Đường vào xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) mùa này cao su 2 bên đường lô không ngừng trút lá, phơi bày các cụm dân cư ven suối với vài nóc nhà, vườn cây.
Đường vào xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) mùa này cao su 2 bên đường lô không ngừng trút lá, phơi bày các cụm dân cư ven suối với vài nóc nhà, vườn cây. Học sinh các trường tiểu học: Quang Trung, Sông Nhạn và THCS Sông Nhạn, em thì ngồi sau yên xe ôm chặt eo cha mẹ, em tự đạp xe đến trường. Đưa chúng tôi đi thăm những ngôi trường nhỏ được bao bọc bởi bạt ngàn cao su, thầy Trần Như Hoành (Phòng GD-ĐT huyện Cẩm Mỹ) cho hay do nhà xa trường, trường xa khu dân cư nên chuyện học của học sinh xã Sông Nhạn vẫn còn vất vả.
Ba chị em mồ côi cha: Như Ý, Như Thủy và Như Quỳnh, học sinh Trường tiểu học Quang Trung. |
Xã Sông Nhạn có 5 trường học, gồm: 2 trường mầm non, 2 tiểu học và 1 THCS. Các cháu mầm non và học sinh từ lớp 1-3 được cha mẹ đưa đến trường bằng xe máy, còn học sinh từ lớp 4-9 thì cọc cạch đạp xe đến lớp trên những đoạn đường lô cao su. Học sinh ở vùng cao su này ngoài buổi học chính ở lớp, còn phải phụ cha mẹ việc nhà và ra lô cao su chăm sóc vườn cây.
“Hoa” cao su
Mỗi sáng, em Nguyễn Thị Thanh Khá (học sinh lớp 6/3 Trường THCS Sông Nhạn) phải đạp xe qua các đường lô, ngõ tắt để đến trường. Nhà cách trường 5 cây số, Khá (5 năm liền là học sinh giỏi) bắt đầu buổi đến trường từ lúc 5 giờ. Hoàn cảnh của em rất khó khăn, cha mất khi em chưa lọt lòng, mẹ làm công nhân, chị gái học hết THCS phải nghỉ học. Để đủ năng lượng cho buổi học sáng, từ lúc 4 giờ 30 em đã ăn một bụng cơm thật no do mẹ nấu.
Trong khi đó, nhà ở ấp Suối Đục, cách trường học gần 10 cây số đường lô nên 2 anh em họ Lê Hữu Tiến (học lớp 6/2) và Lê Thị Mỹ Liên (học lớp 6/3) thường phải đến trường từ lúc 4 giờ sáng.
Xe đạp là phương tiện đến trường của phần lớn học sinh xã Sông Nhạn. |
Thầy Ung Ngọc Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Sông Nhạn, cho hay ấp Suối Đục có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hiện trong ấp có 6 học sinh theo học tại trường. Trường THCS Sông Nhạn có 407 học sinh/13 lớp. Ngoài việc tiếp nhận số học sinh hoàn thành chương trình lớp 5 từ 2 trường tiểu học: Quang Trung và Sông Nhạn, nhà trường còn tiếp nhận thêm 87 học sinh ở khu vực Suối Râm (xã Xuân Quế).
Mẹ vào ca sớm, 3 chị em: Như Quỳnh (học lớp 1/1), Như Thúy (học lớp 3/1) và Như Ý (học lớp 4/1) sau khi cơm nước đã bồng em gái Như Yến gửi nhà trẻ. Sau đó, 3 chị em nhanh bước đến Trường tiểu học Quang Trung cho kịp buổi học sớm. Chồng mất sớm, chị Nguyễn Thị Trang (mẹ của các em) phải thuê nhà trọ gần Trường tiểu học Quang Trung để tiện cho các con học tập. Như Ý cho biết sáng sớm mẹ em đã theo xe đưa rước công nhân đi làm, chiều tối mẹ mới về. Là chị cả, Như Ý có trách nhiệm trông nom, lo cơm nước cho các em và nhắc nhở các em chuyện học tập. Thương mẹ, Như Ý càng tỏ rõ là người chị cả trong việc trông em khi mẹ xa nhà.
Tình thầy trò
Chuyện học tập của học sinh vùng Sông Nhạn luôn gắn chặt với cây cao su. Thời cao su được giá, các em đến trường được cha mẹ chăm chút tươm tất hơn. Nay cao su mất giá, đồng lương cha mẹ kiếm được eo hẹp, nhiều em phải ra lô phụ giúp cha mẹ chăm sóc, vệ sinh vườn câ hay ở nhà lo cơm nước, chăm em sau buổi học. |
Với thầy trò ở nơi bạt ngàn cao su như xã Sông Nhạn, không có chuyện học thêm, dạy thêm. Lý do rất đơn giản, đoạn đường từ nhà tới trường của thầy trò nơi đây nếu ở gần thì vài cây số, còn xa trên 10 cây số. Để có buổi học chính trọn vẹn tại lớp học trong ngày là cả sự nỗ lực lớn từ phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo nơi đây.
Không học thêm và dạy thêm, học sinh vùng cao su vẫn có đôi bạn cùng tiến để hỗ trợ nhau trong học tập, được thầy cô kèm thêm trong những lúc giải lao. Riêng học sinh lớp 8-9 sẽ được các thầy cô dạy phụ đạo miễn phí, bồi dưỡng nghề theo chương trình. Dù chủ yếu là tự học, nhưng các em vẫn được thầy cô đánh giá chăm ngoan, hiếu học.
Thầy Đinh Xuân Hòa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sông Nhạn, tự hào cho biết chuyện học sinh tự học, giáo viên tự giác nâng cao chuyên môn và dạy bồi dưỡng thêm kiến thức cho học sinh trong trường đều trên tinh thần tự nguyện, trách nhiệm cá nhân chứ trường không bắt buộc, không trả thù lao. Tuy vậy, năm nào trường cũng có giáo viên và học sinh đạt danh hiệu cấp huyện, tỉnh qua các phong trào thi đua của ngành.
Trường còn khó khăn, đời sống con em trong vùng còn thiếu thốn, để tiếp sức sự hiếu học của học sinh, các trường trên địa bàn xã Sông Nhạn luôn có những phần quà nho nhỏ dành riêng cho học sinh của mình. Đó là những chú heo đất tiết kiệm của học sinh “nuôi” tại lớp (hoặc ở nhà) rồi đem ra giúp bạn. Những ngày lương của giáo viên, nhân viên tại các trường ủng hộ học sinh nghèo vượt khó, rồi tấm lòng phụ huynh, chính quyền, đoàn thể xã Sông Nhạn…, thật sự là sự động viên lớn, tiếp sức học sinh đến trường.
Hình ảnh những chiếc xe đạp cọc cạch trên những đường lô cao su trơn trượt vào buổi sáng, buổi trưa của học sinh xã Sông Nhạn thật sự ấn tượng. Thầy Võ Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung, chia sẻ nhờ mạnh thường quân tặng xe đạp mới cho các học sinh ở ấp Suối Đục nên trường đã xóa được điểm lẻ ở đây. Hiện trường vẫn còn 2 điểm lẻ: phân hiệu ấp 5 và ấp 6. Để bước chân học sinh bớt vất vả, nhà trường khát khao được mạnh thường quân xa gần ủng hộ xe đạp cho các em bên cạnh học bổng, sách vở…
11 giờ trưa, đường về nhà của các học sinh xã Sông Nhạn râm mát dưới bạt ngàn cao su phủ bóng. Những hàng cao su “chụm đầu” che mát bước chân các học sinh nhỏ trên đường lô cao su đẹp không kém sự bảo bọc của phụ huynh, thầy cô và xã hội dành cho các em. Một cơn gió thoảng qua, cao su bạt ngàn trút lá xuống đường lô, các em học sinh gồng sức đạp xe leo dốc để kịp về nhà ăn buổi cơm trưa, ra lô cao su phụ mẹ vệ sinh vườn cây và cả ngồi vào bàn học để mai này được bước tiếp lên THPT, đại học.
“Học sinh ở đây được đến trường là cả một nghị lực, sự chung sức rất lớn của phụ huynh, nhà trường, chính quyền và xã hội. Nhà trường, chính quyền, Phòng GD-ĐT huyện rất trân trọng tấm lòng của các mạnh thường quân đến với học sinh vùng cao su, như: Sông Nhạn, Xuân Quế, Xuân Mỹ…” - thầy Trần Như Hoành bộc bạch với chúng tôi trên đường về.
Đoàn Phú