Lý Sơn là huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 18 hải lý (hơn 32km). Vào cuối thế kỷ 16, chính tại nơi đây có đội hùng binh được Chúa Nguyễn cử đi cắm cột mốc dựng bia chủ quyền, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc...
Lý Sơn là huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 18 hải lý (hơn 32km). Vào cuối thế kỷ 16, chính tại nơi đây có đội hùng binh được Chúa Nguyễn cử đi cắm cột mốc dựng bia chủ quyền, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc...
Lý Sơn có đặc điểm riêng là khô hạn mùa nắng, chịu nhiều dông bão về mùa mưa, bất lợi về thời tiết. Thế nhưng, sự khắc nghiệt của vùng biển, đảo đã giúp người nông dân Lý Sơn sản xuất loại tỏi thơm ngon, được cả nước biết đến.
* “Ruộng” tỏi bậc thang
8 giờ sáng một ngày cuối tháng 2-2014, chúng tôi có mặt trên chiếc tàu cánh ngầm chở gần 200 hành khách rời cửa biển Sa Kỳ, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) để đến đảo Lý Sơn. Do biển động nhẹ nên suốt cuộc hành trình chiếc tàu cứ chồm lên cao rồi lại hụp xuống, khiến không ít người bị say sóng. Thế mới biết vì sao mỗi lần biển nổi sóng dữ thì huyện đảo Lý Sơn dường như bị cô lập với đất liền, do không tàu nào được phép rời bến.
Một góc đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao. |
Mất 1 giờ tàu mới đến được đảo. Giữa bốn bề mênh mông biển nước, đảo Lý Sơn trở nên quá nhỏ bé. Chỉ rộng hơn 10km2, song điểm độc đáo ở vùng huyện đảo này là đi đâu cũng thấy tỏi. Tỏi được trồng bao la ở cánh đồng, trên núi, dưới khe đá, nói chung chỗ nào tỏi phát triển được là nông dân xuống giống. Chính vì vậy, tại mấy sườn núi dốc, dân Lý Sơn đã làm đất, trồng tỏi theo kiểu bậc thang, giống như ruộng bậc thang ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
- Các tư liệu lịch sử viết về đảo Lý Sơn (còn gọi là cù lao Ré), đều khẳng định cư dân Việt đến khai khẩn lập nghiệp trên đảo vào khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Dạo ấy, 15 tiền hiền thuộc 15 dòng họ lớn của 2 huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) di cư ra đảo. Thời kỳ đầu, số người khai khẩn, lập làng ở Lý Sơn gặp không ít khó khăn về thời tiết, khí hậu và dông bão. Đến năm 1960, cây tỏi mới được trồng ở đảo và ngay lập tức được thị trường ưa chuộng. “Đệ nhất” tỏi Lý Sơn thịnh hành đến hôm nay. - Ngày 1-1-1993, huyện đảo Lý Sơn được thành lập với 3 xã, trên cơ sở tách ra từ 2 xã thuộc huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi): An Vĩnh, An Hải ở đảo lớn; An Bình thuộc đảo nhỏ. Toàn huyện đảo hiện có trên 21 ngàn dân, mật độ dân số khoảng 2 ngàn người/km2, cao gấp 8 lần so với mật độ dân số trung bình của tỉnh Quảng Ngãi là 250 người/km2. |
Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Toan (58 tuổi), một người dân ở xã An Hải, gia đình đã có mấy đời trồng tỏi, thổ lộ dạo trước cuộc sống trên vùng đất đảo rất thiếu thốn. Xuất phát từ nghèo khó nên người dân Lý Sơn buộc phải chăm chỉ làm ăn, nhất là trồng trọt. Tỏi chỉ trồng một vụ, chủ yếu do phụ nữ đảm đương nên phải tận dụng mọi chỗ để sản xuất. “Ruộng” tỏi bậc thang ở Lý Sơn hình thành từ đó, không tập trung nhiều một chỗ, nhưng hình thù đó khá hấp dẫn, có nơi cao đến hàng chục bậc.
Những năm gần đây, nghề trồng tỏi ở Lý Sơn đã giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn. Bà Toan có 5 người con, chỉ với nghề trồng tỏi cha ông để lại bà đã nuôi dạy con cái học hành thành đạt. Đây cũng là điểm chung đáng tự hào của người dân Lý Sơn, dù cách xa đất liền nhưng con em trên đảo đều không thất học.
Một điểm lạ nữa ở Lý Sơn là trong các bữa ăn người dân đều kèm tỏi như người thành phố ăn rau sống. Chỉ khác ở chỗ, đó là tỏi tươi, mùi không nặng như tỏi khô. Tỏi Lý Sơn không chỉ để ăn, mà còn được chế biến thành nhiều món ăn, nước uống, nhưng phổ biến nhất là rượu tỏi một tép (tỏi cô đơn).
* Kỳ công tạo thương hiệu
Tỏi cô đơn phát triển một cách tự nhiên, ngay cả người trồng cũng không thể tác động được. Do chỉ có một tép to thay vì nhiều tép nhỏ, nên tỏi cô đơn khá hiếm và giá của nó cao gấp hàng chục lần so với tỏi thường.
Nói về rượu tỏi, ông Trương Văn Sửu, Chánh văn phòng UBND huyện đảo Lý Sơn, cho rằng công dụng của tỏi Lý Sơn, nhất là rượu tỏi cô đơn, đã được nhiều bài thuốc giới thiệu. Rượu tỏi uống trường kỳ và ăn củ tỏi ngâm có thể ngăn chặn một số bệnh. Theo ông Sửu, danh tiếng “đệ nhất tỏi” Lý Sơn chắc hẳn không quá thổi phồng, mà rõ ràng nó đã nổi tiếng từ khá lâu. Chính thức vào tháng 3-2009, khi UBND huyện đảo Lý Sơn công bố thương hiệu tỏi Lý Sơn và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - công nghệ công nhận.
Nông dân đảo Lý Sơn thu hoạch tỏi. |
Để củ tỏi có mùi vị đặc trưng, nông dân phải kỳ công mang cát từ biển về trải trên bề mặt lớp đất thịt chừng 2cm. Đây là loại cát đặc biệt, chất phù sa trong cát được tạo nên bởi những vỏ hàu, vỏ ốc đã phân hóa qua thời gian. Tỏi Lý Sơn chỉ trồng được vụ đông - xuân, sau 4 tháng thu hoạch.
Tháng 9 hàng năm, vùng đất đảo xuống giống trên 300 hécta tỏi, nhưng cũng cần khoảng 30 ngàn m3 cát biển. Hết kỳ thu hoạch tỏi, lớp cát cũ phải bỏ đi, để năm sau thay vào lớp cát mới thì tỏi mới đạt chất lượng. Mùa thu hoạch tỏi ở Lý Sơn rộ từ tháng 2-3, sau đó cung cấp ra thị trường khoảng 2 ngàn tấn tỏi khô và khá nhiều sản phẩm khác từ tỏi.
Dạo trước, vì liên tục chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt, đồng thời nông dân chưa biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên người trồng tỏi ở Lý Sơn luôn phải “đánh bạc” với mùa vụ, có năm mất trắng. Những năm gần đây, mô hình sản xuất tỏi an toàn được áp dụng đại trà đã đẩy năng suất tỏi lên cao. Chỉ tính vụ năm 2012-2013, mỗi hécta tỏi đạt bình quân 78,2 tạ, tăng 17,9 tạ/hécta so với vụ trước; riêng mùa vụ năm nay đạt gần 100 tạ/hécta. Tỏi thường năm nay có giá 60 ngàn đồng/kg, nhiều gia đình ở Lý Sơn trúng đậm.
Tạ Nguyên