Báo Đồng Nai điện tử
En

Chơi cây trà xanh

10:07, 31/07/2013

Cây trà (chè) kiểng không chỉ cho thế đẹp, màu lá bắt mắt, hoa đẹp và nở đều quanh năm, mà việc thưởng thức nước trà tươi, kết hợp ngắm dáng trà kiểng cũng mang lại cho người chơi sự khoan khoái, tịnh tâm.

Cây trà (chè) kiểng không chỉ cho thế đẹp, màu lá bắt mắt, hoa đẹp và nở đều quanh năm, mà việc thưởng thức nước trà tươi, kết hợp ngắm dáng trà kiểng cũng mang lại cho người chơi sự khoan khoái, tịnh tâm.

Gần đây, người dân Đồng Nai thỉnh thoảng bắt gặp nhiều người chở cây trà xanh đi bán dạo, hoặc bày bán dọc các con đường đông người qua lại. Theo những người chơi trà kiểng, cây trà có tuổi thọ từ vài chục đến hơn trăm năm, nên dáng cây không quá to lớn như cây cảnh khác.

* Công phu chọn cây trà kiểng

Nhìn bề ngoài, nếu không phải dân trồng trà thứ thiệt sẽ khó nhận biết đâu là cây trà lâu năm, đâu là cây trà non tuổi, bởi gốc cây chỉ có đường kính vừa vặn bằng nắm tay, cao từ 1 - 1,5m, tán nhỏ. Để có được những gốc trà cổ thụ, người trồng phải mất hàng chục năm chăm sóc.

Gốc trà xanh lâu năm được mua bán như những cây kiểng.
Lá trà xanh là thức uống có lợi cho sức khỏe nên được nhiều người trồng trong vườn nhà.

Hàng ngày, ông Võ Văn Kế (56 tuổi, ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) vẫn cắm chốt ngay lề đường Võ Thị Sáu chờ bán cây trà xanh cổ thụ. Ông Kế cho biết, thời gian gần đây, có rất nhiều người làm nghề bán cây trà xanh như ông. Họ đi vào các khu vườn cây ăn trái, khu vực vùng sâu, vùng xa, hoặc những nơi trồng cây trà nổi tiếng, như: Phú Hội (huyện Nhơn Trạch), Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng)… để thu mua cây trà, sau đó đem về cắt tỉa cho gọn cho dễ vận chuyển, rồi chia thành những điểm nhỏ tìm chỗ bán kiếm lời.

Cây trà có đặc điểm khác với mai, si, tùng, sanh… là có tuổi thọ cao, dễ chăm sóc và không phải canh cho hoa nở đúng vào dịp tết. Bởi trà là cây chơi thân và lá, thay vì chơi hoa.

“Tôi nhớ vào năm 2010, đã từng có người mua cây trà ở Bảo Lộc về chỗ tôi bán lại với giá 300 ngàn đồng/gốc. Thời điểm đó, thấy dáng cây trà hay hay, tôi cũng mua một gốc về nhà, mục đích trưng bày trong vườn cho đẹp. Mỗi lần có bạn đến nhà, tôi thường hái lá pha trà mời khách. Nhiều người thích thú vì được thưởng thức “cây nhà lá vườn”, hỏi tôi chỗ mua cây trà. Từ đó, tôi thành người chơi kiêm người bán cây trà” - ông Kế cho hay.

Theo ông Kế, để có những gốc trà giá trị, đẹp về kiểu dáng, tốt về chất lượng, người buôn phải tuyển chọn khắp các nơi trồng trà, sau đó chở đi tiêu thụ. Đưa tay vuốt từng búp trà non, ông Kế nói thêm: “Trước khi xuất vườn, mình phải bứng cây đưa vào chậu, hoặc làm bầu dưỡng từ 5-6 tháng để trà ổn định và ra rễ. Khi trà ra lá non mới tiến hành tạo tán. Tất cả các công đoạn phải thật khéo léo, nếu không, trà sẽ bị chết”.

Không “săn” cây trà xanh xa tận các tỉnh: Lâm Đồng, Gia Lai…, anh Bùi Ngọc Thái (37 tuổi, ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) tìm loại cây trà kiểng ở xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch). “Trà Phú Hội nổi tiếng từ lâu với câu: “Nước Mạch Bà - trà Phú Hội”. Trà Phú Hội chính gốc khi pha ra có nước màu đỏ bầm rất đẹp và có hương vị thơm ngon riêng. Trà Phú Hội mà dùng nước Mạch Bà để hãm, pha thì đúng điệu. Cây trà ở đây đã lâu năm, người dân ít trồng mới nên hiện trà còn rất ít” - anh Thái nói thêm.

Gần đây, khi nghe tin một người dân ở ấp Xóm Hố, xã Phú Hội bán một lúc 30 cây trà hơn trăm tuổi, anh Thái mới biết nhu cầu chơi trà, uống trà từ đất Phú Hội rất lớn. Mỗi gốc trà, anh Thái đặt mua có giá khá cao so với thị trường. “Trên thị trường, hiện có nhiều giống trà, độ tuổi và dáng cây cũng khác nhau. Giá bình dân khoảng 400-500 ngàn đồng/gốc, đôi khi có thể lên tới 5-7 triệu đồng/gốc, tùy vào độ tuổi, dáng, thế của cây. Tuy nhiên, giá cao rất ít, vì cây trà đẹp khá hiếm, có khi tôi phải săn lùng cả năm mới được một gốc dạng vừa” - anh Thái nói.

* Thú chơi bình dị

Hiện nay, đang có xu hướng chơi cây kiểng “2 trong 1”, tức là vừa chơi, vừa dùng các bộ phận trên cây đó làm đồ ăn, thức uống. Cây trà ngoài giá trị nghệ thuật, làm đẹp cảnh quan không gian, khi cần người chơi có thể hái vài ngọn chè đem hãm để uống, nên đã tạo nét ấn tượng độc đáo cho gia chủ khi khách đến chơi nhà.

Ông Hùng (61 tuổi, ngụ ấp Xóm Hố, xã Phú Hội) tâm sự: “Nhà có khoảng 50 gốc trà từ đời cha tôi để lại, nhiều người hỏi mua với giá hơn 300 ngàn đồng/gốc nhưng tôi không bán. Cây trà đã gắn liền với làng xóm, với gia đình tôi, nên bán cây trà là bán cái tình mộc mạc, bình dị của đất và người. Với những gốc trà đó, tôi sẽ tuyển những cây dáng đẹp, thế độc bứng vào chậu để vừa chơi cây kiểng, vừa thưởng thức nước trà”.

Mấy năm nay, mỗi lần ghé thăm ông Hùng, khách bạn của ông đều ngỡ ngàng khi thấy gia chủ chăm sóc cây trà cẩn thận như những cây kiểng quý khác. Rồi ai nấy trầm trồ khi vừa thưởng thức nước trà tươi, vừa đàm đạo về thú chơi cây kiểng “lạ”. Cây trà có đặc điểm khác với mai, si, tùng, sanh… là có tuổi thọ cao, dễ chăm sóc và không phải canh cho hoa nở đúng vào dịp tết. Bởi trà là cây chơi thân và lá, thay vì chơi hoa.

Lá trà xanh là thức uống có lợi cho sức khỏe nên được nhiều người trồng trong vườn nhà.
Gốc trà xanh lâu năm được mua bán như những cây kiểng.

Cây trà “kén” người chơi, khi mà đối tượng tìm đến nó đều ở độ tuổi xế chiều. Đặc biệt, vào những ngày nghỉ hay lễ, tết, cây trà như là món quà đặc biệt dành cho những người lớn tuổi thỏa mãn thú chơi kiểng, cái thú mang lại không khí điền viên, tao nhã. “Chơi cây trà kiểng không có gì sướng bằng việc thưởng thức những ly trà tươi do chính mình chăm sóc, chất lượng trà được đảm bảo từ gốc đến từng chiếc lá. Lá không nhiễm hóa chất, thuốc bảo quản như ngoài thị trường, yên tâm lắm” - ông Hoàng Văn Mộc (63 tuổi, ngụ phường Tân Hiệp TP.Biên Hòa) tâm sự.

Dù khuôn viên nhà ông Mộc khá chật, nhưng ông vẫn để dành khoảng nhỏ trước sân cho 2 gốc trà có nguồn gốc từ tỉnh Lâm Đồng. Ông quý nó bởi khi về tay ông, cây chẳng có sự thay đổi lớn nào so với khi còn ở quê nhà. Chơi trà kiểng hơn 3 năm nay, ông Mộc cho hay, không phải tất cả mọi nơi đều trồng được trà. Vì nếu không hợp đất, khí hậu, chất lượng nước, trà sẽ thay đổi, không còn đậm đà, thanh mát như trước.

“Tôi thường thưởng thức nước trà tươi mỗi ngày, nhìn những cây trà kiểng từ mảnh đất Tây Nguyên lộng gió, khô hanh mang lại cho con người ta sự giản dị, bình yên và mộc mạc. Người già như tôi chơi trà kiểng rất hay, nhưng người bận rộn cũng có thể tìm được thời gian an lành bên ấm trà tươi… Trà càng lâu năm, nếu được chăm bón, uốn nắn tốt sẽ có dáng đẹp. Chơi trà lợi cả đôi đường” - ông Mộc chia sẻ.

Thanh Hải

 

Tin xem nhiều
Cập nhật sxmb mới nhất