Lý Sơn được mệnh danh là đảo tỏi vì đi đâu cũng thấy tỏi. Song, mũi nhọn phát triển kinh tế ở vùng đất này không phải là nông nghiệp, mà là ngư nghiệp với sản lượng hải sản đánh bắt hàng năm đạt trên 37 ngàn tấn…
Lý Sơn được mệnh danh là đảo tỏi vì đi đâu cũng thấy tỏi. Song, mũi nhọn phát triển kinh tế ở vùng đất này không phải là nông nghiệp, mà là ngư nghiệp với sản lượng hải sản đánh bắt hàng năm đạt trên 37 ngàn tấn…
Cảng cá Lý Sơn. |
Hàng ngày vào sáng sớm, tại những bến tàu có vô số tàu bè cập bến. Sự nhộn nhịp ở đây kéo dài hàng tiếng đồng hồ khi từng chiếc tàu đem hải sản lên bờ bán buôn. Đây là những chuyến tàu đánh bắt gần bờ, đi từ sáng hôm trước đến buổi sớm hôm sau về lại đảo.
* Bám ngư trường
Ông Lê Hạnh, 46 tuổi, ngụ thôn Đông, xã An Hải, người có gần 30 năm làm nghề đi biển, nhớ lại: “Dạo trước đi biển cực lắm. Hồi ấy, phần lớn ngư dân sử dụng tàu công suất thấp nên phải đi vài ngày mới đến được ngư trường Hoàng Sa. Thời gian gần đây, ngư dân Lý Sơn đầu tư phương tiện hiện đại hơn nên chạy tàu hết 1 ngày, 1 đêm đến Hoàng Sa; còn đến Trường Sa mất 3 ngày, 3 đêm. Mỗi đợt đi ngắn nhất 15 ngày, nhiều nhất là 1,5 tháng. Đối với ngư dân, gian truân trước bốn bề biển lộng gió, nắng cháy không sợ, song mệt mỏi nhất là gặp tàu nước ngoài. Những năm gần đây, nhiều tàu, thuyền ở Lý Sơn bị người trên tàu nước ngoài hành hung, tịch thu phương tiện đánh bắt. Bản thân tàu nhà tôi trong năm 2013 đã nhiều lần bị tàu nước ngoài chặn bắt ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Có thời gian, tôi và anh em trong nhà phải… phơi lưới. Nhưng nghĩ lại, thấy chủ đích phi lý của những người trên tàu nước ngoài khi không cho ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trên vùng biển đã có chủ quyền của dân tộc mình, tôi giao tàu lại cho con trai Lê Văn Phát tiếp tục cuộc hành trình đánh bắt xa bờ”.
Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Trần Ngọc Nguyên: Đảo tỏi sẽ khởi sắc hơn khi có điện lưới quốc gia “Ngay từ bây giờ, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng nông thôn mới; định hướng canh tác tỏi, hành theo mô hình tưới phun để tăng năng suất; tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngư nghiệp; chú ý đầu tư vào nuôi tôm hùm... để khi có điện lưới quốc gia, vùng đất tỏi sẽ khởi sắc hơn”. |
Ngoài những trường hợp liên tục bị tàu nước ngoài hăm dọa, ngư dân bị “hành xử” có phần thô lỗ là ông Nguyễn Hải, 44 tuổi, ngụ ở xã An Hải. Năm 2012, phương tiện đánh bắt của ông Hải bị tàu nước ngoài tịch thu toàn bộ. Bản thân ông bị giam giữ một tháng mới được “tha” về, sau khi gia đình nộp tiền “bảo lãnh” gần 100 triệu đồng (!?).
Chúng tôi tìm đến nhà ông Hải, nhưng rất tiếc không gặp vì khi ấy ông đã ra khơi. Chị ông Hải, bà Nguyễn Thị Thành khẳng định: “Ngư dân Lý Sơn nói chung can trường lắm, tàu bị “ủi” liên tục nhưng vẫn quyết bám ngư trường. Như ông Mai Phụng Lưu, người 4 lần bị tàu lạ bắt giữ, giờ được tôn là “sói biển”. Hay như ông Lê Tân, 53 tuổi, trong 8 lần gặp tàu nước ngoài ở nơi đánh bắt hải sản thì 3 lần mất tàu, nhưng quyết không chịu rời biển xa. Cậu em tôi cũng vậy, nó chỉ nghỉ một thời gian thì nhớ biển rồi lại lên tàu đi nữa”.
* Tiếp tục vươn ra biển lớn
Nghề cá ở Lý Sơn hình thành từ khi lập đảo, chủ yếu đánh bắt ven bờ bằng lưới để thu hoạch cá chuồn và cá trích. Sau này, nhờ có kinh nghiệm đi biển và khai thác hải sản, người dân ở Lý Sơn xưa được các triều đại phong kiến tuyển mộ đi bảo vệ và khai thác sản vật ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cách đảo Lý Sơn 300-400 hải lý.[links(right)]
Xác định phát triển kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, thời gian qua, UBND huyện đảo Lý Sơn đã đầu tư xây dựng hàng chục công trình, dự án phục vụ nghề cá. Nếu như năm 2005, toàn huyện chỉ có 320 tàu thuyền, thì đến nay đã tăng lên 427 chiếc. Trong số này, phần lớn là tàu công suất cao và có 167 phương tiện chuyên đánh bắt xa bờ, chủ yếu ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đường vào trung tâm huyện đảo Lý Sơn. |
Sản lượng đánh bắt trong năm 2013 của ngư dân Lý Sơn khoảng trên 37 ngàn tấn, đạt giá trị sản xuất hơn 261 tỷ đồng và tăng
10-12% so với những năm trước. Từ nghề biển, đã có trên 3 ngàn lao động ở Lý Sơn tham gia đánh bắt ở khơi xa; rất nhiều gia đình khá giả, thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Ngày 28-2-2014, Tổng công ty điện lực miền Trung đã ký hợp đồng gói thầu cấp điện từ điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho huyện đảo Lý Sơn. Dự án có quy mô xây dựng 9km đường dây trung áp trên không thuộc huyện Bình Sơn và 27km đường cáp ngầm 220kV dưới biển từ đất liền ra đảo. Tổng mức đầu tư dự án là 652 tỷ đồng. Công trình được Công ty Prysmian Powerlink S.r.l (Ý) và Công ty TNHH Thái Dương liên doanh thi công. Dự kiến, cuối tháng 8-2014, công trình sẽ khởi công và đưa vào sử dụng từ tháng 10-2014. |
Nói về tình hình “nhân tai” đối với ngư dân của địa phương, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Trần Ngọc Nguyên cho biết, trong năm 2013, đã có 12 lần/18 tàu bị người nước ngoài bắt giữ, phá hủy, hoặc thu phương tiện. Riêng tháng đầu của năm 2014, đã có 5 trường hợp tàu ngư dân bị người trên tàu nước ngoài chặn đánh, làm hỏng phương tiện hành nghề. Trước những bất an cho ngư dân Lý Sơn ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, tháng 9-2011, Nghiệp đoàn nghề cá An Hải - Lý Sơn được thành lập, sau này thêm một nghiệp đoàn nữa ra đời. Từ đó đến nay, hai nghiệp đoàn với trên 1 ngàn đoàn viên hoạt động khá hiệu quả vì đã tạo động lực giúp ngư dân yên tâm bám biển. Theo ông Nguyên, hiện đa số tàu của ngư dân Lý Sơn đều được trang bị các thiết bị hiện đại, như: máy định vị, máy kéo lưới, bộ đàm…, rất thuận lợi cho việc đánh bắt hải sản xa bờ dài ngày, góp phần bảo vệ lãnh hải Việt Nam trên biển Đông.
Toàn đảo lớn Lý Sơn chỉ được cung cấp điện 5 giờ mỗi đêm bằng máy phát chạy dầu diesel. Đến 23 giờ, màn đêm bao trùm khắp nơi. Tuy nhiên, xung quanh đảo và xa hơn là những chiếc tàu rực sáng rong ruổi dưới trời khuya đánh bắt hải sản; vẫn có những người lính biển tuần tra, canh giữ biển trời, bảo vệ cho sự bình yên của quê hương.
Tạ Nguyên