Nắng tháng 3 nóng như thiêu đốt, chúng tôi và những người làm công tác chăm sóc, bảo vệ rừng nói chuyện dưới những tán cây mát rượi. Sau giây phút hàn huyên chuyện đời, chúng tôi được họ kể về những nỗi gian truân, khắc nghiệt của người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng. Và điều đọng lại đằng sau lời tâm sự về những khó khăn, vất vả ấy, chúng tôi nhận thấy rõ một tình yêu to lớn đối với rừng của những người đang ngày đêm làm công việc giữ gìn “lá phổi” xanh cho cộng đồng...
Nắng tháng 3 nóng như thiêu đốt, chúng tôi và những người làm công tác chăm sóc, bảo vệ rừng nói chuyện dưới những tán cây mát rượi. Sau giây phút hàn huyên chuyện đời, chúng tôi được họ kể về những nỗi gian truân, khắc nghiệt của người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng. Và điều đọng lại đằng sau lời tâm sự về những khó khăn, vất vả ấy, chúng tôi nhận thấy rõ một tình yêu to lớn đối với rừng của những người đang ngày đêm làm công việc giữ gìn “lá phổi” xanh cho cộng đồng...
Cha con ông Vũ Văn Quý đang đi tuần rừng. |
Bao nhiêu năm qua, ông Vũ Văn Quý (83 tuổi, ngụ ấp 2, xã Phú An, huyện Tân Phú) vẫn chấp nhận sự khó nghèo để bảo vệ 17 hécta rừng (do Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ 600 giao khoán năm 1995) tái sinh ngày một mạnh mẽ.
Mặc dù BQL rừng phòng hộ 600 đang cùng các nhân viên kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng mùa khô, chúng tôi vẫn được anh Đặng Xuân Thục, Trưởng phòng Tổng hợp BQL rừng phòng hộ 600 dẫn vào thăm cánh rừng 327 do gia đình lão nông Vũ Văn Quý cất công bảo vệ.
* “Thủy chung” với rừng
Chỉ 30 phút rời trụ sở BQL rừng phòng hộ 600, chúng tôi nhanh chóng được anh Thục đưa đến một khu rừng rộn rã tiếng ve sầu. “Do ông Quý bảo vệ tốt nên khu rừng của ông nhận chăm sóc dần quay về với nguyên trạng là một khu rừng tái sinh khá đẹp” - anh Thục bộc bạch.
Nghe tiếng xe máy nơi cửa rừng, cha con ông Quý vội vã ra xem. Nhận ra người quen, cha con ông Quý mời chúng tôi ra phiến đá lớn trước chòi để trò chuyện.
Ông Quý cho biết, khi chưa được BQL rừng phòng hộ 600 giao rừng theo dự án 327, thì ông cũng như mọi người dân khác từ mọi miền đất nước vào xã Phú An tìm đất sản xuất. Thời kỳ ấy, rừng trở thành một công trường, mặc cho người đời xâu xé để tìm sự sống. Khi những cánh rừng chỉ còn là những chòm cây lưa thưa, không giá trị, thì các cơ quan chức năng mới có chủ trương bảo vệ, khoanh nuôi và trồng rừng. Năm 1995, ông Quý được BQL rừng phòng hộ 600 giao khoán 17 hécta đất rừng. Nhận đất, ông cùng vợ con bắt đầu ra sức “dặm vá” lại rừng và trồng những cây: cà phê, điều, bắp, mít…, để lấy ngắn nuôi dài.
Do khu rừng của gia đình ông Quý nhận bảo vệ là khu đất đá bàn, mùa mưa thì nước bào mòn đất, đến mùa nắng thì khô hạn, rừng trồng còi cọc và chết đứng. Trước cảnh ấy, ông Quý đi khắp các khe suối trong rừng và trong vùng để bứng những cây bằng lăng con về trồng. Riêng khu rừng của mình, ông chăm bẵm cho những chồi cây bản địa tái sinh bên gốc cây mẹ bị đốn hạ.
Thời gian cứ vậy trôi qua, cây bản địa trong khu rừng khoanh trồng của gia đình ông Quý ngày thêm dày đặc. Các cây trồng, như: vú sữa, mít, cà phê…, gia đình ông cứ để cho chúng lớn lên tự nhiên và nay đã thành cây rừng. “Dù chỉ là một chồi non tái sinh, hay một cây con chỉ to bằng ngón tay út, gia đình tôi cũng chăm sóc. Khi rừng chưa kịp phủ tán, thu nhập từ cây trồng còn èo uột, cha con tôi đi làm thuê và câu cá để sinh tồn, chứ không để rừng bị xâm hại” - ông Quý chia sẻ.
* Theo gót chân cha
Sau khi sai con trai Vũ Ngọc Bích (48 tuổi) dọn những lớp lá khô rơi dày trên phiến đá để chúng tôi ngồi, ông Quý chậm rãi kể về hoàn cảnh gia đình mình. Gia đình ông có 8 người con (4 trai, 4 gái), vợ ông (bà Phạm Thị Thơm) nay cũng bước sang tuổi 81. Do vợ chồng bám chặt với rừng nên các con ông đều thất học và gặp khó khăn về đời sống khi lập gia đình riêng. “Tiền thì gia đình tôi thua kém mọi người rất nhiều, nhưng về tình yêu đối với rừng thì gia đình tôi không thua kém ai. Thấy cha con tôi nghèo khó, dân buôn cây không ngại tiếp cận nhỏ to khuyên dụ. Dụ mua cây không được thì họ lén vào chặt trộm, hay đe dọa” - ông Quý bộc bạch.
Tuy đã vào tuổi 83, ông Quý vẫn có thói quen mặc quần đùi, vác rựa đi tuần rừng. Ông Quý giải thích với chúng tôi: “Trong rừng làm gì có nắng mà mặc quần dài. Tôi cứ mặc cái quần đùi cho thoải mái. Mùa nắng cây rụng lá nhiều nên còn thấy ánh nắng. Riêng mùa mưa thì lúc nào cũng tối như 5-6 giờ chiều”. Nói xong, ông bảo anh Bích đưa chúng tôi đi thăm rừng.
Len lỏi theo chân anh Bích cả giờ đồng hồ, chúng tôi chỉ đủ sức thăm và ngắm được vài hécta rừng trong tổng số 17 hécta mà gia đình anh được BQL rừng phòng hộ 600 giao bảo vệ gần 20 năm qua. Ôm choàng thân cây cổ thụ để đo sức lớn của chúng, anh Bích nói: “Nhờ cha tôi kiên quyết giữ gìn nên kẻ xấu không dám đụng vào chúng. Họ chỉ lén lút trộm được vài cây nhỏ về làm cột nhà, hoặc chặt ít tre nứa ven suối mà thôi. Riêng cây lớn thì họ đừng hòng chặt trộm, vì được cha tôi trông giữ rất kỹ”.
Khi được chúng tôi hỏi sao anh không lập gia đình, anh Bích nhe hàm răng sún cười và bày tỏ, anh không cưới vợ vì nghèo, vì không ai lấy một người yêu rừng “gàn” như anh (và cha anh). Tuy vậy, ở đây anh có chim chóc, ve sầu và cây rừng, bãi đá làm bầu bạn. “Mỗi ngày, ra đây ngắm nhìn chúng và thấy chúng vẫn còn sừng sững nơi vị trí cũ, không bị lâm tặc hay nắng hạn, sâu bọ làm chết là thấy vui rồi. Có vợ thì phải ôm vợ, mải lo cho con thì rừng ai chăm sóc” - anh Bích cười nói giả lả cho qua chuyện.
Rồi anh chỉ cho chúng tôi biết các vị trí mà kẻ xấu có thể xâm nhập vào khu rừng của gia đình trộm cây, những nơi tiếp giáp với rẫy vườn của các hộ dân khác. Anh Bích cho hay, tuy tiếng ve sầu kêu inh ỏi khắp rừng, nhưng chỉ cần một cử động nhỏ, như: tiếng chặt cây, cây ngã, tiếng xe máy vào rừng, thì từ các điểm canh, 5 phút sau cha con anh cùng đàn chó theo đường tắt có mặt để xua đuổi. “Càng sống với rừng, mình như thấu hiểu hết mọi tiếng động phát ra từ rừng. Tiếng lào xào của cây rừng trước gió khác hẳn tiếng chân người giẫm đạp trên lá khô và tiếng cây khô ngã khác với tiếng cây tươi bị quật đổ, dù kẻ trộm cây rất tinh vi” - anh Bích giải thích.
Rời khu rừng phòng hộ do cha con ông Quý chăm sóc trong tiếng ve sầu kêu ra rả, chúng tôi và anh Thục không kiệm lời tán dương cha con ông suốt chặng đường về. Bởi những người ngoại đạo như chúng tôi và cả người từng trải về rừng như anh Thục, khi đối diện trước một tình yêu rừng chân chất, thật thà như cha con ông Quý, tất cả đều thấy khâm phục. “Nhờ cha con ông Quý mà chúng tôi tạo thêm được những cánh rừng phòng hộ từ những khu rừng trồng. Nhờ sự hy sinh của gia đình họ mà rừng thêm xanh, lá phổi của nhân loại được giữ gìn” - anh Thục vui vẻ nói.
Đoàn Phú