Vài năm trở lại đây, cứ vào đầu mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 7), bọ đậu đen không rõ từ đâu cứ lũ lượt kéo về quấy phá các hộ dân xã An Viễn (huyện Trảng Bom). Trước tình trạng bọ đậu đen trở thành dịch, người dân xã An Viễn chỉ còn cách sống chung với chúng và không ngừng phát đi tín hiệu cầu cứu cơ quan chức năng.
Vài năm trở lại đây, cứ vào đầu mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 7), bọ đậu đen không rõ từ đâu cứ lũ lượt kéo về quấy phá các hộ dân xã An Viễn (huyện Trảng Bom). Trước tình trạng bọ đậu đen trở thành dịch, người dân xã An Viễn chỉ còn cách sống chung với chúng và không ngừng phát đi tín hiệu cầu cứu cơ quan chức năng.
* Khốn khổ vì bọ đậu đen
5 năm nay, gia đình ông Thạch Song (ngụ ấp 4) luôn phải “sống chung” với bọ đậu đen. Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên ông phải làm là quét dọn, thu gom bọ đậu đen. Nhưng ngày nào cũng vậy, bọ đậu đen hết đàn này đến đàn khác lũ lượt kéo đến nhà ông và chúng đu bám khắp nhà, ngoài vườn. “Bọ đậu đen thường xuất hiện vào đầu mùa mưa, nhất là những đêm có trăng. Chúng kéo vào nhà, bám vào mọi đồ dùng sinh hoạt, gia đình tôi phải dọn liên tục mấy giờ mới xong. Vậy mà đến sáng hôm sau lại phải dọn tiếp và cứ vậy cho đến hết tháng 7 chúng mới chịu rút” - ông Song ngao ngán cho biết.
Ông Nguyễn Văn Minh (ấp 6, xã An Viễn, huyện Trảng Bom) bức xúc vì dịch bọ đậu đen. |
Bà Đinh Thị Chắt (ngụ ấp 2) bức xúc tỏ bày, vài ba ngày bọ đậu đen lại kéo vào nhà bà. Dù gia đình bà đã dùng mọi biện pháp, như: quét, đốt, bỏ hóa chất vào ổ bọ đậu đen để tiêu diệt, nhưng bầy này chết lại có bầy khác xuất hiện. Mấy ngày qua, vợ chồng bà Chắt phải đem mùng mền ra vườn điều ngủ qua đêm vì bọ đen bu đầy trong nhà. “Đêm nào bọ đậu đen kéo về là vợ chồng tôi phải dắt nhau ra ngoài vườn, nhường nhà cho chúng phá. Khi ngủ phải giăng mùng cẩn thận, nếu để chúng chui vào mùng là chúng làm bỏng da, mùi hôi do bọ đậu đen tiết ra rất khó chịu” - bà Chắt than.
Chủ tịch Hội Nông dân xã An Viễn Nguyễn Văn Rung bày tỏ, qua phản ánh của người dân và khảo sát thực tế, Hội Nông dân xã An Viễn đã phản ảnh với nhiều cơ quan chức năng, nhưng dịch bọ đậu đen đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. |
Ông Nguyễn Văn Minh (ngụ ấp 6) chán nản cho hay, bọ đậu đen kéo về rào rào như máy tuốt phun lúa. Chúng bám khắp nhà, vật dụng sinh hoạt gia đình, chuồng trại… Vợ và các con ông buộc phải sang nhà nội, ngoại tá túc để đảm bảo sức khỏe và việc học tập. Riêng ông, mỗi ngày tốn hết 400 ngàn đồng để mua thuốc phun xịt và mất hàng giờ quét dọn, hốt bọ đậu đen vào bao đem đi chôn. “Hôm qua, tôi phun hết 1,6 triệu đồng tiền thuốc. Từ ngày dịch bọ đậu đen tái xuất hiện đến nay, tôi tốn hơn 5 triệu đồng tiền thuốc phun xịt, nhưng nhà và chuồng gà của tôi cũng bị chúng gặm mục nát hết” - ông Minh ấm ức nói.
Bà Nguyễn Thị Đức Măng (ngụ ấp 4) thì thổ lộ, cứ vào ngày trăng lên bọ đậu đen lại xuất hiện khắp căn nhà 2 tầng của bà. Trong một tuần lễ, bà Măng đã thu gom hàng tạ bọ đậu đen. “Nó tiết ra cái mùi rất khó chịu. Chúng tôi dùng đủ loại thuốc để tiêu diệt, nhưng vẫn chưa có loại thuốc nào đem lại hiệu quả hơn việc hốt quét hàng ngày, cùng với un khói để xua đuổi” - bà Măng trình bày.
* Lực bất tòng tâm
Năm 2013, ngay sau khi có thông tin về bọ đậu đen xuất hiện ở khu dân cư xã An Viễn, ngày 18-6-2013, cán bộ Khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng Trung ương) đã phối hợp Trung tâm y tế huyện Trảng Bom khảo sát tình hình, lấy mẫu xét nghiệm. Nhưng đến nay, người dân nơi đây vẫn chưa nhận được hướng dẫn cách diệt trừ loại bọ này. Người dân đang mong đợi sự vào cuộc của các ngành chức năng, để sớm có biện pháp tiêu diệt tận gốc bọ đậu đen, để họ có được cuộc sống bình thường như bao người dân khác.
Bọ đậu đen nhiều đến nỗi người dân hốt bỏ vào bao đem chôn. |
Theo đánh giá của Hội Nông dân xã An Viễn, dịch bọ đậu đen đã tồn tại và làm đảo lộn sinh hoạt của người dân nhiều năm qua. Số hộ có bọ đậu đen vào nhà lên tới cả trăm hộ, nhất là ở khu vực ấp 6. Qua ghi nhận thực tế của Hội Nông dân xã, bọ đậu đen thường trú ngụ ở những nơi, như: nhà lá, khu đất ẩm thấp và chúng thường xuất hiện vào đầu mùa mưa. Thời gian chúng lưu trú kéo dài khoảng 4 tháng/năm. Bọ đậu đen thường xuất hiện vào chiều tối, nhất là khi có ánh điện và trăng sáng.
Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Trảng Bom Nguyễn Văn Dần cho hay, bọ đậu đen thuộc bộ cánh cứng, nhỏ như hạt đậu đen, thức ăn của chúng là bã thực vật, chúng thường xuất hiện ở khu vực nhà ẩm thấp, vườn cao su và di cư theo mùa. Khi bám vào người, bọ đậu đen tiết ra một chất gây mùi hôi và khó chịu. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào cho thấy bọ đậu đen phá hại đến tài nguyên thực vật, nhưng trước mắt đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của họ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Đình Dũng, cán bộ Hội Nông dân xã An Viễn, cho biết bọ đậu đen không chỉ gây xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân, mà còn gây hư hỏng nhà cửa, chuồng trại làm bằng gỗ. Trước nạn dịch bọ đậu đen tái diễn, những hộ dân bị ảnh hưởng đã từng bước có kinh nghiệm phòng tránh. Nhưng đến nay, họ vẫn chưa được đơn vị nào đứng ra hỗ trợ kinh phí, cũng như cách thức tiêu diệt bọ đậu đen hiệu quả và đỡ tốn kém hơn cách làm hiện tại của người dân.
Buồn bực vì nạn bọ đậu đen liên tục gây xáo trộn cuộc sống của gia đình nhiều năm liền, ông Nguyễn Văn Minh mong muốn các ngành chức năng sớm vào cuộc giúp dân diệt tận gốc dịch bọ đậu đen. “5 năm qua, chúng tôi nếm đủ mùi hôi khó ngửi và sự quấy phá của bọ đậu đen. Nếu không được các ngành chức năng vào cuộc hỗ trợ, chúng tôi chỉ còn biết nhường nhà cho bọ đậu đen ở, còn mình ra vườn nằm, nhìn chúng lúc nhúc trong nhà mà “lực bất tòng tâm” - ông Minh xót xa tâm sự.
Đoàn Phú - Nguyên Trà