuân. Không như trước kia, nghe tết đến ai cũng sợ, cũng lo vì trong túi không có tiền, nhà không có gạo để ăn” - ông Thác nói.

Để ngày xuân thêm ấm áp, ông Luých họp bàn với những người già, người uy tín trong làng xây dựng hũ gạo tiết kiệm để giúp đỡ người khó. Ông Luých cho biết chỉ cần mỗi nhà dành lại một nhúm gạo khi nấu cơm thì người khó khăn trong làng sẽ có một cái tết vui. Đồng bào Chơro trong làng càng biết bao bọc, đỡ đần nhau thì ai cũng có cái tết vui. Từ suy nghĩ đó, ông Luých đã vận động được gần 2 tấn gạo giúp đồng bào trong làng; đồng thời tết nào ông cũng liên hệ với các mạnh thường quân, đoàn thể và chính quyền xã Xuân Trường xin các phần quà tết chia cho đồng bào.

Nắng xuân làm run rẩy những cánh hoa ở Trung Sơn, khoe dáng những ngôi nhà mới ở Gia Hòa. Cán bộ dân tộc - tôn giáo xã Xuân Trường Thái Đăng Dược cho biết xã Xuân Trường có 10 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống với 417 hộ/1.841 nhân khẩu. Đồng bào Chơro hiện chiếm đa số trong các thành phần dân tộc thiểu số khác ở đây, như: Tày, Mường, Hoa... Từ năm 2011 đến nay, đồng bào các dân tộc thiểu số luôn biết thi đua nhau làm kinh tế, tìm việc làm và cho con ăn học. Nay chỉ cần nhìn vào nếp sinh hoạt, nơi nhà của đồng bào là biết họ có một mùa xuân vui hay buồn.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều