Trăng rằm vằng vặc giữa rừng Mã Đà, ba anh em ông Tư Hoàng (Câu lạc bộ đờn ca tài tử KP.3, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bên những thợ rừng lem luốc, gầy nhom xướng lên tiếng đàn khúc hát trong lúc chờ những mẻ than ra lò.
Trăng rằm vằng vặc giữa rừng Mã Đà, ba anh em ông Tư Hoàng (Câu lạc bộ đờn ca tài tử KP.3, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bên những thợ rừng lem luốc, gầy nhom xướng lên tiếng đàn khúc hát trong lúc chờ những mẻ than ra lò. Tiếng đàn, khúc hát của ba anh em ông hồi đó đã giúp cho những người thợ rừng vơi đi nỗi cơ cực, cô đơn nơi “rừng thiêng nước độc”.
Ông Tư Hoàng (phải) thả hồn theo những câu vọng cổ qua tiếng đờn của ông Hai Sự. |
Lần đầu tiên được ông bầu Năm mời lên sân khấu ca bài vọng cổ Qua cơn mê và được bầu Năm trả thù lao mấy đồng bạc cắc, cậu thiếu niên Tư Hoàng khoái chí vô cùng. Chính vì vậy, mỗi khi có đoàn hát ghé nhà mình, Tư Hoàng đều theo chân anh trai Hai Lan để làm quen các nghệ sĩ, với khát vọng được hát trên sân khấu. “Anh trai tôi là người đờn giỏi nhất vùng nên thường kết giao với các nghệ sĩ khi đoàn về xã tôi biểu diễn. Vì vậy, tôi mới được vài ông bầu để ý đến chất giọng trầm buồn của mình, nên mời tôi biểu diễn vài bài trước khi vở diễn mở màn” - ông Tư Hoàng tỏ bày.
* Khúc hát đầu đời
Để đứng được trên sàn diễn hát, bà con phải bỏ tiền mua vé xem, không biết bao nhiêu lần ông Tư Hoàng bị anh trai Hai Lan cho ăn những cái cú đầu, bạt tai xây xẩm mặt mày vì hát sai nhịp, nhưng miệng vẫn cố mếu máo cho xong câu vọng cổ. Ông Tư Hoàng thật thà bộc bạch: “Được mấy ông bầu trả thù lao, tôi không khoái bằng được đám thanh niên trong xóm ở phía dưới sân khấu vỗ tay rần rần, ái mộ. Riêng chuyện tôi thường xuyên bị anh trai cho ăn đòn lúc luyện giọng thì chẳng ai biết”.
Không có huy chương hay kỷ vật nghề lưu lại tình yêu ca hát. Tuy vậy, Tư Hoàng vẫn tự hào về người anh trai Hai Lan. Hai Lan là người thầy đầu đời dạy Tư Hoàng hát đúng nhịp và bước lên sân khấu nhỏ của các đoàn hát rong những năm 1970-1971. “Nghe tiếng đờn là họng tôi ngứa ngáy muốn cất lên tiếng hát. Chỉ bấy nhiêu thôi đủ để bạn bè biết được tôi yêu vọng cổ thế nào” - ông Tư Hoàng thẳng ruột tỏ bày. |
Vài lần được đứng trên sân khấu của mấy đoàn hát nhỏ, giọng ca của ông Tư Hoàng mùi mẫn hơn so với những lần theo anh Hai Lan cùng đám trai làng Phước Tân (trước đây thuộc huyện Long Thành, nay thuộc TP.Biên Hòa) kéo nhau ra những gò đất hò hát thâu đêm. Nhờ vậy mà ông Tư Hoàng không còn buồn phiền chuyện mình là đứa trẻ mồ côi cha mẹ khi mới lọt lòng, được người chú ruột đem về cưu mang. “Cha tôi là liệt sĩ, hy sinh khi tôi còn trong bụng mẹ. Mẹ đi thêm bước nữa nên giao tôi cho chú nuôi và tôi được chú nhận làm con, vì nhỏ tuổi hơn con của chú nên gọi họ bằng anh. Vì vậy, tôi được anh Hai Lan kèm cặp dạy cho rất nhiều bài hát nhằm có thêm nhiều bạn bè cho đỡ tủi thân” - ông Tư Hoàng tâm sự.
Chiến sự ngày càng ác liệt, những người anh của ông Tư Hoàng đến tuổi quân dịch nên phải tìm cách trốn lính. Ông Tư Hoàng cũng bỏ học giữa chừng khi đang học lớp 11 để thay các anh lo mấy công ruộng. “Đó là mùa hè đỏ lửa năm 1972, cha nuôi tôi thoát ly theo cách mạng và bị thương. Tôi còn nhớ những chuyến cùng mẹ nuôi vào vùng tự do tiếp tế lương thực, thực phẩm bằng xuồng ba lá hai đáy, khi qua các đồn canh của lính ngụy chẳng chút sợ sệt khi vừa chèo xuồng vừa hát vọng cổ” - ông Tư Hoàng nhớ lại...
* Tình yêu khúc hát
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Tư Hoàng đã là cậu thanh niên trai tráng giỏi việc đồng áng và giọng ca càng điêu luyện hơn. Người anh trai Hai Lan giờ đã quay về nhà và tiếp tục luyện cho ông Tư Hoàng những bài ca vọng cổ mừng đất nước thống nhất. Cũng từ đó, ông Tư Hoàng bắt đầu theo cha nuôi, theo anh Hai Lan vào rừng hầm than, khai hoang phục hóa. Ông Tư Hoàng còn nhớ như in những đêm trăng lạnh, giữa rừng già Mã Đà cô quạnh, ba anh em ông cùng những thợ rừng lấm lem bụi than say sưa bên những bài vọng cổ khát vọng tình yêu, mừng đất nước thống nhất cùng ngón đờn điệu nghệ của anh trai Hai Lan.
Ông Tư Hoàng cùng những người bạn giao lưu đờn ca tài tử. |
Hết thời làm rừng, ông Tư Hoàng cùng các anh quay về nhà làm công nhân cho các nhà máy quốc doanh. Nhờ giọng ca mượt mà của mình mà ông Tư Hoàng được vợ...
Nói về chuyện lãng tử ca hát, ông Tư Hoàng liền kéo chúng tôi ra xa nơi chị Hoa làm bếp kể, dù có vợ nhưng giọng ca của ông cũng không kém duyên khi thi thố với các em, các chị. Một lần đang làm ca thì ông Tư Hoàng được nhóm bạn “bắt cóc” đi karaoke, để đại diện cho nhóm so giọng với một người con gái tên Xuân ở Bình Đa. “Sau lần đó, cô ấy cùng nhóm bạn gái hẹn nhóm của tôi giao lưu liên tục mấy ngày liền. Đùng một hôm, khi đến quán hẹn ca hát, chúng tôi không được gặp cô ấy nữa. Hỏi chủ quán mới biết cô ấy đã không còn cất cao được khúc vọng cổ nữa vì bị chồng ngăn cản”... ông Tư Hoàng nhớ lại...
Những người bạn của ông Tư Hoàng trong Câu lạc bộ đờn ca tài tử KP.3, phường Thống Nhất theo nghiệp đàn ca không nổi danh như những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tuy vậy, khi được tâm sự cùng những con người giàu tình yêu cổ nhạc, như: Năm Dũng, Hai Sự, Hữu Hưng mới hiểu được tình yêu ca cổ của họ và những trải nghiệm cuộc sống phong phú trong những năm tháng hành nghề, quá trình tầm sư học đàn, hát. |
Vọng cổ, cải lương chẳng giúp cho ông Tư Hoàng khá lên hay trở thành nghệ sĩ lớn. Nó chỉ giúp ông Tư Hoàng quẩn quanh các đám hiếu hỉ, phong trào và giữ được ngôi nhà đơn sơ ở KP.3, phường Thống Nhất với một vợ 3 con. Nhất là khi ông nghỉ hưu lãnh trợ cấp một lần được một cọc tiền, tập tành thiên hạ kinh doanh chỉ ôm về thất bại. “Mê đờn ca tài tử tâm hồn bay bổng, thanh cao thật. Tuy vậy, nếu bắt chước thiên hạ sân, si chuyện làm ăn thì dễ thất bại lắm” - ông Tư Hoàng đúc rút kinh nghiệm từ bản thân. Bởi vì, thời điểm những năm 1990-1997, ông cũng tập tành thiên hạ nuôi heo, đầu tư bất động sản đều bị thua lỗ.
Thân phận không may, cuộc gặp bất chợt với cô Xuân lãng đãng trái tim, kinh doanh thì éo le. Tuy vậy khi được hỏi đến, ông Tư Hoàng chỉ mỉm cười như không hề trách số phận. “Hạnh phúc của tôi là gia đình yên ấm, bản thân tôi thì kết giao được nhiều nghệ sĩ tên tuổi, như: Ngân Vương, Quế Anh, Chiêu Hùng... Nhất là giờ đây tôi và những người bạn cùng sở thích ở phường Thống Nhất tụ hội lại thành lập câu lạc bộ đờn ca tài tử để luyện lại các ngón đờn, nhịp ca và truyền nghề lại cho các bạn trẻ yêu thích loại hình nghệ thuật này” - ông Tư Hoàng dứt lời và ngay lập tức cất vang lời vọng cổ “Thương em nhiều qua lá thư xuân” ẩn chứa nhiều kỷ niệm của đời ông rất điệu nghệ và tình tứ ở tuổi 62...
Đoàn Phú