Trên các tuyến quốc lộ 1, 51 qua địa bàn tỉnh, nhiều năm nay đã hình thành đội ngũ “cò” cho các quán cơm (nhà hàng) phục vụ khách đường xa. Không ít người đã gắn bó cả chục năm với công việc này và xem đây là một nghề thật sự.
Trên các tuyến quốc lộ 1, 51 qua địa bàn tỉnh, nhiều năm nay đã hình thành đội ngũ “cò” cho các quán cơm (nhà hàng) phục vụ khách đường xa. Không ít người đã gắn bó cả chục năm với công việc này và xem đây là một nghề thật sự.
Họ là những người chuyên mời mọc, hướng dẫn, đưa đón khách đi đường đến với các dịch vụ mà quán mình phục vụ. Bằng sự nhiệt tình và ân cần, những “cò” cơm luôn cố gắng đón càng nhiều khách càng tốt, nhưng không quên để lại hình ảnh đẹp trong mắt thực khách.
* Làm “cò” cơm để kiếm cơm
Quốc lộ 1, đoạn qua các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất…, lúc nào cũng tấp nập xe khách, xe tải chở hàng... qua lại. Những quán cơm, phở, trái cây… phục vụ khách đường xa vì thế mọc lên ngày càng nhiều và nằm gần nhau như những con phố ẩm thực ở các đô thị lớn. Mỗi lần xe khách chạy ngang, đội ngũ “cò” cơm lại cầm nón, cờ xéo vẫy chào tài xế tấp xe vào quán mình. Thấy xe phát tín hiệu “xi-nhan”, “cò” cơm mừng ra mặt, nhanh chóng đến mở cửa xe, rối rít cúi chào mời khách.
“Cò” cơm chờ đón khách vào quán ăn uống. |
“Đó là công việc hàng ngày của chúng tôi. Thường mỗi quán có 2 “cò”, làm việc thay đổi luân phiên nhau. Nghề này sợ nhất là những ngày nắng nóng, vì chỉ ngồi trong nhà mồ hôi đã đổ như tắm, vậy mà mình phải làm việc cật lực suốt ngoài lộ” - anh Đỗ Minh Tiến (31 tuổi, ngụ xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) kể về nhiệm vụ “cò” cơm vất vả của mình.
Để tường tận công việc của “cò” cơm, chúng tôi đã nán lại đây đến chiều tối, khi một ngày làm việc của họ kết thúc, để được họ kể về công việc kiếm cơm. Anh Tiến nói, những chuyến xe khách đường dài Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh, sau một ngày vất vả, hành khách ai nấy đều mệt mỏi, nên khi đặt chân đến Đồng Nai (cách TP.Hồ Chí Minh gần 40km), họ muốn xuống các trạm dừng chân (nhà hàng, quán ăn) ven đường “nhét” chút gì vào bụng trước khi về nhà.
Dùng khăn, áo chống nắng, khẩu trang bịt kín mít từ đầu đến chân để tránh cái bỏng rát hắt lên từ mặt đường, anh Nguyễn Văn Luân (28 tuổi, “cò” của quán ăn Lan Hương, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) tâm sự: “Làm nghề này, suốt ngày mình phải ở ngoài đường, nên phải có sức khỏe, chịu nắng mưa giỏi mới tồn tại được. Nhưng nghề “cò” cơm khác với những loại “cò” khác là chẳng bao giờ được chia hoa hồng, mà được chủ quán trả lương theo tháng. Họa hoằn lắm mới có tiền thưởng, khi khách nhiều, như các dịp tết, lễ hội chẳng hạn”.
“Ở Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), nhiều người bán nước (trái cây, báo dạo) luôn chặn đầu xe đang chạy để bán hàng. Công việc này giống như “giỡn mặt với tử thần”, không chỉ gây nguy hiểm tính mạng cho bản thân, mà cho cả người đi đường. Còn “cò” cơm tụi tôi không bao giờ làm như thế. Mình phải ân cần, lịch sự thì hành khách mới vào quán. Làm không tốt, nhà xe phàn nàn, chủ quán đuổi việc khi nào không hay” - “cò” cơm Đỗ Minh Tiến tâm sự. |
Người hướng về phía đoàn xe đang ì ạch di chuyển trên đường, anh Luân xòe tay tính: “Đoạn đường này có cả trăm hàng quán, trạm dừng chân, nên lượng “cò” cơm đương nhiên phải nhiều mới đủ phục vụ. Mỗi tháng, tôi được trả công từ 3-4 triệu đồng, chủ bao luôn ăn, ở. Tính ra, công việc này tuy vất vả, nhưng được cái lương cũng khá. Làm cả ngày, tối về ngủ nghỉ, không đi đâu nên tiền lương không thâm hụt mấy”.
Ngày nào Luân cũng quần quật đứng bên lề đường vẫy chào, mời gọi khách qua đường. Cái dáng vẻ tất tả, đen đúa của anh dần quen thuộc với cánh tài xế, nhà xe. “Nắng thì đội nón, đeo khẩu trang, nhưng dù có bưng bít cỡ nào cũng vẫn... sợ. Thật ra, ai chả muốn sướng, lúc nắng nóng thì nghỉ, nhưng nghỉ thì lấy gì mà ăn. Làm “cò” cơm vốn là để kiếm cơm cho mình mà” - Luân cất lời.
* Hết thời “cơm tù”
Do phải đứng ven đường, thậm chí phải ra sát đường lớn để vẫy khách, nên những người theo nghề “cò” cơm gặp không ít rủi ro. Anh Ngọc (25 tuổi, cùng làm với Luân) cho hay: “Phải luôn cảnh giác cao độ, bởi xe chạy nhanh và mật độ đông đúc. Gặp những tài xế chạy ẩu hay khó tính, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Kinh nghiệm của mình là, thấy xe nào chạy chậm mới ra gần đường, còn không thì đứng trong lề đường vẫy tay cho an toàn”.
Nguy cơ mất an toàn giao thông, sức khỏe ảnh hưởng do bụi bặm, nóng bức... là những mối lo với những người làm nghề “cò” cơm ven quốc lộ. Thế nhưng, theo lời anh Lê Văn Đức (36 tuổi, “cò” cơm cho quán cơm gà Phan Rang, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom): “Làm nghề này phải có sức khỏe và chịu mưa nắng giỏi. Tính đến nay, tôi kiếm tiền từ nghề “cò” cơm được 7 năm, nên phải sắm cho mình cây cờ xéo dài gần cả mét để vẫy khách. Đây là chiêu độc để tránh nguy hiểm cho mình”.
Nhiều quán cơm (nhà hàng) mọc lên trên quốc lộ phục vụ khách đường xa cũng là cơ hội việc làm của các “cò“ cơm. |
Cách đây hơn chục năm, vấn đề “cơm tù, bến cóc” luôn là nỗi lo nơm nớp với mỗi hành khách đường xa. Những bữa cơm không tài nào nuốt được nhưng họ vẫn phải ăn, buộc lòng trả một số tiền lớn kèm theo những lời mắng chửi từ phía quán ăn. Bây giờ, kiểu làm ăn này xem ra đã hết thời.
“Mỗi ngày, tôi đón trên dưới 15 chuyến xe, với gần trăm khách, nếu mần ăn như các quán cơm “tù” ngày xưa chỉ có nước dẹp tiệm. Ngày mới mở quán, đâu có biết mấy cái kiểu nhờ “cò” để mời khách. Nhưng một lần đi về các tỉnh miền Tây, thấy người ta làm, nên mình bắt chước. Nhờ có “cò” mà quán ăn nên làm ra” - anh Ngọc, chủ quán cơm gà Phan Rang, tâm sự.
Theo anh Ngọc, để tạo ấn tượng với hành khách, ngoài việc nhờ “cò” mời gọi khách, nhân viên quán phải phục vụ ân cần, coi họ như “thượng đế”. Anh Ngọc yêu cầu “cò“ làm đàng hoàng, lịch sự trong mỗi cử chỉ, lời nói, không chạy theo lợi nhuận mà làm ăn kiểu chụp giật. Đặc biệt, việc bắt khách kiểu “giỡn mặt tử thần” không chỉ nguy hiểm cho người làm, mà còn để lại hình ảnh xấu trong mắt của các thực khách khi ghé quán.
“Bây giờ không phải như hồi trước, chỉ cần một điều gì đó không thỏa mãn nhu cầu của khách thì nhà xe chẳng bao giờ đưa khách vào quán nữa. Vì vậy, ngoài chất lượng ăn uống, thì việc phục vụ, mời gọi họ phải thật chỉn chu, cẩn thận” - anh Ngọc nói.
Thanh Hải