Báo Đồng Nai điện tử
En

Homestay bên hồ Ba Bể

10:12, 12/12/2015

Ấn tượng ngủ… "bụi" đậm đà nhất trong tôi không phải là buổi tối nằm gác đầu lên ba lô giữa sân chờ rộng thênh thang trong nhà ga xe lửa Hua Lamphong ở thủ đô Bangkok (Thái Lan), xung quanh có cảnh sát nai nịt chỉnh tề canh gác.

Ấn tượng ngủ… “bụi” đậm đà nhất trong tôi không phải là buổi tối nằm gác đầu lên ba lô giữa sân chờ rộng thênh thang trong nhà ga xe lửa Hua Lamphong ở thủ đô Bangkok (Thái Lan), xung quanh có cảnh sát nai nịt chỉnh tề canh gác.

Bản Tày Pác Ngòi.
Bản Tày Pác Ngòi.

Cũng không phải dịp ôm ba lô ngủ ngồi trên băng ghế ở bến xe phía Nam Vientiane chờ sáng để đón xe “xam lọ” (một loại xe 3 bánh giống như tuk tuk) để vào thủ đô đất nước Triệu Voi (Lào), hay qua đêm với một chiếc chiếu nhỏ xíu trải trên góc gác xép chật chội của một nhân viên gác đường tàu cạnh nhà ga Hà Nội với cái giá chỉ 10 ngàn đồng/đêm sau chuyến hành trình dài dằng dặc từ Trung Quốc trở về, tiền đã cạn túi.

Chỉ đến lần đầu tiên được làm… “khách nhà sàn” ở xã Suối Nho (huyện Định Quán) trong một đêm say khướt rượu cần nhưng vẫn nhận ra ánh trăng bàng bạc trải rộng trên vườn cà phê đơm bông trắng toát, tỏa hương thơm ngào ngạt, thấp thoáng bên cầu thang là bóng dáng của bà chủ nhà người dân tộc Mường lung linh, duyên dáng, đã để lại ấn tượng khó phai trong tôi.

NHÀ SÀN Ở BẢN TÀY CÓ WIFI, NƯỚC NÓNG

Có lẽ từ cái ấn tượng khó quên ấy, sau này trong nhiều lần rong ruổi trên những nẻo đường đất nước, tôi lại được dịp qua đêm trong ngôi nhà trình tường ấm áp của người dân tộc Hà Nhì trên rẻo cao biên ải quanh năm vần vũ gió mây Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai); trùm kín chăn nằm ngủ trong ngôi nhà sàn hoàn toàn làm bằng gỗ nghiến của bà con dân tộc Tày ở Thượng Lâm - nơi được mệnh danh là... “cái rốn” của “miền gái đẹp” Tuyên Quang. Hoặc từng làm “khách nhà sàn” ở một homestay sạch, đẹp, khá tiện nghi trong bản Lác của bà con dân tộc Thái trong thung lũng Mai Châu (tỉnh Hòa Bình). Vậy mà đầu đông này, vượt hàng trăm cây số qua những đoạn đường đèo núi quanh co, khúc khuỷu từ TP.Bắc Kạn vào huyện Bạch Thông, rồi Phủ Thông, chợ Rã… để vào hồ Ba Bể; ghé vào xã Nam Mẫu (thuộc huyện Ba Bể)  tôi bỗng mê dãy nhà sàn có mặt tiền hướng ra hồ nước mênh mông, còn lưng dựa vào vách núi, đẹp như bức tranh phong cảnh của bản Pác Ngòi.

Bơi xuồng kayak trên hồ Ba Bể.
Bơi xuồng kayak trên hồ Ba Bể.

Bản Tày nằm ven hồ Ba Bể có 86 hộ với chưa đến 400 người dân này đang đi đầu trong việc làm du lịch cộng đồng của tỉnh… “cấm nói lái” Bắc Kạn. Hiện Pác Ngòi có 20 hộ dân đưa nhà sàn của mình vào làm dịch vụ homestay. Khác với nhà sàn của người Thái ở bản Lác, Pơm Cọng trong thung lũng Mai Châu, homestay, guesthouse của người Tày ở Pác Ngòi đơn sơ, mộc mạc, đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu cơ bản của khách lưu trú. Nhà sàn ở Pác Ngòi rộng lớn, được ngăn thành nhiều ô nhỏ cho từng cặp khách. Giữa nhà là một phòng rộng làm nơi sinh hoạt tập thể, và có thể đáp ứng nhu cầu ngủ đêm cỡ vài chục khách. Ngay phía sau trên nhà sàn là phòng vệ sinh cá nhân, phòng tắm trang bị hệ thống máy nước nóng. Đặc biệt, homestay nào ở bản Tày bên hồ Ba Bể cũng đều có wifi, dân phượt quen thuộc ở đây cho là sóng còn mạnh hơn cả ngoài Chợ Rã. Mỗi nhà sàn đều có thuyền riêng để chở khách du ngoạn, lò nấu rượu thủ công, guồng dệt thổ cẩm. Có nơi còn đưa phòng ăn, giải khát lên cao trên vách núi. Tất cả đều niêm yết giá cả dịch vụ thật rõ ràng. Theo đó, giá phổ biến nhất cho một đêm ngủ là 70 ngàn đồng/người; ăn bữa chính với sản vật địa phương: 80 ngàn đồng/phần...   

KHÁCH TÂY LỠ ĐƯỜNG

Ông chủ homestay nơi chúng tôi ở là Dương Văn Thụ, một người Tày chính cống ở vùng hồ Ba Bể. Ông Thụ đi bộ đội năm 1970, mãi đến năm 1992 mới  rời quân ngũ, về lại quê nhà ở tuổi 45, ông Thụ tự làm ra một chiếc xuồng mộc chèo tay để chở khách qua lại trên hồ. Sau đó, ông sắm  xuồng máy chạy dầu, chuyên chở khách ta rồi khách Tây tham quan, du ngoạn hồ Ba Bể. Năm 1996, trong số khách du lịch nước ngoài đến hồ Ba Bể, có vợ chồng người Pháp mê thích đến nỗi ra được ngoài bản thì trời đã tối,  nên xin được ở lại, ngủ qua đêm trên xuồng. Thời đó việc để người nước ngoài ngủ lại rất phức tạp. Ông Thụ trình báo với công an liền bị cự nự, không ai dám chấp nhận việc  cho người nước ngoài ngủ trên xuồng lỡ xảy ra sự cố gì sẽ lớn chuyện.

 
 Nhìn cái cách vợ chồng ông Thụ cùng đứa con trai và dâu cặm cụi nấu nướng, tự tay bưng xách hành lý rồi dọn ăn, ân cần trò chuyện, chăm sóc từng khách hàng, tôi mới biết vì sao có những cặp vợ chồng người Nhật, Thụy Điển... đến homestay của ông Thụ ở hàng tuần lễ dù ngôn ngữ bất đồng, và vì sao mà cô kỹ sư người Pháp Ludivine khi chia tay cứ nấn ná, bịn rịn cầm tay bà Đồng Thị Ninh - người phụ nữ Tày quê mùa, nhỏ nhắn, không mở miệng nói được một tiếng Pháp bẻ đôi. Vậy mới là homestay!

Đang không biết phải giải quyết như thế nào, thời may có ông Ngôn Văn Toàn biết chuyện, đề xuất ý kiến mời cả hai người Pháp lên nhà ông ngủ qua đêm. Biết ngôi nhà sàn của ông Toàn sạch, đẹp và có đầy đủ tiện nghi nhất thời bấy giờ ở Pác Ngòi, UBND xã và Công an xã đồng ý. Được tiếp đãi nồng hậu, cơm rượu ngon lành, chỗ ngủ ấm êm, hai vị khách ngoại cảm kích xin hậu tạ bằng một khoản tiền và sau đó đã giới thiệu cho nhiều người bạn biết đến địa chỉ thân thiện, mến khách này.

Khô đặc sản hồ Ba Bể.
Khô đặc sản hồ Ba Bể.

Được phép của UBND tỉnh, ông Ngôn Văn Toàn là người đầu tiên ở Bắc Kạn mở dịch vụ homestay bên bờ hồ Ba Bể (nay là nhà nghỉ Khánh Toàn). Khách du lịch đến hồ Ba Bể ngày càng đông, một số nhà sàn khác lần lượt ra đời. Năm 2007, ông Dương Văn Thụ cũng mở homestay.

MỘT ĐÊM Ở HOMESTAY

Nói như Giám đốc Công ty du lịch lữ hành Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ: “Ba Bể như hoa hậu sơn cước, chân quê mà hút hồn lữ khách… Không phấn son mà vẫn điệu đàng, đắm đuối với bao truyền thuyết thực hư”, Ba Bể - hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam (mà người dân tộc gọi là biển trên núi) - là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới, nằm ở độ cao 150m, sâu chừng 25m với cả ba hồ nước trong xanh rộng hơn 600 hécta, được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi và rừng nguyên sinh trùng điệp.

Khách và chủ homestay của ông Dương Văn Thụ.
Khách và chủ homestay của ông Dương Văn Thụ.

Buổi tối ở homestay của ông Thụ khá đặc biệt. Trên cái bàn rộng được trải khăn trắng trịnh trọng, bữa ăn của 6 người khách được dọn chung có ê hề thịt gà bản, cá hồ nướng, rau rừng các loại. Vợ chồng chủ nhà và đứa con trai phục vụ, thỉnh thoảng ngồi chung bàn cụng ly với khách. Đặc biệt là món rượu ngô men lá do chủ nhà tự nấu còn nóng hổi với mấy xâu tôm, cá khô chúng tôi mua ngoài hồ đã làm cho không khí sôi động hẳn lên. Các vị khách tây - cô kỹ sư hóa Ludivine Lopez được tôi khen giống Julia Roberts đóng trong phim Pretty Woman, chàng trai Thibault Trinh Van Dam có người cha Việt gốc Đà Nẵng nhìn khá giống Omar Sharif trong phim Doctor Zhivago - đã khoái chí cầm ly rượu ngô dzô hết 100% mỗi khi đến tua.

Ông Thụ chủ nhà nói tiếng Anh, tiếng Pháp mỗi thứ chỉ được vài câu, nhưng vẻ mặt luôn niềm nở, thân thiện. Ông cho biết có lúc homestay của ông đón đến 40-50 khách, kiếm trên 20 triệu đồng/tháng. Tháng nào “bèo” nhất cũng 5-7 triệu đồng. Đời sống của gia đình ông cũng như những hộ làm dịch vụ homestay trong bản đã khá lên rất nhiều so với cuộc sống lam lũ trước đây.

Bùi Thuận

     

 

 

 

 

Tin xem nhiều