Hiện nay, tại nhiều vỉa hè, cửa hàng ở TP.Biên Hòa, quần áo người lớn giống quân trang của bộ đội, công an được bày bán tràn lan. Người mua dễ dàng lựa chọn mà không gặp bất cứ khó khăn nào.
Hiện nay, tại nhiều vỉa hè, cửa hàng ở TP.Biên Hòa, quần áo người lớn giống quân trang của bộ đội, công an được bày bán tràn lan. Người mua dễ dàng lựa chọn mà không gặp bất cứ khó khăn nào.
* Mua bán dễ dàng
Không cần bảng hiệu ghi rõ mặt hàng đang bán, “cửa hàng” của ông Kiệt (nằm trên đường Bùi Văn Hòa, phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) khiến người đi đường dễ dàng nhận ra ở đây đang bán cả trăm bộ quần áo giống quân phục của các lực lượng vũ trang, từ mẫu của lực lượng dân quân tự vệ đến các mẫu của bộ đội theo đúng quy chuẩn.
Một điểm bán quân trang trái phép trên đường Bùi Văn Hòa (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa). |
Sau một hồi tìm kiếm nhưng chưa thấy món hàng ưng ý, người thanh niên khoảng 30 tuổi được người bán đề nghị: “Ba lô dù chế độ Sài Gòn cũ khó kiếm lắm, cháu lấy cái của bộ đội mình ngày xưa đi. Chú đảm bảo hàng còn rất mới, bền và chính chủ, không nhái được đâu”.
Nói xong, ông Kiệt lôi gần 5 ba lô được gói ghém cẩn thận trong chiếc tăng dù của lính chế độ cũ rồi ra giá: “Những cái nào chưa ghi tên, đổi màu chú lấy 300 ngàn đồng, còn mấy cái bạc màu chú bớt 30 ngàn đồng được không?”. Nghe chừng thuận giá, người thanh niên kiểm tra lại cái ba lô, giao tiền rồi lên xe phóng đi.
Thấy chúng tôi đến xem đồ, ông chủ hàng nhanh nhẹn giới thiệu, ở chỗ này quân phục gì cũng có, đặc biệt của bộ đội thời xưa, riêng áo quần của lính chế độ cũ phải chờ lâu mới có. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua vài bộ quân phục và dụng cụ hỗ trợ giống của bộ đội bây giờ, ông Kiệt săm soi hồi lâu rồi ra giá: “Áo quần mới 300 ngàn đồng, đồ cũ rẻ hơn chút ít, nhưng cũng không chênh lệch bao nhiêu. Riêng quân phục sĩ quan giá không rẻ chút nào, bộ nào cũng trên nửa triệu, nhưng phải chờ rất lâu mới có”.
Khi chúng tôi tỏ vẻ băn khoăn về độ thật, giả của mỗi bộ quân phục được bày bán, ông Kiệt cho biết: “Tiền nào của nấy. Hàng “fake” dễ nhận biết nhất là chất liệu vải của nó bao giờ cũng mỏng, thô và khi sờ vào thấy nhám. Đường viền, chỉ may không được chuyên nghiệp cho lắm, còn màu sắc và kiểu dáng đều tương tự với trang phục của quân nhân vẫn hay mặc”.
Tại một điểm bán đồ giống quân phục khác ở cạnh lề đường Bùi Văn Hòa (đoạn gần cổng Khu công nghiệp Biên Hòa 2, hướng về quốc lộ 1), trang phục giống các lực lượng vũ trang được bày bán tràn lan, nhưng phổ biến nhất là đồ bộ đội. Một chiếc thắt lưng dành cho sĩ quan có giá hơn 200 ngàn đồng, giày vải của lính nghĩa vụ 250 ngàn đồng/đôi… Người mua không mấy khó khăn để chọn cho mình vài bộ quân phục, phụ kiện hỗ trợ.
Bình thường, người bán ở đây ít khi xuất hiện, mà ngồi lẩn khuất ở trong quán nước gần đó. Nhưng khi thấy sự xuất hiện của chúng tôi, người đàn ông tuổi trung niên bước ra hỏi han dè dặt. Sau khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn mua chiếc thắt lưng giống công an, người bán nói: “Hàng của bộ đội khác công an nhé, loại nào cũng có, nhưng đặc biệt như cháu muốn mua thì hơi đắt”.
Trong lúc chúng tôi đang chọn hàng, một người khách nữa bước vào đề nghị được mua một đôi giày công an. Khi chúng tôi thắc mắc có cần yêu cầu thẻ ngành, hay giấy tờ gì không, người bán trả lời ngắn gọn: “Chỉ cần đủ tiền thôi, mấy thứ này cần gì thẻ ngành, người nào mua chả được. Mấy đứa thanh niên bây giờ mua về chơi, hoặc khoe với bạn bè là chủ yếu mà”.
* Thú chơi hay dùng để phạm tội?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những điểm bán đồ giống quân trang tràn lan như trên, núp dưới bóng các điểm bán quần áo “si”, mặt hàng “cấm” này cũng được rao bán như những bộ áo quần bình thường khác. Trang phục giống bộ đội được nhiều người mua lại làm đồ bảo hộ vì chất lượng vải tốt, dùng được lâu. Thêm vào đó, nhiều thanh niên hiện nay rất thích mặc đồ lính cho có vẻ bụi bặm. Tuy nhiên, không ít đối tượng đã lợi dụng việc mua bán này làm những điều phi pháp, như: giả danh sĩ quan quân đội để lừa đảo những người nhẹ dạ, hay có những hành vi không đẹp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh dự của các lực lượng vũ trang.
Chẳng hạn, ngày 20-2, Công an TP.Biên Hòa đã bắt giữ Phan Trần Long Duy (26 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do biết gia đình chị Trần Thị Thu Trang (ngụ phường Tam Hiệp) có người em bị đưa vào trường giáo dưỡng, Duy mặc đồng phục công an đến nhà chị Trang đặt vấn đề lo tiền để em chị được về nhà trước thời hạn. Khi chị Trang đưa 5 triệu đồng, Duy viết giấy biên nhận rồi đưa cho chị Trang cầm làm tin. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Duy bỏ trốn. Qua xác minh, cơ quan điều tra xác định, Duy từng làm bảo vệ dân phố ở phường Tam Hiệp, nhưng đã nghỉ việc từ lâu.
Quân phục giả được bày bán công khai. |
Sau đó không lâu, vào ngày 26-2, Công an huyện Xuân Lộc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thị Tuyết Hồng (29 tuổi, ngụ xã Xuân Trường) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, khoảng cuối tháng 6-2012, Hồng thường xuyên mặc quân phục sĩ quan, tự xưng Phó giám đốc Trường cao đẳng nghề số 8 (thuộc Bộ Quốc phòng, trụ sở ở phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) và lân la làm quen nhiều gia đình ở huyện Xuân Lộc. Hồng khoe mình có thể “chạy” cho con em nhiều người vào trường sĩ quan quân đội chuyên nghiệp, hoặc vào ngành công an. Tin lời Hồng, một số người đã gom góp tiền bạc để nhờ Hồng lo giúp. Với chiêu lừa này, Hồng đã chiếm đoạt của nhiều người từ 90-110 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Hồng không thực hiện như cam kết, mà bỏ trốn.
Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006 quy định vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang… thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Nếu cá nhân, hay tổ chức kinh doanh mặt hàng này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Mới đây nhất, ngày 30-5, lực lượng phối hợp giữa Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Phòng Cảnh sát truy nã (PC52) và Công an huyện Định Quán đã bắn hạ đối tượng Võ Hoàng Điệp (29 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa), khi đối tượng đang ẩn nấp tại nhà riêng của vợ bé (ấp 3, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) và có hành vi chống trả lực lượng vây bắt. Khám xét nơi ở của Điệp, lực lượng công an thu giữ nhiều tang vật dùng để phạm tội, trong đó có 2 bộ quần áo, cùng 2 mũ sĩ quan quân đội mang cấp hàm trung úy và thượng úy; 1 giấy chứng minh sĩ quan quân đội; 1 súng bắn đạn hoa cải, 2 băng đạn bi…
Việc ngang nhiên mua bán đồ giả quân trang của các lực lượng vũ trang không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Vì vậy, xử phạt cá nhân tổ chức kinh doanh quân trang là một trong những biện pháp giảm tình trạng giả danh công an, bộ đội lừa đảo. Mong các cơ quan chức năng mạnh tay kiểm tra, xử lý với tình trạng kinh doanh mặt hàng trái phép này.
Võ Nguyên