Kinh tế đang buổi khó, dịch vụ chở thuê cũng gặp không ít khó khăn. Thời gian qua, giá xăng dầu tăng liên tục lên mức cao khiến những người chạy xe cẩu, ba gác, ô tô tải… thêm chật vật.
Kinh tế đang buổi khó, dịch vụ chở thuê cũng gặp không ít khó khăn. Thời gian qua, giá xăng dầu tăng liên tục lên mức cao khiến những người chạy xe cẩu, ba gác, ô tô tải… thêm chật vật.
Mỗi buổi sáng, hàng chục lái xe ba gác tụ tập một góc bên đường chờ việc, tạo thành một “chợ” xe ba gác ở công viên 30-4 (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa). Trời còn sớm, chưa có người gọi việc, các bác tài ngồi tán dóc, giải khuây bằng những ván cờ tướng, hay nghe thời sự qua radio…
* “Chợ” xe ba gác
“Hơn 20 năm chạy xe, tôi thấy cả Biên Hòa, có mỗi chỗ này là nơi đắc địa để kiếm tiền của giới xe ba gác. Quanh đây có nhiều nhà máy, sát ngay quốc lộ 1, lại đi được nhiều huyện, như: Trảng Bom, Vĩnh Cửu… Ngoài ra, ở đây còn có khu làm mộc Hố Nai, chợ Tân Biên, nên chuyện thuê mướn chở hàng cũng nhiều” - ông Long (52 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) cho biết.
Người lái xe ba gác đang gặp khó khi giá xăng, chi phí vận chuyển tăng. |
Theo ông Long, gọi là “chợ” xe ba gác bởi khoảng vài năm nay, các bác tài thường chọn nơi đây làm bãi đậu xe vào mỗi buổi sáng. Thay vì chạy lòng vòng tìm khách, họ chỉ đậu một chỗ rồi đợi khách gọi điện. Khi có việc, họ nhanh chóng chở hàng, xong đâu đấy lại quay về chờ cuốc xe tiếp theo. “Ban đầu chỉ vài ba chiếc, bây giờ nhiều lắm. Nhưng chúng tôi chỉ tập trung nhiều vào sáng sớm, càng về chiều thì càng giảm, đến tối thì chẳng còn ai, nhường khoảng trống cho người dân đi tập thể dục, hóng mát, thư giãn…” - ông Long nói thêm.
Anh Lê Ngọc Xuân (39 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) tâm sự: “Nếu khách quen gọi chở hàng mà mình không có mặt, bữa sau người ta chẳng buồn gọi nữa. Làm nghề này giữ chữ “tín”, sự trung thực rất quan trọng. Nhưng điều mà giới ba gác lo lắng nhất là việc giá cả các mặt hàng khác cũng tăng quá cao. Sợ nhất là giá xăng, lên giá thì ít khách, mà giữ thì chúng tôi đói…”. |
Trên chiếc xe ba gác cũ kỹ, ông Võ Văn Thanh (55 tuổi, ngụ phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa), một người chạy xe lâu năm ở đất Biên Hòa kể lại ngày nào cũng vậy, bắt đầu từ 4-5 giờ sáng, ông lại chạy xe ra chợ Tân Biên chở hàng cho những mối quen, đến khoảng 6 giờ lại quay về đây. Trung bình, công việc này mang lại cho ông Thanh khoản thu nhập khoảng 150 ngàn đồng/ngày.
“Thường thì sau khi ngồi chơi với các ông bạn cho khuây khỏa, đến trưa tôi về nhà ăn cơm, không chạy xe ngoài đường nữa. Có tuổi rồi nên ít người kêu lắm, bây giờ tôi toàn chở cho mối quen thôi. Không khéo tiền kiếm được chẳng đủ tiền thuốc” - ông Thanh bộc bạch.
Kinh tế đang buổi khó, việc chở thuê cũng gặp không ít khó khăn. Những ngày qua, giá xăng dầu tăng liên tục lên mức cao khiến những người chạy xe ba gác thêm chật vật, bởi số tiền mà họ kiếm được phụ thuộc vào chi phí xăng xe hàng ngày.
Anh Lê Ngọc Xuân (39 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) tâm sự: “Xăng tăng giá là nỗi ám ảnh của dân chạy ba gác chúng tôi. Muốn lên giá chở hàng lắm chứ, nhưng sợ chẳng mấy ai thuê, đâm ra ế ẩm. Nhưng vài hôm nữa, nếu xăng tiếp tục lên giá, buộc mình phải thay đổi giá chở thuê, nhưng tăng ở mức độ phù hợp, chứ không phải kiểu mạnh ai người nấy tăng. Dân chạy xe như chúng tôi chỉ có thể có khách và sống được với nghề nếu như không hét giá kiểu chặt chém. Do đó, để giữ mối, chỉ còn cách bấm bụng lấy giá cũ”.
Nói chưa hết câu, chuông điện thoại di động của anh Xuân reo lên, một khách hàng đề nghị chuyển đồ đạc đến nơi ở mới. Khuôn mặt lộ vẻ hân hoan, anh nói với chúng tôi: “Chuyển phòng chắc đồ đạc nhiều lắm, hôm nay tôi gặp may rồi. Họ thuê chở trọn gói, trừ khoản xăng xe chắc cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng”. Dứt lời, anh lên xe nổ máy chạy đi mất hút giữa những làn xe tấp nập, vội vã trên đường.
* Xe ô tô cũng “ế”
Đến “chợ” xe ô tô tải nằm gần vòng xoay Amata (TP.Biên Hòa), những tấm bìa cạc-tông in dòng chữ “nhận chở hàng” kèm theo số điện thoại chủ xe được dán đầy xe. Xem ra chuyện kiếm việc giữa thời kinh tế khó ở đây cũng chẳng khác mấy so với dân chạy xe ba gác. Hơn chục chiếc xe với gần 20 con người (cả lái và phụ xe) vẫn ngồi “dài cổ” chờ một cuốc xe chạy xa, gần.
Hàng xe tải nối dài chờ việc ở gần vòng xoay Amata (TP.Biên Hòa). |
Anh Nguyễn Văn Tuấn (41 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang, chạy xe tải loại 30 tấn) cho hay mỗi tháng chủ xe trả lương cho anh 5 triệu đồng. Hàng ngày, anh lái xe đến đậu ở đây, nếu có khách, chủ gọi phải đi ngay. Những hôm vắng khách, những tài xế chạy xe kinh nghiệm như anh phải gọi điện hỏi những mối quen, người thân xem có nhu cầu vận chuyển gì không. “Chạy xe thuê mỗi lúc một khó khăn, trong khi giá xăng dầu tăng liên tục. Không phải lúc nào chủ cũng có khách, mình phải tự kiếm là chủ yếu. Cả ngày hôm nay chưa ai thuê mướn chở gì cả” - anh Tuấn cho hay.
Ở đây không chỉ tập trung xe tải, mà còn cả xe cẩu, rơ-mooc. Cũng như anh Tuấn, họ chạy xe thuê cho một số công ty dịch vụ vận chuyển hàng hóa, lương được trả theo tháng, cũng có chủ xe trả tiền theo số chuyến. Trung bình, mỗi xe chỉ được 50-100 ngàn đồng tiền công tùy theo quãng đường và loại hàng hóa chở. Muốn gắn bó với công việc này, dân chạy xe phải trung thực, cẩn thận và tỉnh táo.
“Bây giờ kiếm việc đâu dễ, làm nghề này cũng có rủi ro, tai ương, nếu không cẩn thận không chỉ mang vạ vào thân, mà còn phải đền tiền cho chủ xe nữa. Họ tin tưởng mới giao chiếc xe cho mình sử dụng và quản lý, nhưng mỗi lần đi đâu, làm gì phải báo cáo đầy đủ” - tài xế xe cẩu tên Bình (47 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) tâm sự.
Nghề chạy xe thuê rất vất vả, dù ngày nắng hay mưa, hễ có khách là làm, nên chỉ đàn ông “cứng” tuổi mới kiên trì bám nghề được. Để kiếm được đồng tiền với nghề này quả không dễ, vì công việc thiếu ổn định. Nhưng với những người làm nghề nhiều năm như anh Bình, giữ chữ tín với chủ xe và khách hàng mới quan trọng.
“Bây giờ kinh tế xuống, nghề xây dựng lắp ráp nhà thép, cẩu hàng ít đi nên có tháng ngồi chờ dài cổ. Đến cuối năm, hàng hóa nhiều thì chúng tôi mới có việc làm…” - anh Bình nói.
Thanh Hải