Tháng 5-1951, Trung ương Cục miền Nam quyết định bố trí lại chiến trường, trong đó có chủ trương đẩy mạnh công tác xây dựng căn cứ địa. Xác định Chiến khu Đ là căn cứ quan trọng của cả Nam bộ, Chiến khu Đ được mở rộng và phát triển đáp ứng yêu cầu "không chỉ đơn thuần bảo đảm địa bàn đứng chân cho cơ quan cấp trên mà phải có chiều sâu và toàn diện, đảm bảo vị thế chiến lược và liên hoàn trong phạm vi toàn Miền".
[links()] Tháng 5-1951, Trung ương Cục miền Nam quyết định bố trí lại chiến trường, trong đó có chủ trương đẩy mạnh công tác xây dựng căn cứ địa. Xác định Chiến khu Đ là căn cứ quan trọng của cả Nam bộ, Chiến khu Đ được mở rộng và phát triển đáp ứng yêu cầu “không chỉ đơn thuần bảo đảm địa bàn đứng chân cho cơ quan cấp trên mà phải có chiều sâu và toàn diện, đảm bảo vị thế chiến lược và liên hoàn trong phạm vi toàn Miền”.
Sau khi được giải thoát khỏi nhà tù ở Phú Yên, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được đưa về Chiến khu Đ. |
Thực hiện chủ trương đó, vào tháng 7-1951, tỉnh Thủ Biên thành lập huyện căn cứ Đồng Nai trên cơ sở sáp nhập một số xã của Tân Uyên với huyện Hớn Quản, đưa diện tích vùng Chiến khu Đ lên 3,7 ngàn km2 với khoảng 10 ngàn dân. Để hỗ trợ cho Nam bộ trong giai đoạn hết sức khó khăn, Trung ương đưa ra chủ trương phải chi viện kịp thời. Tiểu đoàn vận tải 320 được thành lập để làm nhiệm vụ tiếp nhận hậu cần. Chiến khu Đ lại giữ trọng trách làm “đầu cầu” cho con đường vận chuyển chiến lược từ Trung ương vào Nam bộ.
Bị buộc lại phải cầm vũ khí
Thi hành Hiệp định Genève, lực lượng vũ trang và chính quyền cách mạng rút đi và tập kết ra miền Bắc. Như đã chuẩn bị sẵn, chính quyền Sài Gòn lập tức cho người ùa vào Chiến khu Đ xây dựng bộ máy cai trị. Ngoài việc đưa dân di cư từ miền Bắc vào bố trí định cư dọc quốc lộ 1, đường 15, 20 và ngoại vi Chiến khu Đ, địch còn cho lập hàng loạt dinh điền trong căn cứ kháng chiến cũ; lập trại be khai thác lâm sản và cho phá rừng ủi thành nhiều con lộ mang tên Trần Lệ Xuân nhằm cắt ngang, xẻ dọc chiến khu lừng lẫy một thời của Việt Minh.
Đến tháng 9-1959, chính quyền Sài Gòn đã hoàn thành việc thành lập tỉnh Phước Thành bằng cách gộp 3 quận: Phú Giáo, Hiếu Liêm và Tân Uyên. Cùng các chi khu: Châu Thành, Bình Long, Phước Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh..., tỉnh mới này đã hình thành một hệ thống căn cứ quân sự liên hoàn bao vây, chia cắt Chiến khu Đ với Nam Tây Nguyên, đồng thời tạo thành tuyến phòng thủ hướng Đông và Đông Bắc cho “thủ đô” Sài Gòn.
Bắt đầu từ tháng 7-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm triển khai chiến dịch Trương Tấn Bửu nhằm tiêu diệt các chiến sĩ cách mạng và những người tham gia kháng chiến trở về. Hàng loạt cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước bị bắt, thủ tiêu. Những đảng viên còn ở lại trong vùng Chiến khu Đ, như: Chín Quì, Lê Thanh, Lâm Quốc Đăng… phải trốn vào vùng rừng núi.
Trong hoàn cảnh hết sức bức xúc, căn cứ vào Đề cương cách mạng miền Nam do Bí thư Xứ ủy Nam bộ Lê Duẩn soạn thảo, vào tháng 12-1956, Xứ ủy Nam bộ họp bàn và quyết định: “…Tích cực xây dựng lực lượng võ trang tuyên truyền, lập các đơn vị võ trang bí mật, xây dựng căn cứ miền núi...”.
Đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến được cử về miền Đông móc ráp các đồng chí Lê Thanh, Lâm Quốc Đăng xây dựng căn cứ.
Đến năm 1957, miền Đông Nam bộ đã hình thành 2 vùng căn cứ lớn. Trong đó, căn cứ Đông Bắc gần Chiến khu Đ cũ được mở rộng lên giáp biên giới Việt Nam - Campuchia (sau đó được gọi là Chiến khu A). Cùng lúc, một số cán bộ, đảng viên ở Biên Hòa bị địch khủng bố đã về Chiến khu Đ phối hợp với lực lượng của đồng chí Chín Quì hình thành đội vũ trang lấy phiên hiệu C250 (đây là một trong những đơn vị tiền thân quan trọng của lực lượng vũ trang miền Đông sau này). Lực lượng Bình Xuyên ly khai được đưa vào chiến khu do đồng chí Phạm Văn Thuận (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa) làm Bí thư Đảng ủy.
Tháng 8-1958, Ban Quân sự và Đảng ủy lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ được thành lập. Ủy viên quân sự Xứ ủy Nguyễn Hữu Xuyến kiêm nhiệm trưởng ban. Đảng ủy có các đồng chí: Mai Chí Thọ, Nguyễn Việt Hồng và Mai Trọng Nhân.
Từ Chiến khu Đ, một phân đội đặc công đã bí mật xâm nhập vào TX.Biên Hòa tập kích vào Nhà Xanh (Văn phòng Nhà máy cưa BIF, trụ sở phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ MAAG), diệt 2 cố vấn Mỹ và làm bị thương 11 tên khác. Trận diệt Mỹ đầu tiên ở miền Nam tạo ra tiếng vang lớn.
Lãnh đạo cách mạng miền nam
Sau phong trào Đồng khởi (1959 - 1960), cách mạng miền Nam bước sang một giai đoạn mới, buộc Mỹ phải bỏ chiến tranh đơn phương chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.
Tháng 1-1961, Bộ Chính trị ra nghị quyết về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: “Ra sức xây dựng mau chóng lực lượng ta về cả hai mặt chính trị và quân sự…, đấu tranh chính trị mạnh mẽ…, tích cực tiêu diệt sinh lực địch…, tạo điều kiện và nắm thời cơ thuận lợi để đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm, giải phóng miền Nam”. Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng miền Nam trong tình hình mới, Bộ Chính trị quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam bộ.
Ngày 10-10-1961, lễ thành lập Trung ương Cục được tổ chức long trọng tại Mã Đà, một khu rừng nằm phía Đông Bắc Chiến khu Đ. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử làm Bí thư Trung ương Cục. Căn cứ Trung ương Cục đóng tại suối Nhung. Từ đây, những chủ trương, đường lối của Trung ương và Bộ Chính trị cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam được tỏa đi khắp nơi. Các chủ trương xây dựng phong trào, mệnh lệnh tác chiến cũng từ vị trí lịch sử này phát ra.
Hơn thế, Chiến khu Đ cũng là nơi Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức ra mắt. Và rồi, dưới sự chỉ đạo của Ban Quân sự miền, Bộ Tư lệnh Khu miền Đông, từ hậu phương và là bàn đạp vững chắc, các đơn vị bộ đội liên tiếp xuất quân đánh vào các cứ điểm quân sự của địch lập nên những chiến công vang dội. Nổi bật là chiến thắng Phước Thành, đánh diệt Chi khu Hiếu Liêm, phá rã cả hệ thống ấp chiến lược, góp phần mở rộng vùng căn cứ Chiến khu Đ về phía hữu ngạn sông Đồng Nai, nối dài với Túc Trưng, Trảng Bom ra đến đường 20 thông với Long Khánh, Bà Rịa.
Cũng từ Chiến khu Đ, Đoàn pháo binh Miền kết hợp quân dân Phước Thành, Biên Hòa tập kích hỏa lực vào Sân bay Biên Hòa gây chấn động Lầu Năm góc của Mỹ; làm hậu phương trực tiếp và bàn đạp cho các chiến dịch: Bình Giã, Đồng Xoài - Phước Long, tổng tiến công Tết Mậu Thân…, góp sức mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc. Đặc biệt, Chiến khu Đ là địa bàn hội quân và xuất phát của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 4 “thần tốc” bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ, gian khổ nhưng rất vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Bùi Thuận