Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện ông Trưởng ấp Hai Liễu

11:04, 15/04/2016

Sinh ra và lớn lên ở ấp 2, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), ông Dương Ngọc Liễu (còn gọi là Hai Liễu) hiểu vùng đất, con người nơi đây như hiểu ruộng vườn, người thân trong gia đình mình. Cho nên, chuyện ông vận động người dân trong ấp mở rộng đường đi, kéo điện về thắp sáng xóm ấp, từ bỏ thói quen sinh hoạt mất vệ sinh… không khó.

Sinh ra và lớn lên ở ấp 2, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), ông Dương Ngọc Liễu (còn gọi là Hai Liễu) hiểu vùng đất, con người nơi đây như hiểu ruộng vườn, người thân trong gia đình mình. Cho nên, chuyện ông vận động người dân trong ấp mở rộng đường đi, kéo điện về thắp sáng xóm ấp, từ bỏ thói quen sinh hoạt mất vệ sinh… không khó.

Phó Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp 2 Hai Liễu
Ông Hai Liễu, Phó bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 2

Cái khó khăn, nỗi trăn trở của ông Hai Liễu khi được Đảng ủy, UBND xã phân công nhiệm vụ Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 2 vào năm 2005 là làm sao để phong trào ấp từ yếu kém vươn lên vững mạnh; đồng thời xốc lại lề lối làm việc của cán bộ ấp theo tinh thần: “Cán bộ nhận nhiệm vụ thì “mần” việc ra “mần” việc, không được lười biếng…”.

* Trưởng ấp năng động

Từ vị trí Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã được điều về phụ trách ấp 2 với chức danh Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận ấp, nghĩa là ông Hai Liễu bị “giáng” cấp, nhưng ông vẫn vui vẻ cho rằng, trình độ học vấn lớp 5 của ông làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã suốt 14 năm vậy là đủ rồi. Ông bảo cần phải nhường chỗ cho người trẻ, có trình độ, năng lực hơn để làm việc. Hơn nữa, nhiệm vụ cao mà làm không tốt, thà ông chọn nhiệm vụ nhỏ, vừa sức để làm, như vậy mới xứng là đảng viên gương mẫu, biết tự trọng.

Năm 2005, dân cư ấp 2 còn thưa thớt, sống phân tán nơi vườn tược, điện, đường, nước sạch, đời sống người dân chẳng có gì gọi là phát triển, văn minh. Hệ thống chính trị của ấp lúc đó dù có đủ tổ chức này, đoàn thể nọ nhưng do không sát dân, thiếu trách nhiệm với phong trào, hoạt động thì cầm chừng nên liên tục bị cấp trên đánh giá yếu kém, mờ nhạt so với các ấp khác. “Ấp tổ chức họp dân mà chỉ có vài chục người đi dự. Như vậy, kế hoạch, chủ trương phát triển của ấp, xã quán triệt có mấy người biết, nắm chắc mà thực hiện ấp, xã thì ấp sao phát triển, mạnh lên được” - ông Hai Liễu nói.

Cũng vì trình độ học vấn thấp nên ông Hai Liễu giữ chức Bí thư Chi bộ ấp được 3 năm thì “tụt” xuống làm phó, nhưng vẫn kiêm chức danh Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 2. Tuy vậy, tiếng nói của ông Hai Liễu vẫn có trọng lượng với cán bộ ấp, bởi ông luôn hết mình vì công việc, vì trách nhiệm của người đảng viên được cấp trên giao. “Thà chức nhỏ nhưng làm được nhiều việc tốt cho bà con vẫn thích hơn ngồi giữ chức to mà không làm được việc gì. Mấy tháng nay tui bệnh nên ít đi cơ sở, vậy mà bà con cứ điện thoại hỏi thăm hoài” - ông Hai Liễu tự hào.

Vậy là, ông Hai Liễu nghĩ ngay đến chiến thuật tác chiến của người lính (thời ông còn làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Long Thọ). Mỗi lần triển khai chủ trương, chính sách, kế hoạch gì mới của ấp, xã thì ông chỉ đạo Ban điều hành ấp, đoàn thể, Mặt trận tập hợp dân tại nhiều địa điểm để triển khai một nội dung trong nhiều ngày. Địa điểm tổ chức họp dân phải là điểm mà bà con từ “ba phương, tám hướng” tập hợp về tiện nhất, nhanh nhất. Đó là điểm họp tại nhà các ông: Đinh Công Thanh, Lê Văn Nên, Bùi Văn Mao, Ngô Đình Hướng… Như vậy, mấy trăm hộ dân của ấp 2 chẳng sợ đường xấu, bỏ công ăn việc làm để đến dự các buổi họp ấp.

Khi đã quy tụ được dân rồi, ông Hai Liễu cùng Ban điều hành ấp, chi hội, đoàn thể tự chấn chỉnh lại mình, xốc lại tinh thần làm việc, đi sát dân hơn nữa. Ông quán triệt, mỗi cán bộ ấp, đoàn thể đều phải biết mặt dân và để dân ai cũng biết mặt cán bộ ấp. Mỗi tổ chức, đoàn thể phải xây dựng cho mình vài mô hình tiêu biểu để thu hút, tập hợp hội viên và gặp khó khăn gì trong công tác phải kiến nghị ngay để ông và Ban điều hành ấp tháo gỡ. “Cán bộ nhận nhiệm vụ rồi thì “mần” cho “ra” việc, không được lười biếng. Phải như vậy ấp mới mạnh, dân mới tin tưởng mình” - Trưởng ấp Đoàn Thanh Lương thuật lại đúng nguyên văn lời ông Hai Liễu chỉ đạo lúc đó.

* Huy động sức dân

Phong trào xây dựng đời sống mới ở khu dân cư trên địa bàn ấp 2 vào năm 2005 đã đạt được một số thành tựu về: điện, đường, phong trào…, nhưng ông Hai Liễu vẫn chưa hài lòng, khi số hộ dân trong ấp sử dụng nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh môi trường chưa nhiều, ấp vẫn còn nhiều tuyến đường lầy lội, nhà ở của dân còn tạm bợ, đời sống chưa tương xứng với lợi thế đất đai sẵn có… Muốn thay đổi được điều này, ông Hai Liễu cho rằng, sách lược tối ưu nhất là huy động sức dân và tranh thủ sự hỗ trợ của xã, huyện để làm và tập thể ấp phải quyết tâm làm cho thật tốt.

 

Con đường mang dấu ấn vì dân của ông Hai Liễu.
Con đường mang dấu ấn vì dân của ông Hai Liễu.

Sau khi củng cố được hệ thống chính trị đủ mạnh, đoàn kết, trách nhiệm, ông Hai Liễu và cán bộ ấp liên tục xuống dân triển khai kế hoạch làm đường, kéo điện, xây nhà tình thương, phát động phong trào ăn ở, sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường... Nơi nào bà con chưa thông thì ông và cán bộ ấp kiên trì gặp gỡ thuyết phục, tạo điều kiện cho họ vay vốn để đóng góp, hoặc xin xã hỗ trợ một phần kinh phí…

Cách làm của ông Hai Liễu và tập thể cán bộ ấp 2 nhanh chóng phát huy được sức mạnh tập thể. Nhờ vậy, từng tuyến đường giao thông trong ấp trước kia vốn nhỏ hẹp, lầy lội, nay được cứng hóa, nâng cao, mở rộng. Có đường đẹp thôi chưa đủ, nhân dân ấp 2 còn được ông Hai Liễu vận động góp tiền để kéo điện về sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất.

Có điện thắp sáng, đường đi lại thuận tiện đã làm lộ ra những căn nhà xập xệ trong ấp. Không chịu được cảnh nhà ở xập xệ, người dân ấp 2 tự động bỏ tiền ra xây lại nhà, làm nhà vệ sinh đúng cách và bỏ hẳn thói quen sinh hoạt mất vệ sinh. “Nếu thiếu sự đồng thuận của dân thì ấp, xã “đào” đâu ra tiền để làm công trình này, phong trào nọ. Điều quan trọng là biết cách huy động sức dân, sự đồng thuận của dân để làm. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên phải trách nhiệm, gương mẫu, công khai, minh bạch, gần dân thật sự thì mới được” - ông Hai Liễu tâm sự.

Ấp 2 vốn là thuần nông, đời sống người dân trong ấp hoàn toàn phụ thuộc vào những vụ lúa, hoa màu và đánh bắt thủy sản tự nhiên. Nay thu nhập chính của người dân trong ấp không còn hoàn toàn phụ thuộc vào nông nghiệp nữa, mà phân chia làm 3 nhóm nghề nghiệp chủ yếu, gồm: công nhân (chiếm tỷ lệ 45%), nông dân (20%) và dịch vụ (35%).

Theo trưởng ấp Đoàn Thanh Lương, đến nay ấp 2 đã có 100% hộ dân sử dụng điện, nước sạch, nhà ở khang trang, hố xí hợp vệ sinh. Số hộ nghèo chỉ còn 5 hộ; đường giao thông bê tông, trải nhựa đạt trên 75% tổng số đường làng, ngõ xóm trên địa bàn; số hộ dân tham gia nâng cấp tiêu chí nông thôn mới đạt trên 90%. “Ấp 2 được như ngày hôm nay, công của ông Hai Liễu rất lớn. Tính sơ sơ, sức dân bỏ ra để làm các công trình nông thôn mới mấy năm gần đây cũng trên 10 tỷ đồng” - ông Lương bộc bạch.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều