Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa cây trái ở cù lao Cồn Xịn

08:04, 25/04/2016

Với diện tích gần 40 hécta, xung quanh bao bọc bởi dòng sông Cái rộng lớn nặng trĩu phù sa, những vườn cây ăn trái nổi tiếng ở cù lao Cồn Xịn (ấp 1, xã Tam An, huyện Long Thành) luôn xanh tốt, cho trái quanh năm. Bước vào mùa thu hoạch, cả cù lao rộn ràng tiếng chào mời, ngả giá của thương lái thu mua trái cây từ khắp nơi đổ về đây.

Với diện tích gần 40 hécta, xung quanh bao bọc bởi dòng sông Cái rộng lớn nặng trĩu phù sa, những vườn cây ăn trái nổi tiếng ở cù lao Cồn Xịn (ấp 1, xã Tam An, huyện Long Thành) luôn xanh tốt, cho trái quanh năm. Bước vào mùa thu hoạch, cả cù lao rộn ràng tiếng chào mời, ngả giá của thương lái thu mua trái cây từ khắp nơi đổ về đây.

Ông Bảy Dô chăm sóc vườn sầu riêng đang vào vụ cho trái.
Ông Bảy Dô chăm sóc vườn sầu riêng đang vào vụ cho trái.

Các giống cây trái đặc trưng của miệt Long Thành luôn cho năng suất cao ở Cồn Xịn, đã giúp cuộc sống của bà con nông dân nơi đây đổi đời.

* Miệt vườn đủ loại cây trái

Nhìn vườn cây cho quả ngọt quanh năm, lão nông Bảy Dô (60 tuổi) vui vẻ chia sẻ, cù lao Cồn Xịn trước đây thường bị ngập vào mùa nước nổi, mỗi lần trời mưa lớn kết hợp với triều cường thì không loại cây nào sống nổi. Vậy mà ngày nay, Cồn Xịn đã trở thành một vùng cây ăn trái xum xuê.

Ông Bảy Dô được coi là người đầu tiên chuyển vùng ruộng trũng sang trồng cây ăn trái ở cù lao Cồn Xịn. Ngày ấy, để ngăn không cho nước sông tràn vào ruộng lúa, ông đã tốn không ít công sức, tiền của làm bờ bao quanh phần đất nhà mình. Ông đã cất công thuê xà lan múc đất từ lòng sông lên đắp bờ bao, nhưng xem ra việc này không mấy thuận lợi. Việc đắp đất, be bờ phải phụ thuộc vào con nước, những lúc thủy triều lên đành dừng lại, đợi cho đất khô mới đắp tiếp lớp khác lên. Không ít lần gặp mưa lớn hay triều cường lên bất ngờ, công sức cả ngày trôi hết xuống sông.

Bên cạnh sự hồ hởi, những nông dân ở cù lao Cồn Xịn như ông Bảy Dô cũng có lo lắng: “Không chỉ vất vả vào thời gian đắp đê, mà ngay cả hiện nay, mỗi khi đến mùa nước lớn cả gia đình đều cố gắng gia cố bờ đê, ngăn không cho nước sông tràn vào. Ngoài ra, thời tiết năm nay nắng hạn, bà con nông dân tụi tôi như ngồi trên đống lửa vì tình trạng xâm nhập mặn, một số vườn cây đã bị ảnh hưởng, không cho thu hoạch”.

“Hồi ông, cha tôi mới đến đây lập nghiệp, do nước sông tràn vào đồng nên chỉ trồng lúa thôi. Trồng lúa hồi đó có năm được mùa, năm lại mất trắng, cuộc sống khá bấp bênh. Sau khi cải tạo đất, vào năm 1996 tôi nghĩ đến việc chuyển đổi ruộng lúa thành đất vườn để trồng cây ăn trái sau mấy lần đến các tỉnh miền Tây tham quan, học hỏi” - ông Bảy Dô kể lại.

Khi bờ bao hoàn tất, ông Bảy Dô bắt đầu đào mương trong các khu trồng cây ăn trái vừa để giữ nước mùa khô vừa thoát ngập úng vào mùa mưa. Vậy là trải qua nhiều vất vả, đánh đổi bao sức người và tiền của, vườn cây ăn trái với đủ loại đặc trưng của miệt Long Thành, như: măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, dâu da… dần hình thành, thay cho những ruộng lúa ngập nước.

Sau gần chục năm, vườn cây mang về những vụ mùa bội thu thì cũng là lúc ông Bảy Dô tính đến chuyện mở rộng diện tích. Thấy cách làm ăn hiệu quả của ông, người dân quanh đây bắt đầu học theo để phát triển kinh tế. Chẳng bao lâu mà cù lao Cồn Xịn với ruộng lúa ngập nước ban đầu đã trở thành những vườn cây ăn trái nổi tiếng. Đến nay, gần 15 hộ dân cù lao Cồn Xịn quanh năm chỉ sinh sống bằng nghề làm vườn như xứ miệt vườn các tỉnh miền Tây Nam bộ. Vào mùa trái cây chín (khoảng từ tháng 4-7 âm lịch) cả dải đất cù lao trở nên rộn ràng đông vui, các thương lái đổ xô vào tận vườn thu mua, xuất bán trái cây đi khắp nơi.

Theo chân nông dân Út Tràng đến tham quan vườn măng cụt, sầu riêng của gia đình ông mới thấy thiên nhiên không phụ sức người. Vườn cây của ông thuộc loại có thâm niên ở vùng này. Ông Út Tràng cho biết, khách mới đến cù lao Cồn Xịn lần đầu nếu không có người hướng dẫn dễ đi lạc, bởi lối đi vào khá quanh co, đôi khi đường đi chỉ vừa chiếc xe máy chạy, người này muốn qua phải đợi người khác. Bên trong vườn, những bờ bao băng ngang, xẻ dọc vừa là lối ngăn cách, cũng chính là đường đi giữa các khu vườn. “Ở đây như một miền Tây sông nước thu nhỏ, hết mùa sầu riêng đến chôm chôm, măng cụt… Cây cối quanh năm xanh tốt nhờ sát mé sông, hương vị cây trái có vị ngọt của phù sa” - ông Út Trang vui vẻ nói.

* Đổi đời nhờ cây trái đặc sản

Những nông dân trồng cây ăn trái ở Cồn Xịn cho rằng, nhờ nằm giữa dòng sông Cái rộng lớn và được thiên nhiên ưu đãi nên cù lao Cồn Xịn đã trở thành một vùng chuyên canh cây ăn trái với đủ loại đặc trưng của Nam bộ, như: măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, dâu da… Trong đó, hộ nào ít đất có khoảng vài trăm gốc cây ăn quả, có hộ hàng ngàn gốc với 6-7 hécta đã cho thu nhập khá mỗi năm.

Nông dân thu hoạch vườn dâu trĩu quả.
Nông dân thu hoạch vườn dâu trĩu quả.

Bà Trần Thị Sáu chia sẻ, trồng cây ăn trái cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Để biến vùng ruộng ngập này thành những khu vườn là một công việc không mấy dễ dàng. Qua từng năm, vườn cây hơn 3 hécta gồm nhiều loại cây trái đã cho thu nhập khiến bà phấn khởi. Đợt này, vườn dâu của gia đình bà chuẩn bị bước vào thu hoạch, sắp tới là sầu riêng, măng cụt hứa hẹn sẽ mang về một khoản thu lớn. “Sầu riêng, măng cụt được xem là đặc sản của cù lao Cồn Xịn. Vào vụ thu hoạch, nếu giữ được mức giá cao như hiện nay, nhà vườn rất phấn khởi, an tâm để sản xuất. Với mảnh vườn nhà, trung bình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, thực sự đã thay đổi cuộc sống của gia đình tôi” - bà Sáu hồ hởi chia sẻ.

Còn với anh Tư Dân, từ khi đến lập nghiệp ở cù lao Cồn Xịn cuộc sống của gia đình anh đã khấm khá hơn. Theo anh Tư Dân, đất ở đây do có phù sa bồi đắp thường xuyên nên rất màu mỡ, cây phát triển tốt, sâu bệnh cũng ít đi. Từ 1 hécta ban đầu, anh đã mua thêm 2 héc ta đất nữa để lập thành khu vườn với nhiều loại cây trái. Với tính toán của anh, vườn cây sẽ cho thu nhập quanh năm, khi cây trồng chủ lực chưa vào vụ thì đã có nguồn thu của các loại cây phụ, như: mận, bưởi…

“Vụ thu hoạch này, do ảnh hưởng thời tiết nên vườn sầu riêng của tôi đạt năng suất thấp hơn mọi năm, nhưng nếu được giá cao vẫn có lời. Vào mùa khô nóng, khí hậu nơi đây thật tuyệt vời khi được che phủ bởi những tán cây măng cụt, chôm chôm rộng lớn; những cơn gió từ sông lớn thổi vào mát rượi, khiến nông dân chúng tôi đều thích thú khi chọn nơi đây để gắn bó và phát triển kinh tế” - anh Tư Dân tâm sự.

Thanh Hải

 

 

 

Tin xem nhiều