Với phương châm đồng hành cùng dân tộc, những người Công giáo trên địa bàn tỉnh luôn chung tay góp sức cùng các cấp chính quyền trong việc xây dựng các xứ đạo an bình, văn minh, phát triển. Các chức sắc, giáo dân cũng luôn mở rộng trái tim bác ái của mình để san sẻ với những cảnh đời khó khăn.
Với phương châm đồng hành cùng dân tộc, những người Công giáo trên địa bàn tỉnh luôn chung tay góp sức cùng các cấp chính quyền trong việc xây dựng các xứ đạo an bình, văn minh, phát triển. Các chức sắc, giáo dân cũng luôn mở rộng trái tim bác ái của mình để san sẻ với những cảnh đời khó khăn.
* Nặng lòng với người khốn khó
Với chính quyền và giáo dân xã Phú Xuân (huyện Tân Phú), Linh mục Nguyễn Văn Hưng, Chánh xứ Ngọc Lâm, luôn có tấm lòng cao cả. Khi được điều về quản xứ Ngọc Lâm, một giáo xứ có trên 20 ngàn giáo dân đời sống kinh tế còn khó khăn, linh mục Hưng luôn góp sức để giáo dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. Qua sự vận động của ông, mỗi năm các giáo dân đã chung tay đóng góp trên 300 triệu đồng xây nhà tình thương, trao học bổng, phát gạo cho người nghèo, tiếp sức học sinh vượt khó đến trường... cho các đối tượng cần giúp đỡ trong giáo xứ.
Các giáo dân xã Phú Cường (huyện Định Quán) cùng địa phương thực hiện xã hội hóa giao thông nông thôn. |
Linh mục Hưng cho hay, khi được điều về Giáo xứ Ngọc Lâm, việc đầu tiên ông quan tâm là làm sao góp sức cùng chính quyền để người bệnh có điều kiện chữa bệnh, người thiếu ăn được giúp gạo, học sinh nghèo được “tiếp sức”… 6 năm qua, Linh mục Hưng đã vận động giáo dân xây dựng được 100 căn nhà tình thương cho giáo dân nghèo. Ông còn đồng hành với chính quyền vận động giáo dân hiến đất mở đường, thực hiện nhiều công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng, như: làm đường điện hạ thế, bê tông hóa đến 95% đường nông thôn trong ấp với kinh phí hơn 2 tỷ đồng.
Linh mục Hưng thổ lộ, dù ông đã cùng giáo dân làm được rất nhiều điều tốt đẹp, nhưng lòng ông cũng không khỏi trăn trở, khi vẫn còn hộ giáo dân tan vỡ hạnh phúc; con em giáo dân đang bị cuốn hút vào những trò chơi không lành mạnh từ mạng internet… Cho nên, hàng ngày ông luôn gửi thông điệp đến các giáo dân: phải quan tâm kết hợp giữa gia đình với học đường; giữa giáo xứ với chính quyền trong việc giáo dục con em và xây dựng gia đình hạnh phúc…
Trong giai đoạn 2009-2012, Giáo hạt Phương Lâm đã đóng góp cho xã hội gần 2,5 tỷ đồng để lập 7 quỹ tiết kiệm và phát gạo, tặng quà, triển khai các việc bác ái, tương tế. Năm 2011, Giáo hạt Biên Hòa chi 92 triệu đồng giúp 40 hộ nuôi cá bè và năm 2012 chi trên 1,353 tỷ đồng để tiếp sức mùa thi, khám bệnh, cấp phát thuốc. Năm 2010, Dòng thánh Đa minh Thánh Tâm đóng góp 252 triệu đồng giúp dân xây dựng 5 cầu bê tông; Dòng Con đức mẹ phù hộ đóng góp 300 triệu đồng cho các dự án công cộng… |
Bà Đoàn Thị Thanh (ấp Ngọc Lâm 2, xã Phú Xuân) cho biết, với những người nghèo ốm đau, bệnh tật, linh mục Hưng thường xuyên vận động giáo dân là y, bác sĩ, các tiệm bán thuốc hỗ trợ khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí. Một số người nghèo mắc bệnh nan y còn được đưa lên TP.Hồ Chí Minh chữa trị, toàn bộ chi phí do giáo xứ lo. “Linh mục Hưng không chỉ có trái tim bác ái, chính quyền địa phương và người dân còn biết đến ông như một “chuyên gia” hòa giải. Bằng cái duyên của sự am hiểu đạo và đời, linh mục Hưng thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt có lồng ghép để giáo dân hiểu luật pháp mà thực hiện đúng” - bà Thanh nói.
Ông Lê Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân bày tỏ, không những hết lòng chăm sóc phần hồn cho giáo dân, linh mục Hưng cũng rất quan tâm đến công tác xã hội, cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ và làm từ thiện rất nhiều, như: cấp gạo cho người nghèo, người già neo đơn, khuyết tật; vận động giáo dân và các mạnh thường quân xây nhà tình thương cho hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… trong và ngoài giáo xứ. “Trong 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, Đảng ủy và UBND xã đã phối hợp với Giáo xứ Ngọc Lâm tổ chức vận động giáo dân hưởng ứng phong trào, qua đó chung sức làm đuợc gần 10km đường bê-tông xi măng trên khắp địa bàn xã” - ông Hà nói.
* Chung sức cùng xã hội
Ông Lê Đình Thảo, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết từ sau ngày thống nhất đất nước, đồng bào Công giáo Đồng Nai tích cực tham gia các phong trào do Nhà nước và MTTQ tỉnh, các địa phương phát động. Riêng phần mình, Hội đồng giám mục Việt Nam cũng có thư chung kêu gọi đến toàn thể giáo dân: “Đồng hành cùng dân tộc, sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”. Nhất là, từ năm 1980 đến nay, Đồng Nai đã phát động phong trào xây dựng giáo xứ: “Mến Chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo” được đồng bào Công giáo trong tỉnh hết mực ủng hộ. “Từ đó, các xứ, họ đạo trong tỉnh đã tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, hợp tác hóa nông - ngư - nghiệp tại các vùng nông thôn, tiểu thủ công nghiệp nơi các vùng thị tứ. Tòa giám mục Xuân Lộc đã nhiều lần gửi thư mục vụ đến cộng đoàn giáo hữu tham gia công việc, như: bầu cử, cứu trợ thiên tai, ngăn ngừa các đối tượng lợi dụng tôn giáo để phá vỡ mối đoàn kết dân tộc, mê tín dị đoan…” - ông Thảo nhấn mạnh.
Ban hành giáo Giáo xứ Ngọc Lâm (xã Phú Xuân, huyện Tân Phú) nhận bằng khen của UBND tỉnh. |
Cũng theo ông Thảo, trong xây dựng chính quyền “của dân, do dân, vì dân”, có nhiều tu sĩ là đại biểu HĐND các cấp, có trên 350 chức sắc, tu sĩ Công giáo là thành viên MTTQ các cấp, hàng chục ngàn giáo dân trên địa bàn tỉnh tham gia các tổ chức hội, đoàn thể. Các ủy viên ủy ban đoàn kết Công giáo các cấp luôn nêu cao tinh thần tự giác, gương mẫu, hạt nhân trong các phong trào đạo và đời tại địa phương. Đặc biệt, đồng bào Công giáo Đồng Nai luôn đồng hành với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và các tôn giáo khác trong việc xây dựng tỉnh Đồng Nai giàu đẹp, văn minh, phát triển. “Qua việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đã có nhiều cá nhân, tập thể trong giáo dân là tấm gương lao động, học tập, sản xuất. Giới Công giáo luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đối thoại với các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo khác, góp phần làm cuộc sống đạo và đời ngày càng hài hòa, tươi sáng” - ông Thảo nhận xét.
Với trên 1 triệu giáo dân, đồng bào Công giáo ở Đồng Nai đã thật sự tập hợp thành sức mạnh để cùng với các cấp chính quyền trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xã hội hóa giáo dục - y tế. Ngoài ra, cộng đồng Công giáo còn đẩy mạnh các hoạt động khác, như: xây dựng các sân chơi văn hóa - thể thao; lập quỹ tiết kiệm; khuyến khích các nhóm từ thiện, các giới - đoàn thể chăm lo cho người nghèo… Đến nay, hầu như các giáo hạt đã xây dựng được các sân chơi văn hóa - thể thao, hình thành các câu lạc bộ văn - thể - mỹ, tổ chức các cuộc thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ; góp phần cùng chính quyền trong việc nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần trong giáo dân từ thị tứ đến vùng nông thôn xa xôi.
Đoàn Phú