Báo Đồng Nai điện tử
En

Những cán bộ mặt trận xung kích

09:07, 22/07/2013

Nhiệt huyết, xông xáo và tận tụy bám cơ sở, cán bộ Mặt trận ấp, khu phố và xã (phường, thị trấn) luôn phát huy vai trò xung kích trong công tác giám sát, phản biện, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương.

Nhiệt huyết, xông xáo và tận tụy bám cơ sở, cán bộ Mặt trận ấp, khu phố và xã (phường, thị trấn) luôn phát huy vai trò xung kích trong công tác giám sát, phản biện, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương.

* Cầu nối dân với chính quyền

Thong dong tản bộ cùng chúng tôi trên những tuyến giao thông nông thôn vừa được bê tông hóa, ông Nguyễn Văn Hoạt, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Phú Lâm 6, xã Phú Sơn (huyện Tân Phú) hồ hởi khoe, ấp Phú Lâm 6 đã bê tông hóa 100% đường giao thông trên địa bàn nhờ vào sức dân đóng góp. Có những tuyến đường, người dân kiên trì góp công, góp tiền nâng cấp trong 10 năm mới xong. “Xóm làng đẹp, cán bộ ấp chúng tôi không chỉ được cấp trên khen ngợi, mà còn được bà con tin tưởng, chung tay thực hiện nhiều vấn đề dân sinh thiết thực với đời sống, như: điện, đường, đời sống văn hóa, đoàn kết xóm làng…” - ông Hoạt cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hoạt, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Phú Lâm 6, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú (đứng giữa) luôn được chính quyền địa phương đánh giá cao, người dân quý mến.
Ông Nguyễn Văn Hoạt, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Phú Lâm 6, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú (đứng giữa) luôn được chính quyền địa phương đánh giá cao, người dân quý mến.

Còn bà Hoàng Thị Nụ, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Đức Long 3, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), cho biết, để huy động tổng hợp nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, Mặt trận ấp luôn chủ động phối hợp với Ban điều hành ấp, các chi, tổ hội cùng đi vận động các mạnh thường quân, tổ chức, đơn vị kinh tế đóng góp. “Trong tuyên truyền, mình phải khách quan đánh giá đúng tình hình, điều kiện, khả năng của người dân. Còn trong công tác vận động, mình phải nói rõ cho người dân hiểu chủ trương chỉ là định hướng, khi bà con đồng thuận với đề xuất của mình (địa phương) thì mới xây dựng được kế hoạch hành động. Vì vậy, các kế hoạch vận động của chúng tôi luôn được người dân đồng thuận cao, luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch trên giao” - bà Nụ bày tỏ.

 Bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, cho hay MTTQ các cấp không ngừng đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, nâng cao vai trò trách nhiệm của Trưởng ban công tác Mặt trận ấp, khu phố trong công tác điều hành, thực hiện nhiệm vụ. MTTQ các cấp cũng chú trọng biểu dương, nhân rộng gương trưởng BCTMT tiêu biểu trong việc thực hiện từng nhiệm vụ tại địa bàn khu dân cư.

Bên hành lang di tích đình Phú Mỹ, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Phú Mỹ 2, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch), trao đổi chỉ riêng Mặt trận thì không thể làm tốt công tác vận động quần chúng, mà cần có hệ thống chính trị ở cơ sở cùng chung tay, góp sức. Khi tất cả thống nhất cao thì mọi việc đều trở nên đơn giản, giải quyết trơn tru. Ngay như việc ấp xin ý kiến người dân góp vật chất (ngoài chủ trương của cấp trên giao) để hỗ trợ, động viên cán bộ tổ nhân dân, dân phòng yên tâm công tác, người dân đều hưởng ứng và tự nguyện đóng góp. Ông Nhàn nhấn mạnh: “Chúng tôi sử dụng tiền đóng góp của người dân phải đúng mục đích để người dân tin tưởng mà nhiệt tình ủng hộ các cuộc vận động khác ở địa phương”.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác cơ sở, ông Nguyễn Duy Son, Trưởng ban công tác Mặt trận KP.1, phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa), cho hay để nắm được tình hình trong khu phố, ông thường phối hợp cùng các tổ trưởng nhân dân, lực lượng dân quân và bảo vệ dân phố gặp gỡ người dân. Ông còn cùng các chi hội, đoàn thể của địa phương tham gia cảm hóa, giúp đỡ các đối tượng vi phạm pháp luật, thanh niên hư hỏng tái hòa nhập cộng đồng. Tùy theo đối tượng mà ông chọn cách tiếp cận phù hợp. Vì vậy, dù gặp gỡ người dân với tư cách đại diện ban công tác Mặt trận khu phố hay cá nhân, ông luôn thận trọng từng lời nói, chọn cách giải quyết công việc theo tinh thần giáo dục, thuyết phục là chính. “Mình nói để mọi người nghe và hiểu, rồi thực hiện cho đúng, góp sức xây dựng phong trào, chứ không bao giờ để người ta sợ mình gây phiền phức mà tuân thủ các chủ trương, chính sách…” - ông Son bộc bạch.

* Tiêu biểu từ phong trào

Nhiều năm làm Trưởng ban công tác Mặt trận KP.5, phường Hố Nai (TP.Biên Hòa), ông Đỗ Minh Báu đã tiến hành hòa giải trên 50 vụ việc mâu thuẫn trong dân. Ông còn tích cực tham gia công tác bảo vệ khu phố, cảm hóa đối tượng vi phạm pháp luật thành người tốt, vận động được trên 1 tỷ đồng để làm đường giao thông. Ông Báu chia sẻ, công việc luôn đòi hỏi ông luôn sát dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và biết chọn lọc, tổng hợp những ý kiến kiến nghị của người dân để đề đạt lên các cấp xem xét, giải quyết thấu đáo cho dân.

Mặt trận Tổ quốc các cấp luôn tích cực vận động người dân tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Mặt trận Tổ quốc các cấp luôn tích cực vận động người dân tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Tuy là phụ nữ, bà Vũ Thị Nhâm, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 1, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), vẫn không ngại đến từng nhà dân lúc đêm hôm để vận động, tuyên truyền các chính sách giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa. Từ công tác này, có trên 116 hộ nghèo trên địa bàn ấp được vay vốn, tạo việc làm và nay đã thoát nghèo bền vững.

Bà Nhâm bộc bạch, nghị lực thoát nghèo của người dân sẽ được tăng lên gấp nhiều lần, một khi mình biết cách đồng hành với họ tìm ra hướng thoát nghèo bền vững. “Bám dân không có nghĩa là theo đuôi người dân và làm thay họ mọi việc cho suôn sẻ để báo cáo cấp trên, mà mình phải có mặt đúng lúc để động viên, khích lệ bà con làm tốt chức trách, điều đã đăng ký, cam kết thực hiện với ấp, xã” - bà Nhâm bày tỏ.

Không kém đồng nghiệp Nhâm, bà Nguyễn Thị Hoa, Trưởng ban công tác Mặt trận khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành), luôn có mặt tại những “điểm nóng” trong quá trình vận động nhân dân giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đường nội ô, quốc lộ đi qua địa bàn. Ngoài ra, bà Hoa còn thu thập 28 ý kiến đóng góp của người dân để phản ảnh lên cấp trên, khi địa phương triển khai 8 công trình về trường học, giao thông, thực thi pháp luật… Bà Hoa cho biết, người dân luôn hiểu chuyện nếu cán bộ luôn bên cạnh họ, đề đạt ý kiến phản ảnh của họ đến cấp trên chính xác và kịp thời.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Đức, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết toàn tỉnh có 1.007 ban công tác Mặt trận ấp, khu phố, với trên 7.364 cán bộ. Năm 2009, toàn tỉnh có 831 ban công tác Mặt trận vững mạnh, năm 2012 có 905 ban công tác Mặt trận vững mạnh. Qua đó, MTTQ các cấp đã kịp thời phát hiện, biểu dương những điển hình tiêu biểu về công tác Mặt trận cơ sở qua các phong trào, như: xây dựng tổ chức vững mạnh, đoàn kết nội bộ, góp ý xây dựng chính quyền, giám sát cộng đồng, phát huy dân chủ…

“Từ tháng 12-2005, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp, khu phố đã được hưởng phụ cấp với hệ số 1.0 theo mức lương tối thiểu. Đến nay, hoạt động của các ban công tác Mặt trận trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đổi mới theo hướng “rõ nhiệm vụ, mục tiêu”, nội dung hoạt động luôn bám sát vào các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở và cộng đồng dân cư” - ông Đức nhấn mạnh.

Thành Nhân

 

Tin xem nhiều