Lầm lũi dọn hàng ra một góc đường quen, không bảng hiệu, không chào mời, những người kiếm sống nơi vỉa hè vào ban đêm ở TP.Biên Hòa nép mình bên cạnh sự náo nhiệt, phồn hoa để chăm chú phục vụ khách hàng. Với họ, công việc hàng ngày chỉ thật sự bắt đầu khi đường phố lên đèn và kết thúc khi đồng hồ điểm chuông báo hiệu ngày mới bắt đầu.
Lầm lũi dọn hàng ra một góc đường quen, không bảng hiệu, không chào mời, những người kiếm sống nơi vỉa hè vào ban đêm ở TP.Biên Hòa nép mình bên cạnh sự náo nhiệt, phồn hoa để chăm chú phục vụ khách hàng. Với họ, công việc hàng ngày chỉ thật sự bắt đầu khi đường phố lên đèn và kết thúc khi đồng hồ điểm chuông báo hiệu ngày mới bắt đầu.
* Chậm rãi đếm nhịp thời gian
Ngày nào cũng vậy, cứ quãng 18 giờ khi đèn đường vừa bật sáng, ông Vũ Đức Phương lại cùng vợ dọn quầy hột vịt lộn ra góc trạm gác xe lửa nằm trên đường Phạm Văn Thuận (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Hơn 20 năm nay, trừ những dịp tết, còn lại ông chưa nghỉ bán ngày nào, đều đặn như một chiếc đồng hồ đã lên dây cót cẩn thận. Ban ngày, vợ chồng ông Phương làm công cho một cơ sở sản xuất, đến chiều thì tất tả chuẩn bị các thứ để dọn hàng.
Anh Thới Tấn Đại đang bán hủ tiếu cho khách. |
“Tui bán chủ yếu là hột vịt lộn, khô mực, cóc, ổi… mấy món lai rai chơi thôi, ngày nào cũng vậy, từ tối đến tận 2 giờ sáng mới dọn hàng về rồi tranh thủ ngủ cho lại sức. Công việc cũng nhẹ nhàng, thu nhập hơn 100 ngàn đồng/ngày đủ phụ thêm tiền cho 2 đứa con đang đi học. Do không có bảng hiệu và vị trí hơi khuất nên khách của vợ chồng tui chủ yếu là khách quen, nhà ở gần đây nên bà con trong xóm lâu lâu cũng ra ủng hộ. Bán khuya, phải ngồi cả đêm nên hầu như người bán thường xuyên là tui, chỉ có hôm nào tui bệnh hoặc mệt thì vợ con ra bán phụ” - ông Phương vừa nhìn dòng xe qua lại trước mặt vừa tâm sự.
“Xa nhà mưu sinh nơi đất khách, khó khăn chồng chất khó khăn, mỗi lúc bệnh đau là nỗi nhớ quê lại tràn về, khi đó nếu không có bản lĩnh thì thật sự chúng tôi không thể trụ lại ở nơi này” - anh Thới Tấn Đại cho biết. |
Phiêu bạt từ tận huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi xa xôi vào đất Đồng Nai, anh Thới Tấn Đại đã có đúng 10 năm bán hủ tiếu gõ ban đêm tại góc đường Hà Huy Giáp (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Khởi đầu công việc này bằng quãng thời gian học nghề nấu hủ tiếu và bưng bê cho một người đồng hương bán hủ tiếu gõ tại Bình Dương, sau khi đã thành thục, anh chuyển đến TP.Biên Hòa hành nghề. Vừa kiếm tiền mưu sinh ở xứ người, anh vừa dành dụm để gửi về cho vợ và 2 con đang sống ở quê.
Anh Đại vui vẻ cho biết bán hủ tiếu gõ giống như một nghề “gia truyền” của gia đình anh, của làng quê anh, từ cha mẹ, cho đến họ hàng, người quen hầu như ai cũng từng có thời gian vào miền Nam sống bằng công việc này. Năm 1955, cha mẹ anh vào Sài Gòn vật lộn với cuộc sống chốn thị thành bằng gánh hủ tiếu gõ, nhưng không thể trụ nổi nên phải quay về quê làm nông. Năm 2005, do cuộc sống ở quê quá vất vả, anh Đại cũng phải rời bỏ gia đình để vào miền Nam lập nghiệp đến tận hôm nay.
“Quê tôi nghèo lắm nên hầu hết thanh niên đều đi lập nghiệp nơi khác. Ai có điều kiện học hành tốt, bằng cấp cao thì đi làm công ty, doanh nghiệp, rồi đưa cả nhà theo cùng. Anh em chúng tôi gia đình khó khăn, học hành không bằng chúng bạn, vả lại sẵn nghề nấu hủ tiếu gõ do cha mẹ truyền lại nên chúng tôi vào miền Nam làm nghề này luôn. Hiện tại tôi đang ở trọ tại phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa cùng vài người đồng hương nữa. Mỗi tháng bán được bao nhiêu thì dành dụm gửi về quê cho vợ, rồi có kha khá tiền thì lại về quê chơi một thời gian, chứ thật sự làm nghề này không đủ sức đưa cả nhà vào đây sống cùng” - anh Đại trầm ngâm bộc bạch.
* Câu chuyện lúc nửa đêm
Càng về khuya, gánh hàng nơi vỉa hè của ông Phương và anh Đại càng vắng khách, chỉ còn màn đêm và vài ánh đèn le lói. Quá nửa đêm, anh Đại bắt đầu dọn hàng để chuẩn bị về nghỉ ngơi, thấy một vài vị khách đi chơi khuya tấp vào hỏi ăn, anh Đại lại bày bàn ghế ra để phục vụ những tô mì cuối cùng. Đôi tay anh thoăn thoắt, sắp sẵn thịt, rau, trụng mì, đem ra cho khách rồi quay lại dọn hàng dần dần.
Anh Hồ Văn Cường, đồng hương và hiện đang phụ anh Đại tại xe hủ tiếu gõ hàng ngày, vừa xếp bàn ghế vừa kể gia đình anh ở quê cũng rất khó khăn, nên phải vào miền Nam tìm đường lập nghiệp với người quen. Mỗi buổi sáng, anh đều đặn đi chợ mua thực phẩm tươi và mất cả ngày sửa soạn trước khi bắt đầu đẩy xe đi bán vào xế chiều.
“Nhiều lúc dọn hàng buổi tối còn lại một ít, anh em chúng tôi thấy mấy đứa trẻ bán vé số còn đi lang thang ngoài đường, chúng tôi liền gọi lại và múc cho tụi nhỏ một ít. Cùng là những người xa xứ nên cố gắng sẻ chia cho nhau, ngày nào bán hết sớm chúng tôi rất mừng vì biết sẽ có thêm tiền gửi về quê. Hôm nào bán trễ, còn dư nhiều phải đổ bỏ thì chúng tôi lại tiết kiệm chi tiêu để không hụt tiền dành dụm. Càng về khuya, thành phố càng ít người ra đường, đôi lúc chúng tôi lủi thủi về một mình mà thấy chạnh lòng lắm vì xa nhà, nhớ quê và làm mãi mà cuộc sống chẳng thể khá hơn. Nhưng biết làm sao được, lao động tay chân nơi hè phố lại không biết vay mượn ở đâu để có tiền mua một mảnh đất cắm dùi ở xứ người thì đành vậy thôi” - anh Cường bộc bạch.
Ông Vũ Đức Phương chuẩn bị phần ăn cho khách. Ảnh: Đ. Tùng |
“Thành phố ồn ào vào ban ngày, nhưng lại yên tĩnh lúc khuya, khi đó con người mới có sự tĩnh lặng để sống thật với những suy nghĩ của bản thân. Tui thấy công việc tui đang làm giống như là nơi để người có chuyện buồn đến tâm sự vậy, riết rồi nhiều người thành khách quen, chỉ đến vào cung giờ khuya để trút hết muộn phiền trong lòng. Mà ngộ lắm nghen, tui với họ đâu có thân thích gì mà nhiều chuyện kín của gia đình cũng kể cho tui nghe hết, nên tui cũng cố gắng chia sẻ vui buồn với họ. Thành phố càng đông người thì lại càng có nhiều góc khuất trong cuộc sống, nên càng thức khuya cùng thành phố lại càng thấy được cuộc đời muôn mặt” - ông Vũ Đức Phương cho biết.
Còn đối với ông Nguyễn Văn Bình, lái xe ôm ở KP.2, phường Trảng Dài, thì màn đêm buông xuống cũng là lúc ông “cày cuốc” kiếm sống để nuôi 4 miệng ăn cho cả nhà. Ông Bình tâm sự: “Ban ngày tôi chở khách tứ phương, tối đến chỉ chở khách quen. Ban đầu còn e ngại cướp giật, giờ hết sợ rồi, cẩn thận chút là được”.
Theo lời kể của ông Bình, trước khi đến với công việc hiện tại thì ông đã bôn ba với đủ nghề để mưu sinh. Từ bốc vác, thợ hồ, đến “thợ đụng”. “Là ai thuê gì làm nấy đó. Công việc bấp bênh, ngày có ngày rỗng túi nên sau đó tôi vay mượn tiền mua cái xe máy để chạy xe ôm, cải thiện thu nhập” - ông Bình giải thích.
Nếu đêm là bạn đồng hành của giấc ngủ thì đối với những người như ông Bình, đêm là lúc ông cật lực làm việc. “Nhiều lúc thèm giấc ngủ dài, thèm được quấn mình trong chăn ấm, nhưng bữa nào về sớm thì lại trằn trọc. Thức về đêm riết nên quen, gắn bó với màn đêm và ánh đèn đường mất rồi” - ông Bình tâm sự.
Minh Thành