Báo Đồng Nai điện tử
En

Phận nữ nơi công trường

08:10, 26/10/2013

Trên những con đường đang thi công, dưới cái nắng gay gắt và bụi mịt mù, vẫn có bóng dáng phụ nữ lặng lẽ làm những công việc vốn dĩ chỉ dành cho cánh “mày râu”. Họ là những nữ công nhân cầu đường sống cảnh xa quê, xa nhà, năm này qua tháng nọ đi khắp nơi xây cầu, làm đường.

Trên những con đường đang thi công, dưới cái nắng gay gắt và bụi mịt mù, vẫn có bóng dáng phụ nữ lặng lẽ làm những công việc vốn dĩ chỉ dành cho cánh “mày râu”. Họ là những nữ công nhân cầu đường sống cảnh xa quê, xa nhà, năm này qua tháng nọ đi khắp nơi xây cầu, làm đường.

* Chuyện người xa quê

Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, chị Phạm Thị Anh (25 tuổi, quê tỉnh Nghệ An, đang làm công trình đường Đặng Văn Trơn, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, chị bắt đầu làm việc tại những công trình cầu đường từ năm 19 tuổi, theo lời rủ của người quen cùng quê. Hơn 6 năm xa quê, cũng chừng ấy thời gian chị quen với cái nắng nóng, bụi bặm của công trường, nên chị tự thấy mình “già hơn rất nhiều so với những cô gái thành thị cùng lứa tuổi”.

Nữ công nhân quét dọn đường trước khi trải nhựa.
Nữ công nhân quét dọn đường trước khi trải nhựa.

Chị Anh tâm sự: “Ngày ở quê, tôi làm ruộng, chăn trâu trong làng, suốt ngày đầu tắt mặt tối nên cũng quen với việc nặng. Đến khi cùng người cậu ruột vào Đồng Nai làm công nhân cầu đường thì cũng không cảm thấy quá nặng nhọc, mà thu nhập cũng ổn định, không phải lo lắng chuyện thiên tai, mất mùa”.

Một ngày làm việc của những người phụ nữ ở đây bắt đầu từ lúc 5 giờ bằng việc đi chợ, chế biến thức ăn ba bữa cho cả tốp thợ, rồi mới đi ra công trường. Công việc chủ yếu của nữ công nhân ở các công trình cầu đường là phụ công nhân nam những việc, như: quét đường, trộn xi măng, bê gạch, lát gạch… Nắng, bụi, mùi nhựa đường xốc lên mũi có thể làm những người đi đường nhăn mặt, nhưng với họ, đó là chuyện thường ngày.

Không ngại nắng cháy, không ngại bụi đường, họ - những người phụ nữ trên công trường xây dựng với bản tính siêng năng, cần cù của người phụ nữ Việt Nam đã và đang cố gắng khẳng định mình không thua kém đấng “mày râu” trong bất kỳ công việc khó khăn nào.

Chị Trần Thị Thu Hà (22 tuổi, quê tỉnh Phú Thọ, đang làm công trình đường Đặng Văn Trơn) chia sẻ: “Tôi làm ở đây được hơn 5 tháng, thời gian đầu rất khó chịu, nắng gắt, bụi bay vào mắt cay xè làm tôi thường xuyên chóng mặt, có lúc tưởng phải bỏ việc quay về quê. Nhưng giờ thì khá hơn rồi, phần thì làm nhiều quen việc, phần thì chị em làm cùng động viên, tâm sự nên vững lòng hơn. Công nhân xa nhà, chúng tôi luôn sống bằng tình thân bè bạn sớm tối có nhau”.

Không trải qua trường lớp đào tạo, phần lớn đều do “nghề dạy nghề”, “lớp học” là công trường, “thầy giáo” là công nhân làm trước có kinh nghiệm, họ sẵn sàng chia sẻ những gì đã học được trong nghề cho người mới vào làm mà không ngại chuyện tranh giành “chén cơm” của nhau. Đều cùng chịu cảnh xa nhà, bươn chải nơi xứ lạ nên với mỗi công nhân ở đây, đồng nghiệp giống như anh chị em trong nhà, tất cả đều có thể chia sẻ, tâm sự cùng nhau.

Chị Lê Thị Mai (23 tuổi, quê tỉnh Đồng Tháp, đang làm công trình ở xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) bộc bạch: “Chị em công nhân phần nhiều đến từ các tỉnh, thành khác nhau, nhưng không vì thế mà chúng tôi lại phân biệt đối xử, tất cả đều sống cảnh xa quê nên luôn cố gắng đùm bọc nhau, nhất là những lúc ốm đau, bệnh tật”.

* Ai đi không nhớ quê nhà

Trong cái lán dựng bằng vài tấm tôn, ván gỗ ở ven công trình đường Đặng Văn Trơn, có hơn 20 người cả nam và nữ ngồi quây quần bên mâm cơm. Với họ, bữa cơm là lúc có thể chia sẻ với nhau những nặng nhọc trong công việc hàng ngày, hay nỗi nhớ nhà vụt lên rồi nguôi dần trong phút chốc. Phần đông công nhân ở đây đều xuất thân từ những vùng quê nghèo ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, miền Tây, gia đình chủ yếu làm nông nghiệp nên thu nhập rất bấp bênh.

Các công nhân nữ tranh thủ nấu ăn trong giờ nghỉ trưa.
Các công nhân nữ tranh thủ nấu ăn trong giờ nghỉ trưa.

Chị Nguyễn Thị Yên (24 tuổi, quê tỉnh Phú Thọ, đang làm công trình đường Đặng Văn Trơn) nói: “Ngày còn ở nhà, vợ chồng tôi làm đầu tắt mặt tối mà không đủ ăn, lại còn phải lo chuyện mưa nắng, mất mùa. Nghe lời người bà con vào trong này làm công nhân xây dựng có thu nhập khá hơn, đồng thời còn để dành được tiền gửi về quê cho gia đình. Vợ chồng tôi sống ở đây cũng cố gắng tiết kiệm để tết còn về quê thăm nhà nữa”.

Mỗi công trình xây dựng có khoảng 5-7 gia đình công nhân cùng sống và làm việc, phần nhiều phải gửi lại con cho ông bà ở quê chăm sóc để có thể đi vào những tỉnh phía Nam lập nghiệp. Với hai bàn tay trắng, lại không có trình độ chuyên môn, nên công việc lao động phổ thông luôn là sự lựa chọn của họ.

Chị Phạm Thị Anh cho biết, chị chỉ học hết lớp 9 rồi ở nhà phụ gia đình làm ruộng. Nhà đông anh em nên dù muốn học thêm chị cũng không thể, vì gia đình không có điều kiện. Chị từng đi xin việc ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, nhưng cũng không tìm được việc làm phù hợp, do vậy tìm đến Đồng Nai làm công nhân may một thời gian rồi chuyển sang làm công nhân xây dựng. “Mình quen với việc tay chân rồi, phải đi lại, di chuyển mới làm được, chứ ngày trước làm công nhân may, suốt ngày ngồi một chỗ trong xưởng thấy bí bức lắm. Làm công việc này phải chịu nắng và bụi, nhưng được cái vận động tay chân cả ngày nên thoải mái hơn, dù sao tôi cũng là con nhà nông, ngồi một chỗ không quen” - chị Anh cười giòn tan rồi nói.

Ngày làm miệt mài, đêm ngủ sớm, đối với những nữ công nhân này, gia đình của họ hiện tại chính là lán trại tạm bợ và những người cùng cảnh ngộ với mình. Giải trí thì chỉ có radio, hoặc cái ti vi cũ kỹ, nhưng cũng không nhiều người coi, vì cả ngày làm mệt mỏi nên họ tranh thủ ngủ lấy sức để còn làm tiếp hôm sau. “Vợ chồng tui gửi con ở nhà cho ông bà ngoại giữ rồi lên đây làm. Dưới quê có mấy công ruộng thì để dành cho mấy đứa em, tui đi lấy chồng nên cũng theo chồng đi làm xa. Nhiều lúc ngồi nhớ con, vợ chồng chỉ biết an ủi nhau ráng làm để có tiền gửi về quê phụ ba má cho mấy đứa em và cho con tui đi học. Vợ chồng tui may mắn hơn những người khác, dù sao từ đây về Đồng Tháp cũng không xa lắm, so với mấy chị em ở miền Trung thì tui về thăm nhà thường hơn” - chị Lê Thị Mai tâm sự.

Chị Phạm Thị Anh nói thêm: “Quê tôi giờ đang mưa bão, ngày nào tôi cũng tranh thủ giờ nghỉ gọi điện về hỏi thăm gia đình, không gọi được thì tôi canh chương trình thời sự trên radio để nghe. Lo lắng lắm, nhưng cũng giúp gì được, chỉ biết ráng làm gửi về cho cha mẹ được đồng nào hay đồng đó, thiên tai mà, trách ai bây giờ, khổ nhiều rồi cũng thành quen. Không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng vợ chồng tôi cũng ráng tích góp để có thể đem gia đình vào trong này sinh sống” - vừa nói, chị vừa lấy tay lau vội những giọt nước mắt chực trào ra...

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích