Báo Đồng Nai điện tử
En

Theo chân lái bò

10:07, 17/07/2013

Sau nhiều ngày lùng sục khắp nơi “săn hàng”, các lái bò thu được bộn tiền khi bán bò cho lò mổ. Với những lái bò chuyên nghiệp, chỉ cần nhìn qua vài bộ phận trên thân bò là họ có thể “cáp” được sít sao khối lượng thịt để ra giá mua phù hợp.

Sau nhiều ngày lùng sục khắp nơi “săn hàng”, các lái bò thu được bộn tiền khi bán bò cho lò mổ. Với những lái bò chuyên nghiệp, chỉ cần nhìn qua vài bộ phận trên thân bò là họ có thể “cáp” được sít sao khối lượng thịt để ra giá mua phù hợp.

Làm nghề lái bò đã lâu, thông thuộc những nơi có nguồn cung cấp bò thịt nhiều, anh Lê Văn Tý (41 tuổi, ngụ xã An Viễn, huyện Trảng Bom) cho biết, giờ chưa phải là lúc làm ăn của dân lái bò. Bởi mùa mưa về, cỏ đang sẵn đó, nên người nuôi cố thúc bò. Đợi đến mùa nắng, nguồn cỏ cạn, người nuôi mới tìm lái để bán bò.

* “Xem tướng” bò

Đang lúi húi với đàn bò 7 con vừa mua ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch), anh Tý nhận được điện thoại thông báo có mối mới. Vậy là chưa kịp uống nước, anh lên xe lao đi. Vì đã điện thoại từ trước nên khi đến nơi, anh Tý đi thẳng đến cánh đồng nhìn cặp bò đực của người kêu bán. Đợi anh Tý xem xét một hồi, chủ bò ra giá 43 triệu đồng. Anh Tý tiến đến vỗ vào cục bờm nhô cao, xoa nhẹ tấm lưng con bò rồi gật đầu và xin chủ bò giảm một triệu đồng chi phí vận chuyển. Sau khi thực hiện vụ mua bán thành công, anh Tý mới vui vẻ nói nhỏ với chúng tôi, với cặp bò này, anh lãi hơn 5 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Bí đang thỏa thuận với một người có ý định bán bò.
Anh Nguyễn Văn Bí đang thỏa thuận với một người có ý định bán bò.

Trước đây, anh Tý chỉ là một tay lái bò dạng “cò con”, chỉ đi theo các lái bò lớn để làm nhiệm vụ dắt bò lên xe ô tô, rồi tìm đến các lò mổ để bán lại. Nhưng sau vài năm “ăn theo”, học được cách làm ăn và quen biết nhiều mối hàng, anh Tý mới tách ra làm riêng. Anh kể, muốn sống được với nghề này, trước tiên phải biết coi tướng bò cho chuẩn; ngoài kinh nghiệm và kiến thức học từ người đi trước, trực giác rất quan trọng.

Theo anh Tý, mua bò về xẻ thịt thì chỉ cần sờ sống lưng bò xem thịt có đầy đủ hay không. Kế đến là xem đùi, con nào đùi dài thì chắc chắn nhiều hơn hàng chục ký thịt so với con có đùi thon, chạy vuốt lên mông. Và cuối cùng là vòng cổ phải to, yếm dày, bò mới có nhiều thịt. Còn muốn có bò kéo giỏi, hoặc làm giống thì phải chọn bò có vóc dáng thon gọn, bụng vo tròn, không to như bụng trống, móng bò phải thật khít nhau. Nói chung, toàn thân bò nhìn tổng thể phải cân đối.

Với anh Nguyễn Văn Bí (37 tuổi, ngụ xã Long Đức, huyện Long Thành), công việc lái bò giống như chuyện mua bán may rủi, không ít người đã từng khấm khá với nghề này. Gặp những mối ngon, người mua như anh đút túi không dưới chục triệu đồng từ một con bò giống. “Bò làm giống, người ta rất cần, nên kiếm chúng rất khó. Đôi khi, lùng sục cả tháng mới tìm được một con bò giống. Một con bò giống tốt phải hội đủ các đặc điểm, như: lưng thẳng, da dày, lông bóng, móng sò, chân to chắc, xoáy lưng đẹp... Và một khi người cần đã ưng ý, họ sẽ không ngại giá cao. Mà mua bò về mần ăn thì ai cũng ngại trả giá, vì sợ mất hên” - anh Bí cười nói.

Theo chân anh Bí, chúng tôi còn được mách nước làm thế nào để “cáp” sít sao lượng thịt trên mỗi con bò. Nhìn từ bên ngoài, thật khó để biết bò nhiều, hay ít thịt. Nhưng qua con mắt sành sỏi của những người lái bò, chuyện này quá đơn giản. Anh Bí kể: “Tụi tôi mua bò thịt chủ yếu dựa vào các bộ phận trên cơ thể chúng. Cổ bò sẽ được tính bằng một cái đùi, 2 bên lưng xem như 2 đùi và thêm 2 đùi sau nữa thì con bò sẽ có 5 đùi hết thảy. Mỗi đùi, mình áng chừng từ 20-30kg, tùy trọng lượng bò béo hay ốm. Từ đó, cứ nhân giá thịt hiện nay mà trả giá”.

* “Cộng tác viên” lái bò

Ngoài việc rong ruổi khắp nơi trong huyện, lái xe máy chạy đường dài từ tỉnh này qua tỉnh khác, người lái bò không bao giờ ngơi nghỉ để “săn” cho được nguồn hàng. Những chuyến đi thường chỉ vài ngày, nhưng đôi khi cũng kéo dài cả tháng.

Gần 30 năm trong nghề lái bò, ông Phan Văn Định (61 tuổi, ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) cho biết: “Những người làm nghề lâu năm như tôi đều có “cộng tác viên” hẳn hoi, chỉ cần có người bán là họ điện cho mình ngay. Lúc đó, mình chỉ việc đánh xe đến nơi, xem bò thấy được thì mua luôn. Trả công cho “cộng tác viên” chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng không có họ thì mình chạy cũng mệt”.

Với ông Định, để trở thành một lái bò có tiếng như hôm nay, trước đây ông phải làm “cộng tác viên” lái bò cho các mối lái ở TP.Hồ Chí Minh. Nguồn bò mà ông cung cấp cho các mối ban đầu chỉ ở trong huyện. Sau khi thấy nghề này làm ăn chân chính mà kiếm được bộn tiền, ông bắt đầu sục sạo khắp nơi trong tỉnh để tìm bò và báo cho lái biết. Lâu dần, ông trở thành mối lớn khi nào không hay. “Họ gom bò sẵn, mình chỉ việc đến chở về… Mần nghề này cũng hay lắm, lỗ thì chưa có, nhưng đôi khi mất ăn mất ngủ để kiếm được con bò tốt theo yêu cầu của người mua” - ông Định buông lời.

Theo sự giới thiệu ông Định, chúng tôi gặp anh Tân (29 tuổi, ngụ xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu), một “cộng tác viên” đắc lực trong việc “săn” bò ở Vĩnh Cửu cho ông. Ngày thường, anh Tân làm ruộng, trồng mía. Khi rảnh rỗi, anh lại đi khắp nơi săn lùng trâu, bò cho các mối lái.

Để bò không xuống sức, nhiều người phải cắt cỏ, mua cám bã “om” bò chờ ngày được giá bán.
Để bò không xuống sức, nhiều người phải cắt cỏ, mua cám bã “om” bò chờ ngày được giá bán.

Khi chúng tôi đang trò chuyện với anh Tân thì anh nhận được cuộc điện thoại gọi đến. “Chỗ nào? Có xa lắm không? Số lượng bao nhiêu?...” - anh Tân nói chuyện điện thoại.

Bỏ điện thoại xuống, anh cười to và nói giọng gấp gáp: “Một người dân trong xã đang kêu bán đàn bò 4 con: 1 bò đực và 3 con tơ. Đi ngay, không thì họ bán cho người khác. Chỉ khi nào đặt tiền cọc rồi mình mới yên tâm, vì nãy giờ thỏa thuận miệng thôi”.

Trên đường đi, chúng tôi nghe anh Tân tâm sự, làm nghề “cộng tác viên” lái bò này lắm khi thất thường. Nếu mối này không đồng ý bắt thì anh gọi cho mối khác. Đôi lúc, khi bắt bò về, để bò khỏi mất sức trong khi chờ mối đến lấy, anh phải tự cắt cỏ, mua cám bã về “om” bò cho béo lên. Thường những lần như vậy, khi sang lại cho mối, anh thu được khoản tiền kha khá.

Vốn là dân miền Tây, ở quê có thú đua bò, nên anh Huỳnh Ngọc Minh (ngụ xã An Viễn, huyện Trảng Bom) biết vài tài lẻ trong cách chọn bò tốt. Trong một lần đang cắt cỏ cho đàn bò ở nhà ăn, anh được một lái bò ngỏ ý nhờ làm “cộng tác viên”. Thấy nghề này thích hợp với mình, anh đồng ý giúp ông ta để kiếm thêm thu nhập. “Chỉ cần nhìn vài bộ phận trên thân bò là tôi biết bò kéo giỏi, để làm giống, hay lấy thịt tốt. Nghề này được cái thoải mái, thích thì làm, không thì nghỉ, chẳng ai bắt ép mình. Mỗi đợt giới thiệu cho các mối lái, họ trả cho mình vài trăm ngàn đồng, đủ để kiếm tiền xài chơi… Nghề này phát mạnh vào những ngày trước tết, mối lái khắp nơi luôn gọi điện hối thúc tìm bò để cung cấp cho các lò mổ” - anh Minh cho hay.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều