Tháng 4 sắp hết, những cánh rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ 600, huyện Tân Phú chăm sóc vẫn duy trì cấp báo động 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Tháng 4 sắp hết, những cánh rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ 600, huyện Tân Phú chăm sóc vẫn duy trì cấp báo động 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Những chòm lồ ô, cây bụi... mọc xen trong rừng già đang khô héo, rụng lá vì thiếu nước. Nhìn cây rừng phơi mình dưới cái nắng gay gắt, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ 600 Phạm Văn Giao xót lòng cho biết, rừng vốn đã nghèo, nếu không được bảo vệ tốt thì công lao chăm sóc, bảo vệ rừng mấy chục năm nay coi như công cốc.
Leo dốc tuần rừng. |
Rừng tự nhiên thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ 600 chăm sóc phần lớn nằm trên những ngọn đồi, khu vực nhiều dốc và đá. Mùa nắng, lực lượng bảo vệ rừng chỉ với tay chân, dao rựa, can nước, bình xịt vác vai… leo ngược con dốc để bảo vệ màu xanh cho những vạt rừng, quả đồi.
* Giữ rừng thời hạn hán
Ban Quản lý rừng phòng hộ 600 quản lý gần 5 ngàn hécta rừng, đất lâm nghiệp, trong đó rừng tự nhiên và rừng tái sinh trên 1,4 ngàn hécta. Ông Ngô Gia Lạc, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng 600, cho hay diện tích rừng tự nhiên ở đây thuộc kiểu trạng thái rừng lồ ô - mun và rừng hỗn giao gỗ - lồ ô. Vào mùa khô, những loài cây lồ ô, mun thường rụng lá tạo thành tầng thảm khô dày rất dễ bén lửa, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Đặc biệt, tại một số khu vực đồi cao, có tầng đá ngầm và lớp đất mặt mỏng, nắng hạn kéo dài, mun và lồ ô dễ chết vì thiếu nước. Riêng rừng trồng thì cây sinh trưởng chậm vì đặc điểm đất nghèo dinh dưỡng.
Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ 600 Phạm Văn Giao cho hay, nhờ làm tốt công tác tuyên tuyền, phối hợp giữa các lực lượng, đơn vị mà 10 năm qua đơn vị không để xảy ra cháy rừng. Đời sống người dân nhận giao khoán đất rừng, bảo vệ rừng khá lên thì nguy cơ xâm hại rừng giảm đến mức thấp nhất. |
Do rừng tự nhiên nằm trên những quả đồi, khu vực triền dốc nên việc tuần tra, phòng chống cháy rừng mùa nắng của lực lượng bảo vệ rừng chủ yếu là tuần tra bộ. Ông Trịnh Văn Huần (Tiểu khu trưởng Tiểu khu 39, Phân trường 1, Ban Quản lý rừng phòng hộ 600) cho biết, chỉ có ngọn đồi ở Khoảnh 5, Tiểu khu 56, Phân trường 2 có thể đi xe máy lên được giữa quả đồi, các quả đồi còn lại những người bảo vệ rừng phải để xe máy tại các chốt, điểm giữ rừng rồi men theo các triền đồi, đường băng cản lửa để đi tuần tra. “Tuần tra hết ngọn đồi phải mất gần 2 giờ đi bộ. Mỗi tiểu khu thường quản lý 4-6 quả đồi. Chỉ cần leo lên đến đỉnh đồi, mồ hôi đã vã ra như tắm vì mệt, nắng nóng” - ông Huần tâm sự.
Từ tháng 10-2015 đến nay, nếu không bận họp, ngày nào Phân trường trưởng Phân trường 1 Đới Sỹ Lực cũng đến nhà dân và các trạm, chốt, điểm bảo vệ rừng để động viên, thăm nắm tình hình. Vốn dạn dày kinh nghiệm, quen nắng gió và cả sự va chạm với “lâm tặc” - ông Lực cho hay, công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng mùa khô nếu không biết dựa vào sức dân thì lực lượng bảo vệ rừng dù có căng sức hết 100% cũng không thể chạy hết khu đồi này đến khu đồi khác để làm nhiệm vụ một khi rừng có sự cố. Nhờ biết dựa vào dân, được người dân hỗ trợ nên những cánh rừng ở đây mới chống chọi với nắng hạn và có thể dần tái sinh, xanh tốt vào mùa mưa.
Nhờ rừng tự nhiên được bảo vệ tốt, tầng nước ngầm dần hồi phục nên việc sản xuất của các hộ dân nhận giao khoán rừng ngày càng thuận lợi, thu nhập tăng cao hơn trước. Vì vậy, các hành vi xâm hại rừng, đất rừng rất hiếm khi xảy ra, hoặc có xảy ra cũng chỉ ở mức độ đơn vị chỉ nhắc nhở, giáo dục là xong.
* Rừng là của chung
Chỉ vào những cái hố đọng nước trên những con đường đất đỏ, ông Lạc vẫn nặng lo toan vì rừng vẫn chưa qua được cơn khát, những chòm lồ ô, mun và cây bụi trên đồi vẫn úa màu vàng vì kiệt sức.
Ông Lạc lý giải, trên diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng không có sông chảy qua, chỉ có những con suối nhỏ, ngắn, lòng suối hẹp. Suối cạn nước từ tháng 11 đến tháng 6 năm sau, thiếu nguồn nước phục vụ khi có cháy xảy ra. Cho nên, toàn bộ nguồn nước dự phòng cho công tác phòng chống cháy rừng mùa khô chủ yếu dựa vào các hộc chứa nước, giếng khoan, can nhựa của đơn vị thiết kế, bố trí đều tại các điểm xung yếu. Một khi rừng xảy ra cháy lớn, nguồn nước tích trữ của đơn vị sẽ không đủ, rất cần nguồn nước từ các giếng, ao của dân hỗ trợ.
Phân trường trưởng Phân trường 1 Đới Sỹ Lực (phải) luôn là người bạn thân thiết của các hộ dân nhận giao khoán đất rừng. |
Trao đổi với chúng tôi khi đi rừng về, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ 600 Phạm Văn Giao cho biết, rừng và đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý trải dài trên địa bàn huyện Tân Phú và nằm đan xen vùng dân cư, đất nông nghiệp. Hiện đơn vị đã thực hiện giao khoán cho 1.505 hộ/2.143 hécta, còn 195 hộ/370 hécta đơn vị đã lập hồ sơ chi tiết nhưng chưa lập hợp đồng giao khoán và 44 hộ/54,3 hécta chưa lập hồ sơ quản lý. Thu nhập của các hộ dân nhận giao khoán rừng, đất rừng từ cây công nghiệp, cây ăn trái trên diện tích được giao khoán. Hiện thu nhập từ cây trồng của các hộ dân nhận giao khoán khá ổn định nên người dân rất yên tâm sản xuất, gắn bó với đơn vị trong công tác bảo vệ rừng, đất rừng. Trong đó ông Võ Văn Trận (ngụ ấp 6, xã Núi Tượng, huyện Tân Phú) có trên 10 năm tham gia bảo vệ, phòng chống cháy rừng mùa khô cùng các cán bộ bảo vệ rừng Phân trường 1.
Ông Nguyễn Văn Bường (Phân trường phó Phân trường 2) bộc bạch, nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp ngày càng cao của các hộ dân nằm trong lâm phần thật sự gây sức ép lớn đối với công tác quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền của đơn vị và chính quyền nơi có rừng tốt và người dân ngày càng hiểu được giá trị của rừng nên đã tích cực hợp tác với đơn vị trong việc tố giác các hành vi xâm hại rừng, đất rừng. Bởi, rừng chính là nguồn sống của dân nên mọi người dân đều thấy trách nhiệm của mình. “Sự khắc nghiệt của thời tiết cũng không nguy hiểm bằng sự xâm hại của con người. Một khi người dân nhận thức đầy đủ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn, giữ gìn “lá phổi” chung của nhân loại thì việc giữ rừng mới hiệu quả” - ông Bường nói.
Rừng 600 vừa đón một cơn mưa nhẹ nhưng vẫn chưa đủ sức để những chòm lồ ô, mun, cây bụi vươn lá mới. Đứng trên chòi canh dõi mắt nhìn ngọn đồi Dái Ngựa (Tiểu khu 39, Phân trường 2), ông Lưu Biên (người dân hợp đồng bảo vệ rừng tại ấp 3, xã Núi Tượng) căng thẳng quan sát từng diễn biến của rừng trước cái nắng làm cây rừng héo hắt, khô lá. Ông Biên nói: “Rừng là của chung nên tui và các hộ dân trong xã phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn. Rừng và đất rừng còn thì nồi cơm của tụi tui còn; rừng và đất rừng rơi vào tay lâm tặc thì nguồn lợi từ việc giao nhận chăm sóc rừng, phòng chống cháy rừng của chúng tôi sẽ bị đe dọa”.
Đoàn Phú