Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần được khích lệ (Bài cuối)

10:04, 01/04/2013

Giám sát cộng đồng các công trình, dự án triển khai trên địa bàn xã, phường, thị trấn (gọi tắt là xã) nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Quyền này được Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) thể hiện qua việc kiến nghị với Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị và từ đây được chuyển tiếp đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Giám sát cộng đồng các công trình, dự án triển khai trên địa bàn xã, phường, thị trấn (gọi tắt là xã) nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Quyền này được Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) thể hiện qua việc kiến nghị với Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị và từ đây được chuyển tiếp đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
[links(right)]

* Phát huy quyền dân chủ

Ông Nguyễn Công Ngôn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết, GSĐTCĐ có nhiệm vụ góp phần đảm bảo hoạt động đầu tư phù hợp với các quy hoạch được duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và có hiệu quả kinh tế - xã hội cao; đồng thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động đầu tư không đúng quy hoạch, sai quy định; các việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình, xâm hại lợi ích của cộng đồng. Chính vì vậy, phạm vi GSĐTCĐ được quy định cụ thể, như: các chương trình, dự án đầu tư (gọi chung là dự án đầu tư) có sử dụng vốn nhà nước và không thuộc diện bí mật quốc gia theo quy định của pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng trên địa bàn của xã; các dự án đầu tư bằng nguồn vốn và công sức của cộng đồng, hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho xã; các dự án đầu tư bằng nguồn vốn khác... “GSĐTCĐ nhằm phát huy quyền dân chủ của nhân dân, hỗ trợ ban đầu cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực, chứ không có chức năng xử lý, giải quyết vụ việc như cơ quan thực thi công vụ của Nhà nước” - ông Ngôn giải thích.

Ban Giám sát đầu tư cộng đồng phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) đang thực hiện nhiệm vụ.
Ban Giám sát đầu tư cộng đồng phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) đang thực hiện nhiệm vụ.

Ông Lê Văn Công, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Biên Hòa, cho biết thêm, nội dung GSĐTCĐ rất rộng, như: đánh giá sự phù hợp của quyết định đầu tư với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển các ngành; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng; quy hoạch xây dựng chi tiết các khu đô thị, khu dân cư..., kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật. GSĐTCĐ cũng đánh giá việc chủ đầu tư chấp hành các quy định về chỉ giới đất đai và sử dụng đất; quy hoạch mặt bằng chi tiết, phương án kiến trúc, xây dựng; xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; tiến độ, kế hoạch đầu tư. Phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư, vận hành dự án. “GSĐTCĐ được Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn thành lập và hoạt động theo quy định tại Điều 8 Quyết định 80/2005/TTg ngày 18-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế giám sát cộng đồng. Theo đó, công dân sinh sống trên địa bàn xã (phường, thị trấn) giám sát các dự án đầu tư trên địa bàn xã thông qua GSĐTCĐ” - ông Công nhấn mạnh.

* Cần khích lệ và hợp tác

Qua GSĐTCĐ công trình trụ sở UBND xã Hóa An (TP.Biên Hòa), Ban GSĐTCĐ xã đã kịp thời phát hiện và báo cho đơn vị thi công khắc phục lỗi kỹ thuật trong quá trình thi công trụ cột (theo thiết kế phải làm 6 cây sắt phi 18, nhưng thợ chỉ làm 4 cây sắt phi 16). Cũng từ phát hiện này, đơn vị thi công đã phát hiện ra lỗi khi thi công công trình trụ sở UBND ở phường khác. Mới đây, trong quá trình xây dựng Trường mầm non Tân Mai (TP.Biên Hòa), Ban GSĐTCĐ phường Tân Mai đã góp ý với chủ đầu tư công trình nên bổ sung thêm rào sắt nơi hành lang sân thượng (trong thiết kế không có), nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi công trình đưa vào sử dụng và đã được chấp nhận.

Các công trình xã hội hóa giao thông nông thôn luôn được dân giám sát chặt chẽ và hiệu quả.
Các công trình xã hội hóa giao thông nông thôn luôn được dân giám sát chặt chẽ và hiệu quả.

Ông Lê Văn Công, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Biên Hòa cho biết, đó là hai trong số rất nhiều công trình, dự án mà Ban GSĐTCĐ thành phố đã phát huy quyền làm chủ của mình tại các công trình đầu tư của Nhà nước với mục đích đảm bảo chất lượng, xây dựng đúng kỹ thuật và tuổi thọ.

Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom) Đoàn Văn Mười cho rằng, không phải các dự án, công trình nào chủ đầu tư cũng tạo điều kiện cho địa phương, Ban GSĐTCĐ thể hiện tốt nhiệm vụ giám sát cộng đồng của mình. Ở nhiều công trình, dự án, họ không thiện chí gửi hồ sơ dự án, bản thiết kế xây dựng…, thì Ban GSĐTCĐ không thể tiếp cận để giám sát, dù đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên. “Với những trường hợp như vậy, chúng tôi thể hiện hết chức năng và nhiệm vụ của mình là kiến nghị với cấp trên đúng với tinh thần Quyết định 80/2005/TTg. Ngoài ra, chúng tôi đành “lực bất tòng tâm”… - ông Mười bày tỏ.

Theo kiến nghị của Ủy ban MTTQ các cấp và Ban GSĐTCĐ xã (phường, thị trấn), các cấp ủy Đảng cần quan tâm và tăng cường sự lãnh đạo đối với Thanh tra nhân dân và Ban GSĐTCĐ. Cơ quan Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý và kinh phí hoạt động và tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giám sát cho các thành viên Ban GSĐTCĐ; đồng thời xử lý kịp thời, có hiệu quả các kiến nghị của Ban GSĐTCĐ.

Cùng quan điểm với ông Mười, ông Đặng Huy Thịnh, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) kiến nghị, cấp trên cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng thông báo kịp thời các dự án đầu tư trên địa bàn xã; đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan, như: chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị thi công… khi có dự án thực hiện trên địa bàn xã gửi gấp các hồ sơ dự án (như: bản vẽ thiết kế, dự toán vật tư, giá trị công trình, thời gian hoàn thành dự án…), để địa phương biết và thành lập Ban GSĐTCĐ theo quy định. “Hiện chưa có quy định chế tài đối với chủ đầu tư dự án không hợp tác, hoặc xem thường nhiệm vụ GSĐTCĐ đúng với tinh thần Quyết định 80/2005/TTg. Với những dự án đó, địa phương chỉ dừng lại bằng kiến nghị và chờ cấp trên giải quyết” - ông Thịnh tâm sự.

Theo Ủy ban MTTQ tỉnh, năm 2012, Ban Thường trực  Ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn và Ban GSĐTCĐ các địa phương đã tổ chức giám sát trên 600 dự án triển khai trên địa bàn xã. Qua giám sát, đã phát hiện 107 dự án có sai phạm nhỏ và tất cả được kiến nghị xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Công Ngôn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh bộc bạch, kết quả đó còn khá khiêm tốn so với con số trên 1 ngàn dự án triển khai trong năm 2012 mà Mặt trận các xã, phường, thị trấn và Ban GSĐTCĐ tham gia giám sát, có ý kiến. Tuy khiêm tốn, nhưng cũng đã khẳng định rất rõ hiệu quả, vai trò và nhiệm vụ giám sát nhân dân đối với các dự án trên.

Đoàn Phú

 

 

Tin xem nhiều