Sau khi khép lại một ngày làm việc của mình, ông Phạm Kiều Hòa Hiệp (bảo vệ Trường mầm non Bửu Hòa, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) lại mày mò tìm cách tạo ra những món đồ chơi cho học sinh, đồ dùng dạy học cho giáo viên đứng lớp.
Sau khi khép lại một ngày làm việc của mình, ông Phạm Kiều Hòa Hiệp (bảo vệ Trường mầm non Bửu Hòa, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) lại mày mò tìm cách tạo ra những món đồ chơi cho học sinh, đồ dùng dạy học cho giáo viên đứng lớp. Với ông, đó không chỉ đơn thuần là công việc, mà còn là niềm hạnh phúc.
Thấy chúng tôi đến, ông Hiệp vội cất gọn những chiếc xe đồ chơi đang bày ngổn ngang trên nền gạch, rồi nói: “Mới xin của người dân gần đây mấy món đồ cũ nên tui đem về xem món nào có thể sửa lại, hoặc “chế” lại thành thứ khác sử dụng. Tiết kiệm là quốc sách mà!”.
* Từ cây súng gỗ ấu thơ
Ở tuổi 43, ông Hiệp có thâm niên 15 năm làm bảo vệ, đồng thời cũng từng ấy năm ông tự mày mò tìm cách làm ra những món đồ chơi cho các em nhỏ ở Trường mầm non Bửu Hòa. Ông Hiệp tâm sự, hồi còn nhỏ, ông nổi tiếng trong lũ trẻ đồng trang lứa ở xóm vì biệt tài đẽo cây gỗ thành những khẩu súng đồ chơi, hay nặn con trâu, con gà bằng đất thừa ở các lò gạch. “Đầu những năm 1980, trẻ con ở đây làm gì có đồ chơi đẹp, bóng loáng như bây giờ. Lũ trẻ con nhà nghèo tụi tui phải tự làm đồ chơi cho thú vui cho mình. Nhiều lúc ham chơi, tui tự làm cây chĩa bằng sắt mài nhọn rồi đi xuống ruộng bắt cá, về nhà bị đánh đòn mà hôm sau vẫn cứ đi” - ông cười nhớ lại.
Ông Phạm Kiều Hòa Hiệp bên mô hình chiếc xe bò mới hoàn thành... |
Lớn lên một chút, ông Hiệp đi làm ruộng cho người bà con ở Bến Gỗ (xã An Hòa, TP.Biên Hòa), đi lượm củi, rồi tự tìm thầy học nghề mộc. Sau nhiều năm “lênh đênh”, đến năm 30 tuổi, ông xin vào làm bảo vệ trường mầm non để thỏa cái thú làm đồ chơi cho trẻ con của mình.
Nhìn những món đồ chơi, đồ lưu niệm được bày trí quanh gian nhà nhỏ thuộc khuôn viên trường, chúng tôi tưởng như mình đang bước vào một thế giới trẻ thơ đầy màu sắc, tất cả đều được bàn tay tài hoa của ông tạo nên. Chỉ tay vào những chiếc tủ kiếng với đủ kích cỡ, ông Hiệp cho biết, chúng đều do ông tạo ra. Thấy người ta bỏ kiếng bể ngoài đường, ông đem về, cắt gọt rồi tự lắp thành tủ. “Tui học được tính tiết kiệm từ ngày còn nhỏ. Nhà nghèo nên tui luôn cố gắng tận dụng những thứ còn xài được, chỉ khi nào không thể sửa được mới bỏ đi” - nhấp một ngụm trà nóng vừa pha, ông Hiệp giãi bày với chúng tôi.
Ông Hiệp cho biết, ngoài những con thú nhỏ bằng hạt trái cây; bông hoa, cây kiểng bằng vải và dây kẽm, ông còn tự tạo những món đồ lưu niệm bằng mút xốp bằng những món đồ chơi cũ bỏ đi. Đưa cho chúng tôi xem chiếc xe bò vừa làm xong mấy ngày trước, ông cười nói hồn nhiên: “2 con bò này tui làm bằng mút xốp, chiếc xe thì bằng hộp gỗ đựng kẹo, người đánh xe thì tháo từ chiếc xe đua đồ chơi bị hỏng trong kho nhà trường, tất cả đều được làm từ trí nhớ của tui về chiếc xe bò trong xóm hồi xưa…”.
* Tìm tòi và góp nhặt
Chỉ với niềm đam mê và chút kiến thức có được trong thời gian học nghề mộc, từ khi về Trường mầm non Bửu Hòa, anh Hiệp đã luôn tìm cách sáng tạo ra những món đồ chơi, đồ dạy học mới. Mỗi lần ra đường thấy người ta bày bán những mặt hàng thủ công, ông lại đến xin chụp hình để có tư liệu nghiên cứu. Với những món hàng phức tạp, ông mua về rồi tìm cách làm theo. Nếu vẫn không tìm ra cách, ông sẽ tìm đến những nơi sản xuất món hàng đó để hỏi cách làm. “Nhiều người khó tính không chỉ mình cách làm, còn gặp người dễ chịu thì người ta hướng dẫn cho tui tỉ mỉ và còn chỉ chỗ mua vật liệu làm nữa. Ban đầu, tui chỉ làm những món đơn giản, sau quen rồi mới làm đến những thứ phức tạp” - nói rồi, ông Hiệp cầm một trái thơm tự làm bằng vải voan trông sống động như thật cho chúng tôi xem.
... và bên gian hàng mô hình trái cây tự làm. |
Ông Hiệp kể, những ngày mới về trường, đi xin đồ chơi cũ về sửa lại cũng rất gian nan. Người thì vui vẻ cho, người khác bắt ông phải mua lại. Khi những nhà xung quanh trường hết đồ chơi, ông lại tìm đến những vựa ve chai tìm mua vỏ lon bia, hoặc đồ chơi cũ để về làm đồ chơi cho học sinh. Gần như tất cả những gì người khác bỏ đi, qua bàn tay khéo léo của ông Hiệp đều được “hồi sinh” bằng một dáng vẻ khác và làm một nhiệm vụ khác. Đưa chúng tôi vào nhà kho của trường, ông khoe bộ trống nhỏ được ông làm từ những chiếc thùng thiếc, xoong nồi cũ: “Tui bỏ công làm một chút để mấy đứa nhỏ có cái chơi, chứ quanh đi quẩn lại có mấy cái đàn, cái kèn đem lên diễn văn nghệ thì cũng đơn điệu”.
Cô Dương Thị Rảnh, Hiệu trưởng Trường mầm non Bửu Hòa, cho biết: “Anh Phạm Kiều Hòa Hiệp là người rất nhiệt tình, chịu khó học hỏi, tìm tòi sáng tạo. Dịp lễ, tết nào anh cũng làm những món đồ trang trí cho các lớp học, sân trường. Trung thu vừa qua, anh Hiệp cũng làm một số lồng đèn cho các lớp, để các em vui tết thiếu nhi được trọn vẹn”. |
Có thể sử dụng nhiều chất liệu tìm được để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo của mình, nên ông Hiệp có thói quen, khi đi đường thấy vật gì có thể tái sử dụng, hoặc ghép được với một món đồ đang làm dở dang, ông liền nhặt về. “Ban đầu đi nhặt đồ bỏ đi tui cũng hơi ngại, nhưng riết rồi quen. Có người biết được việc tui làm, mỗi lần có gì hư cũng đem cho tui xem có sử dụng được không. Gần như mỗi lần ai đem đến cho tui cái gì hư hỏng, tui lại có thể tạo ra một món đồ chơi mới” - ông Hiệp lấy mô hình chiếc xe mô tô được ghép từ những bộ phận bỏ đi của một chiếc xe đạp cho chúng tôi xem.
Say mê tìm tòi và học hỏi, ông Hiệp còn lên chợ Kim Biên (TP.Hồ Chí Minh) tìm mua vật liệu để đa dạng hóa những sản phẩm thủ công của mình. Nhiều cô giáo trong trường cũng nhờ ông giúp cho những công đoạn khó khi làm dụng cụ dạy học, hay đặt hàng ông những món đồ thủ công lưu niệm đem về làm quà… Hơn 15 năm chăm chút cho từng món đồ chơi của mình, ông Hiệp tâm niệm: “Những món đồ chơi tự làm gắn liền với tuổi thơ của tui, nên đôi lúc thấy những em nhỏ mân mê món đồ mình làm, tui thấy mình như trẻ lại. Ngày trước, tui không được chơi những món đồ như thế, nên giờ cố gắng làm thật nhiều đồ chơi đẹp để mang đến niềm vui cho những em nhỏ trong trường”.
Đăng Tùng