Tỉ mỉ như người lính công binh, anh Tư Hô chậm rãi lướt nhẹ bàn rà trên đám bùn lẹp xẹp nước. “Đám ruộng này vừa được chủ đất san lấp 100 xe đất và đã có rất nhiều người tới rà tìm kim loại.
Tỉ mỉ như người lính công binh, anh Tư Hô chậm rãi lướt nhẹ bàn rà trên đám bùn lẹp xẹp nước. “Đám ruộng này vừa được chủ đất san lấp 100 xe đất và đã có rất nhiều người tới rà tìm kim loại. Vì vậy, tui phải lia máy thật chậm và căng tai lắng nghe tiếng bíp bíp yếu ớt phát ra từ tai nghe để xác định vật liệu bị vùi lấp” - anh Tư Hô quẹt mồ hôi đang chảy ròng ròng trên trán và nói.
* Mưu sinh
Sau khi uống vội ly cà phê sáng nơi góc chợ Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), hai anh Tư Hô và Sáu Nghĩa chạy thẳng xe máy vào khu ruộng vừa được san lấp gần đầu cầu Bửu Hòa để khởi đầu một ngày tìm kiếm những phế liệu sắt, nhôm, đồng… đang trộn lẫn trong những lớp đất để mưu sinh. Nhẹ nhàng tháo lấy chiếc máy rà ra khỏi bao bố được cột sau yên xe, anh Tư Hô cho biết, chiếc máy rà kim loại này thuộc thế hệ mới, được anh mua với giá 300 ngàn đồng. So với máy thế hệ cũ dùng động cơ hoặc bình ắc-quy thì nó gọn nhẹ, khả năng xác định vật liệu đang bị mắc kẹt dưới lớp đất đá chính xác hơn. “Máy rà kim loại được thiết kế khá đơn giản, gồm cây rà kim loại nối với một tai nghe, ở cuối thanh kim loại có gắn một bàn nhôm”- anh Tư Hô nói xong cầm chiếc máy, vác cuốc đi thẳng ra bãi đất.
Những thanh phế liệu mà anh Tư Hô rà được luôn lấm lem bùn đất. |
Trong khi đó, anh Sáu Nghĩa thủng thẳng tháo đồ nghề lỉnh kỉnh từ yên xe máy xuống, như: máy rà kim loại, cuốc, xà beng, búa tạ, giỏ xách… “Vòng nhôm tròn này được coi như “ra-đa” dò tìm kim loại, cây rà phát ra tín hiệu âm thanh liên tục và truyền đến tai nghe. Khi phát hiện ra kim loại, tiếng bíp bị tắt và chỉ cần một thanh kim loại bé tí, như: đinh, ốc… cũng bị máy phát hiện” - anh Sáu Nghĩa tỉ tê thêm.
Chỉ tay vào đám đất trống vừa được chủ đất rào kín bằng lưới B40, anh Sáu Nghĩa tiếc rẻ nói với chúng tôi: “Do họ không cho rà nên tụi tui chỉ quẩn quanh khu đất này. Vì có nhiều người rà rồi nên tụi tui phải chịu khó chà đi, xát lại thật chậm để tìm kiếm vật liệu đang bị chôn chặt dưới lớp đất hoặc trộn lẫn trong đám bùn ướt mới đổ thêm này. Không cần tiếng bíp tắt chúng tôi mới đào, mà ngay cả khi tín hiệu chập chờn cũng phải đào thử, vì kim loại nằm khá sâu dưới lớp đất”.
Anh Trần Văn Tú (thợ rà phế liệu ở xã Long Hưng, TP.Biên Hòa) cho hay dụng cụ rà sắt là cây gậy thô sơ, phía dưới gắn một bộ phận rà kim loại hình tròn. Giữa gậy có một biến điện dùng pin, tai mang phone để nghe báo tín hiệu khi rà gặp sắt. Dụng cụ này khởi nguồn từ dân miền Trung, sau đó được các thợ ở TP.Hồ Chí Minh copy sản xuất hàng loạt, bán với giá chỉ vài trăm ngàn đồng/chiếc. “Nhiều khi đào bở hơi tai nhưng chỉ được mẩu sắt nhỏ xíu vì máy báo sai, do mua phải hàng dỏm” - anh Tú nói. |
Tò te theo hai thợ rà tìm vật liệu Tư Hô và Sáu Nghĩa mưu sinh nhiều giờ liền, tuy vậy, dù chúng tôi hỏi đủ thứ chuyện, hai anh chỉ trả lời những lúc nghỉ giải lao hoặc khi dừng tay rà để đào bới lấy những vật liệu bằng kim loại đen đủi bám đầy bùn đất: “Tui làm nghề này cũng trên chục năm nên khi tín hiệu phát tiếng bíp bíp đứt quãng hoặc đưa vòng rà vào thì ngưng kêu là biết thứ gì đang nằm dưới lớp đất. Nó to hay nhỏ, nằm sâu hay cạn, hoặc trúng ổ hay chỉ những thanh kim loại mồ côi”- anh Tư Hô bộc bạch.
Gần trưa, hai anh Tư Hô và Sáu Nghĩa cũng đã nhặt nhạnh kha khá phế liệu (khoảng 30kg), khu đất vừa được san lấp cũng được hai anh rà giáp vòng. Anh Tư Hô ra hiệu cho bạn dừng tay và gom thành quả lao động, cùng với đồ nghề qua phường Tân Vạn rà tiếp. Trước khi chào chúng tôi, anh Tư Hô cho biết, nhà anh ở xã An Hòa, trước kia anh từng sắm máy đi rà mảnh bom, vỏ đạn còn sót lại sau chiến tranh tại các xã vùng sâu, xa trên địa bàn tỉnh. Sau này, do nhiều người tìm kiếm nên cạn nguồn, phần bị cấm nên anh chuyển sang rà phế liệu tại các công trình đang giải tỏa, khu vực san lấp mặt bằng, hầm cầu. “Những vật liệu bằng kim loại người ta làm rơi rụng và chúng được chôn vùi dưới đất. Tụi tui rà được thì lấy chứ không phải trộm cắp và nay nó đã thành nghề”- anh Tư Hô bày tỏ.
* Nỗi niềm
Vốn là dân miền Trung vào xã Tam An (huyện Long Thành) tìm việc làm, anh Nguyễn Đức (quê Quảng Ngãi) được người đồng hương Trần Phúc rủ vào nghề. Anh Đức cho hay, hàng ngày anh cùng anh Phúc rong ruổi xe máy khắp các nẻo đường trên địa bàn huyện Long Thành và các khu vực lân cận. Khi đã tìm được khu vực, các anh cần mẫn rà tìm phế liệu bất kể nắng hay mưa. Có hôm bị dân địa phương xua đuổi vì không cho vào khu vực mà họ đã chiếm trước hoặc được chủ đất độc quyền cho tận thu. “Các công trình đang thi công hoặc giải tỏa, đổ xà bần sót rất nhiều phế liệu. Tuy vậy, mình rất khó vào đó để rà vì chủ đất không cho hoặc sợ mình vào ăn trộm các vật liệu đang tập kết” - anh Đức nói.
Cần mẫn tìm kiếm phế liệu. |
Tuy bị khiếm khuyết về mắt do bị thương trong một lần đào phế liệu ở quê nhà, anh Út Đen (quê Bình Định, tạm trú tại khu nhà trọ ở xã Hóa An, TP.Biên Hòa) chia sẻ, ngoài việc rà tìm phế liệu ban ngày, anh có tranh thủ đêm xuống bám theo các công trình đào đường, cống và anh luôn mang theo búa tạ, xà beng để đập, bẩy những khối bê tông cứng mới lấy được những lõi sắt, thép còn sót lại. “Ngày khá thì thu nhập được trên 2 trăm ngàn đồng, ngày đen đủi thì chỉ được vài chục ngàn đồng thôi. Tìm phế liệu ở công trình không sợ gặp phải bom mìn. Dù vậy, khi máy phát hiện ra phế liệu là mừng, cật lực đào, chứ đâu biết mình có gặp phải điều xui xẻo hay không” - anh Út Đen ngồi co ro dưới chân cầu Hóa An tâm sự.
Được anh Út Đen chỉ lối, chúng tôi tìm đến nơi ở trọ của anh Lê Hiền (ấp Đồng Nai, xã Hóa An). Anh Hiền cho hay, cách đây hơn tháng anh rà được 1 thùng đựng vỏ đạn ở chân cầu Bửu Hòa thì bị nhóm bạn rà phao tin anh rà được thùng đựng vàng. “Vàng đâu không thấy, tôi bị chủ nhà trọ hối thúc trả tiền trọ tháng rồi còn nợ. Người ở quê thì điện thoại vào xin tiền làm tôi muốn độn thổ” - anh Hiền thổ lộ với giọng điệu vừa tủi phận, vừa hài hước với chúng tôi.
Rồi anh bảo mấy đứa nhỏ ra ngoài sân chơi, nhường chỗ cho anh tiếp chuyện với chúng tôi. Anh Hiền than thở, nghề rà phế liệu cũng lắm bạc bẽo, hiểm nguy. Nhiều lúc anh phải lén vào đất của dân mà rà, đào, bị phát hiện thì chạy trốn hoặc bị dọa đánh. “Tôi chưa nói tới chuyện bị chính quyền nhắc nhở vì tìm gặp vỏ đạn, thuốc súng mà không chịu nộp, lại đem bán”- anh Hiền giãi bày.
Đoàn Phú