Hậu quả tai nạn giao thông không chỉ khiến người bị nạn trả giá bằng sức khỏe hay sinh mạng, mà còn gây ra những thảm cảnh đau lòng cho những người ở lại, đồng thời gây thiệt hại rất lớn cho xã hội...
Hậu quả tai nạn giao thông (TNGT) không chỉ khiến người bị nạn trả giá bằng sức khỏe hay sinh mạng, mà còn gây ra những thảm cảnh đau lòng cho những người ở lại, người thân trong gia đình, đồng thời gây thiệt hại rất lớn cho xã hội trong việc khắc phục hậu quả do TNGT gây ra.
Hưởng ứng lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT (ngày 20-11), Báo Đồng Nai khởi đăng loạt bài với những câu chuyện về nỗi đau mang tên TNGT, qua đó nêu lên những sáng kiến, mô hình hay nhằm chung tay đẩy lùi thảm họa TNGT.
Bài 1: Nỗi đau mất con
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, hậu quả để lại rất nặng nề và không thể nào bù đắp. Sau tai nạn, cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn, thậm chí rơi vào cảnh bi kịch: người may mắn sống sót, nhưng mang thương tật vĩnh viễn; người không may thì ra đi mãi mãi, để lại những khoảng trống không thể bù đắp cho người ở lại.
Bà Vũ Thị Nhạn buồn bã bên di ảnh của 2 con gái sau vụ tai nạn giao thông. |
Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT sẽ được tổ chức vào ngày 20-11 với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - vì người ở lại”.
Tai họa đau lòng ập đến
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 10 tháng của năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 341 vụ TNGT, làm chết 266 người và 214 người bị thương. Nếu so với 10 tháng cùng kỳ của năm 2015, số vụ TNGT giảm 2,8%, người bị thương giảm 11,6%, nhưng số người chết do TNGT lại tăng 3,9%. |
“9 giờ ngày 19-12-2015, điện thoại của tôi rung lên bần bật. Tôi bắt máy, đầu dây bên kia thông báo 2 con gái của tôi vừa ra đi sau vụ TNGT... Chỉ mới mấy tiếng trước đó, tôi còn gọi điện thoại bảo các con trên đường đi học về ghé nhà dì lấy đồ ăn mang về cho tôi nấu cơm trưa. Vậy mà, một lúc sau thì chúng đã mãi mãi không về nhà nữa” - bà Vũ Thị Nhạn nấc lên nghẹn ngào.
Bao năm qua, người dân ở xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) đã quá quen với cảnh bà Nhạn buôn thúng bán bưng, một mình gồng gánh nuôi 4 con trong căn nhà nhỏ bé. Bởi, từ khi con út mới tròn 4 tuổi cho đến nay, chồng bà đã bỏ đi biệt xứ. Cuộc sống của mấy mẹ con luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau, nhưng chưa bao giờ bà phải để các con dang dở chuyện học.
Các con đều học giỏi, ngoan hiền nhưng lại ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ bỏ lại bao ước mơ dang dở khiến người mẹ day dứt, dằn vặt. Nguyễn Thị Tuyết Trâm, cô con gái lớn sau 2 năm du học ở Đức về, chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sĩ với những công trình, dự định tâm huyết đang làm, đành phải xếp lại. Bao nhiêu lời hứa giúp mẹ kiếm tiền để có đồng ra đồng vào nuôi các em ăn học mãi không thực hiện được. Còn cô em gái vừa bước vào giảng đường đại học, chưa kịp làm quen với môi trường học tập mới cũng dang dở nửa chừng.
Câu chuyện giữa bà Nhạn với chúng tôi không liền mạch bởi thỉnh thoảng bà lại ôm di ảnh các con mà gào thét tên con. Ngày con mới gặp nạn, chiều nào bà cũng ra mộ con khóc trong quằn quại, nhớ thương. Bà vật vã với nỗi đau tột cùng như muốn hóa điên khi nhìn đâu cũng nhớ đến con và bây giờ chỉ biết ngắm nhìn, vuốt ve qua tấm di ảnh.
“Đứa con trai đầu của tôi bị sốc mạnh khi chứng kiến 2 em gái mãi mãi ra đi nên thường xuyên bỏ nhà đi lang thang. Phải hơn nửa năm sau tôi mới tìm được nó và khi trở về nhà nó trở nên ngơ ngác khiến nỗi lo càng đè nặng lên vai tôi. Nhưng điều khiến tôi đau xót là sau tai nạn, phía nhà xe bồi thường 350 triệu đồng, chồng trở về không động viên, an ủi tôi mà còn đòi chia đôi số tiền ấy” - bà Nhạn tâm sự.
Cả nhà có một cuốn sổ ghi các khoản thu, chi, trong đó chi chít những khoản nợ vay, tiền lãi hàng tháng lo đóng tiền học bao năm qua cho các con. Rồi khi gia đình gặp cảnh suy kiệt, chủ nợ thương cảm chấp nhận không đòi tiền lãi, nhưng bà Nhạn vẫn không đủ khả năng chi trả. Bất hạnh, tai họa liên tục ập đến, chính bà cũng không thể tin nổi chuyện các “núm ruột” của mình đang ngời ngời tương lai, bỗng chốc lại yên ngủ dưới đám cỏ xanh.
2 năm mất 2 đứa con
Trong nhiều nỗi đau mất người thân, có lẽ cái chết do TNGT để lại nhiều day dứt, tiếc nuối hơn cả. Với những bậc làm cha mẹ, không gì đau đớn bằng thảm cảnh “lá xanh rụng trước lá vàng”. Và hơn hết, khi liên tục chứng kiến con trẻ mãi không trở về sau TNGT, có lẽ nỗi đau ấy sẽ còn kéo dài trong lòng, dài hơn cả tháng năm họ đã vất vả nuôi lớn những đứa con.
Sau tai nạn của người con trai vào năm 2010, bà Lê Thị Nhượng (ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) rùng mình lắc đầu khi ai đó rủ ra đường. Nỗi lo ấy khiến bà lúc nào cũng không quên nhắc nhở chồng con phải luôn chú trọng an toàn giao thông, không vội vàng làm gì để rồi phải trả một cái giá quá đắt. Thế nhưng, cũng chẳng tránh được…
Ngày 12-11-2011, khi con gái út học lớp 10 đang trên đường đi học về thì xảy ra tai nạn. Lúc nghe báo tin dữ, bà choáng váng và khụy xuống vì nỗi đau đớn đã vắt kiệt sức lực hoàn toàn. Cuộc đời lại lần nữa cướp mất của bà một người con bé bỏng. Từ nay, cô nữ sinh lớp 10 đã vĩnh viễn không thể đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Hai năm, 2 đứa con chết vì TNGT, tất cả đều còn quá trẻ khiến người ở lại càng đau lòng hơn.
“Tôi có 3 đứa con, một đứa đã mất rồi nên tất cả yêu thương dồn hết vào 2 đứa còn lại. Giang là đứa con gái hiền lành, ngoan ngoãn, rất yêu thương mọi người trong nhà và bạn bè, người thân. Vậy mà… Giờ đây, mỗi bữa cơm gia đình đều thiếu đi 2 thành viên, cảm giác lạnh lẽo, nghẹn ngào bao trùm lên căn nhà nhỏ này” - bà Nhượng nói với giọng buồn bã.
Đã 5 năm trôi qua, nỗi đau của người mẹ ấy vẫn chưa thể nguôi ngoai. TNGT để lại hậu quả quá khủng khiếp khiến cuộc sống của gia đình bà hoàn toàn bị đảo lộn. Giờ đây, niềm mong mỏi duy nhất của bà là mỗi khi bước ra đường mọi người trong nhà đều về an toàn. TNGT trở thành nỗi ám ảnh khiến bà thon thót giật mình mỗi khi nghe tin tai nạn vừa xảy ra đâu đó.
“Không có gì đau đớn bằng việc chỉ trong thời gian ngắn 2 con của mình liên tục gặp nạn. Ngồi trong nhà nhưng đầu óc cứ ngóng ra đường, hễ nghe rầm rầm, người la í ới là biết có sự không hay. Chừng nào chồng con chưa về nhà là bụng dạ tôi chưa yên…” - bà Nhượng nói trong ánh mắt đỏ hoe.
Thanh Hải
Bài 2: Bất lực vì tai nạn giao thông