Báo Đồng Nai điện tử
En

Về lại chiến trường xưa (Bài cuối)

11:05, 18/05/2014

Là nơi quy tập phần mộ các liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn được xây dựng tại xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị). Mỗi năm, hàng chục ngàn lượt người trong nước và du khách quốc tế đến thắp nhang tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống cho công cuộc thống nhất đất nước.

Là nơi quy tập phần mộ các liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn được xây dựng tại xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị). Mỗi năm, hàng chục ngàn lượt người trong nước và du khách quốc tế đến thắp nhang tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống cho công cuộc thống nhất đất nước.

* Nghĩa trang mùa lộng gió

Cách TP.Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) khoảng 38km về phía Tây Bắc, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn được xây dựng với diện tích 140 ngàn m², là nơi yên nghỉ của gần 11 ngàn liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn. Đặt chân đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đúng dịp lễ 30-4, chúng tôi thấy có rất nhiều khách từ mọi miền đất nước đến đây thắp nhang ở các phần mộ. Từ phần mộ liệt sĩ các tỉnh Tây Bắc đến những phần mộ của liệt sĩ các tỉnh miền Trung, tất cả đều nghi ngút khói hương.

Người dân đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Người dân đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Ngay từ những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về đây, đến tháng 10-1975 nghĩa trang chính thức được xây dựng và mất gần 2 năm để hoàn thành. Cho đến ngày nay, công tác quy tập mộ liệt sĩ vẫn tiếp tục được tiến hành trên khắp các tỉnh mà tuyến đường Trường Sơn đi qua.

Bà Vi Thị Nhạc (80 tuổi, quê tỉnh Lạng Sơn, vợ liệt sĩ Nông Văn Ló) cho biết: “Khoảng vài năm, tôi lại cùng gia đình đến thắp nhang ở nghĩa trang một lần. So với lúc trước, nghĩa trang hiện được tu bổ khang trang hơn rất nhiều”.[links(right)]

Còn ông Đinh Văn Can (78 tuổi, ngụ TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) nhớ lại những năm kháng chiến chống Mỹ ông cùng đồng đội đã trải qua các chiến trường với nhiều trận đánh lớn nhỏ, từ mặt trận Lào đến các trận đánh ác liệt ở mặt trận phía Nam. Những lần đội mưa bom, bão đạn ở rừng núi Trường Sơn, những lần dùng súng máy 12 ly 7 bắn hạ trực thăng của kẻ thù… Tất cả câu chuyện qua giọng kể của ông dường như đã mở ra trước mắt chúng tôi hình ảnh một thời khói lửa, một thời oai hùng được viết nên bởi chính những người đang yên nghỉ tại đây.

Với nhiều người, nhất là các cựu chiến binh Trường Sơn, chuyến hành trình về thăm lại chiến trường xưa, thăm lại đồng đội cũ mang rất nhiều ý nghĩa, ký ức về những năm tháng khó khăn, gian khổ một lần nữa bùng lên trong họ. Nhưng điều khiến những người đến thăm nghĩa trang liệt sĩ ấn tượng là sự thay đổi của vùng đất từng là chiến trường ác liệt năm nào.

“Quảng Trị bây giờ được xây dựng lại đẹp lắm, tôi cũng không còn nhận ra được những nơi chúng tôi từng hành quân qua nữa. Khe Sanh, Thành cổ, Đường 9…, tất cả quá khứ đau thương giờ đã nhường cho những công trình mới, những con người mới, cuộc sống mới ở nơi đó” - ông Nguyễn Văn Ân (75 tuổi, quê tỉnh Hòa Bình) ngồi kế bên chúng tôi dốc bầu tâm sự.

* Chuyện kể bên bờ Hiền Lương

Từ Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, chúng tôi đi theo tỉnh lộ 75 và quốc lộ 1 đến cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, thuộc địa phận huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). Chiếc cầu nổi tiếng này chính là giới tuyến chia cắt 2 miền Nam - Bắc trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hiện tại, bên cạnh chiếc cầu sắt đã trở thành di tích lịch sử là chiếc cầu bê tông được dựng lên phục vụ nhu cầu giao thông vận tải của người dân.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cầu Hiền Lương đã bị địch phá hủy và được xây dựng lại nhiều lần, chiếc cầu sắt di tích hiện nay được phục chế vào năm 2001 và đưa vào sử dụng sau đó 2 năm. Đây là địa điểm đón hàng ngàn lượt khách trong nước và quốc tế ghé qua khi có dịp về thăm Quảng Trị.

Cầu Hiền Lương cũ nhìn từ bờ Bắc sông Bến Hải.
Cầu Hiền Lương cũ nhìn từ bờ Bắc sông Bến Hải.

Ông Nguyễn Hữu Lý (80 tuổi, người dân xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) nhớ lại: “Chỉ cách nhau bởi một con sông rộng chừng hơn 100m nhưng biết bao gia đình phải sống trong cảnh “chồng Bắc, vợ Nam”. Họ chỉ có thể trò chuyện với nhau bằng ám hiệu lặng lẽ để truyền đạt cho người thân phía bờ bên kia những gì diễn ra trong gia đình ở bờ bên này. Hiếm có nơi nào mà cuộc chiến tranh lại diễn ra gay go, quyết liệt nhưng vô cùng lặng lẽ như nơi đây”.

Theo những người dân sống ở hai bên bờ sông, trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ đây là khu giới tuyến phi quân sự, nên cả 2 bờ đều diễn ra những cuộc chiến có một không hai như: “Đấu cờ”, “Đấu loa”, “Đấu màu sơn cầu”. Loa của bờ Nam phát xa bao nhiêu thì loa của bờ Bắc lại tìm cách phát xa hơn, vang hơn để át tiếng loa đối phương.

Vừa qua, cầu Hiền Lương cũ đã được phục hồi màu sơn từng được sử dụng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ (phía Bắc màu xanh, phía Nam màu vàng). Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn và khôi phục nguyên trạng chiếc cầu nổi tiếng này.

Ngoài ra, còn có trận “Đấu cờ” diễn ra suốt nhiều năm giữa 2 bên bờ, cờ của địch treo cao, rộng bao nhiêu thì cờ của ta phải cao, rộng hơn bấy nhiêu. Khi cột cờ bờ Nam đạt mốc cuối cùng 35m thì cột cờ bờ Bắc được nâng lên 38,6m. Cuộc chiến bảo vệ ngọn cờ đầu giới tuyến kéo dài suốt gần 4 năm.

Tuy nói là khu phi quân sự, nhưng phía Mỹ vẫn sử dụng máy bay đánh bom xuống cột cờ. Cứ mỗi lần cột cờ bị đánh gãy, lá cờ bị mảnh bom, đạn pháo xé rách thì sáng hôm sau, một cột cờ khác được dựng lên, không một ngày nào lá cờ đỏ sao vàng ngừng tung bay trên bầu trời giới tuyến. Câu chuyện về những người mẹ, người chị không quản ngại mưa bom, bão đạn thức trắng đêm để vá lại những lá cờ Tổ quốc đã trở thành huyền thoại trên vùng đất lửa.

“Ở đây có những người phụ nữ túc trực ngày đêm để vá cờ, sửa cờ, cứ cờ bị rách là đem xuống vá ngay để kịp treo lên vào hôm sau. Ở đất này cũng có những chiến sĩ hy sinh trong lúc treo cờ vì bom đạn kẻ thù. Mỗi tấc đất ở Quảng Trị đều có máu xương người dân đổ xuống để giành lại hòa bình, độc lập, tự do. Người dân nơi đây tuy nghèo thật, nhưng yêu hòa bình, ghét chiến tranh và khi đất nước lâm nguy thì không tiếc hy sinh cho Tổ quốc đâu” - nói đoạn, ông Lý kéo chúng tôi ngồi xuống vạt cỏ bên bờ Nam cầu Hiền Lương để ngắm được cột cờ sừng sững tung bay trong nắng.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều