Báo Đồng Nai điện tử
En

Niềm vui trên những dây đàn

02:05, 17/05/2014

Đàn guitar hay còn gọi là tây ban cầm, là một loại nhạc cụ đã có cách đây hơn 5 ngàn năm. ở Đồng Nai, nghề làm đàn vẫn đang tồn tại và phát triển với những người thợ tâm huyết, cần mẫn.

Đàn guitar hay còn gọi là tây ban cầm, là một loại nhạc cụ đã có cách đây hơn 5 ngàn năm. ở Đồng Nai, nghề làm đàn vẫn đang tồn tại và phát triển với những người thợ tâm huyết, cần mẫn.

Dọc theo quốc lộ 20, chúng tôi tìm về cơ sở sản xuất đàn guitar Nhật Linh ở xã Phú Túc, (huyện Định Quán). Ấn tượng đầu tiên khi đến với xưởng đàn là sự miệt mài, tỉ mỉ của những người thợ làm đàn với từng “đứa con” tinh thần của họ. Mỗi người mỗi công đoạn, người cưa ván, người bào gỗ, người thử đàn… Tất cả những âm thanh đó đã tạo nên một bản hợp xướng rất riêng của loại nhạc cụ độc đáo này. 

* Buồn vui nghiệp so dây

Vừa đóng đàn, anh Trương Viết Phương (34 tuổi), chủ cơ sở sản xuất đàn Nhật Linh vừa giải thích: “Để hoàn chỉnh  một cây đàn như ý, mỗi người thợ sẽ đảm nhiệm một công đoạn khác nhau, từ việc chọn gỗ, xẻ gỗ cho đến uốn mộc, đóng hông đàn, vô mặt trước và sau, ráp cần, dán ngựa… Khâu cuối cùng là xâu dây đàn. Mỗi bộ phận sau khi dán keo xong sẽ được buộc lại bằng dây và đem phơi nắng khoảng từ 1-2 tiếng tùy thuộc vào thời tiết. Sau đó chờ keo khô mới làm tiếp những công đoạn khác”.

Anh Lê Minh Trung đang ráp đàn, cần đàn khi cắm phải thẳng. (ảnh chụp tại hiệu đàn Cung Chiều).  Ảnh:  P.LỘC
Anh Lê Minh Trung đang ráp đàn, cần đàn khi cắm phải thẳng. (ảnh chụp tại hiệu đàn Cung Chiều). Ảnh: P.LỘC

Bén duyên với nghề làm đàn từ năm học lớp 9, ban đầu anh Phương phụ cha làm những công đoạn đơn giản, như: cột dây, sơn đàn… Được cha chỉ dạy những ngón nghề để làm ra một cây đàn hoàn hảo, bây giờ với hơn 10 năm trong nghề anh đã có thể đảm nhận mọi công đoạn trong quá trình sản xuất, từ đóng khuôn, ghép mặt đàn cho đến việc cắm cần, vào dây đàn, thử đàn.

 Những người thợ cho biết, nghề làm đàn là một nghề không qua giáo trình hay trường lớp, tất cả đều được những nghệ nhân đi trước truyền lại nghề bằng cách hướng dẫn chi tiết từng công đoạn một. Người này truyền lại cho người kia, đời trước truyền cho đời sau, cứ như vậy nghề làm đàn tồn tại cho đến bây giờ.

Ở cơ sở đàn Cung Chiều (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) không khí làm việc cũng nhộn nhịp bởi quy mô sản xuất ở đây khá lớn và hiện đại với gần 50 công nhân. Anh Võ Minh Tâm (32 tuổi), một người thợ đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề, nói: “Một cây đàn guitar tốt là âm phải vừa trong lại vừa hay. Âm thanh của đàn phụ thuộc vào thùng đàn, chính xác hơn thì phụ thuộc vào độ dày hay mỏng, mịn của chất liệu gỗ, chủ yếu là gỗ thông và gỗ hồng đào nhập từ nước ngoài về. Gỗ làm mặt trước của đàn buộc phải làm bằng gỗ thông, được xẻ với độ dày vừa phải mới đảm bảo âm thanh hay. Mặt sau và mặt hông thường được làm bằng gỗ hồng đào”.

Công đoạn quan trọng nhất trong làm đàn là cắm cần đàn. Khi cắm cần đàn phải “canh” cho thật thẳng, nếu cắm cần đàn không thẳng, âm thanh có thể bị rè. Cần đàn sau khi cắm xong cũng phải gọt giũa lại để cho thon gọn vừa tay cầm. Sau khi cắm cần đàn xong, những chiếc guitar sẽ được sơn và lên dây đàn. Khâu lên dây đàn cũng là một trong những khâu quan trọng, vì đòi hỏi người thợ phải cảm nhận được cao độ của âm thanh để lên dây cho chuẩn xác. Bởi, cái chuẩn của một sản phẩm phục vụ nghệ thuật không chỉ đẹp mà còn phải rất chính xác trong âm thanh. Ngoài ra các vết keo, mối nối cũng được kiểm tra kỹ càng để tránh âm thanh bị bè hay phát ra những tạp âm.

Cần đàn được gọt giũa thon gọn cho vừa với tay cầm. (ảnh chụp tại hiệu đàn Nhật Linh).
Cần đàn được gọt giũa thon gọn cho vừa với tay cầm. (ảnh chụp tại hiệu đàn Nhật Linh).

Nghề làm đàn guitar không phải là một nghề mộc đơn thuần. Với bàn tay và tình yêu nghề của những người thợ, đó còn là một tác phẩm sáng tạo, những nhạc cụ bằng gỗ có hồn riêng.

Điều đặc biệt, những nghệ nhân làm đàn ở các cơ sở sản xuất này đều không hiểu rõ về nhạc lý, nhưng âm sắc của mỗi cây đàn mà họ làm ra lại rất chuẩn xác. Họ không chỉ là một người chế tác đàn mà còn là một người có tâm hồn nghệ sĩ dạt dào, chỉ cần lướt nhẹ trên dây đàn cũng đủ để cảm nhận được cái hay, sự rung động của tiếng đàn.

* Qua Thời “lỗi nhịp”

Cơ sở đàn Nhật Linh được hình thành hơn 30 năm do ông Trương Văn Huệ sáng lập. Sau khi ông qua đời năm 2013, xưởng sản xuất bị “lỗi nhịp” trong một thời gian dài. Để thực hiện tâm huyết của cha cũng như giữ gìn nghề truyền thống của gia đình, anh Phương đã cùng với anh trai gầy dựng xưởng hoạt động trở lại. Anh Phương chia sẻ: “Để duy trì và phát triển nghề truyền thống, đặc biệt là một nghề đòi hỏi tính kiên nhẫn và tỉ mỉ như nghề làm đàn guitar, người thợ phải là người có lòng đam mê nhiệt huyết đối với cây đàn thì mới có thể gắn bó lâu dài”.

Với quy mô sản xuất nhỏ nên lao động chủ yếu là người trong gia đình, cơ sở có 10 lao động, mỗi tháng sản xuất được từ 100-200 cây đàn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là những khách quen lâu năm ở TP.Hồ Chí Minh. 

Được trang bị các loại máy móc hiện đại hỗ trợ, như: máy bào, máy khoan, máy chà… mỗi ngày cơ sở đàn Cung Chiều sản xuất được hơn 100 cây đàn đủ các loại, từ guitar classic, guitar modern cho đến mandoline… Giá cả các loại đàn có độ chênh lệch tùy thuộc vào chất liệu gỗ, từ 500 ngàn đồng đến vài triệu đồng.

Số lượng đàn làm ra nhiều nên những chiếc đàn sau khi làm mộc xong sẽ được treo lên trên để bớt choán diện tích. (ảnh chụp tại hiệu đàn Cung Chiều).
Số lượng đàn làm ra nhiều nên những chiếc đàn sau khi làm mộc xong sẽ được treo lên trên để bớt choán diện tích. (ảnh chụp tại hiệu đàn Cung Chiều).

Anh Nguyễn Xuân Quý, chủ cơ sở đàn Cung Chiều, tâm sự: “Trước đây, vào thập niên 80, cơ sở sản xuất của gia đình tôi chủ yếu là làm thủ công, sản phẩm giao cho khách hàng là loại đàn mộc chưa sơn, chưa xâu dây đàn, sản phẩm cũng chưa có độ chính xác cao. Khi có điều kiện, tôi mua một dàn các loại máy móc hỗ trợ, vừa sản xuất được nhiều đàn lại đảm bảo độ chính xác cao hơn, âm thanh chuẩn hơn”.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ đàn guitar rất tốt, trung bình một tháng cơ sở đàn Cung Chiều xuất hơn 2 ngàn cây nhưng nhiều khi cung vẫn không đủ cầu. Sản phẩm của cơ sở được nhiều người ưa thích, hiện cung cấp cho tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, như: Nhật Bản, Hàn Quốc. “Với sự phát triển trở lại của một ngành nghề truyền thống, thời gian tới tôi sẽ mở rộng xưởng sản xuất đồng thời tăng thêm nhân công để gia tăng sản xuất phục vụ nhu cầu của những người đam mê âm nhạc, đặc biệt là yêu thích đàn guitar” - anh Nguyễn Xuân Quý nói.

 Những năm trước, khi các trào lưu văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam, thu hút giới trẻ bằng những loại hình công nghệ số, đàn guitar dường như chỉ còn phù hợp với những người ở độ tuổi trung niên. Ngày nay chiếc đàn không chỉ là một nhạc cụ, nó còn là một người bạn tâm giao của những người bạn già trong các buổi tâm tình, là niềm vui của giới trẻ để giải tỏa những căng thẳng trong những buổi du lịch, dã ngoại, sinh hoạt, giao lưu… Tiếng đàn guitar không chỉ là tiếng lòng của người chơi đàn mà còn làm say lòng người nghe đàn. 

Đối với những nghệ nhân, mỗi chiếc đàn chính là những “đứa con” tinh thần, những người bạn tri kỷ mà họ đã dành hết tình yêu, tâm huyết của mình thổi hồn vào nó. Để khi những ngón tay lướt trên phím đàn, người ta như quên đi tất cả những bộn bề của cuộc sống, hòa mình vào từng giai điệu, đắm say trong từng cảm xúc, từng nốt nhạc trầm bổng.

Phúc Lộc

 

 

 

Tin xem nhiều