Bằng nhiều cách thức, việc đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống người dân đã và đang được các cán bộ làm công tác tuyên truyền vận dụng.
Bằng nhiều cách thức, việc đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống người dân đã và đang được các cán bộ làm công tác tuyên truyền vận dụng. Từ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn xa xôi đến các thành thị, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đang từng ngày lan tỏa vào cuộc sống.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở ấp 7, xã Tà Lài (huyện Tân Phú) tham khảo tài liệu do các cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cung cấp. |
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điểu Bảo chia sẻ, để chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải nắm bắt phong tục tập quán của họ; nội dung tuyên truyền cần cô đọng và hấp dẫn người nghe. “Tuyên truyền làm sao để mọi người dễ hiểu, nhớ lâu và thực hiện đúng là được” - ông Điểu Bảo nhấn mạnh.
* Giải đáp thắc mắc cuộc sống
Để chuyến đi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở ấp 7, xã Tà Lài (huyện Tân Phú) thành công, ông Nguyễn Minh, Phó giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, đã chọn lựa những trợ giúp viên giàu kinh nghiệm của đơn vị tăng cường cho chuyến đi. Ông Minh nói: “Mỗi nội dung triển khai chỉ làm trong 30 phút, nên nội dung diễn đạt cần phải gọn, đủ ý, không ôm đồm các điều khoản, văn bản vào câu chuyện. Đặc biệt, điều cán bộ triển khai phải đúng cái bụng bà con đang cần”.
Trưởng ấp 7 Lục Văn Chương cho biết, trước đó một ngày, ông đã thông báo chương trình trợ giúp pháp luật của đoàn lên cụm loa trong ấp để bà con biết. “Bà con đồng bào dân tộc ở đây rất thích nghe cán bộ nói về các chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến mình. Bà con không ngại bỏ buổi đi đồng để tập trung về văn phòng ấp để xem cán bộ nói có đúng điều mình đang cần tìm hiểu hay không, nhằm thực hiện cho đúng và nhắc nhở người khác cùng thực hiện” - ông Chương giải thích.
Hội trường văn phòng ấp 7 không đủ sức chứa trên 100 người, nên ông Chương phải huy động thêm một số ghế nhựa để bà con có thêm chỗ ngồi. Khép mình nơi góc tường để nhường chỗ cho một phụ nữ dắt con nhỏ đến sau, ông Lục Văn Sinh bày tỏ với chúng tôi: “Nghe thông báo hôm nay đoàn đến tư vấn về tảo hôn, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình nên phụ nữ trong ấp không ngại kéo đến lắng nghe. Hôm nay, tôi cũng có một chuyện thắc mắc cần nhờ cán bộ tư vấn giúp” - ông Sinh nói.
Chuyện ông Sinh cần giải đáp là việc người cháu gái của ông lấy chồng khi mới 17 tuổi, nên không được địa phương cấp giấy đăng ký kết hôn. Ông nói: “Tôi biết Nhà nước cấm gái chưa đủ 18 tuổi, nam chưa đủ 20 tuổi lấy nhau. Nhưng tôi chưa hiểu, yêu thương nhau thật sự thì khác với việc ép gả ra sao và lấy nhau mà không có giấy kết hôn thì con cái có bị thua thiệt gì không. Chỉ bấy nhiêu thôi mà tôi cứ ấm ức mãi đó…”.
Sau khi được trợ giúp viên Lê Minh Tuấn tư vấn kỹ lưỡng từng vấn đề, ông Sinh liền gãi đầu, bứt tai nói: “Pháp luật quan tâm đến sức khỏe, giống nòi của người dân tôi, chứ đâu có làm khó điều gì. Vậy mà, bấy lâu nay tôi không hiểu, cứ cho rằng cán bộ bày chuyện làm khó dân. Vì vậy, tôi sẽ đem điều cán bộ nói hôm nay nói lại cho người khác cùng biết”.
Tại dãy bàn bên cạnh, chị Phùng Thị Khèn đặt hàng loạt câu hỏi với trợ giúp viên Nguyễn Doãn Nhưng: “Nhà tôi đủ ăn, nhưng vẫn muốn vay tiền Nhà nước để lo cho con học nghề có được không? Em gái tôi chết để lại cháu cho tôi nuôi, như vậy đứa bé là con tôi rồi, sao phải làm đơn nhận con nuôi nữa? Thấy đàn ông đánh vợ, can ngăn không được thì báo cho ai lại can và người đánh vợ phạm tội gì?…”.
Thú vị với những câu hỏi xuất phát từ cuộc sống của người dân, trợ giúp viên Nhưng nhẫn nại giải thích từng vấn đề một. Anh tâm sự, đó là vấn đề mà các anh cần lắng nghe và giải đáp thỏa đáng cho người dân khi về đây thực hiện chương trình trợ giúp pháp lý theo chương trình ký kết với Ban Dân tộc tỉnh.
* Hiệu quả và giải pháp
Trao đổi với chúng tôi, ông Điểu Bảo cho biết, trong năm 2013, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức triển khai các chính sách về dân tộc cho gần 6 ngàn lượt đối tượng, tại 47 điểm trên địa bàn các huyện và TX.Long Khánh. Ban Dân tộc tỉnh chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Trung ương, địa phương đến từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đến trường học, xã vùng sâu, xa… Những nội dung mà Ban Dân tộc tỉnh tuyên truyền dựa trên đề xuất từ cơ sở, từ nhu cầu cần nắm bắt của từng vùng dân cư, đặc thù của từng dân tộc.
Ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, khẳng định việc đem những bộ luật dày cộm, các chính sách vĩ mô… nói chuyện với đồng bào dân tộc thiểu số sẽ không thiết thực bằng việc lấy một gương tốt cụ thể trong làng ra nói chuyện. “Hãy về cơ sở xem bà con cần gì, muốn gì và hiểu biết như thế nào về một chính sách, chủ trương, vấn đề pháp luật quy định mà giải thích, hướng dẫn…, đó mới là điều thiết thực nhất” - ông Điểu Bảo nhấn mạnh. |
Ông Bảo nhấn mạnh: “Thời gian tổ chức tuyên truyền, Ban Dân tộc tỉnh thường tập trung vào những tháng nông nhàn, nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, phương pháp phải sinh động. Với đồng bào dân tộc thiểu số, việc đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật… đến với họ, cái khó nhất là phương pháp truyền tải sao cho thật sinh động. Để đạt yêu cầu này, cần có đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật giàu kinh nghiệm, am hiểu tập tục các đồng bào dân tộc thiểu số và biết thêm ngôn ngữ của họ thì càng tốt”.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật… đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Nhâm Đình Khải, Trưởng phòng Tuyên truyền Ban Dân tộc tỉnh, đúc kết: “Nội dung tuyên truyền cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được soạn thảo riêng, có hình ảnh minh họa; phải xuất phát từ những nhu cầu cuộc sống hàng ngày của bà con; phải biết dựa vào người có uy tín và cán bộ cơ sở trong quá trình truyền tải thông tin; phải xuất phát từ việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giáo dục, y tế... cho người dân. Vì vậy, phải căn cứ theo từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc trưng của từng dân tộc mà đưa nội dung pháp luật, chính sách vào tuyên truyền. Không thể làm cho bà con no pháp luật, am tường chủ trương mà bụng đói, thân bệnh, dân trí thấp được”.
Tại hội nghị giao ban về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vừa qua, ông Phan Văn Châu, Phó giám đốc Sở Tư pháp, nhận xét sau 5 năm thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo (giai đoạn 2006-2010) và 2 năm thực hiện Quyết định 52/2010/TTg, chính sách này không chỉ giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, khó khăn nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, chủ trương, chính sách, chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước, mà còn giúp họ biết bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, giám sát công việc chính quyền… “Mỗi hình thức, mô hình tuyên truyền đều có những ưu, khuyết điểm, quan trọng là chúng ta biết phát huy tính ưu việt và loại bỏ hạn chế của nó. Có như vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mới liên tục đổi mới, phát huy hiệu quả cao nhất” - ông Châu nhấn mạnh.
Thành Nhân