Trước nhu cầu cấp thiết về xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) đã kịp thời ban hành các nghị quyết chuyên đề: nâng cao đội ngũ cán bộ công chức; phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2014-2020; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2014-2015.
Trước nhu cầu cấp thiết về xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) đã kịp thời ban hành các nghị quyết chuyên đề: nâng cao đội ngũ cán bộ công chức; phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2014-2020; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2014-2015.
Nhân dân xã Phú Lý đóng góp gần 10 tỷ đồng trong xây dựng nông thôn mới. |
Bí thư Đảng ủy xã Phú Lý Phan Thanh Chương cho biết các mục tiêu mà nghị quyết hướng đến đều xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và thỏa khát vọng của người dân.
* Đột phá
Xã Phú Lý vốn là xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro do thị trường bấp bênh, dịch bệnh; kết cấu hạ tầng nông thôn chưa hoàn thiện; đội ngũ cán bộ chưa được chuẩn hóa… Bí thư Đảng ủy xã Phan Thanh Chương nhận ra những yếu kém đó qua công tác cán bộ, thị sát cơ sở và phản ánh từ nhân dân khi ông được Huyện ủy điều động về xã Phú Lý.
Để tìm hướng đột phá, ông Chương và tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phú Lý mạnh dạn cử cán bộ xã chưa đủ chuẩn về trình độ chuyên môn, chính trị đi học các lớp đào tạo khi địa phương bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, triển khai có hiệu quả các chương trình của đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo sự chỉ đạo của huyện, tỉnh.
Ông Chương kể, khi bắt tay vào việc triển khai chương trình củng cố, sắp xếp, nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ, công chức xã, trong đội ngũ cán bộ, công chức xã lúc ấy có phần lo lắng vì sợ không đủ điều kiện đi học, không đủ năng lực đảm trách nhiệm vụ sẽ bị thay thế, luân chuyển sang nhiệm vụ khác. Tuy vậy, ông Chương không để họ lo lắng mà giúp họ nhìn thấy trách nhiệm, trọng trách của từng người trước sự đổi mới về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để đề ra thời gian phấn đấu, nên ai cũng hồ hởi. “Người không đủ tiêu chuẩn, năm công tác tôi vẫn tạo điều kiện cho đi học các lớp phù hợp như những người đủ điều kiện. Riêng những người đã chuẩn bằng cấp chuyên môn, chính trị từ đầu vào thì nay được bố trí đúng chuyên môn, năng lực để họ phát huy” - ông Chương nói.
Bí thư Đảng ủy xã Phú Lý Phan Thanh Chương nhấn mạnh, với quan điểm “Chính quyền cùng Đảng, đoàn thể làm dân vận” để tạo niềm tin, xây dựng hình ảnh chính quyền sẵn sàng phục vụ nhân dân thật sự là bước đột phá địa phương đã chú trọng đến công tác cán bộ. Bên cạnh đó, việc Đảng ủy khảo sát thực tế để ban hành 3 nghị quyết chuyên đề: nâng cao đội ngũ cán bộ công chức; phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2014-2020; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2014-2015 đã nhanh chóng đưa xã Phú Lý đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm 2015. |
Từ công tác cán bộ, ông Chương sớm hình thành một đội ngũ cán bộ xã năng lực, nhiệt huyết và dấn thân vì công việc, phục vụ nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ ngày xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức đủ sức đảm đương nhiệm vụ, ông Chương chỉ đạo kiện toàn lại bộ phận “một cửa” của xã, đổi mới cung cách làm việc của cán bộ trong tiếp dân, giải quyết công việc chuyên môn. Đặc biệt, ông Chương còn thành lập đoàn công tác, gồm: lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội… đến cơ sở, tiếp xúc trực tiếp từng người dân để khảo sát tình hình sản xuất, nắm bắt đời sống, nguyện vọng của dân. Sau đó, ông Chương cùng tập thể ngồi lại họp bàn, thống nhất ra các nghị quyết chuyên đề: phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2014-2020; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2014-2015.
* Nghị quyết đúng khát vọng của dân
Thế mạnh của nền nông nghiệp xã Phú Lý là quỹ đất, với các cây trồng chủ lực, như: xoài, mía, điều, cao su tiểu điền, rừng nguyên liệu,… Tuy vậy, Đảng ủy xã cũng nhìn thấy nhược điểm của nền nông nghiệp và nông dân trong xã, như: sử dụng đất chưa hợp lý, còn lãng phí lớn; sản xuất còn mang tính tự phát, thiếu ổn định; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán; trình độ sản xuất không đồng đều, chất lượng sản phẩm thấp, chi phí cao, khả năng cạnh tranh kém… Vì vậy, khi ban hành các nghị quyết chuyên đề, Đảng ủy xã đánh giá rất kỹ nguyên nhân khách quan, chủ quan để đề ra quan điểm, mục tiêu, giải pháp chỉ đạo thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch UBND xã Phú Lý, cho hay nghị quyết khẳng định quan điểm chuyển đổi và phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, đồng thời là mục tiêu lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bà Hà nhấn mạnh, chuyển đổi và phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên đất, nội lực của nông dân, nguồn lực xã hội. Từng bước chuyển đổi loại hình sản xuất hộ gia đình sang tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại. Sản xuất nông nghiệp phù hợp với thị trường, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, gắn sản xuất nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới.
Trên tinh thần đó, tháng 3-2014, nghị quyết chuyên đề “Phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2014-2020” của xã Phú Lý đã ra đời. Từ nghị quyết này, diện tích cây xoài tăng thêm 10 hécta (đạt 967 hécta), 35 hécta/20 hộ nông dân trồng xoài đạt chuẩn VietGAP. Diện tích cây có múi, như: cam, bưởi, quýt… từ 7 hécta tăng gần 100 hécta, quy tụ được 44 hộ nông dân tham gia câu lạc bộ cây có múi.
Từ nghị quyết chuyên đề về “Phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2014-2020”, diện tích cây có múi trên địa bàn xã Phú Lý tăng nhanh và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Ông Phan Văn Minh (nông dân sản xuất giỏi, đại biểu HĐND xã Phú Lý) bày tỏ, trong lúc nông dân xã Phú Lý lúng túng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thì Nghị quyết của Đảng ủy xã ra đời, vạch đường cho nông dân chuyển đổi. Nông dân thấy trách nhiệm của mình trong đó nên bắt tay cùng địa phương thực thi nghị quyết, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Dẫn chúng tôi đi thăm những vườn cây có múi được trồng từ việc chuyển đổi những diện tích cây trồng kém năng suất như mía, mì, điều và những diện tích vườn nhỏ từ 3-5 sào bỏ hoang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Văn Long khoe, từng câu chữ của 2 nghị quyết chuyên đề: “Phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2014-2020”, “Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2014-2015” của Đảng ủy xã ban hành trong năm 2014 được nông dân thể hiện qua từng diện tích đất, mô hình sản xuất hiệu quả. Riêng về sức dân ủng hộ đóng góp làm hạ tầng, như: cổng chào, đường giao thông nội đồng, nhà tình thương… đạt gần 10 tỷ đồng.
Là “thổ địa” ở Phú Lý, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trần Việt Vinh cũng giật mình nhìn địa phương đổi thay nhanh trong thời gian ngắn từ các nghị quyết chuyên đề do Bí thư Đảng ủy Chương khởi xướng. Ông Vinh bộc bạch, 100% cán bộ được chuẩn hóa; số hộ nghèo của xã từ 16% dân số (495 hộ) qua khảo sát lại chỉ còn dưới 3%; thu nhập bình quân đầu người trên 34 triệu đồng/năm (năm 2014).
Đoàn Phú