Cảm mến sự nhiệt tình, vui vẻ của các cán bộ ở bộ phận “một cửa” xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) khi tiếp dân, bà Hai Kha (ngụ ấp Rạch Bảy, xã Phú Hữu) mang tặng chị Võ Thị Hường và nhóm cán bộ ở đây một bịch bần ổi to tướng để nấu canh chua.
Cảm mến sự nhiệt tình, vui vẻ của các cán bộ ở bộ phận “một cửa” xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) khi tiếp dân, bà Hai Kha (ngụ ấp Rạch Bảy, xã Phú Hữu) mang tặng chị Võ Thị Hường và nhóm cán bộ ở đây một bịch bần ổi to tướng để nấu canh chua.
“Thấy bà già vượt đường xa lên xã làm khai sinh cho cháu mà không có tờ giấy lận lưng, tụi tôi cố gắng giúp bà hoàn tất các thủ tục còn thiếu trong buổi sáng. Vì lẽ đó, gần tháng sau, khi đến xã làm thủ tục xin cấp “sổ đỏ”, bà không quên mang bịch bần ổi vườn nhà làm quà” - chị Hường nhớ lại.
* Cây dù kỷ niệm
Suốt 5 năm phụ trách công tác tiếp dân ở bộ phận “một cửa” xã Phú Hữu, chị Hường và đồng nghiệp thật khó từ chối cảm tình mộc mạc xuất phát từ tấm lòng cảm mến cán bộ xã niềm nở, tận tụy giúp dân như bà Hai Kha. Chị Hường cho biết, không ít người dân khi tiếp xúc với cán bộ, công chức thường tỏ ra e ngại, rụt rè. “Nhiều người không dám mang dép vào văn phòng để giao dịch, mà để dép bên ngoài, hoặc nói chuyện với mình dạ thưa rất từ tốn. Với những trường hợp đó, tụi tôi luôn tìm mọi cách sẻ chia, nhằm giúp bà con không còn tâm lý lo lắng, sợ bị cán bộ hoạnh họe khi cần đến xã giao dịch” - chị Hường nói.
Người dân luôn nhận được nụ cười niềm nở từ cán bộ “một cửa” xã Phú Hữu. |
Cầm chiếc dù và xấp hồ sơ trình lãnh đạo ký, chị Đặng Thị Phương Trâm (công chức phụ trách nhận - trả hồ sơ của xã Phú Hữu) cho hay, chiếc dù trên được cô Tư Thắm ở quận 9 (TP.Hồ Chí Minh) tặng bộ phận “một cửa” che mưa, nắng mỗi khi rời văn phòng, sang phòng lãnh đạo trình ký hồ sơ. “Thấy chiếc dù của tụi tui cũ rách nên cô Tư Thắm tặng chiếc dù cô đang sử dụng khi lần đầu tiên cô đến văn phòng giao dịch. Tụi tui làm việc công và được lãnh đạo quán triệt không được nhận quà dưới bất cứ hình thức nào. Tuy vậy, tụi tui vẫn nhận cây dù của cô Tư Thắm khi nghe cô tâm sự rằng, thấy tụi tui niềm nở nên thương, quý tặng làm kỷ niệm, chứ cô có làm gì sai đâu mà hối lộ” - chị Trâm thổ lộ.
Tỉ mỉ hướng dẫn anh Ba Xê (ngụ ấp Phước Lương, xã Phú Hữu) làm thủ tục xin cấp “sổ đỏ”, anh Trần Thanh Trúc (cán bộ địa chính xã) cố gắng thuyết phục anh Ba Xê hoàn tất các thủ tục liên quan càng sớm càng tốt để anh trình lãnh đạo phê duyệt, rút ngắn thời gian chờ đợi. Anh Ba Xê vò đầu, gãi tai nói: “Chú viết hết cho tui những gì cần làm ra giấy đi và hướng dẫn tui cách làm nữa đó. Nông dân tụi tui chữ nghĩa ít, cầm cây viết nặng hơn cầm cuốc, nên viết hoài không ra chữ”.
Nghe anh Ba Xê nói vậy, anh Trúc nở nụ cười giải thích: “Tất cả thủ tục đều có mẫu chú à. Chú cứ ở đây mà điền, không biết chỗ nào tụi con hướng dẫn cho”. Rồi anh quay sang chúng tôi nói: “Bà con ngại viết vì sợ viết sai, phải làm đi làm lại tốn thời gian. Trường hợp nào tự làm được thì tụi tui động viên, khuyến khích họ cố gắng làm. Bà con nào không viết được, tụi tui mới viết giùm, hoặc hướng dẫn họ mang về nhờ con cháu viết hộ, sau đó ký tên là được. Tụi tui phải niềm nở hướng dẫn cặn kẽ thì bà con mới nhớ lâu, không bị rối. “Một nụ cười hơn mười thang thuốc bổ”, tại sao mình không chịu khó cười cho bà con an tâm để mọi việc suôn sẻ”.
* Sang bạn học cười
Ông Dương Xuân Sắc, Phó trưởng ban Tuyên giáo xã, cho hay, để nụ cười xuất hiện nơi bộ phận “một cửa” xã Phú Hữu, sau khi học tập mô hình “nụ cười công sở” của xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch), Đảng ủy xã Phú Hữu đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên xã về mô hình này trong công tác tiếp dân. Ông Sắc nói: “Đảng ủy xã chọn văn phòng “một cửa” và bộ phận tiếp dân của công an xã làm điểm đột phá. Trong đó, nhấn mạnh nội dung hành động là làm hết việc, chứ không ngại hết giờ”.
Chiếc dù che nắng, mưa đầy ắp kỷ niệm của các nữ công chức, viên chức xã Phú Hữu. |
Hỏi về “nụ cười công sở” của xã Phú Hữu có gì khác lạ, Chủ tịch UBND xã Võ Thị Diệu nói ý nhị: “Nụ cười của cán bộ, công chức, viên chức xã Phú Hữu trong thực thi nhiệm vụ phải xuất phát từ tấm lòng quý dân, yêu dân, tôn trọng dân theo lời dạy của Bác, chứ không phải là nụ cười gượng gạo, giả tạo vì bị sức ép của phong trào, hay cười ngẫu hứng, tùy tiện vì tâm trạng vui buồn”.
Thấy chúng tôi chưa bị thuyết phục, bà Diệu nhẹ nhàng giải thích: “Khi tiếp dân, cán bộ xã Phú Hữu phải ân cần hướng dẫn dân đầy đủ, rõ ràng những điều mình có bổn phận phục vụ. Có như vậy, bà con mới tin nụ cười của cán bộ xã xuất phát từ thái độ cầu thị và nụ cười đó được bà con ghi nhận qua kết quả giải quyết công việc hàng ngày”.
Trò chuyện với chúng tôi trong lúc chờ cán bộ Trâm mang hồ sơ của mình trình lãnh đạo xã ký, anh Trần Ngọc Long (ngụ ấp Câu Kê, xã Phú Hữu) tỏ bày, anh rất hài lòng trước thái độ phục vụ dân tận tình của bộ phận “một cửa” xã. “Các anh công an xã cũng luôn nở nụ cười khi tiếp xúc với bà con. Tui khoái nụ cười xuất phát từ tâm của cán bộ, chứ không phải cười qua quýt cho qua chuyện, rồi để mặc chúng tôi không biết tỏ bày sự việc cùng ai” - anh Long nói.
Mỗi ngày, bộ phận “một cửa” xã Phú Hữu tiếp nhận khoảng 150 lượt người dân đến giao dịch. Chị Võ Thị Hường, cán bộ ở bộ phận “một cửa” xã Phú Hữu, tâm sự nụ cười công sở chỉ có giá trị khi bà con cảm nhận được thái độ phục vụ của chị và đồng nghiệp. “Nụ cười công sở phải được thể hiện trong cả nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng. Đó mới là điều mà tui và đồng nghiệp thể hiện trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ thực tiễn công tác” - chị Hường thổ lộ. |
Cảm nhận về thái độ phục vụ dân của cán bộ xã Phú Hữu, ông Hai Minh (ngụ ấp Cát Lái, xã Phú Hữu) nói thẳng trước đám đông: “Tui tiếp xúc với các cơ quan công quyền để xin chữ ký như cơm bữa. Tuy vậy, khi có việc cần ra xã chứng thực giấy tờ, tui vẫn khoái cung cách làm việc của cán bộ ở đây. Đúng thì ký, sai thì nhẹ nhàng hướng dẫn, tụi tui không trách cứ gì được họ”.
Đồng hồ báo gần 12 giờ trưa, Chủ tịch UBND xã Võ Thị Diệu và các cộng sự vẫn không vội đóng cửa phòng làm việc khi hồ sơ duyệt ký khai sinh cho bé Vy (con chị Hai Bang, ngụ ấp Rạch Bảy, xã Phú Hữu) vào lớp 1 vẫn chưa được cán bộ tư pháp - hộ tịch Mộng Điệp hoàn tất, 11 giờ 30 chị Hai Bang mới tất tả tìm đến văn phòng “một cửa” xã. Chính vì vậy, bà Diệu có thêm thời gian tiếp chuyện chúng tôi. Bà Diệu bộc bạch, thà bà và cộng sự nán lại xã chờ ít phút, còn hơn để bà con phải chạy tới chạy lui mất thời gian và tốn chi phí xăng dầu. “Cán bộ, công chức, viên chức nào khi tiếp dân bị bà con phản ánh, nếu nhắc nhở mà không rút kinh nghiệm, tui sẽ mạnh dạn đề nghị thuyên chuyển, hoặc cho thôi việc” - bà Diệu nói.
Thành Nhân