Năm mới, nông dân xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) lại có thêm tư duy mới trong định hướng cơ cấu cây trồng.
Năm mới, nông dân xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) lại có thêm tư duy mới trong định hướng cơ cấu cây trồng. Ông Trần Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã, đúc kết: “Lúa, bưởi sẽ là cây trồng chủ lực của nông dân xã Bình Lợi hiện nay và trong tương lai. Hai loại cây trồng này đã giúp nhà nông có khát vọng lớn hơn với mảnh đất, khu vườn của mình”.
* Cùng nông dân lội ruộng
Cánh đồng Vàm (ấp 5) buổi sáng thật đẹp. Những đám ruộng vừa gieo hạt hôm trước vẫn còn thơm mùi bùn non. Chỉ tay vào đám ruộng của gia đình, ông Nguyễn Thành Huệ, cán bộ nông nghiệp - hợp tác xã Bình Lợi, nói: “Tết năm 2013, gần như toàn bộ cán bộ xã có mặt ngoài đồng để cùng nông dân dập dịch sâu cuốn lá. Trong mùng 4 tết, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Võ Văn Phi vẫn có mặt tại cánh đồng Vàm để động viên nông dân cứu lúa. Nguyên nhân khiến các cán bộ xã Bình Lợi “mất” tết là vì cánh đồng Vàm được chọn triển khai mô hình cánh đồng mẫu”.
Ông Hai Hùng rải phân bón trên cánh đồng lúa mẫu lớn. |
Để triển khai cánh đồng mẫu 12 hécta tại cánh đồng Vàm, địa phương hỗ trợ nhà nông 11kg lúa giống/sào và 30% phân bón. Khi những ruộng lúa gieo sạ được 15-18 ngày tuổi thì gặp phải nạn sâu cuốn lá đúng vào ngày 29 tháng Chạp. Để cứu lúa, những ngày tết, nông dân trồng lúa tại cánh đồng Vàm phải đeo bình trên lưng xịt thuốc trừ sâu. “29 tháng Chạp, tui xịt thuốc một đợt. Đến sáng mùng 2 tết, tui tiếp tục xịt đợt 2. Năm rồi, nông dân tụi tui không ai dám nhậu nhẹt quá chén, tất cả đều phải nén lòng để dồn sức cứu lúa” - nông dân Nguyễn Minh Tấn cho hay.
Tiết xuân mát mẻ, sâu cuốn lá gặp điều kiện thuận lợi để thỏa sức tung hoành trên các ruộng lúa của nông dân. Nhiều thửa ruộng bị sâu phá hại đến xác xơ. Nông dân tiếc của, nhưng cũng đánh liều dùng máy cắt cỏ cắt ngang thân mạ, sau đó bơm nước ngập đồng để dìm ổ dịch. “Cuối cùng, tụi tui cũng cứu được lúa và năng suất lúa khi thu hoạch đạt gần 6 tấn/hécta. Nhưng điều tụi tui tiếc nuối là chỉ sản xuất ra lúa thương phẩm, chứ không phải là loại lúa giống như ý đồ ban đầu của địa phương” - ông Huệ nhớ lại.
Vụ đông - xuân năm 2014, xã Bình Lợi chuyển từ cánh đồng mẫu sang cánh đồng mẫu lớn với diện tích lúa trên 157 hécta tại các cánh đồng trong xã. Để chuẩn bị tốt cho kế hoạch gieo sạ cánh đồng mẫu lớn, địa phương vẫn tiếp tục hỗ trợ 11kg lúa giống/sào cho nông dân và miễn phí toàn bộ chi phí cung cấp nước trong suốt mùa vụ. “Chúng tôi tiến hành tổ chức gieo sạ tập trung theo từng cánh đồng. Thời điểm xuống giống từ ngày 15-28 tháng Chạp. Theo kinh nghiệm của nông dân, tình hình năm nay thời tiết thuận lợi, các triền lúa gieo sạ sớm đang phát triển tốt, chưa thấy sâu bệnh xuất hiện. Nhưng chúng tôi vẫn không chủ quan, mà vẫn tiếp tục bám sát nông dân thăm đồng để ứng phó với tình hình sâu bệnh phát sinh trong những ngày tết” - vừa bì bõm lội nước cùng nông dân Tấn, ông Huệ vừa trao đổi.
* Khát vọng năm mới
Những ngày cận tết, tuy bộn bề công việc hội họp ông Trần Văn Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi, vẫn tranh thủ cùng nông dân cánh đồng Miễu (ấp 5) theo dõi tình hình dịch bệnh tại các ruộng lúa vừa gieo sạ. Ông Hạnh cho biết, địa phương xác định lúa và bưởi là hai cây trồng chủ lực bên cạnh các cây trồng phụ khác, như: mía, cao su, cây ăn trái... “Sau thành công cánh đồng mẫu, chúng tôi tiếp tục vận động nông dân trồng lúa thực hiện cánh đồng mẫu lớn, để từ đó hình thành nên vùng chuyên canh về giống lúa OM5451 theo định hướng của huyện. Ngoài ra, Hội Nông dân xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích hội viên tăng nhanh diện tích cây bưởi da xanh, bưởi đường lá cam lên 200 hécta” - ông Hạnh nói.
Nông dân phấn khởi nhận lúa giống và tiền hỗ trợ nông nghiệp của huyện những ngày đầu xuân Giáp Ngọ. |
Để chứng minh cho việc định hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng của địa phương, hợp với khát vọng làm giàu của nông dân trong xã, ông Hạnh đưa chúng tôi đi thăm các cánh đồng: Sao, Vườn, Bà Tổng, Bình Minh… được quy hoạch theo kiểu: gò cao trồng bưởi, ruộng nước trồng lúa hoặc bắp rất đẹp mắt.
Đến thăm vườn bưởi có 50 gốc bưởi 6 năm tuổi, cho thu nhập trên 12 triệu đồng/gốc/năm của nông dân Bùi Văn Kích (ấp 5), ông Hạnh tỏ bày, từ năm 2010 trở lại đây đời sống của nông dân Bình Lợi thật sự thay đổi qua từng mùa xuân. Hiện số hộ nghèo trong xã chỉ còn 6 hộ, số hộ khá và giàu chiếm trên 60% dân số. “Cũng mảnh đất, khu vườn đó, nhưng một khi có sự định hướng đúng đắn của địa phương và sự hỗ trợ vốn, kỹ thuật kịp thời của Nhà nước, nông dân đã có khát vọng và nỗ lực hết mình để tìm sự đột phá đi lên” - ông Hạnh bày tỏ.
Năm 2013, giá trị sản lượng nông nghiệp xã Bình Lợi đạt 98 tỷ đồng (tăng 13,95% so với năm 2012); công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 53 tỷ đồng (tăng 15,22%); thương mại - dịch vụ 18 tỷ đồng (tăng 20%); tổng thu ngân sách đạt 151,86% so với chỉ tiêu nghị quyết. “Con số trên thể hiện nỗ lực một năm qua của chính quyền và nhân dân xã Bình Lợi. Đó cũng là tiền đề để năm 2014, chính quyền và nhân dân trong xã đồng thuận tăng tốc” - ông Võ Văn Tòng, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, nhấn mạnh. |
Còn nông dân trồng bưởi Bùi Văn Kích thì mong mỏi cho nông dân trồng bưởi niềm vui năm mới rằng, một khi chính quyền đồng hành với nông dân thì mọi trở ngại về mùa vụ, giá cả vẫn không làm nông dân nản chí, bỏ bê khát vọng làm giàu. “Nông dân tụi tui lắm khát vọng làm giàu, nhưng làm giàu theo kiểu tự phát lắm khi hại thân, hại người. Chính vì vậy, một khi chính quyền định hướng và đứng sau lưng hỗ trợ, nông dân tụi tui tự tin hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng” - ông Kích bày tỏ.
Trong niềm vui năm mới cùng với nông dân xã Bình Lợi, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi Võ Văn Tòng cho hay, ông luôn mong muốn địa phương phát triển, đời sống người dân từng bước đi lên. Để thực hiện khát vọng đó, với cương vị lãnh đạo địa phương, ông Tòng cho rằng sang năm 2014 xã Bình Lợi đặc biệt quan tâm đến quá trình xây dựng nông thôn mới; đẩy nhanh việc hình thành 2 cụm kinh doanh - dịch vụ (rộng 12 hécta tại ấp 5 và ấp 2), song song với việc xây dựng vùng chuyên canh lúa - bưởi. “Khát vọng năm mới của địa phương là mong muốn phục vụ dân tốt hơn, tiến tới giảm 100% hộ nghèo, tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng vùng chuyên canh lúa - bưởi năng suất cao, giải quyết việc làm cho lao động trẻ… Một khi cán bộ và nhân dân đồng lòng, cùng tiến lên phía trước thì năm mới ắt sẽ thêm sức sống mới” - ông Tòng thổ lộ.
Thành Nhân