Báo Đồng Nai điện tử
En

Đời chiếu bóng lưu động

04:03, 15/03/2014

37 năm theo nghề chiếu bóng, anh Võ Văn Hùng (Đội trưởng Đội chiếu bóng lưu động số 8, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh) có rất nhiều kỷ niệm. "Thời kỳ khó khăn, phòng ở tập thể của vợ chồng tôi sát vách với phòng chiếu nên con trai tôi nghiện tiếng rè rè của máy chiếu đến mức hết phim là nó giật mình tỉnh giấc ngay" - anh Hùng tâm sự.

37 năm theo nghề chiếu bóng, anh Võ Văn Hùng (Đội trưởng Đội chiếu bóng lưu động số 8, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh) có rất nhiều kỷ niệm. “Thời kỳ khó khăn, phòng ở tập thể của vợ chồng tôi sát vách với phòng chiếu nên con trai tôi nghiện tiếng rè rè của máy chiếu đến mức hết phim là nó giật mình tỉnh giấc ngay” - anh Hùng tâm sự.

Anh Võ Văn Hùng (trái) và đồng đội giới thiệu với chúng tôi về những thước phim 35mm.
Anh Võ Văn Hùng (trái) và đồng đội giới thiệu với chúng tôi về những thước phim 35mm.

Trước rạp Lido rêu phong, anh Hùng cùng chúng tôi nhâm nhi cà phê và kể chuyện quá khứ. Anh Hùng cho biết, anh vốn là đứa trẻ mê chiếu bóng nên muốn khám phá những thước phim đen thủi, đen thui kia sao lại có hình, có tiếng. Chính vì vậy, sau khi học xong lớp cơ bản về kỹ thuật vận hành máy chiếu, anh đã hăm hở theo các bậc đàn anh trong Đội chiếu bóng lưu động số 8 (Công ty quốc doanh chiếu bóng Đồng Nai) về vùng kinh tế mới huyện Xuyên Mộc (lúc đó thuộc tỉnh Đồng Nai) phục vụ nhân dân.

* Kỷ niệm Xuyên Mộc

Đội chiếu bóng lưu động số 8 lúc đó có 3 thành viên, gồm: Hùng (kỹ thuật máy chiếu), Phước (thuyết minh) và Xóm (Đội trưởng). Tại xã, đội của anh bám trụ 2 đêm chiếu phim phục vụ bà con, và cứ thế xoay vòng sang xã khác hết một lượt thì về lại tỉnh nhận phim mới, triển khai kế hoạch chiếu phục vụ nhân dân. Thời kỳ ấy, các anh được chính quyền địa phương và người dân đón tiếp như những thượng khách. Cho nên, máy chiếu được ví là súng, băng (phim) là đạn và các anh là những chiến sĩ của mặt trận văn hóa, thông tin cổ động. “Trong quá trình đi lưu chiếu phục vụ người dân vùng kinh tế mới Xuyên Mộc, chuyện ăn uống, sinh hoạt của đội đều dựa vào chính quyền các xã. Xã nào sản xuất nhiều đậu, mì, bắp thì chúng tôi ăn cơm độn nhiều đậu, mì, bắp hơn các xã khác” - anh Hùng hồn nhiên kể.

Cũng theo anh Hùng, những năm 1978, hoạt động chiếu bóng với những thước phim nhựa 35mm, 16mm thật là món ăn tinh thần hấp dẫn mà người dân vùng kinh tế mới huyện Xuyên Mộc khao khát được phục vụ. Chính vì vậy, bước chân của đội đến đâu, các anh cũng được chính quyền và dân đón tiếp chu đáo, thắm tình. Mùa nắng, đội chọn những bãi đất trống để đặt máy, căng màn ảnh. Đến mùa mưa thì chọn sân ủy ban để chiếu, phòng khi giữa buổi chiếu trời đổ mưa buộc phải dời máy vào nhà và bộ phim không bị bỏ dở. “Loại phim nhựa 24 hình/giây khi phim bị đứt, nối lại phải mất vài hình nhưng hình ảnh vẫn được liên tục. Vậy mà, bà con cũng phát hiện được và cho rằng làm như vậy xem không đã mắt, tiếc rẻ những giây hình bị cắt bỏ vì phim quá cũ” - anh Hùng tâm sự.

Điều mà người chiếu bóng lưu động thời nay buồn nhất là cảnh khi người xem về hết để lại cho các anh một khoảng sân trống với la liệt ghế phải dọn dẹp. “Ba anh em chúng tôi lầm lũi dọn ghế, dọn máy lên xe để về đội mà lòng trĩu nặng với nghề, chỉ mong các doanh nghiệp thật sự sát cánh cùng chúng tôi phục vụ món ăn tinh thần cho công nhân sau những ngày lao động vất vả” - anh Hùng cho biết.

Ly cà phê nhỏ giọt cuối cùng, anh Hùng vẫn không màng, tiếp tục câu chuyện lưu diễn của mình. Phim thời đó là phim nhựa, ngoài phim Việt Nam sản xuất, còn có phim Liên Xô, Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức… “Để người dân hiểu được nội dung phim, người đọc thuyết minh phim như anh Phước được bà con xem là thần tượng nhất đội. Thấy anh Phước thuyết minh đúng từng cái nhép miệng của nhân vật trên màn ảnh rộng, bà con nhìn anh ngưỡng mộ vô cùng. Bà con còn cho rằng, anh Phước là người rất giỏi tiếng Ba Lan, Liên Xô, Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức… Họ đâu biết rằng, với phim nước ngoài đều có bản thuyết minh và do làm lâu trong nghề nên anh Phước nhuần nhuyễn diễn tả cảm xúc theo từng lời nói, hành động của nhân vật. Bà con bị nhầm to, thật sự anh Phước chẳng biết tiếng nước ngoài nào hết” - anh Hùng hài hước nói.

* Lãng tử một thời

Sau 3 năm theo Đội chiếu bóng lưu động số 8 phục vụ người dân vùng kinh tế mới Xuyên Mộc. Năm 1980, anh Hùng được điều về Đội chiếu bóng số 10 huyện Long Thành. Nhiệm vụ của đội lúc này là chiếu phim thu phí, không còn phục vụ miễn phí như lúc ở huyện Xuyên Mộc. Tại đây, anh vẫn là nhân viên máy chiếu, đêm bám sân đình, trường học để phục vụ món ăn tinh thần cho dân. “Đến năm 1982 thì tỉnh thành lập Công ty chiếu bóng TP.Biên Hòa, tôi được điều về phụ trách máy ở rạp Lido và cưới vợ” - anh Hùng cho biết.

Cùng đồng đội lên đường chiếu phim phục vụ công nhân.
Cùng đồng đội lên đường chiếu phim phục vụ công nhân.

Tại rạp Lido, ngoài lương bao cấp, anh Hùng còn được hưởng thêm phần thu nhập từ dịch vụ gửi xe, bán nước gấp 2 lần lương viên chức của mình. Bù lại, công việc của người trực máy chiếu như anh phải làm liên tục như con thoi không có thời gian nghỉ ngơi. “Tôi ngồi trong phòng chiếu nóng bức, không gian rạp thì hừng hực hơi người vì suất chiếu quá dầy, khán giả xem phim chật cứng rạp và đó chính là thời kỳ hoàng kim của chiếu bóng mà tôi đã trải qua” - anh Hùng nhớ lại.

Với 8 đội chiếu bóng lưu động thuộc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh, thời gian qua hàng chục con người đang âm thầm làm nhiệm vụ văn hóa, thông tin cổ động, tuyên truyền những đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp. “Nếu không có trái tim yêu nghề và những kỷ niệm đẹp trong quá khứ thì bản thân tôi cũng như bao anh em khác sẽ không lưu luyến với nghề chiếu bóng đến tận hôm nay” - anh Hùng nói.

Sau thời gian dài công tác tại rạp, năm 1995 anh được điều về phụ trách máy chiếu ở rạp Thanh Bình. Năm 2003, Công ty chiếu bóng TP.Biên Hòa giải thể, anh Hùng về Đội chiếu bóng lưu động Xuân Lộc (khi Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai được thành lập). Thời kỳ này, những thước phim nhựa 16mm, 35mm vẫn tiếp tục được trình chiếu song song với băng nhựa video. Anh Hùng quay lại thời kỳ làm nhiệm vụ người chiến sĩ văn hóa, tuyên truyền, cổ động như lúc mới vào nghề khi phong trào chiếu bóng không còn thịnh hành như xưa. Anh Hùng cho biết, công tác ở đội chiếu bóng lưu động ở Xuân Lộc được 3 năm, đến năm 2006 anh được gọi về bổ sung cho Đội chiếu bóng lưu động số 4 huyện Long Thành. Năm 2009, anh chuyển về Đội chiếu bóng lưu động số 8 phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp đến nay. “Sau 35 năm làm nhân viên phụ trách máy, năm 2012, tôi mới được cấp trên bổ nhiệm giữ vị trí Đội trưởng Đội chiếu phim lưu động số 8, là “cấp trên” của hai nhân viên Hải, Vinh đó” - anh Hùng hài hước nói.

Đến nay, rạp Lido vẫn tiếp tục khóa cửa chờ chuyển đổi công năng. Tiếc cho ngôi rạp một thời huy hoàng, nay im lìm và chìm vào quên lãng. Anh Hùng tỏ bày: “Chiếu bóng giờ chỉ còn là cái bóng của môn nghệ thuật thứ bảy mà thôi. Tuy vậy, nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động của chúng tôi vẫn còn và cái tên “Hùng chiếu bóng” luôn là một kỷ niệm mà nghề tặng riêng cho tôi”.                                                          

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều