Trước sự hoành hành của lũ chuột đồng, nông dân xã Phú Hòa (huyện Định Quán) dùng đủ "trăm phương, ngàn kế" để cứu ruộng lúa của mình. Nông dân Năm Biển (cánh đồng Bàu Sậy) rầu rĩ nói: "Ruộng lúa của tui sạ được 58 ngày thì tui phải ngủ ngoài đồng hết 48 ngày. Cũng tại lũ chuột đồng đáng ghét mà đêm về vợ chồng tui không được ngủ chung".
Trước sự hoành hành của lũ chuột đồng, nông dân xã Phú Hòa (huyện Định Quán) dùng đủ “trăm phương, ngàn kế” để cứu ruộng lúa của mình. Nông dân Năm Biển (cánh đồng Bàu Sậy) rầu rĩ nói: “Ruộng lúa của tui sạ được 58 ngày thì tui phải ngủ ngoài đồng hết 48 ngày. Cũng tại lũ chuột đồng đáng ghét mà đêm về vợ chồng tui không được ngủ chung”.
Có mặt cùng chúng tôi tại cánh đồng Bàu Sậy (ấp 2, xã Phú Hòa) rộng 35 hécta, ông Ngô Văn Trường, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã, lý giải nguyên nhân cánh đồng bị chuột phá hại nhiều và trở thành dịch là do năm nay mưa ít, đồng không bị ngập, chuột không bị dồn lên các gò cao để tiêu diệt. “Mọi năm, chuột chỉ xuất hiện khi vừa sạ xong, đến giai đoạn lúa làm đòng chúng rút hết lên cao. Năm nay, không ngờ chuột kéo xuống ruộng dữ quá, không có cách nào diệt kịp” - ông Trường nói.
* Chuột “trêu tức” nhà nông
Chỉ tay vào ruộng lúa bị lũ chuột đồng cắn phá tan nát, ông Năm Biển bức xúc cho biết, vụ lúa hè - thu vừa qua, cánh đồng Bàu Sậy gặp hạn hán nên mất trắng vụ lúa. Sau khi xã, huyện hỗ trợ cho nông dân 12kg lúa giống/sào để sạ lại vụ lúa mùa thì gặp phải nạn chuột đồng phá hại. Ngày lúa mới sạ, chuột xuất hiện ít nên nông dân chỉ đánh bả tiêu diệt như mọi năm. Nào ngờ, khi cây lúa lên được nửa gang tay thì lũ chuột từ các rẫy điều, mía, cây ăn trái… kéo xuống ruộng phá lúa rần rần. Xót đám lúa ban ngày xanh mơn mởn bị lũ chuột đồng cắn cho xơ xác khi đêm xuống, nông dân xã Phú Hòa đã hè nhau kéo dây, bẫy điện (dùng bình ắc quy để bẫy chuột). “17 giờ 30 là tui có mặt ngoài đồng cùng với các nông dân khác bắt đầu tăng một chạy điện, đến 22 giờ mới chợp mắt. Tăng hai bắt đầu từ 3 giờ sáng, chạy miết đến 6 giờ mới thôi. Số chuột tui bẫy được trong đêm ít thì được 2-3kg, nhiều đến 7-8kg. Nhưng tụi tui vẫn không thèm ăn, hay bán số chuột bẫy được, mà đem cho người khác. Vì nhìn thấy chúng, tụi tui thấy tức, thấy ghét” - ông Năm Biển trình bày.
Lúa trong giai đoạn làm đòng là lúc chuột cắn phá dữ dội nhất. |
Khi ruộng lúa bị chuột phá hại, nông dân Hai Tuấn (cánh đồng Bàu Tre, ấp 4, xã Phú Hòa) đã bỏ ra 6 triệu đồng mua những tấm bạt ny-lông về bao 1 hécta ruộng của gia đình. Vậy mà, lũ chuột vẫn lũ lượt vượt qua tấm bạt để vào bên trong quậy nát đám lúa. Thấy lũ chuột bất trị, nông dân Hai Tuấn tiếp tục mua bả chuột về rải quanh các bờ ruộng, nhưng cũng chẳng hiệu quả. Ngao ngán vì đám ruộng bị lũ chuột phá hại mất 40% năng suất, nông dân Hai Tuấn cho hay, giờ ông cũng hết cách, đành để mặc cho chuột phá đám lúa. Tuy vậy, ông quyết không dùng điện để diệt chuột như các nông dân khác vì cách này rất nguy hiểm. “Vậy là nông dân tụi tôi coi như thất bát thêm một vụ mùa nữa. Năm nay thời tiết khác lạ quá, vụ hè - thu thì hạn làm lúa chết khô trên đồng, vụ mùa thì bị chuột phá hại. Thế là, liên tục 2 vụ liền, nông dân tụi tôi làm lúa từ lỗ đến lỗ” - ông Hai Tuấn rầu rĩ nói.
* Đoàn kết diệt chuột
Trước sự xuất hiện của lũ chuột đồng tại các cánh đồng: Bàu Cá, Bàu Tre, Bàu Sậy và Cao Cang, dân bẫy chuột chuyên nghiệp trong và ngoài huyện Định Quán kéo về đây thu lợi và giúp nông dân Phú Hòa diệt chuột bằng các loại bẫy lồng sắt, bẫy lưới.
Nông dân dùng lưới, bả, điện để diệt chuột suốt đêm. |
Anh Lâm Nghĩa (người bẫy chuột ở xã Phú Điền, huyện Tân Phú) cho hay, một đêm anh bẫy được trên 10kg chuột. Mỗi ký chuột sống, anh bỏ mối cho bạn hàng giá từ 25-30 ngàn đồng, tùy chuột to hay nhỏ. Anh Lâm Nghĩa thổ lộ, năm nay các cánh đồng xã Phú Hòa đãi ngộ những người làm nghề như anh một mùa chuột kéo dài và bội thu. “Đặt bẫy xong, mình chỉ việc tìm chòi mát ngồi rung đùi chờ chuột dính bẫy. Trong khi đó, nông dân ở đây phải thức để đuổi chuột, diệt chuột. Nhìn họ ngồi suốt đêm ngoài đồng, than ngắn thở dài nhìn lũ chuột bất trị, mình cũng ráng bẫy thật nhiều chuột để giúp đỡ họ” - anh Lâm Nghĩa tâm sự.
Bức xúc vì 1 hécta lúa bị lũ chuột phá hỏng hết 8 sào, nông dân Bảy Bình (cánh đồng Bàu Cá) không cần tính toán thua lỗ, mượn tiền hàng xóm mua lưới, mua bình ắc quy về làm bẫy tiêu diệt chuột. Anh Bình cho hay, lúc này các nông dân cần đoàn kết lại để diệt trừ chuột. Nông dân ra sức diệt chuột để bảo vệ ruộng lúa của mình, tức là bảo vệ cả cánh đồng, ruộng lúa của các nông dân khác. “Chiều xuống, tui nhìn lũ chuột chạy rung rinh trong đám lúa, cắn phá tứ tung mà xót lòng vô cùng. Mình phải biết an ủi, động viên các nông dân khác để cùng hiệp lực nhau ra đồng diệt chuột, cứu lúa” - anh Bình nói.
Cầm trên tay nắm lúa bị lũ chuột cắn phá, nông dân Tấn Tài (cánh đồng Bàu Tre) chia sẻ, dù muốn cắt đám lúa bị chuột phá hại trên 50% diện tích về cho bò ăn, nhưng lòng ông không nở. “Vừa rồi, tui mất trắng vụ hè - thu, nay lại có nguy cơ mất thêm vụ mùa nữa. Nông dân tụi tui nản chí lắm, nhưng vẫn ráng bám đồng để vớt vát những triền lúa còn lại” - nông dân Tấn Tài nói như mếu. |
Từ ngày hay tin chuột tấn công ruộng lúa của nông dân, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Ngô Văn Trường cùng các cán bộ địa phương luân phiên nhau có mặt ngoài đồng để theo dõi, thống kê, động viên, chỉ đạo. Ông Trường tâm sự, địa phương đã hỗ trợ gần 200kg lúa giống OM4900 cho nông dân tại 4 cánh đồng: Bàu cá, Bàu Sậy, Bàu Tre, Cao Cang để gieo sạ vụ mùa. Lúc hay tin dịch chuột xuất hiện tại các cánh đồng, chính quyền địa phương đã kịp thời liên hệ với Trạm Bảo vệ thực vật huyện thường xuyên cử cán bộ ra các cánh đồng nắm bắt tình hình, thống kê thiệt hại và tâm tư, nguyện vọng của nông dân để có phương án hỗ trợ cần thiết.
“Theo thống kê sơ bộ, các cánh đồng: Bàu Cá, Bàu Sậy, Bàu Tre bị thiệt hại từ 30-40% diện tích. Cánh đồng Cao Cang có diện tích 200 hécta, là cánh đồng lớn nhất xã, nhưng nhờ ở khu vực thấp và sạ muộn nên diện tích bị thiệt hại khoảng 20%. Cũng chưa thể khẳng định cánh đồng Cao Cang được an toàn, vì lũ chuột sau khi thỏa sức gặm nhấm các cánh đồng: Bàu Cá, Bàu Sậy, Bàu Tre có thể sẽ kéo xuống cánh đồng này phá hại tiếp. Chính vì vậy, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích nông dân cánh đồng Cao Cang tăng cường các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả, đề phòng lũ chuột từ các cánh đồng khác di chuyển về phá hại lúa” - ông Trường nói.
Thành Nhân