Để có những mô hình trình diễn hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế hấp dẫn nông dân, các kỹ sư, cộng tác viên của Trạm Khuyến nông huyện Tân Phú ngày đêm bám đồng để triển khai các dự án về Sind (giống bò Red Sindhi của Pakistan) hóa đàn bò; trồng cây bắp vụ đông - xuân trên ruộng lúa, cánh đồng mẫu lớn…
Để có những mô hình trình diễn hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế hấp dẫn nông dân, các kỹ sư, cộng tác viên của Trạm Khuyến nông huyện Tân Phú ngày đêm bám đồng để triển khai các dự án về Sind (giống bò Red Sindhi của Pakistan) hóa đàn bò; trồng cây bắp vụ đông - xuân trên ruộng lúa, cánh đồng mẫu lớn…
Chỉ tay vào đàn bò 6 con đang thong dong gặm cỏ ven đường, ông Nguyễn Tấn Sĩ (cộng tác viên Trạm Khuyến nông huyện Tân Phú) cho hay, năm 2004, ông được cử đi học các lớp thụ tinh nhân tạo bò. Qua bao năm tháng rong ruổi trên khắp các trang trại và các hộ chăn nuôi bò, ông đã được đặt biệt danh Sĩ “Bò”. “Có người cắc cớ hỏi tui đi thụ tinh cho bò mà chẳng thấy dắt bò theo. Lúc ấy, tui chỉ vào mình và thùng đựng tinh mang theo rồi nói: “Bò đây” - ông Sĩ hài hước kể lại chuyện năm xưa.
* Ông Sĩ “bò”…
Rồi ông Sĩ đưa chúng tôi vào thăm hộ nuôi bò Năm Hùng ở ấp 2, xã Tà Lài. Sau cái bắt tay thân thiện với gia chủ ngay tại chuồng bò, ông Sĩ hỏi: “Bò đâu hết rồi chú Hùng?”. Chỉ tay vào đàn bò mà chúng tôi gặp ngoài đường, cạnh vườn tiêu và cà phê xanh tốt, ông Năm Hùng trả lời: “Những con lớn thì tui bán lấy tiền để xây nhà, cải tạo vườn. Số trọng trọng thì tui bán lại cho người ta làm bò giống, giờ chỉ còn để lại 6 con nuôi thôi. Cũng nhờ anh giúp tui phối giống mà đàn bò tăng trọng gấp đôi…”.
Các cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Tân Phú đang thí điểm trồng cây trà trên đất Tân Phú. |
Sau khi uống ngụm trà nóng do ông Năm Hùng mời, ông Sĩ kể cho chúng tôi nghe chuyện ông đi vào những vùng nuôi bò trên địa bàn huyện để hướng dẫn cho người nuôi cách thức phát hiện bò cái đến kỳ phối giống, cũng như việc làm chuồng “ép” và cách ly bò cái khỏi các con bò đực địa phương ra sao. “Trời mưa gió hay lúc đêm hôm, mỗi khi bà con báo tin bò nhà cần phối giống là tui xách thùng tinh bò chạy xe đến ngay. Dù dặn bà con chuẩn bị các khâu rất kỹ, nhưng khi đến nơi thì tui phải ngồi chờ họ chặt cây làm chuồng “ép”, hoặc bò chưa đến thời điểm thụ tinh. Lúc ấy, tui chỉ dám trách khéo vài lời, rồi hướng dẫn họ cách làm chuồng “ép” để khi thụ tinh cho bò không bị bò đá; hoặc ngồi lại uống chén rượu, sau đó vác thùng tinh ra về, hẹn vài ngày sau mới quay lại” - ông Sĩ nói.
Quý tấm lòng ông Sĩ, ông Năm Hùng gọi vợ làm thịt con gà đãi khách. “Dân tụi tui giàu lên nhờ bò, nhờ anh Sĩ, cán bộ khuyến nông và chính quyền địa phương, nên khi giết bò đãi khách phải có mặt đủ thành phần mới được” - ông Năm Hùng bộc bạch nửa đùa nửa thật bằng cái giọng rất nông dân.
Không để ông Năm Hùng giết gà, ông Sĩ nhanh chóng dẫn chúng tôi đi thăm các trang trại và hộ nuôi bò ở những xã khác. Ông Sĩ nói trước khi chia tay ông Năm Hùng: “Đàn bò cỏ ở huyện Tân Phú giờ đã Sind hóa trên 85%. Hiệu quả kinh tế của việc nuôi bò đã lai Sind cao gấp đôi so với bò gốc địa phương. Những con bò sau khi Sind hóa tiếp tục được trạm khuyến nông triển khai các chương trình lai giống bò Zebu nhiệt đới (có nguồn gốc ở châu Phi và Ấn Độ, Pakistan)…”.
* Dạy nông dân trồng trọt
Là người được đơn vị giao nhiệm vụ triển khai chương trình chuyển đổi bắp đông - xuân trên ruộng lúa và xây dựng thương hiệu mãng cầu xiêm Tân Phú, kỹ sư Nguyễn Lý Tuấn Anh không ngại 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nông dân. Kỹ sư Tuấn Anh cho biết, việc đem kỹ thuật canh tác mới vào đồng ruộng nhằm thay đổi tư duy sản xuất cũ trong nông dân không đơn giản, bởi nông dân sinh ra đã làm đồng từ tuổi thiếu thời, kinh nghiệm canh tác đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. “Để nông dân từng bước làm quen với các mô hình canh tác mới, mình phải biết tranh thủ sự đồng thuận từ những nông dân uy tín trong vùng, phải xắn quần lội ruộng cùng họ và không thể thiếu những cuộc nhậu lai rai để kết thân, làm bạn với nông dân” - kỹ sư Tuấn Anh thổ lộ.
Ông Nguyễn Tấn Sĩ chuẩn bị đi thụ tinh bò cho nông dân theo yêu cầu. |
Tân Phú là huyện miền núi, chuyện trồng bắp trên các triền cao người nông dân quá thành thục. Nhưng khi chương trình khuyến nông chủ trương đưa cây bắp xuống ruộng thì nông dân ngỡ ngàng thật sự và lắc đầu từ chối lia lịa, đồng thời đưa ra nhiều nghi vấn: “Lúa không sống được vụ đông thì bắp làm sao cầm cự được khi mùa đông thiếu nước? Nếu nông dân làm không hiệu quả thì trạm khuyến nông có bồi thường thiệt hại không? Cán bộ huyện chỉ giỏi nói lý thuyết, trong khi nông dân có hàng chục năm gắn bó với mảnh ruộng, khu vườn và đời con nối tiếp đời cha canh tác thì chưa biết ai hơn ai…”.
Kỹ sư Nguyễn Hùng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tân Phú, cho biết: “Với 4 kỹ sư và trên 10 cộng tác viên khuyến nông tại các xã, thị trấn, thật khó để làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền và ngay chính những người nông dân tin tưởng vào sự thay đổi từ các mô hình mẫu mà cán bộ khuyến nông huyện đem đến”. |
Để cây bắp phát triển tốt trên ruộng lúa vụ đông - xuân, kỹ sư Tuấn Anh liên tục bám đồng hướng dẫn nông dân các quy trình gieo hạt, lên liếp chống phèn, chăm sóc đúng với mô hình mẫu. “Nông dân cũng có người này người kia. Người ham cái mới thì hồ hởi đón nhận mô hình trình diễn của mình; người hoài nghi, hoặc bảo thủ thì hợp tác theo kiểu qua loa cho qua chuyện nên mình phải làm tốt công tác vận động song song với quá trình triển khai mô hình mẫu”- kỹ sư Tuấn Anh khẳng khái bày tỏ.
Còn kỹ sư Nguyễn Ngọc Sơn thì trao đổi với chúng tôi về mô hình cánh đồng mẫu lớn của mình. “Chuyện “dồn điền đổi thửa” thì nông dân mình đã tiếp cận được thông tin rất sớm, nhưng để người nông dân hiểu đúng sự tiến bộ của mô hình này khác với cách làm cũ là: ruộng ai người nấy làm, làm đồng loạt cùng giống, cùng áp dụng một quy trình kỹ thuật để tận dụng nguồn nước, đưa cơ giới vào canh tác, tạo ra vựa nguyên liệu lớn…, thì phải vận động, thuyết phục song song với triển khai các chính sách hỗ trợ của chương trình” - kỹ sư Sơn tỏ bày.
Cùng tâm trạng với đồng nghiệp, kỹ sư Nguyễn Hùng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Tân Phú, chia sẻ trong công tác khuyến nông, cán bộ khuyến nông thường phải làm mẫu cho nông dân. Tuy vậy, để người nông dân làm đúng quy trình mà mình hướng dẫn, cán bộ khuyến nông phải kiên trì bám đồng, bám dân, bám chủ trương của cấp trên mà thực thi nhiệm vụ. “Mô hình mẫu và nghị quyết cấp trên luôn đúng. Cái khó là làm sao thay đổi được tư duy sản xuất cũ trong nông dân, đồng thời hiệu quả của các chương trình khuyến nông được triển khai xuống nông dân phải thật sự bền vững” - kỹ sư Hùng nhấn mạnh.
Thành Nhân