Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi niềm lao động xa quê

08:07, 16/07/2013

Cuộc sống vốn khốn khó nên họ xa quê vào Đồng Nai tìm cơ hội đổi đời. Vậy mà, sau bao năm bôn ba nơi vùng đất mới, họ vẫn đối mặt với điệp khúc nghèo khó nơi nhà trọ chật chội, ẩm thấp…

Cuộc sống vốn khốn khó nên họ xa quê vào Đồng Nai tìm cơ hội đổi đời. Vậy mà, sau bao năm bôn ba nơi vùng đất mới, họ vẫn đối mặt với điệp khúc nghèo khó nơi nhà trọ chật chội, ẩm thấp…

11 giờ 30, bữa cơm trưa của gia đình ông Nguyễn Chóng (65 tuổi, tạm trú ở thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) được dọn ra. Bên trong chiếc mâm tròn, tất cả thức ăn gồm: 2 tô canh mồng tơi lõng bõng nước, chén nước chấm, đĩa tép khô và đậu phộng rang. Bằng sự chân tình của dân quê, ông Chóng gắp phần thức ăn ngon nhất mời khách. Chính vì vậy, đĩa tép vơi đi một góc, phần canh còn lại của gia đình ông thêm lõng bõng nước.

* Bữa cơm đạm bạc

Sau giờ tan ca, chị Trương Thị Ngọc (công nhân Công ty Pouchen Việt Nam (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) mệt mỏi đạp xe chở bé Tuyết con chị (10 tháng tuổi) về khu nhà trọ ở tổ 10, ấp Đồng Nai, xã Hóa An. Trên đường về, chị Ngọc ghé vào một tiệm tạp hóa ven đường mua bịch cà pháo ngâm với giá 2 ngàn đồng. Về đến nhà, đổ bịch cà ra đĩa đếm, chị Ngọc thấy “mất” 2 quả. Xót ruột, chị đổ toàn bộ số cà vào bịch và đem cân lại, thì thấy vẫn đúng 100 gram.

Bữa cơm đạm bạc của công nhân khi vật giá leo thang.
Bữa cơm đạm bạc của công nhân khi vật giá leo thang.

Chị Ngọc thốt ra thành lời: “Quái lạ, thường thì 30 quả. Hôm nay, sao có 28 quả, mà vẫn đủ 100 gram”. Suy tính một lúc, chị Ngọc cũng nhận ra nguyên nhân dẫn đến thiếu cà là do người bán thêm nước ngâm vào bịch, vì thế giá cà tăng, nhưng giá bán một bịch cà vẫn không đổi.

Chị Ngọc bộc bạch, chỉ những lúc thèm món cà pháo ngâm quê nhà, chị mới dám bỏ ra 2 ngàn đồng mua bịch cà ngâm về ăn trong một ngày. Thường thì với 2 ngàn đồng ấy, chị phải mua rau muống, rau má hoặc mồng tơi để cả nhà ăn trong ngày. Do ăn uống kham khổ, thiếu chất, nhiều lần chị yếu sức khi vào ca, chiều về lại không có sữa cho con bú.

Qua tiếp xúc và gặp gỡ với các công nhân lao động tại các khu nhà trọ ở TP.Biên Hòa và các huyện: Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Trảng Bom…, chúng tôi nhận thấy, một bộ phận không nhỏ công nhân, lao động nghèo (nhất là lao động nhập cư, học vấn thấp) ăn uống rất kham khổ, chỉ có mắm và rau để qua ngày. Với họ, ăn ngon là điều xa xỉ, vì thu nhập trung bình chỉ gần 3,5 triệu đồng/người/tháng, nhưng phải gồng gánh các khoản chi tiêu, như: tiền nhà trọ, tiền điện nước, tiền gửi về quê, con cái học hành…

“Đồng lương công nhân tụi em mà tậu được căn nhà trên đất Đồng Nai là điều khó thực hiện. Bởi vì, với đồng lương còm cõi và giá cả thực phẩm tăng cao như hiện nay, tụi em chỉ đủ trang trải các khoản chi tiêu cho việc ăn, ở, trả tiền điện, nước, nhà trọ mà thôi” - anh Nguyễn Cảnh, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Sông Mây, huyện Trảng Bom, nói.

* Nặng gánh lo toan

Hơn một năm qua, chị Nguyễn Thị Ngọc Châu (thuê nhà trọ ở KP6, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bị thất nghiệp. Chị Châu cho biết, từ khi công ty nơi chị làm bị giải thể, đến nay chị vẫn chưa tìm được công việc làm phù hợp với chứng bệnh gai cột sống mà chị mắc phải. Để có tiền trang trải trong những tháng ngày thất nghiệp, chị tạm làm công việc dọn dẹp nhà theo giờ. Thời gian rảnh, chị đến các chùa để trị liệu và bốc thuốc miễn phí. Chị Châu nói: “Nếu có tiền, tôi đã đi phẫu thuật sớm để bệnh tật khỏi kéo dài, vừa đau đớn, lại khó xin việc tại các công ty khác”.

Công nhân lao động nhập cư chọn nơi ở tạm bợ để giảm bớt chi phí.
Công nhân lao động nhập cư chọn nơi ở tạm bợ để giảm bớt chi phí.

Với công nhân lao động nghèo, bệnh tật và thất nghiệp là hai thứ họ lo sợ gặp phải nhất. Công nhân Lưu Kiều Nga (ở trọ tại ấp 1, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) nói: “Vẫn biết ăn uống kham khổ là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, không đủ sức khỏe để tái tạo sức lao động, nhưng đồng lương công nhân hiện chỉ trên dưới 3 triệu đồng/tháng, cùng với biết bao khoản phải chi tiêu, tụi tôi chỉ còn cách phải ép bao tử”.

Khi cơ thể gầy guộc, đau bệnh, không phải công nhân lao động nào cũng mạnh dạn xin tạm nghỉ việc để trị bệnh đến cùng. Phần lớn họ chọn giải pháp trị bệnh qua loa, dứt cơn bệnh lập tức đi làm với lý do sợ giảm thu nhập, mất việc làm. “Sống chung với bệnh, đó là giải pháp để tụi em khỏi lập lại những ngày tháng lang thang tìm việc, tìm phòng trọ, làm công nhân mới” - Thu Hiền, công nhân ở KCN Tam Phước (TP.Biên Hòa), nói.

Trước nhu cầu nhà ở quá lớn nhưng các chủ doanh nghiệp không đáp ứng được, cả trăm ngàn công nhân lao động phải thuê nhà trọ tư nhân để ở. Mặc dù chất lượng nhà trọ công nhân nhiều nơi nhếch nhác, không đảm bảo trật tự, nhưng người lao động nhập cư vẫn phải chấp nhận.

Theo số liệu thống kê, Đồng Nai là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lao động nhập cư, với số lao động nhập cư chiếm khoảng 60 - 70% tổng số lao động làm việc trong các KCN trên địa bàn. Hầu hết lao động ngoại tỉnh phải thuê nhà ở, chất lượng nhà cho thuê (điều kiện vệ sinh, điện, nước) chưa đảm bảo yêu cầu của cuộc sống, sinh hoạt văn hóa...

Để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân lao động, HĐND tỉnh đã đề ra một số giải pháp để ổn định cuộc sống cho công nhân ngoại tỉnh tại các KCN, như: quy hoạch các khu dân cư, khu nhà ở gắn với quy hoạch các KCN tập trung... Đặc biệt, Đồng Nai sẽ xem xét nhập hộ khẩu cho những người lao động đang làm việc và có chỗ ăn ở ổn định, có nguyện vọng làm việc và sinh sống lâu dài ở địa phương.

Có an cư mới lạc nghiệp, vấn đề nhà ở hiện nay luôn là thách thức lớn đối với công nhân lao động. Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, phần lớn công nhân lao động thuê nhà ở gần các KCN, công ty để tiện đi làm. Do nhu cầu về chỗ ở của người lao động quá lớn, trong khi các chủ sử dụng lao động không đáp ứng được, dẫn đến việc người lao động tự túc lo chỗ ở. Công nhân Võ Văn Thanh, làm việc ở KCN Tam Phước, nói: “Dù biết ở nhà trọ chật chội, điều kiện điện nước đắt đỏ, môi trường sống nhếch nhác, công nhân chúng tôi cũng phải ở, vì giá rẻ. Còn để tìm chỗ ở tiện nghi, đồng lương công nhân chúng tôi không thể với tới…”.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều