Trong mỗi chuyến công tác của các tàu hải quân, một trong những việc quan trọng nhất là đảm bảo sức khỏe cho người lính hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không để xảy ra bệnh tật, chữa thương, cấp cứu, thực hiện các ca tiểu phẫu khi có chuyện bất ngờ…, vai trò của quân y lúc này trở nên vô cùng quan trọng.
Trong mỗi chuyến công tác của các tàu hải quân, một trong những việc quan trọng nhất là đảm bảo sức khỏe cho người lính hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không để xảy ra bệnh tật, chữa thương, cấp cứu, thực hiện các ca tiểu phẫu khi có chuyện bất ngờ…, vai trò của quân y lúc này trở nên vô cùng quan trọng.
* Bác sĩ nhà giàn
Trưa tháng 3 nắng chói chang, theo chân Đại úy Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm quân y Lữ đoàn 167, chúng tôi chứng kiến một buổi hướng dẫn cứu thương cho tổ cứu thương trên tàu HQ636. Trong lúc đợi mọi người tập hợp, chúng tôi được nghe anh kể về những kỷ niệm đáng nhớ trong suốt thời gian phục vụ ngoài các nhà giàn DK1.
Tổ cứu thương tập luyện tình huống vận chuyển “nạn nhân” bằng cáng vớt. |
“Huấn luyện chiến sĩ xong, tôi được đơn vị đưa đi học các khóa cứu thương, rồi trở thành chiến sĩ cứu thương trên tàu. Sau đó, tôi được đi học sĩ quan quân y, rồi được phân về phục vụ trên các nhà giàn DK1 ngoài biển. Đó là những tháng ngày đáng nhớ nhất với đời lính biển của tôi. Tùy theo nhiệm vụ, có khi tôi ở ngoài nhà giàn vài tháng, có khi ở đến hơn một năm. Hồi đó, ngoài nhà giàn làm gì có điện thoại, internet như bây giờ, nên mỗi lần có người đến thăm, chúng tôi mừng lắm. Khi thuyền nhỏ cập chân nhà giàn, quà anh em hải quân mong chờ nhất là chồng báo, xấp thư, nên được ưu tiên chuyển lên trước. Anh nào có thư gia đình, người yêu gửi thì mừng rơn, anh nào không có ai gửi gì thì buồn so và thắc mắc không biết thư thất lạc, hay gia đình không gửi” - anh Trung kể cho chúng tôi nghe chuyện sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn ngày trước.
Ngoài công tác đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn, quân y còn làm nhiệm vụ cấp cứu cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Anh Trung kể, những đêm tối trời, mỗi khi thấy ánh đèn pha của tàu cá từ xa đến là biết có chuyện xảy ra, phải chuẩn bị đồ nghề cấp cứu ngay. Nếu sóng yên biển lặng, hoặc người bị thương nhẹ thì có thể dùng ròng rọc chuyển lên nhà giàn để quân y dễ dàng chữa trị, hoặc thực hiện tiểu phẫu cho an toàn. Gặp trường hợp người bị thương quá yếu, hoặc lúc biển động, quân y sẽ đu dây từ nhà giàn xuống tận tàu cá để chữa trị.
“Khoảng 15 giờ vào một ngày biển động năm 2000, khi đó tôi là quân y trên nhà giàn DK1/2, tôi nhận được tín hiệu từ tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi báo có người lặn biển bắt cá đuối bị thương. Khi đó biển động cấp 5, tôi phải đem theo bộ đồ nghề tiểu phẫu cùng với một đồng đội đu dây xuống tàu để cấp cứu cho ngư dân. Tàu của ngư dân không lớn lắm, gặp lúc biển động nên bị chao đảo rất mạnh, gần như mỗi lần đụng đến vết thương của người bị thương, tôi phải nín thở vì sợ làm không khéo sẽ hỏng chuyện. Dù đã trải qua huấn luyện rất nhiều về việc làm tiểu phẫu trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng mỗi lần áp dụng thực tế, chúng tôi lại như đang đối mặt với cuộc chiến, phải giữ cho bản thân mình không say sóng thì mới cấp cứu được cho người bệnh” - anh Trung kể lại câu chuyện cứu người mùa biển động năm đó.
* Cấp cứu giữa biển
Trong 103 tháng công tác trên nhà giàn DK1, thời gian lâu nhất mà anh Trung ở liên tục trên nhà giàn là 407 ngày, vào năm 2002-2003. Để trở thành một quân y hải quân hoặc tổ cấp cứu trên tàu, ngoài việc có sức khỏe tốt, không bị say sóng, tiêu chuẩn đầu tiên quân y hải quân phải đạt được là việc thành thục 5 kỹ thuật cấp cứu, gồm: băng vết thương, cầm máu tạm thời, cố định tạm thời gãy xương, hồi sinh tổng hợp và vận chuyển người bị thương.
“Ngay như công tác vận chuyển người bị thương của hải quân cũng đặc biệt hơn các quân, binh chủng khác là có 2 loại cáng, gồm: cáng bó và cáng vớt. Cáng bó là loại cáng bình thường, nhưng cáng vớt là loại cáng có gắn phao, dùng để cứu người bị rơi xuống biển. Y, bác sĩ hải quân còn phải thành thục cách sơ cứu, tiểu phẫu trong điều kiện nhỏ hẹp của khoang tàu. Khác với điều kiện trên đất liền, có thể chuyển người bị thương về tuyến sau, lúc tàu đang làm nhiệm vụ thì người bị thương được cấp cứu ngay bên trong khoang tàu, hoặc trên sàn tàu. Nếu như người quân y không giữ được sức khỏe cho bản thân thì không đủ sức chữa cho người khác” - anh Trung cho chúng tôi biết trước khi tập hợp tổ quân y trên tàu HQ636 để huấn luyện.
Đại úy Nguyễn Văn Trung (người ngồi giữa) hướng dẫn đồng đội thực hành thao tác ép lồng ngực. |
Tình huống huấn luyện hôm nay được đặt ra là có người rơi xuống biển bị thương, các quân y phải dùng cáng vớt để đưa người bị thương lên tàu, rồi hô hấp nhân tạo, cố định tạm thời gãy xương. Một chiến sĩ được lựa chọn để đóng vai người bị thương, còn 3 người làm công tác cấp cứu, anh Trung sẽ giám sát và hướng dẫn buổi tập này.
Trung tá Nguyễn Thành Nhân, Phó chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 167, cho biết Lữ đoàn 167 là lực lượng tàu thường trực, nên công tác đảm bảo quân y được quản lý chặt chẽ. Ngoài việc tăng cường công tác bảo quản thuốc men, dụng cụ y tế, công tác huấn luyện quân y cũng được đơn vị thường xuyên tổ chức nhằm đảm bảo mỗi tàu sẽ tự xử lý được những tình huống diễn ra trên đường làm nhiệm vụ. |
Sau khi “nạn nhân” được đưa lên sàn tàu, quân y trên tàu bắt đầu tiến hành các bước, như: hà hơi thổi ngạt, tống nước ra ngoài. Trong lúc cán bộ, chiến sĩ đang tập luyện, Đại úy Trung ngồi kế bên quan sát và sửa ngay những động tác, tư thế sai của tổ cấp cứu. Sau khi cả 3 người lần lượt được chỉnh sửa cách hô hấp nhân tạo cho “nạn nhân” thì chuyển sang cố định tạm thời gãy xương.
“Quân y phục vụ trên tàu phải thực hành chuẩn xác những thao tác cấp cứu mới nhanh chóng cứu được người bị thương, vì điều kiện trên biển khắc nghiệt, sức khỏe sẽ bị suy giảm rất nhanh nếu không cứu kịp. Việc đào tạo quân y hải quân cũng được nhân rộng ra các chiến sĩ. Nếu tàu không có biên chế bác sĩ, y sĩ thì sẽ lựa chọn thủy thủ trên tàu để lập thành tổ cứu thương, để sẵn sàng làm nhiệm vụ khi cần” - anh Trung vừa nói, vừa tiến hành kiểm tra kỹ thuật băng bó của các thành viên tổ cứu thương tàu HQ636.
Trên đường về lại Sở chỉ huy Lữ đoàn 167, Đại úy Nguyễn Văn Trung nói người lính biển đã rất vất vả, nhưng các y, bác sĩ trên tàu còn vất vả hơn, vì phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả tàu để hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Muốn bảo vệ đất nước thì trước tiên người lính phải được đảm bảo tốt về sức khỏe để khi cần sẽ phát huy khả năng chiến đấu ở mức tốt nhất” - Đại úy Nguyễn Văn Trung bộc bạch.
Đăng Tùng