Trong ngôi nhà chung của tỉnh, hiện có trên 30 thành phần dân tộc thiểu số với trên 39 ngàn hộ, gần 200 ngàn nhân khẩu chung sống đoàn kết. Ông Ðiểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết theo năm tháng, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số tại các khu định canh - định cư (ÐCÐC) không ngừng phát triển.
Trong ngôi nhà chung của tỉnh, hiện có trên 30 thành phần dân tộc thiểu số với trên 39 ngàn hộ, gần 200 ngàn nhân khẩu chung sống đoàn kết. Ông Ðiểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết theo năm tháng, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số tại các khu định canh - định cư (ÐCÐC) không ngừng phát triển.
Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh tung tăng đến trường. |
“Tôi cảm nhận, nhìn thấy được sự tiến bộ của đồng bào dân tộc thiểu số qua các công trình mới, nếp nhà mới và tư duy mới trong cuộc sống của từng cá nhân” - ông Ðiểu Bảo nhấn mạnh.
* Niềm vui lao động
Qua bao mùa rẫy, đồng bào các dân tộc: Chơro, S’Tiêng, Tày, Nùng… ÐCÐC tại ấp 4, xã Tà Lài (huyện Tân Phú) càng cảm nhận sâu sắc hơn tấm lòng của chính quyền tỉnh, huyện và xã đã không ngừng chăm lo cho mình từ nơi ăn, chốn ở sao cho văn minh, tiến bộ.
Trưởng ấp K’Bách (dân tộc Chơro) cho hay, vụ lúa hè - thu (vụ 2) vừa rồi nhà nào cũng trúng mùa. Hiện bà con đang thu hoạch những chòm lúa chín sớm vụ 3 và liên tục thăm đồng để chuẩn bị nhân lực thu hoạch lúa vụ mùa đang chín. Ông K’Bách nói: “Năm nay, nhà ít ruộng cũng có vài bao lúa để trong nhà ăn tết. Nhà nhiều ruộng, như: K’Lân, K’Bân, K’Mạnh thì lúa chất đầy kho, ngoài đồng vẫn còn lúa chưa thu hoạch hết”.
Già làng Ðào Văn Tý (ấp Suối Sóc, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) bày tỏ, từ ngày Ðảng và Nhà nước vận động đồng bào sống ÐCÐC, cấp đất làm ruộng, làm rẫy, cấp nhà ở, làm đường, dựng trường…, đồng bào dân tộc Chơro của già và các dân tộc khác được ÐCÐC chung một khu đất, làm ruộng cùng cánh đồng, nên đoàn kết và thương yêu nhau hơn. |
Chậm chạp vác xà gạc (một loại dao đi rừng của đồng bào Chơro) thăm đồng, mắt nhìn các ruộng lúa đang trổ vàng, ông K’Cân cất tiếng: “Ðồng bào mình giờ ít khi cho đất nghỉ, nên cuối vụ nhà nào cũng có nhiều thóc, nhiều bắp, không còn lo thiếu ăn như thời còn sống du canh du cư. Tất cả là nhờ các công trình thủy lợi, điện nông thôn và những lớp học về khuyến nông do tỉnh, huyện, xã lo cho đồng bào”.
Ðứng trong vườn tiêu xanh mướt, trĩu hạt ở ấp Tân Hoa, xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), anh Vòng A Xíu bảo nhờ cây tiêu mà đồng bào người Hoa ở ấp Tân Hoa và các ấp lân cận xây được nhà to, con cái thì gửi lên TP.Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa học đại học. “Có được như ngày hôm nay, ngoài việc chịu khó làm ăn, đồng bào mình còn được chính quyền địa phương hỗ trợ thêm vốn, đầu tư hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên mới được như hôm nay” - anh Xíu nói.
Bên bờ ruộng bắp còn đọng sương đêm, anh Ma Văn Thìn (dân tộc Tày, ngụ ấp 4, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) cho biết gia đình anh có 2 hécta ruộng lúa. Sau khi thu hoạch xong 2 vụ lúa, anh cho nông dân ấp Bưng Cần (xã Bảo Hòa) thuê 1 hécta trồng hoa với giá 5 triệu đồng/sào. Một hécta đất còn lại, anh giữ lại trồng bắp vụ đông - xuân. “Nhờ chương trình lưới điện về nông thôn, người dân ở đây luôn chủ động được sản xuất, nên đời sống không ngừng nâng cao. Nông dân có việc làm quanh năm nên ai cũng phấn khởi cùng chính quyền trong việc giao thông nông thôn và đời sống văn hóa” - anh Thìn tâm sự.
* Vững một niềm tin
Tại chân ruộng lúa vừa thu hoạch xong, già làng Nguyễn Văn Hoằng (khu ÐCÐC ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) cho chúng tôi biết, thêm một năm nữa rẫy vườn của đồng bào Chơro ở ấp Nhân Hòa trúng mùa lúa, bắp, tiêu. Trâu, bò, dê được no cỏ, chóng lớn, nên ai cũng vui. Cũng theo già làng Hoằng, trong những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trong ấp được Ðảng, Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm rất nhiều thứ, như: điện, đường, trường, trạm; đồng thời được địa phương tổ chức dạy nghề, giới thiệu đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. “5 năm trở lại đây, đời sống đồng bào mình đều no ấm” - già làng Hoằng nở nụ cười hiền hậu nói.
Bê tông hóa đường khu định canh, định cư từ ngân sách quốc gia, tỉnh, huyện. |
Bên con đường vừa được bê tông hóa, ông Hoàng Văn Nga (dân tộc Mường, ngụ ấp Tân Lập, xã Phú Túc, huyện Ðịnh Quán), cho hay đời sống tinh thần và vật chất của người dân trong ấp những năm qua luôn được các cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm. Ngoài các công trình hạ tầng, đồng bào dân tộc thiểu số còn được hưởng thụ về văn hóa, học tập, vốn vay sản xuất. Hiện trong ấp chỉ còn vài hộ khó khăn, 100% con em đồng bào các dân tộc thiểu số đến tuổi đi học được vận động ra lớp; phong trào xây dựng nếp sống mới trong khu dân cư năm nào cũng đạt trên 95% hộ đăng ký tham gia. “Hiện tỉnh và huyện lại có chủ trương xây dựng nông thôn mới để xóm làng thêm văn minh, giàu đẹp thêm” - ông Nga thổ lộ.
Trong bộn bề của cuộc sống, đồng bào các dân tộc: Chơro, S’Tiêng, Tày, Nùng… tại các khu ÐCÐC trên địa bàn tỉnh hăm hở chào đón những chủ trương đổi mới của Ðảng và Nhà nước theo cách riêng của mình. Ông Ðiểu Bảo cho hay, từ năm 2005-2013, Ðồng Nai đã thực hiện hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sạch… cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; chương trình 135 (giai đoạn 2); triển khai thực hiện ÐCÐC… hàng trăm tỷ đồng. Ông Ðiểu Bảo nhấn mạnh, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số không chỉ riêng các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác này làm, mà cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở cùng chung sức chăm lo. “Qua những chuyến về thăm đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tôi nhận thấy cuộc sống đổi thay của bà con không chỉ hiện diện ở từng nóc nhà, con đường, mà còn hiện diện trong không khí sinh hoạt, trong tư duy và nét mặt vui tươi của mỗi người dân” - ông Ðiểu Bảo bày tỏ.
Ðoàn Phú