Đường mòn Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược vận chuyển người và vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam trong thời kháng chiến chống Mỹ.
Đường mòn Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược vận chuyển người và vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam trong thời kháng chiến chống Mỹ. Đường mòn Hồ Chí Minh còn được biết đến với tên đường Trường Sơn vì hệ thống giao thông này chạy dọc dãy Trường Sơn, đi qua các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và một phần của 2 nước Lào, Campuchia. Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) Quân đội nhân dân Việt Nam là đơn vị triển khai các hoạt động quân sự, hậu cần để đảm bảo sự thông suốt của hệ thống đường này.
Đường Trường Sơn hôm nay đi qua địa phận huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) tấp nập người đi lại. |
Đặt chân tới TP.Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) vào một ngày cuối tháng 4, chúng tôi nhanh chóng khởi hành chuyến đi thăm tuyến đường Trường Sơn lịch sử chạy dọc phía Tây tỉnh Quảng Trị. Cơn mưa lất phất cùng những bóng cây rợp mát của thành phố đã làm thời tiết nơi đây dịu hơn hẳn so với cái nắng nóng của miền Nam mùa này.
* Trên tuyến đường huyền thoại
Theo tuyến đường Trường Sơn thuộc địa phận 2 huyện Cam Lộ và Gio Linh, đập vào mắt chúng tôi là những ngọn núi nối tiếp nhau không dứt tạo nên dãy Trường Sơn. Hai bên đường, những ngôi nhà vững chãi nằm lưng chừng đèo, bao bọc xung quanh là cánh đồng trồng lúa, bắp vàng ươm đang vào ngày thu hoạch.
Ngược dòng lịch sử 55 năm trước, tại Khe Hó, một thung lũng phía Tây - Nam huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đã được chọn làm điểm xuất phát đầu tiên của con đường lịch sử. Trải qua 16 năm (1959-1975) chiến đấu ác liệt, không chùn bước trước mọi gian khổ, bộ đội ta đã làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại, con đường đi tới độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đến năm 1973, Tổng bí thư Lê Duẩn đã căn dặn, đường Trường Sơn sau này phải được mở rộng và kéo dài phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tháng 5-2000, đường Trường Sơn được phát lệnh khởi công, cho đến hôm nay khi chúng tôi đặt chân đến đây, tuyến đường huyết mạch trong cuộc kháng chiến năm xưa đã là một con đường tráng nhựa khang trang, nổi bật lên giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.
Ông Nguyễn Hồng Minh (50 tuổi, ngụ huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ: “Gia đình tôi sống ở đất này từ rất lâu rồi. Những năm đầu sau chiến tranh, nơi đây đầy rẫy bom mìn chưa nổ, phương tiện giao thông không vô được (vì đường xấu), nên không ai dám đến đây làm ăn. Sau này Nhà nước tổ chức tìm kiếm, rà phá bom mìn, chúng tôi mới dám tới đây làm rẫy. Coi vậy chứ, lâu lâu cũng có vụ mấy đứa nhỏ đào được bom rồi nổ bị thương hay tệ hơn là chết, nên người dân ở đây không dám để trẻ con ra rẫy, đi lên rừng một mình đâu” - ông Minh từ tốn khoác lên mình chiếc áo khoác bạc màu rồi lấy xe cùng chúng tôi đi dọc tuyến đường huyền thoại.
* Đường Trường Sơn hôm nay
Từ huyện Cam Lộ, chúng tôi tiếp tục theo trục đường chính với sự hướng dẫn của ông Minh. Ông Minh cho biết, các gia đình sống hai bên con đường này đều từ nơi khác đến xây dựng cuộc sống mới, vì nơi đây ngày trước là vùng giao tranh ác liệt nên chỉ có người dân tộc thiểu số bám trụ với buôn làng của họ. Chiến tranh đi qua, bỏ lại khu vực này đầy rẫy mối nguy từ bom đạn, những cánh rừng bị tàn phá bởi chất độc hóa học, chỉ còn đất hoang, đồi trọc.
Dừng lại ở một ngọn đồi nhỏ ven đường, chúng tôi tạm để xe dưới chân đồi và tìm đường đi bộ lên nhà ông Hà Văn Trương (70 tuổi, ngụ huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) trên đỉnh đồi. Thời tiết lúc này đã nóng hơn so với lúc chúng tôi còn ở Đông Hà, chiếc ba lô nặng trĩu trên lưng níu từng bước chân xuống đất nên phải mất một lúc lâu chúng tôi mới lên tới nhà ông Trương.
Ông Trương kể, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông là du kích địa phương ở bờ Bắc sông Bến Hải, nên đã chứng kiến nhiều đợt vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam bằng tuyến đường Trường Sơn. Những năm đầu mở đường Trường Sơn, trang thiết bị, vũ khí đều được thồ bằng sức người, đến khi có xe vận tải thì sức người vẫn tiếp tục được sử dụng. Hành quân từ Bắc vào Nam cũng bằng sức người, nhưng theo lời ông Trương thì ấn tượng nhất vẫn là những người lính xăng dầu.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) đã mở hàng chục ngàn km đường chiến lược Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn, đi qua một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, bảo đảm cho 1,5 triệu tấn hàng hóa, 45 triệu tấn vũ khí và 5,5 triệu m3 xăng dầu chuyển tới chiến trường miền Nam và nước bạn. Ngoài ra, còn có 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn cùng hàng chục đơn vị khác di chuyển trên con đường này để chi viện cho chiến trường miền Nam. |
Ông kể, bộ đội khiêng và vác các thùng phuy xăng qua đèo, qua suối, họ bắc các máng từ đỉnh núi xuống chân núi, đổ xăng rồi hứng ở dưới, như thể hứng nước. Sáng tạo nhất là việc vác xăng trên lưng, mỗi người lính cho bao ny-lông vào trong ba lô rồi đổ xăng vào, buộc chặt và vác. Một ba lô xăng nhẹ hơn nhiều so với một ba lô đạn, nhưng rất nguy hiểm vì xăng cọ vào da gây bỏng da lưng. Ngoài ra, mỗi lần băng qua các vạt lửa do dân đốt nương, do đạn pháo của giặc bắn, mỗi người lính đều có thể bị bén lửa, nên cực kỳ nguy hiểm.
“Cuối thập niên 80, chúng tôi mới rủ nhau đến đây dựng lán làm rẫy, đất đai bạc màu hết nên vất vả lắm mới trồng được nông sản. Năm 2000, khi đường được làm khang trang, phương tiện cơ giới vào tiện lợi, chúng tôi mới có thể phát triển đời sống kinh tế, xe lớn vào thu mua bắp, khoai mì của chúng tôi dễ dàng hơn. Từ một vùng hoang vu ngày nào, bây giờ người dân ở đây đã có trường cho con em đi học, có bệnh xá nằm ngay đường nhựa để thuận lợi cho khám, chữa bệnh. Tuy chủ yếu còn sống bằng nghề nông, nhưng đời sống của bà con ở đây rất tốt, thoải mái, không khí trong lành, yên tĩnh hơn sống ở thành phố” - ông Trương khề khà bên ấm nước lá vối, kể cho chúng tôi nghe về đời sống của người dân nơi đây.
Từ một con đường mòn được tạo ra bằng cách xẻ núi, băng rừng, bộ đội ta đã xuyên qua mưa bom, bão đạn, vượt mọi khó khăn để vận chuyển hàng hóa, vũ khí, sức người phục vụ chiến trường miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Đến nay, địa danh đường Trường Sơn đã trở thành con đường chính đi dọc tuyến biên giới phía Tây đất nước, mở ra một hướng phát triển kinh tế cho các tỉnh nằm trên trục đường này.
Đăng Tùng