"Muốn đời sống phát triển thì phải có đường, có điện. Chúng tôi không tự làm điện được, còn đường thì mỗi nhà hiến một ít đất, góp một ít tiền, bỏ vài ngày công là đã có con đường sạch đẹp để đi lại và vận chuyển nông sản, nhất là cho mấy đứa nhỏ đi học an toàn khi mùa mưa sắp tới…" - ông Vũ Văn Xuyên (ngụ ấp Tân Lập, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) vừa nói, vừa đưa chúng tôi đi bộ trên con đường bằng phẳng đang dần thành hình ở ấp Tân Lập.
“Muốn đời sống phát triển thì phải có đường, có điện. Chúng tôi không tự làm điện được, còn đường thì mỗi nhà hiến một ít đất, góp một ít tiền, bỏ vài ngày công là đã có con đường sạch đẹp để đi lại và vận chuyển nông sản, nhất là cho mấy đứa nhỏ đi học an toàn khi mùa mưa sắp tới…” - ông Vũ Văn Xuyên (ngụ ấp Tân Lập, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) vừa nói, vừa đưa chúng tôi đi bộ trên con đường bằng phẳng đang dần thành hình ở ấp Tân Lập.
* Từ mong mỏi của người dân
Cái nắng gay gắt của buổi trưa tháng 3 phả hơi nóng ngột ngạt vào mặt những người dân đang theo dõi tiến độ làm đường xuyên ấp đi qua tổ 4, ấp Tân Lập. Nheo nheo đôi mắt dõi theo từng chuyến xe san phẳng số đất vừa được đổ trên nền đường cũ, ông Xuyên cúi người xuống vốc một nắm cát rồi nói với chúng tôi: “Các anh xem, nền đất ở đây toàn cát xấu, chỉ trồng được 2 giống cây tràm và mì. Ngày xưa, con đường này bề ngang có 1m, mà toàn là thứ cát như thế này. Mùa khô còn đỡ, chứ mùa mưa chỉ có nước vác xe mà lội qua bùn nhão. Người lớn thì đau đầu về chuyện vận chuyển hàng hóa từ nhà ra nơi thu mua, trẻ con thì khóc ròng về việc đi học tới trường là quần áo lấm lem hết cả” - nói đoạn, ông Xuyên chỉ cho chúng tôi xem con đường cũ mà người dân vẫn phải đi lại trước khi bắt đầu làm con đường mới.
Ông Nguyễn Vinh (bìa trái) cùng kiểm tra sổ sách ghi số lượng đất đã đổ. |
Đường cũ mà người dân ấp Tân Lập thường hay sử dụng là con đường nhỏ đi qua tổ 4 và tổ 6, còn con đường mới làm đi qua hầu hết các tổ nhờ việc hiến đất làm đường của gần 20 hộ dân trong ấp. Người hiến đất nhiều thì lên tới 1.200m2 như gia đình ông Đặng Bá Lâm, người hiến ít cũng vài mét. Gia đình nào không phải hiến đất thì ủng hộ tiền, hoặc ngày công làm đường. Ông Xuyên nhấn mạnh thêm, người dân nơi đây chủ yếu làm nông nên con đường ngon lành đã được mong chờ từ rất lâu. Riêng gia đình ông, do nằm trên mặt chính nên đã hiến 700m2 và 20 triệu đồng tiền mặt để làm đường.
Trưởng ấp Tân Lập Nguyễn Văn Sót cho biết, sau nhiều lần người dân có ý kiến, ông đã tổ chức họp dân trong ấp để thống nhất cách thức hiến đất, ủng hộ tiền và tiến hành làm đường ngay sau đó. “Tôi tổ chức họp tuần trước, có làm biên bản, tờ trình rõ ràng và bắt tay vào làm đường ngay sau đó mấy ngày, tranh thủ mùa khô ráng làm cho xong, không để lấn sang mùa mưa. Thấy tôi sốt sắng như vậy, nhiều người nói cứ thong thả, không cần vội. Nhưng tôi gạt đi ngay, muốn người dân tin vào điều mình nói thì phải làm cho họ thấy, làm nhanh nhưng phải đảm bảo chất lượng. Người ta thấy được hiệu quả từ việc mình làm, thấy được mình không chỉ biết nói suông thì người ta sẽ tin, những lần sau vận động người dân sẽ dễ dàng hơn”. Vừa nói xong, ông Sót lại xăn ống quần, đội nón lá đứng giữa “công trường” để chỉ cho tài xế xe tải vị trí đổ đất và cẩn thận ghi chép lại từng chuyến xe vào sổ.
* Hân hoan trên con đường mới
Con đường mới ở ấp Tân Lập được người dân trong ấp góp tay vào mở rộng ra từ 5-7m và nâng mặt đường cao hơn 40cm, chủ yếu đổ đất phún và mở rộng các mương thoát nước. Chỉ vào nền cát của đường cũ, ông Xuyên cho chúng tôi biết: “Trước khi bắt tay vào làm đường, tôi đã cùng ông Sót và nhiều người nữa thử rải đá, nhưng sau một thời gian đều bị lún vào cát nên không ăn thua. Trước mắt là đổ đất phún, sau này có điều kiện thì “bê tông hóa”. Bà con ở đây chỉ cần có con đường đẹp để đi, hơi bụi một chút cũng được, miễn tránh được lầy lội vào mùa mưa”.
Xe san ủi đất để làm đường. |
Vừa đi, ông Xuyên vừa chỉ cho chúng tôi biết các hộ gia đình sẵn sàng hiến một phần rừng tràm, hoặc như gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng tự chặt bỏ hàng cây ven đường, thuê xe cuốc đắp thêm đất ven bờ ao của gia đình để mở thêm bề ngang đường cho đúng 5m theo kế hoạch. “Các anh về sớm mấy ngày mới thấy không khí làm đường của người dân nơi đây hào hứng thế nào. Người phát quang hết bụi rậm, người dọn cỏ, người thì mở rộng những con mương thoát nước ven đường… Hầu như chủ đề bàn tán của người dân nơi đây suốt tuần qua là về con đường này. Ngay như hôm nay, xong đoạn đường nào là y như rằng có vài người lấy xe máy ra chạy thử và bày tỏ mong mỏi con đường hoàn thành sớm vì chạy xe trên đường mới không bị cát lún, thích quá” - nói rồi, ông Xuyên chỉ cho chúng tôi những người dân bắt đầu đi lại trên con đường vừa được hoàn thành cách đó ít phút.
“Chúng tôi tự hiến đất và bỏ tiền thuê xe để chở đất tới làm đường, chỉ mong con đường này sẽ đem lại được những lợi ích thiết thực cho cuộc sống của chúng tôi. Người dân ở đây chủ yếu làm nông nên rất cần con đường huyết mạch để vận chuyển nông sản. Con đường mới không chỉ mang ý nghĩa là con đường đi lại, mà còn đánh dấu những thay đổi cho cuộc sống của chúng tôi sắp tới” - ông Nguyễn Vinh bộc bạch những hy vọng được mở ra từ con đường xuyên ấp đang dần hình thành. |
Bước đi cùng người hàng xóm trên con đường vừa được xe lu lèn chặt, bà Nguyễn Thị Hồng (56 tuổi) cho biết, gia đình bà sống ở ấp Tân Lập từ năm 2005. Theo lời bà Hồng, con đường này sẽ mở ra một hướng đi mới để con bà đi học dễ dàng hơn, không phải vác xe đạp qua những đoạn đường lầy lội vào mùa mưa nữa. Còn ông Nguyễn Vinh (57 tuổi) thì hớn hở nói: “Gia đình tui hiến 150m2 đất và 10 triệu đồng để làm đường. Tui ở đây mấy chục năm rồi, nên biết con đường trước đây nhỏ xíu, chỉ vừa đủ chiếc xe bò đi thôi. Hồi xưa ở đây đến đi bộ còn khó khăn, chứ đừng nói là đi xe… Bây giờ, do nhu cầu đi lại nhiều nên mở đường lớn sẽ tạo điều kiện cho thương lái vô đây thu mua nông sản của bà con. Muốn đời sống khấm khá hơn thì phải có con đường chắc chắn để đi lại”.
Theo dự kiến của người dân ấp Tân Lập, sau khi hoàn thành 500m đường ở giai đoạn 1 và thu đủ kinh phí, họ sẽ bắt tay ngay vào thực hiện 500m cuối cùng ở giai đoạn 2. Ông Nguyễn Văn Sót tâm sự: “Con đường mới là ước mơ của người dân ấp Tân Lập. Họ sống và gắn bó với vùng đất này, nên luôn mong mỏi có con đường thật khang trang để đi lại. Và bây giờ, chính họ đã tự tay hoàn thành giấc mơ của mình, chỉ cần có người đứng ra thống nhất ý chí thì người dân sẽ tự làm được tất cả”.
Đăng Tùng