Trời còn tờ mờ sáng, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để theo chân 2 cán bộ kiểm lâm Nguyễn Đình Dũng và Phạm Văn Vũ (Trạm Kiểm lâm Rang Rang, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, gọi tắt khu bảo tồn) vào rừng xem bò tót.
Trời còn tờ mờ sáng, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để theo chân 2 cán bộ kiểm lâm Nguyễn Đình Dũng và Phạm Văn Vũ (Trạm Kiểm lâm Rang Rang, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, gọi tắt khu bảo tồn) vào rừng xem bò tót.
Trước khi chúng tôi khởi hành, Trạm trưởng Thái Ngô Đức dặn dò cấp dưới đưa chúng tôi đi thăm rừng thỏa thích, khi nào nhìn thấy bò tót rồi về. Rồi Trạm trưởng Thái Ngô Đức từ tốn kể, cách đây không lâu, có một người đi câu cá ở khu Bàu Sấu bị bò tót đá té nhào xuống đầm. “Có người đi rừng thấy bò tót sợ quá nên chui vào bụi rậm trốn và bị nó giẫm lên lưng đó” - Trạm trưởng Đức nói nửa đùa nửa thật làm chúng tôi cũng thấy hơi lo lắng.
* Tìm dấu bò tót
“Lên đường thôi”, kiểm lâm viên Dũng ra hiệu và chúng tôi lên xe máy của các anh để đi vào rừng. Ngồi xe máy được 15 phút, chúng tôi bắt đầu cuốc bộ vào khu vực bàu Đỉa (Tiểu khu 92) để ngắm rừng lúc bình minh. Trên đường đi, 2 anh liên tục chỉ cho chúng tôi những dấu chân bò tót in trên mặt đất khi chúng dẫn nhau lang thang trong rừng lúc đêm xuống. “Thường thì bò tót hay ra đây ăn và uống nước lúc sáng sớm, hoặc trời ngả chiều. Chúng đi thành đàn, hoặc rải rác vài con, các anh chỉ có thể tiếp cận từ xa để chúng khỏi thấy động và bỏ chạy” - anh Vũ dặn dò.
Hình ảnh bò tót được cán bộ kiểm lâm ghi lại trong lúc tuần rừng. |
Theo anh Dũng, khu bảo tồn là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Nơi đây có hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng Đông Nam bộ, với nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ của thế giới. Rang Rang là một trong 16 trạm của khu bảo tồn. Trạm Rang Rang có 7 tiểu khu, trải dài trên diện tích 6.450 hécta, với 14 kiểm lâm viên làm công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Từ Trạm Rang Rang vào khu vực bàu Đỉa chỉ hơn 5km đường rừng, nhưng đôi chân chúng tôi mỏi nhừ vì không quen cuốc bộ dưới những tán rừng ẩm thấp, nhiều bụi gai, muỗi, vắt. Sau 3 lần nghỉ chân lấy sức để luồn rừng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bàu Đỉa chỉ để ngắm... dấu chân bò tót, lúc đó đồng hồ báo đã quá 9 giờ. “Bò tót di chuyển đàn liên tục, lúc chúng ở trảng Min, trảng Bò; lúc thì rủ nhau về bàu Năm Thọ, bàu 93, bàu Đỉa… Muốn nhìn được chúng, các anh phải lưu trú tại trạm dăm ngày để chúng tôi dẫn đi” - anh Dũng động viên chúng tôi.
* Có trên 100 cá thể bò tót
Anh Dũng cho hay, khu bảo tồn đang quản lý trên 100 con bò tót. Bò tót ở đây đã từng kéo ra khu dân cư, đường dân sinh để phá phách. Ít nhất, đã có 2 trường hợp kiểm lâm đi tuần rừng bị bò tót húc gây trọng thương.
Theo anh Vũ, diện tích rừng ở Đồng Nai được bảo vệ tốt là vùng sinh cảnh tự nhiên cho đàn bò tót phát triển bền vững. Càng quý hơn, khi đàn bò tót tại Đồng Nai đang cư trú trong rừng tự nhiên nằm sâu trong nội địa của Việt Nam, khác hẳn những khu vực rừng khác giáp ranh với Campuchia, Lào, nên rất thuận lợi cho công tác bảo tồn. “Dù không có dự án bảo tồn, nhưng khu bảo tồn vẫn thực hiện công tác điều tra, giám sát đàn bò, lập chòi canh đếm bò, đồng thời tuyên truyền người dân có ý thức bảo vệ chúng” - anh Vũ bộc bạch.
Giúp đồng đội vượt dốc cao trong rừng. |
Được bảo vệ chặt chẽ, nhưng loài bò tót cũng đối diện với hiểm nguy từ nạn săn bắn của con người. Như năm 2006, kiểm lâm khu bảo tồn phát hiện Nguyễn Hoài Đức (quê tỉnh Đắk Lắk) và Lê Minh Tiến (quê tỉnh Quảng Bình) dùng xe máy chở 2 bao đựng khoảng 35kg thịt rừng đã sấy khô và 6,5kg thịt rừng tươi được ướp đá. Qua kiểm tra, kiểm lâm xác định đây là thịt bò tót, nên đã lập biên bản tạm giữ người và tang vật, chuyển cho Công an huyện Vĩnh Cửu điều tra làm rõ.
Theo lời khai của Đức và Tiến, trước đó cả hai nhận được điện báo của Nguyễn Hoài Nam (ngụ ấp 4, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu; Nam là em ruột của Đức và là em rể của Tiến) cho biết, Nam vừa bẫy được con bò tót và đề nghị cả hai cùng xẻ thịt con bò sấy khô đem về quê làm quà. Sau đó, cả 3 cùng nhau vào Tiểu khu 109 thuộc khu bảo tồn để xẻ thịt bò. Khi đến vị trí có xác con bò tót, Nam đã cắt đầu con bò tót đưa đi đâu không rõ. Phần còn lại được Đức và Tiến xẻ thịt rồi đem sấy khô trước khi vận chuyển “món quà” về quê.
Kiểm lâm viên Nguyễn Đình Dũng cho biết, khu bảo tồn hiện có 1.729 loài động vật, côn trùng hoang dã, thuộc 238 họ, 52 bộ động vật, côn trùng sống tại đây. Trong đó, có nhiều loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam, như: voi, báo gấm, gấu chó, bò tót, chà vá chân đen, gà so cổ hung, gà tiền mặt đỏ… Trong đó, thú có 85 loài, thuộc 27 họ, 10 bộ, 36 loài quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, như: bò tót, bò bangten, voi, gấu chó, sói lửa... |
Gần đây hơn, ngày 8-10-2012, UBND xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) báo cáo với các cơ quan chức năng có một con bò tót của Vườn quốc gia Cát Tiên bị bắn chết và bán thịt. Khi cơ quan chức năng tìm đến hiện trường thì chỉ thu được bộ lòng bò còn sót lại.
“Tháng 6-2012, khu bảo tồn kết hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) tổ chức đoàn khảo sát tình trạng quần thể bò lớn hoang dã tại khu vực huyện Đồng Phú. Theo thông tin của Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú, năm 2010, có một con bò tót bị bắn. Tháng 11-2011, phát hiện một con bò tót lớn bị dính bẫy chết trong rừng. Tháng 5-2012, lại có một con bị chết do dính bẫy” - anh Dũng nói.
Trao đổi với chúng tôi, anh Vũ cho biết, diện tích sản xuất của người dân trong khu vực đàn bò xuất hiện, trước đây vốn là vùng sinh sống quan trọng của chúng, như: các điểm khoáng tự nhiên, khu vực uống nước, khu vực phân bố thức ăn. Theo các nhà chuyên môn, đây chính là nguyên nhân khiến đàn thú hoang dã bị đe dọa, nên cần sớm có giải pháp mạnh bảo vệ đàn bò tót. “Nếu các anh chịu ở rừng đến chiều tối, thế nào cũng gặp được bò tót ra suối uống nước” - anh Vũ chỉ tay vào dấu bò tót ăn đêm còn để lại trong rừng và nói.
Trời bắt đầu mưa nặng hạt, ánh sáng mặt trời bị tán rừng che khuất, chúng tôi chỉ còn cách lầm lũi bước theo các kiểm lâm viên. Thấy chúng tôi không đủ sức bước tiếp, anh Dũng ra hiệu cho đồng đội đưa chúng tôi về.
Đường về trạm sao mà hun hút. Bụng đói, chân run, nhưng chúng tôi vẫn cố lê bước theo sau hai kiểm lâm viên để về đúng nơi mình nài nỉ được các anh dẫn vào đây ngắm nhìn bò tót (đáng tiếc là không thấy được bò tót) để thỏa chí tò mò.
Đoàn Phú