Được dòng họ Trần Gia truyền thụ cho những tuyệt kỹ võ học gia tộc, võ sư bạch đai Trần Ngọc Châu (38 tuổi, võ đường Tiên Phong, ấp 4, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) vẫn chưa thỏa niềm đam mê.
Được dòng họ Trần Gia truyền thụ cho những tuyệt kỹ võ học gia tộc, võ sư bạch đai Trần Ngọc Châu (38 tuổi, võ đường Tiên Phong, ấp 4, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) vẫn chưa thỏa niềm đam mê. Chính vì vậy, anh tiếp tục tìm đến võ đường thiếu lâm Long Phi (xã La Ngà, huyện Định Quán) của võ sư Võ Trọng Thiện nhập môn, thọ giáo thêm những tuyệt kỹ võ học của môn phái Long Phi nổi tiếng xứ Bình Định. Là đồ đệ xuất sư đầu tiên của võ đường thiếu lâm Long Phi, võ sư Châu càng thêm khát vọng được đem những tuyệt chiêu của thầy Thiện và cố võ sư Trần A Sáng (chưởng môn đời thứ 6, môn phái thiếu lâm Trần Gia) truyền thụ lại cho các thế hệ võ sinh trẻ.
Võ sư Trần Ngọc Châu. |
Từ ngày sư phụ Trần A Sáng qua đời, chức chưởng môn đời thứ 7 vẫn chưa được các huynh đệ võ phái thiếu lâm Trần Gia (tỉnh Bình Thuận) đề cử người kế tục. Tuy vậy, với chức danh trưởng tràng của võ phái (người duy nhất được sư phụ ủy quyền chưởng môn khi vắng mặt), anh Châu cho rằng, tuy sư phụ không để lại di nguyện, nhưng lúc thầy còn sống, ông luôn đau đáu một điều: “Võ phái thiếu lâm Trần Gia sẽ được gia nhập Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Đồng Nai. Điều đó, nay tôi đã làm được theo ước nguyện của thầy” - anh Châu nói.
Cả nhà đam mê
Những năm 1980, vùng đất ấp 4, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) vẫn còn thưa thớt dân cư, người dân rất cần sức vóc để vỡ đất, khai hoang trồng thuốc, trồng màu và một sinh lực khỏe mạnh để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Vốn là đồ đệ của võ phái thiếu lâm Trần Gia di cư từ tỉnh Bình Thuận vào đây, ông Trần Văn Sáng rất muốn các con khỏe mạnh, đủ sức dọn sạch những viên đá nằm ngổn ngang chiếm đất của các cây màu trong vườn. Chính vì vậy, 5 giờ sáng, ông Sáng đã gọi các con thức giấc để ra sau vườn luyện võ, tập cho thân thể cường tráng, chống chọi với những khắc khổ của những bữa cơm thiếu thịt. Sân tập của cha con ông Sáng là những khu đất lởm chởm đá, dụng cụ tập luyện là những chiếc bao nén chặt cát, những cây chuối trong vườn hoặc những cái hố đá sâu ngang ngực tự đào.
Ngoài môn phái thiếu lâm Trần Gia và thiếu lâm Long Phi, tuổi thiếu thời anh Châu còn theo đuổi các môn phái khác, như: Vovinam (học từ người chú ruột), võ đường Hồ Tuấn Phong (làng An Thái, tỉnh Bình Định) và trau dồi thêm các dòng võ taekwondo, karatedo trong quá trình gia nhập huấn luyện viên. |
“Cha tôi vẫn thường dạy các con rằng, học võ mà không dạy sớm, siêng năng luyện tập thì chẳng khác nào nhà nông lười nhác, để rẫy vườn đầy cỏ, đá vương vãi tứ tung thì làm sao cây bắp, cây lúa, cây thuốc tốt tươi. Chính vì vậy, đúng giờ tập võ mà ai còn ham ngủ liền bị ông lấy roi đánh thức nên ai cũng sợ” - anh Châu nhớ lại.
Vốn là nhà nông ham việc, tiếc công, cha con ông Sáng sau vài giờ luyện võ cùng nhau thì ai làm việc nấy. Con đi học thì ông một mình vác cuốc ra đồng, trưa về thì cha con lại cặm cụi làm nốt công việc nhà nông trong ngày. Cứ vậy, theo từng mùa vụ, 5 anh em anh Châu dần được cha truyền thụ hết các thế võ của dòng tộc mà ông học được. Riêng mẹ anh mỗi lần nhìn các con hăng say luyện tập với chồng lòng vui sướng, hạnh phúc, nhất là khi bà nhìn các con khỏe mạnh, đủ sức ôm viên đá nặng hàng chục ký xếp ngay ngắn nơi góc vườn.
Xuất sư tuổi 30
Cha hết vốn dạy, anh em anh Châu thỉnh thoảng được người ông bà con (là cố võ sư Trần A Sáng) từ tỉnh Bình Thuận vào thăm và ở lại vài tuần để truyền thụ thêm những điều còn bỏ trống. Là người mê võ nhất trong các em, những ngày nghỉ hè, anh Châu còn khăn gói về võ đường dòng tộc ở tỉnh Bình Thuận để được cố võ sư Sáng truyền thụ thêm kiến thức, quyền thuật về võ phái thiếu lâm Trần Gia khi ông đang nắm giữ ở vị trí chưởng môn đời thứ 6. “Các huynh đệ của tôi chỉ chuyên học về long - sư - rồng. Riêng tôi lại đam mê quyền thuật của võ phái nên sư phụ quý và chỉ dạy rất tận tâm. Những lần ở tổ đường luyện võ và được sư phụ tâm sự về ý nguyện làm sao đưa võ phái thiếu lâm Trần Gia gia nhập Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam mà các bậc tiền bối đã bỏ ngỏ từ năm 1975 đến nay, nhất là bí quyết võ học chỉ truyền thụ trong dòng tộc, chức vụ tự phong, người học võ lại không bằng cấp và không gia nhập Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam nên rất khó quảng bá” - anh Châu bồi hồi thổ lộ.
Võ thuật luôn là đam mê của anh Trần Ngọc Châu và nó giúp anh quên đi chuyện cơm áo gạo tiền mỗi khi ra sân tập cùng các trò nhỏ. |
Tuổi 14, anh Châu chưa thẩm thấu hết những kỹ thuật tinh hoa của các đòn thế võ phái thiếu lâm Trần Gia được cha và sư phụ truyền dạy. Tuy vậy, trong anh cũng hiểu được phần nào những điều sư phụ khát vọng khi thầy trò ngồi hàng giờ nơi võ đường kể về những quá khứ hào hùng của các bậc tổ sư đời trước. Ngoài học võ từ cha và võ sư Trần A Sáng, chiều đến, 4 anh em gồm: Trần Ngọc Châu, Trần Ngọc Phi, Trần Ngọc Long và Trần Ngọc Giang sau bữa cơm chiều qua loa cho ấm bụng cùng nhau đạp xe vượt đoạn đường trên 8 km từ xã Phú Ngọc đến xã La Ngà đăng ký xin nhập môn võ đường thiếu lâm Long Phi của võ sư Đỗ Trọng Thiện. Anh Châu tâm sự, nơi võ đường của võ sư Thiện, anh là người đầu tiên trong hàng ngàn môn sinh được xuất sư đầu tiên (vào năm 2005) và được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cấp bằng võ sư. Riêng 2 em trai anh là Phi (huấn luyện viên cấp 14) và Giang (huấn luyện viên cấp 12) hiện đang phụ võ sư Thiện hướng dẫn môn đệ tại các chi nhánh võ đường thiếu lâm Long Phi ở huyện Định Quán và Thống Nhất.
Hiện tại, võ sư Trần Ngọc Châu đang làm kiểm sát an ninh cho Công ty TNHH Han Soll Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom). Tuy vậy, chiều đến, anh vẫn có mặt đúng giờ tại sân tập võ đường của mình để cùng các môn đệ trao dồi và truyền thụ lại tinh thần võ học cho các võ sinh của mình. Trong nhiều năm đóng góp cho làng võ cổ truyền tỉnh, anh Châu đã được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh, tặng nhiều giải thưởng. |
Nhìn di ảnh sư phụ nơi bàn thờ tổ, anh Châu cho hay, lời cố võ sư Sáng dạy anh khi còn sống, nay anh đã làm được nửa. Nửa còn lại, hiện thực hiện gần đến đích khi anh là Chi hội trưởng Chi hội võ cổ truyền huyện Thống Nhất, võ sinh đã có hàng trăm em và đang hoàn tất thủ tục ra mắt võ đường Tiên Phong. Anh Châu giải thích, lý do anh lấy tên võ đường Tiên Phong vì anh muốn nói với sư thầy Sáng, anh sẽ là người đầu tiên đưa võ phái thiếu lâm Trần Gia gia nhập Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam. Chính thức đưa võ phái của gia tộc truyền bá rộng rãi đến người có nhu cầu học tập, không còn khép kín trong nội bộ. Người học được liên đoàn, hội, chi hội cấp bằng chứng nhận hẳn hoi về cấp phẩm trong quá trình học, chứ không còn kiểu tự phong như cha ông. “Tôi mừng là Liên đoàn cấp bằng võ sư võ cổ truyền chung cho tất cả các môn phái. Nhờ sự học chính quy từ sư thầy Thiện mà tôi có cơ hội để phát huy tinh thần võ học võ phái thiếu lâm Trần Gia của dòng tộc. Võ thuật luôn là niềm đam mê và trách nhiệm mà cố sư phụ Sáng gửi gắm đối với bản thân tôi. Cho dù chuyện cơm áo, gạo tiền luôn thách thức, nhưng tôi vẫn kiên trì vượt lên” - anh Châu thổ lộ.
Đoàn Phú