Báo Đồng Nai điện tử
En

Máy bóc vỏ củ hành của 2 học trò

10:01, 06/01/2017

Xuất thân từ gia đình làm nông, 2 học sinh Lê Nhật Phàm và Nguyễn Thành Công (lớp 12, Trường THPT Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) đã quan sát quá trình lao động của người thân rồi mày mò chế tạo chiếc máy bóc vỏ củ hành mang tính ứng dụng cao.

Xuất thân từ gia đình làm nông, 2 học sinh Lê Nhật Phàm và Nguyễn Thành Công (lớp 12, Trường THPT Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) đã quan sát quá trình lao động của người thân rồi mày mò chế tạo chiếc máy bóc vỏ củ hành mang tính ứng dụng cao. Chiếc máy được mang đến tham dự hội thi khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học vừa qua và đã đoạt giải ba của hội thi.

Thầy Lê Cảnh Thu (phải), Phó hiệu trưởng Trường THPT Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ), nghe 2 học sinh thuyết trình về chiếc máy.
Thầy Lê Cảnh Thu (phải), Phó hiệu trưởng Trường THPT Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ), nghe 2 học sinh thuyết trình về chiếc máy.

Thầy Lê Cảnh Thu, Phó hiệu trưởng Trường THPT Sông Ray, chia sẻ: “Chiếc máy bóc vỏ củ hành được các em hoàn thành chỉ trong 10 ngày và rất hữu ích đối với nhiều hộ nông dân. Tôi tin rằng nếu có thêm thời gian hoàn thiện chiếc máy, chắc chắn các em sẽ đoạt giải cao hơn”.

Sáng tạo từ thực tiễn

Tự tin chia sẻ về ý tưởng tạo ra chiếc máy bóc vỏ củ hành, cậu học trò Nguyễn Thành Công cho hay khi nhà trường thông báo có hội thi khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, em liền suy nghĩ tìm tòi ý tưởng. Sau đó, Công nhận thấy quanh nhà em đều là các hộ làm nông với thu nhập bấp bênh; nhiều gia đình nhận thêm việc làm phụ lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập, trong đó có việc bóc vỏ củ hành.

Theo lời Công, với sức một người trưởng thành ngồi làm liên tục trong một giờ chỉ bóc vỏ củ hành được khoảng 1kg. Do mùi hăng của củ hành xộc vào mắt, mũi nên ít có người có thể ngồi bóc vỏ củ hành trong vài giờ liên tục. Thấy vậy, Công nảy sinh ý tưởng làm một chiếc máy để giúp mọi người bóc vỏ củ hành nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Chiếc máy bóc vỏ củ hành được chế tạo từ các vật liệu giá rẻ, dễ thay thế.
Chiếc máy bóc vỏ củ hành được chế tạo từ các vật liệu giá rẻ, dễ thay thế.

“Ở trong lớp, ngồi cạnh em là bạn Phàm học rất giỏi, tư duy vấn đề rất nhanh nên em rủ bạn Phàm cùng thực hiện ý tưởng mới nảy ra trong đầu. Khi nghe chúng em nêu lên ý tưởng của mình, Ban giám hiệu nhà trường đã hết sức ủng hộ và góp ý để giúp chúng em hoàn thiện chiếc máy hơn nữa. Ngay cả gia đình chúng em khi biết chuyện cũng tỏ vẻ thích thú. Nhưng để ý tưởng trở thành hiện thực quả thật rất gian nan, chưa kể phải tạo ra chiếc máy có ứng dụng thực tiễn cao, giá thành phù hợp, linh kiện dễ thay thế” - em Nguyễn Thành Công cho hay.

Quá trình mày mò chế tạo chiếc máy bóc vỏ củ hành mất khoảng 10 ngày, Công và Phàm phải tranh thủ thời gian rảnh buổi chiều và ngày nghỉ học để làm. Ban giám hiệu Trường THPT Sông Ray luôn theo dõi sát sao và hỗ trợ gần như toàn bộ kinh phí để 2 em thực hiện ý tưởng sáng tạo.

Máy bóc vỏ củ hành của Công và Phàm được hình thành từ một khung thép, chạy bằng mô-tơ, vận hành bằng hệ thống truyền động thông qua một cây chổi (được chế từ dụng cụ rửa ly tách) để đánh bong vỏ củ hành. Vỏ củ hành được đánh ra sẽ thải xuống thông qua một khe hở nên không văng lung tung. Một giờ máy bóc củ hành được 3kg, gấp 3 lần so với bóc bằng tay. “Quá trình hoạt động, nếu người sử dụng đổ thêm nước vào lồng chứa củ hành thì có trên 90% củ hành được máy bóc sạch vỏ” - Phàm cho hay.

Lê Nhật Phàm chia sẻ thêm: “Máy nặng khoảng 25kg khi đã lắp đầy đủ linh kiện nên phải cần đến 2 người khiêng. Khi mang chiếc máy cho Ban giám hiệu nhà trường góp ý, các thầy đã hỗ trợ chúng em rất nhiều để cải tiến cơ chế hoạt động cho chiếc máy, nhưng do thời gian dự thi quá gấp nên chúng em không sửa được gì thêm. Đến khi đem dự thi, do chuẩn bị bài thuyết trình sơ sài nên chúng em lúng túng khi giải trình với ban giám khảo. Nếu có thêm 10 ngày để hoàn thiện, chúng em có thể cải tiến chiếc máy hoạt động theo từng mức độ giống như quạt máy, hay chiếc lồng chứa củ hành xoay ngược chiều với chổi quét vỏ, giúp hiệu quả bóc vỏ cao hơn”.

Ước mơ chế tạo phục vụ người dân

Hội thi khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2016 - 2017 được Sở GD-ĐT tổ chức tại Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi từ ngày 7 đến 9-12-2016. Có tất cả 69 dự án thuộc 18 lĩnh vực của 29 đơn vị được vào chung kết cuộc thi.

Chiếc máy bóc vỏ củ hành đoạt giải ba hội thi khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học vừa qua là một sự kiện khiến các học sinh, giáo viên của Trường THPT Sông Ray rất vui, vì đây là giải thưởng cao nhất trong hội thi mà trường đạt được từ trước đến nay.

Thầy Lê Cảnh Thu hào hứng cho biết chiếc máy bóc vỏ củ hành do 2 học sinh của trường chế tạo có tính ứng dụng cao, giá thành sản xuất khoảng 2 triệu đồng, nếu tính toán lại các vật liệu thì giá thành có thể rẻ hơn, dễ sản xuất đại trà hơn.

Khi biết chuyện Lê Nhật Phàm cùng bạn đoạt giải, mẹ của Phàm đi khoe với bạn bè và lập tức có một số bạn hàng của mẹ Phàm tìm gặp em đặt hàng sản xuất chiếc máy bóc vỏ củ hành.

Phàm chia sẻ, một số người chuyên bỏ mối hành phi tại các chợ ở thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách Sông Ray khoảng 20km) cũng tìm đến nhà Phàm đặt hàng làm máy bóc vỏ củ hành. Do năm học cuối cấp, còn phải tập trung vào việc học nên Phàm và Công chưa nhận lời ai cả. Hiện tại, chiếc máy được giữ ở trường, đợi các em chỉnh sửa, hoàn thiện thêm để chuẩn bị tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng Đồng Nai lần thứ II đang tổ chức.

“Em có ước mơ thi đậu vào Trường đại học bách khoa để có thể làm được nhiều máy móc hơn giúp bà con nông dân. Em trưởng thành từ gia đình làm nông, cuối tuần còn phụ mẹ buôn bán (mẹ Phàm bán điểm tâm sáng tại nhà) nên rất hiểu nỗi khổ cực của nhà nông khi mọi thứ đều làm thủ công, nhất khi tuổi cha mẹ em ngày càng cao. Với bản thân em, chiếc máy bóc vỏ củ hành giống như bước đệm, nó giúp em tích lũy thêm kinh nghiệm và tự tin hơn với các dự án sáng tạo sau này” - Lê Nhật Phàm tâm sự.

Còn Nguyễn Thành Công mạnh dạn chia sẻ, nếu sau này không thể học lên tiếp, em sẽ mày mò cải tiến chiếc máy bóc vỏ củ hành và đem sản xuất đại trà để phục vụ người dân.

Công cho rằng nếu có quyết tâm tự học, tự nghiên cứu sẽ vượt qua được khó khăn để chinh phục ước mơ. Và với nền tảng tích lũy được từ những sáng tạo phục vụ cuộc sống hôm nay, Công tin rằng em sẽ làm được nhiều hơn nữa từ sự khởi đầu này.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều