Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa pháp luật đến phòng trọ công nhân

10:05, 06/05/2014

Để nâng cao sự hiểu biết pháp luật cho công nhân, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) đã xây dựng mô hình nhóm công nhân nòng cốt tại các công ty, khu nhà trọ...

Để nâng cao sự hiểu biết pháp luật cho công nhân, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) đã xây dựng mô hình nhóm công nhân nòng cốt tại các công ty, khu nhà trọ... Luật sư Vũ Ngọc Hà, người phụ trách Chương trình nhóm công nhân nòng cốt, cho hay trung tâm đã tuyển chọn những công nhân nhiệt huyết, am hiểu pháp luật để đào tạo, bồi dưỡng vào nhóm công nhân nòng cốt. Đến nay, trung tâm đã mở gần 100 lớp tập huấn, đào tạo được hơn 600 công nhân nòng cốt.

* Kết vòng tay thân ái

Sau khi bị tai nạn lao động, anh Vũ Văn Miền (tạm trú phường Long Bình, TP.Biên Hòa) bị Công ty H. (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) sa thải trái luật. Bị đuổi việc vô lý, anh Miền tìm đến nhóm công nhân nòng cốt của anh Đỗ Văn Hùng (phụ trách địa bàn huyện Trảng Bom) nhờ hỗ trợ. Qua anh Hùng, anh Miền được Trung tâm cử luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Anh Miền tâm sự, quá trình khởi kiện Công ty H. để đòi quyền lợi, anh Hùng luôn nhiệt tình hướng dẫn và sẵn sàng làm “xe ôm” đưa đón anh miễn phí mỗi khi tòa yêu cầu, hoặc gặp gỡ luật sư.

Buổi sinh hoạt của nhóm công nhân nòng cốt phụ trách địa bàn huyện Trảng Bom.
Buổi sinh hoạt của nhóm công nhân nòng cốt phụ trách địa bàn huyện Trảng Bom.

Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Đỗ Văn Hùng nở nụ cười thân thiện tỏ bày, anh Miền là một trong rất nhiều trường hợp được anh giới thiệu đến Trung tâm nhờ các luật sư của trung tâm bảo vệ quyền lợi hợp pháp bị chủ doanh nghiệp xâm hại. Ngoài ra, với nhiệm vụ của mình, anh Hùng cùng nhóm công nhân nòng cốt phụ trách địa bàn huyện Trảng Bom đã tiếp cận các khu nhà trọ trên địa bàn huyện để tuyên truyền các kiến thức về pháp luật lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… cho công nhân. “Thời gian làm công nhân cho một công ty hóa chất ở Khu công nghiệp Long Bình, tôi được đi dự buổi tư vấn pháp luật cho công nhân tại khu nhà trọ do Trung tâm tổ chức. Từ đó, tôi được mời tham gia nhóm công nhân nòng cốt, được tập huấn thêm kiến thức pháp luật Công đoàn và được mời làm thủ lĩnh nhóm công nhân nòng cốt phụ trách địa bàn huyện Trảng Bom” - anh Hùng kể.

Năm 2009, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh đã thành lập mô hình nhóm công nhân nòng cốt tại các khu nhà trọ, công ty, khu công nghiệp. Đến nay, Trung tâm đã mở hơn 100 lớp tập huấn, đào tạo được hơn 600 công nhân nòng cốt. Những công nhân nòng cốt này đã trở thành lực lượng trợ giúp đắc lực trong công tác phổ biến kiến thức pháp luật đến người lao động.

Còn anh Trần Văn Thắng (công nhân nòng cốt phụ trách địa bàn huyện Nhơn Trạch) thì thổ lộ, đa phần công nhân tìm đến chương trình tư vấn pháp luật vì sự ngẫu nhiên, tò mò khi được bạn bè lôi kéo. Trong quá trình tham gia sinh hoạt, công nhân được nâng cao kiến thức pháp luật, được tham gia sinh hoạt tập thể, kết giao thêm bạn mới… “Tham gia nhóm công nhân nòng cốt, gặp chuyện bất trắc trong sinh hoạt, hay lao động, công nhân có thể tự gỡ rối cho mình, hoặc tìm đến Trung tâm nhờ luật sư hỗ trợ. Chính vì vậy, công nhân giờ đây không dễ bị chủ doanh nghiệp chèn ép, hoặc vì thiếu hiểu biết pháp luật lao động mà vô tình vi phạm” - anh Thắng nói.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Vũ Ngọc Hà nhấn mạnh, Trung tâm luôn tạo điều thuận lợi về thời gian, không gian, tổ chức các đợt giao lưu cho tất cả công nhân nòng cốt. Từ đó, họ thoải mái hơn trong việc chia sẻ kinh nghiệm và nối vòng tay lớn để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về vật chất, tinh thần trong quá trình lao động, sinh hoạt.

* Hiệu quả từ chương trình

Với kiến thức pháp luật về lao động tương đối và đủ tự tin để nói chuyện trước đám đông, anh Nguyễn Văn Cảnh (công nhân nòng cốt phụ trách địa bàn huyện Long Thành) tự hào khoe, nhờ tham gia nhóm mà anh giúp đỡ được nhiều công nhân tại địa bàn phụ trách nhận thức đúng đắn quyền lợi mình được hưởng khi tham gia quan hệ lao động theo quy định của pháp luật. Nhất là khi nắm vững pháp luật lao động, công nhân sẽ có trách nhiệm, ý thức cao với công việc và gắn bó với công ty khi được đãi ngộ, trả công sức tương xứng với hiệu quả lao động.

Luật sư Vũ Ngọc Hà luôn sát cánh cùng nhóm công nhân nòng cốt của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh.
Luật sư Vũ Ngọc Hà luôn sát cánh cùng nhóm công nhân nòng cốt của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh.

Anh Trịnh Văn Lợi (công nhân nòng cốt phụ trách địa bàn TP.Biên Hòa) thật thà chia sẻ, lúc chưa tham gia nhóm anh rất mù mờ về Luật Lao động và các quy định liên quan đến quyền lợi của người lao động. “Riêng bản thân tôi, giờ đây đủ tự tin đại diện theo ủy quyền của người lao động để tham gia hòa giải, đối thoại với người sử dụng lao động, hoặc tham gia phiên tòa. Còn với các thành viên, các nhóm công nhân nòng cốt luôn là nơi gửi gắm tình cảm, giải đáp thắc mắc của người lao động dưới sự tham vấn, hỗ trợ tận tình của Trung tâm” - anh Lợi tâm sự.

Chị Vũ Thị Duyên (công nhân nòng cốt phụ trách địa bàn huyện Nhơn Trạch) bộc bạch, nhóm của chị luôn sáng tạo ra cách chuyển tải kiến thức pháp luật một cách sinh động, hấp dẫn người nghe. Phương thức tuyên truyền pháp luật về lao động luôn được lồng ghép trong các hoạt động sinh hoạt tập thể nhằm mục đích cuốn hút, giúp người tham gia nhớ dai, nhớ lâu.

Luật sư Lê Tấn Tý (thuộc trung tâm) bày tỏ, công nhân được chọn vào nhóm công nhân nòng cốt sẽ được đào tạo, bồi dưỡng Luật Lao động, các quy định liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Ngoài ra, họ còn được đào tạo và hỗ trợ thêm kiến thức cuộc sống, như: kế hoạch tổ chức tốt cuộc sống trong gia đình; các kỹ năng giải quyết vấn đề trong xã hội, hòa nhập cộng đồng, tránh xa tệ nạn xã hội, đoàn kết giúp nhau trong cuộc sống…

Ngoài những thành công, theo luật sư Vũ Ngọc Hà, chương trình nhóm công nhân nòng cốt vẫn có những hạn chế, như trình độ tiếp cận pháp luật của các thành viên tham gia nhóm mỗi người khác nhau. Đặc biệt, mô hình nhóm công nhân nòng cốt được một tổ chức phi chính phủ tài trợ và đến cuối năm 2013 dự án kết thúc, nên không còn kinh phí để hoạt động. Hiện tại, Trung tâm đang chờ quyết định của lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh để tiếp tục duy trì chương trình. Lãnh đạo Trung tâm mong muốn, một khi đầu tư thành lập và đào tạo đội ngũ công nhân nòng cốt được như hiện tại thì không thể để “chết yểu”, hoặc giải tán, vì thế mọi người đều tha thiết tiếp tục duy trì hoạt động của các nhóm công nhân nòng cốt. Do đó,  trung tâm sẽ tìm đơn vị tài trợ để tiếp tục duy trì mô hình hiệu quả này trong thời gian tới.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích