Báo Đồng Nai điện tử
En

Hạnh phúc vì con

10:10, 05/10/2014

Trước khi lên bàn mổ, ông Nguyễn Thanh Phong (ngụ ấp 3, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) đưa cho người đàn bà nghèo nằm chung phòng bệnh với mình 30 ngàn đồng (thời điểm năm 1994) và dặn dò: "Nếu tôi chết thì bà giữ lấy số tiền này chữa bệnh. Còn như tôi sống, bà mua giúp tôi thức ăn khi tôi chưa đi lại được"- ông Phong bồi hồi nhớ lại.

Trước khi lên bàn mổ, ông Nguyễn Thanh Phong (ngụ ấp 3, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) đưa cho người đàn bà nghèo nằm chung phòng bệnh với mình 30 ngàn đồng (thời điểm năm 1994) và dặn dò: “Nếu tôi chết thì bà giữ lấy số tiền này chữa bệnh. Còn như tôi sống, bà mua giúp tôi thức ăn khi tôi chưa đi lại được”- ông Phong bồi hồi nhớ lại.

Ông Nguyễn Thanh Phong với cuốn sổ tay kỷ niệm, thể hiện chi tiêu của 4 người con suốt quá trình học đại học.
Ông Nguyễn Thanh Phong với cuốn sổ tay kỷ niệm, thể hiện chi tiêu của 4 người con suốt quá trình học đại học.

Nghe ông Phong nhắc lại quá khứ, bà Đào Thị Khoa (vợ ông Phong) rơm rớm nước mắt nhìn chồng. Lòng bà xót như muối chà khi thấy ông Phong chân bước khập khễnh vì vết thương nhiễm trùng và nó đã hành hạ ông suốt 4 năm ròng.

* Thời khốn khó

Sau khi xuất ngũ trở về làng Chanh (xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), cựu chiến binh Nguyễn Thanh Phong phải lòng cô thôn nữ cùng làng Đào Thị Khoa. Sau khi nên duyên vợ chồng, họ quyết định vào vùng đất Mã Đà lập nghiệp. Nhìn cảnh rẫy vườn bạt ngàn, dân cư thưa thớt, bà Khoa phấn khởi cùng chồng vỡ đất, tỉa hạt. “Ngày mới vào, vợ chồng tôi được người anh trai cho khu đất bỏ trống để dựng căn chòi nhỏ làm chỗ tá túc. Chồng tôi xin vào làm công nhân Lâm trường Mã Đà, còn tôi đi làm mướn cho bà con trong vùng. Cuộc sống tạm yên ổn được một thời gian ngắn, trong một lần bốc củi cho đơn vị, chồng tôi trượt chân ngã gãy xương đùi” - bà Khoa bồi hồi nhớ lại.

Vì không có tiền chạy chữa tận gốc nên vết thương ở chân ông Phong hay bị tái phát. Những lúc như vậy, bà Khoa bấm bụng nhìn chồng nằm rên rỉ trong căn chòi nhỏ vì phải nhịn uống thuốc để các con khỏi đói lòng bởi lúc ấy họ đã có đứa con thứ tư Nguyễn Ngọc Dung (giờ đã tốt nghiệp đại học).

Ông Nguyễn Thanh Phong tâm sự, để khuyến khích các con học tập, dù khó khăn đến mấy ông vẫn thực hiện lời hứa tặng cho các con chiếc xe máy sau khi tốt nghiệp đại học để tiện đi làm. Trong suốt quá trình học đại học của các con, ông đều có sổ tay riêng theo dõi các khoản chi phí để nhắc nhở các con phải quyết tâm học tập và đỗ đạt.

Đưa ánh mắt nhìn về phía lòng hồ Trị An mùa nước dâng, ông Phong kể lúc ông bị nạn thì cô con gái cả Nguyễn Thị Ly (hiện làm giáo viên) đang học lớp 3. “Cháu Ly học rất tốt, nhưng phải lưu ban năm lớp 3 vì năm đó cháu phải ở bệnh viện lo cơm nước cho tôi. Ngày cha con rời bệnh viện về, căn chòi nhỏ của vợ chồng tôi càng thêm xơ xác vì nợ nần” - ông Phong nói.

Để có tiền trả phần nào nợ vay mượn lúc chồng đau bệnh, bà Khoa bàn với chồng bán đi khu đất gia đình đang ở và 8 sào đất khai phá được. Sau khi bán đất, vợ chồng ông Phong bồng bế con về khu ấp 3, xã Mã Đà (do một người bà con cho mượn tiền mua) dựng căn chòi lá làm nơi ở mới. Nhưng ở được chưa ấm lưng thì bé út Dung để bà hỏa thiêu rụi căn chòi lẫn đồ đạc. Lúc ấy, ông Phong phải kéo lũ con ra chỗ đất trống vừa thu hoạch mì xong, chặt mấy cây lồ ô kéo bạt giăng chòi ở tạm. 6 thành viên trong gia đình ông năm ấy chỉ khác dân đi rừng ở chỗ đêm về trong chòi có ánh đèn dầu leo lét và đám trẻ con ê a học bài. “Vì con, ai bán thiếu thứ gì tôi cũng mua cho con ăn. Có hôm đói quá, tôi chỉ mua thiếu được cân mì lát khô đem về giã nhỏ quậy thành hồ cho chúng ăn tạm với muối, chờ sáng mẹ chúng nó chạy vạy kiếm ngày công đổi lon gạo, cân khoai về ăn bù” - ông Phong nghẹn lòng kể.

* No chữ

Nhìn đàn con ham học hơn ham ăn, mặc ấm, ông Phong ráng nhịn đau để chống nạng, nhảy lò cò cùng các con tỉa hạt, nhổ cỏ bắp, đậu. Bà Khoa bộc bạch, sau mỗi buổi đi học về, đứa lớn bà giao nhổ cỏ 3 hàng bắp, đứa nhỏ hơn thì làm 2 hàng, 1 hàng và phải nhổ xong mới được chơi. Thương mẹ, thương cha chân đau không tiền chạy chữa thuốc men, ngoài việc học, các cháu: Ly, Vân, Duy, Dung quên cả chơi để phụ giúp việc nhà. “Ngày đó, tôi chỉ lo đi làm ngoài kiếm tiền. Rẫy vườn giao hết cho cha con ông ấy lo việc tỉa hạt, làm cỏ, thu hoạch mùa màng” - bà Khoa nói.

Nay các con đã có việc làm ổn định, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Phong vẫn trồng bí, bầu chạy chợ để trả dứt các khoản nợ còn lại cho con yên tâm công tác.
Nay các con đã có việc làm ổn định, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Phong vẫn trồng bí, bầu chạy chợ để trả dứt các khoản nợ còn lại cho con yên tâm công tác.

Thương chồng con, bà Khoa quyết định vay một chỉ vàng cho ông Phong đi TP.Hồ Chí Minh phẫu thuật cái chân để khỏi bị hoại tử. Cầm tiền vợ đưa, ông Phong vu vơ nói xa gần, nếu chân ông bị cưa cụt thì bà đừng đợi ông về mà hãy chú tâm lo cho các con. May sao trời thương, cái chân của ông đã khỏe lại sau khi phẫu thuật. Vì vậy, vợ chồng ông có điều kiện hợp sức lo cho 4 đứa con lần lượt học lên THCS, THPT rồi đại học. “Sau khi mua xe máy để hành nghề xe ôm bị thất bại, vợ chồng tôi chuyển sang trồng bầu, bí để bán đọt. Mùa mưa thì trồng bầu, bí khắp vườn, mùa nắng nước lòng hồ Trị An rút đến đâu thì gieo hạt tới đó. Vợ chồng tôi gần như thức suốt năm tháng với bí, bầu” - ông Phong tỏ bày.

Không phụ lòng cha mẹ, năm 2003 cô Ly đã bước chân vào đại học. Lần này, vợ chồng ông Phong ít ngủ hơn vì mừng và cũng vì kiếm tiền chu cấp cho con đi học xa nhà. Năm 2005, cô Ly chuẩn bị ra trường thì cô Vân đậu 2 trường đại học. Cứ vậy, tiếp đến anh Duy, cô Dung xách ba lô lên TP.Hồ Chí Minh học đại học. Vợ chồng ông Phong cả chục năm trời chưa có một đêm ngon giấc vì tính toán hoa lợi thu hoạch từ những đọt bí, đọt bầu để chu cấp cho các con ăn học. “Con đi học xa, vợ chồng tôi căn dặn phải chú tâm học tập, chi tiêu tiết kiệm chứ đừng đi làm thêm. Hết tiền thì điện thoại cho bố mẹ trước một tuần để xoay xở. Mỗi lần các con về thăm nhà, vợ chồng tôi vay mượn chưa đủ số tiền mà chúng cần thì gà, vịt, heo nhỏ cũng bán để các con không phải lo nghĩ về tiền nong” - ông Phong nói.

Tiếng thơm về các con học giỏi, đỗ đạt càng thôi thúc vợ chồng ông Phong quên đêm tối, những lúc trời nắng gắt với những chuyến xe cồng kềnh đọt bí, đọt bầu nơi chợ thị trấn Vĩnh An. Những vụ bí, bầu của vợ chồng ông tuy không bao giờ có trái, nhưng đọt non của nó đổi ra tiền và các con của ông cũng nhờ đó mà lần lượt tốt nghiệp đại học.

Khi số tiền vay cho con ăn học lên đến 200 triệu đồng, vợ chồng ông Phong phải bán bớt 9 sào đất trả nợ. Ông Phong cho hay, tiền vay cho các con ăn học hiện vẫn còn nợ gần 100 triệu đồng, nhưng ông bà không đòi hỏi con cái gánh vác mà để các con dành dụm lo cho tương lai. “Các cháu chính là niềm tự hào của vợ chồng tôi trước họ hàng và bà con ở đây” - bà Khoa tự hào khoe.

Chuyện vợ chồng ông Phong nơi rừng già Mã Đà heo hút, hàng ngày bán đọt bầu, đọt bí ở chợ thị trấn Vĩnh An nuôi 3 con tốt nghiệp đại học và một con đang học cao học ở TP.Hồ Chí Minh thật sự làm cho những người nông dân nơi đây khâm phục.

Ông Trần Đức Sơn, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội khuyến học xã Mã Đà, bày tỏ gia đình ông Phong là một gương sáng hiếu học của địa phương. Chính họ đã tiếp thêm nghị lực cho những gia đình nông dân khác, dù kinh tế khó khăn vẫn gắng sức nuôi con học thành tài, xóa dần tâm lý: “Chữ nghĩa giỏi không bằng đất đai bạt ngàn” ở nơi rừng Mã Đà heo hút bấy lâu nay” - ông Sơn nhấn mạnh.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều