Báo Đồng Nai điện tử
En

Gian nan giữ rừng (Bài 2)

09:04, 07/04/2013

Mùa khô hạn sắp qua, rừng bắt đầu thay lá mới. Trong tiết trời oi bức báo mưa đầu mùa, 14 cán bộ Trạm Kiểm lâm Rang Rang (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) thở phào khi rừng đã ngừng trút lá.

Mùa khô hạn sắp qua, rừng bắt đầu thay lá mới. Trong tiết trời oi bức báo mưa đầu mùa, 14 cán bộ Trạm Kiểm lâm Rang Rang (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) thở phào khi rừng đã ngừng trút lá.

* Đi tuần rừng

Đường dẫn vào Trạm Kiểm lâm Rang Rang (tổ 15, ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) xa tít tắp, nhiều bụi mù. Tuy vậy, chúng tôi cũng có mặt đúng giờ và được Trạm trưởng Thái Ngô Đức niềm nở đón ngay chốt cửa rừng.

Các kiểm lâm viên đang tuần tra và kiểm tra cây rừng.
Các kiểm lâm viên đang tuần tra và kiểm tra cây rừng.

Sau ly trà nóng hổi để làm giảm bớt cái lạnh của sương rừng buổi sớm vì phải vượt quãng đường dài, chúng tôi cùng các kiểm lâm viên của trạm, gồm: Ngô Văn Phương, Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Đình Dũng đi tuần rừng. “Trạm đang quản lý 7 tiểu khu, với trên 6 ngàn hécta rừng. Địa bàn quản lý khá rộng và trải dài, phức tạp nhất là tuyến dọc sông Mã Đà, dài trên 30km, tiếp giáp với tỉnh Bình Phước”  - Trạm trưởng Thái Ngô Đức trao đổi sơ bộ tình hình trước khi chúng tôi lên đường.

Rừng Rang Rang buổi sớm thật đẹp, chim, sóc không ngừng cất tiếng gọi bạn và nhảy nhót chuyền cành trên cây. Khỉ, gà rừng thỉnh thoảng xuất hiện và vụt biến đi trước tầm mắt chúng tôi. Nơi đây còn có các loài thú rừng lớn, như: bò tót, voi rừng… bám các cánh rừng già, bàu nước trú ngụ. “Nếu các anh chịu ở rừng đến chiều tối, thế nào cũng gặp bò tót ra suối uống nước” - kiểm lâm viên Nguyễn Văn Tân khẽ nói, khi anh bon bon xe máy chở chúng tôi luồn sâu vào trong rừng già.

Khi rừng không còn đường cho xe máy chạy, chúng tôi xuống xe để cùng các nhân viên kiểm lâm: Tân, Phương, Học, Dũng cuốc bộ. Càng vào sâu trong rừng, dây leo giăng phủ mất cả lối mòn, chúng tôi thấm mệt và muốn được tạm nghỉ bên bờ suối để lấy lại sức. Chiều ý chúng tôi, kiểm lâm viên Dũng ra hiệu cho đồng đội tạm dừng chân.

Khi chọn được gốc cây cổ thụ lý tưởng để nghỉ mệt, kiểm lâm viên Dũng mới nhẹ nhàng nói với chúng tôi: “Hôm nay, chúng tôi chỉ đưa các anh đi dạo rừng, thăm rừng là chính. Chứ thường ngày, nếu chúng tôi tuần rừng lơ là như vầy sẽ nguy đó. Chỉ cần cán bộ kiểm lâm lơ là, bất cẩn một phút, gỗ quý sẽ bị đốn hạ, thú rừng dính bẫy các anh à” - kiểm lâm viên Dũng bày tỏ.

Thấy đồng nghiệp nói với chúng tôi, kiểm lâm viên Tân hồ hởi tiếp lời. Anh Tân cho hay, công việc quản lý, bảo vệ rừng của các anh không thể làm việc theo giờ hành chính, hoặc tuân theo quy luật giờ giấc cố định, mà các anh luôn thoắt ẩn thoắt hiện để bọn lâm tặc không phán đoán được lúc nào và bao giờ các anh đi tuần, cũng như địa điểm đến. “Nếu bọn mình làm việc theo giờ hành chính thì không còn rừng để bảo tồn, không còn nơi trú ẩn của muông thú” - anh Tân nói.

Tuy là nhân viên mới của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai được điều chuyển về Trạm Kiểm lâm Rang Rang, nhưng kiểm lâm viên Phương vẫn tỏ ra là người có nhiều kinh nghiệm khi kể cho chúng tôi nghe về cách thức nhận ra các dấu vết của thú rừng và chân người. “Thú rừng luôn đi theo luồng và để lại dấu chân rất rõ. Riêng con người thì đi đến đâu… dây leo bị chặt tới đó” - anh Phương chia sẻ.

* Chuyện ở trạm

Mặt trời đứng bóng, những kiểm lâm viên tạm gác lại công việc tuần rừng để đưa chúng tôi quay về trạm. Sau bữa cơm qua loa tại trạm, chúng tôi tiếp tục nghe Trạm trưởng Đức trút bầu tâm sự. Anh Đức cho biết, hơn 23 năm làm công tác quản lý, bảo vệ rừng, anh đã trải qua rất nhiều vị trí, đơn vị công tác. Mới nhất, vào năm 2011, anh được chuyển từ Trạm Đá Dựng (ấp 4, xã Hiếu Liêm) về nhận nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Rang Rang. “Kỷ niệm về rừng mình có rất nhiều. Tuy vậy, điều mình nhớ nhất là ngày 24-4-2008, khi mình làm Tổ trưởng Tổ kiểm lâm cơ động 2 tham gia phục kích bắt lâm tặc và bị thương ở cánh tay trái” - anh Đức bộc bạch.

Phút nghỉ ngơi bên cánh rừng của các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Rang Rang.
Phút nghỉ ngơi bên cánh rừng của các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Rang Rang.

Sau khi châm ấm trà tươi (được trồng tại trạm), anh Đức chậm rãi kể. Khoảng 18 giờ ngày 24-4-2008, trạm của anh Đức nhận được tin báo điện thoại của người dân về việc có 4 đối tượng đi xe máy vào rừng săn thú tại khu vực Trạm Suối Linh. Nhận tin báo, anh Đức liền cắt cử 2 kiểm lâm viên Tài và An bám theo đối tượng. Đến 19 giờ cùng ngày, 4 đối tượng lâm tặc dừng xe tại một quả đồi để thay đồ, ngồi ăn uống và lấy dụng cụ săn bắn ra lắp ráp. Sau khi xác định rõ vị trí 4 đối tượng lâm tặc tập kết để chuẩn bị vào rừng săn bắn, 2 kiểm lâm viên Tài và An liền quay xe về báo cáo lại sự việc cho trưởng trạm biết. “Ngay lập tức, mình huy động 6 anh em thiện chiến nhất để triển khai vào vị trí ém quân, mật phục” - anh Đức nói.

Đợi mãi đến 1 giờ 30 sáng hôm sau, các anh nghe tiếng xe máy từ hướng rừng chạy ra. Tiến hành dừng xe kiểm tra hành chính đối tượng, các anh phát hiện con dao đeo bên hông người này có vết máu và lông thú. Ngay lập tức, điện thoại di động của đối tượng đã bị các cán bộ kiểm lâm thu giữ.

Đến 2 giờ sáng, điện thoại của đối tượng này bỗng reo lên, kiểm lâm viên An nhận máy và cất giọng:  “…Đang lạc đường…”. Bên kia đầu dây, người gọi điện chửi đổng: “…Bọn tao đang tắm ở giếng nè, mày vào lẹ lên”.

Xác định được vị trí các đối tượng lâm tặc đang tập kết, anh Đức liền triển khai lực lượng vây bắt. Khi đến nơi, thấy 3 đối tượng đang tắm và lau súng, anh Đức ra hiệu cho kiểm lâm viên Thư và Cường xông vào khống chế đối tượng cầm súng. Anh Đức và kiểm lâm viên Tài bắt đối tượng có súng còn lại. Riêng đối tượng còn lại bỏ chạy thoát.

“Do An lo canh giữ đối tượng ban đầu, Linh lo quan sát chung nên không có người để hỗ trợ bắt đối tượng còn lại. Dù phân công hai kiểm lâm viên bắt một đối tượng, nhưng khi mình bắn phát súng chỉ thiên và tất cả đồng loạt xông vào, thì cả 3 đối tượng lâm tặc vùng bỏ chạy. Tài sảy chân té xuống giếng, nhưng mình vẫn quyết bám đuổi đối tượng. Khi mình lao đến định quật đối tượng, thì vấp phải gốc cây ngã sóng soài, khiến đối tượng bỏ chạy thoát vào bụi cây. Mình vừa đứng dậy định truy đuổi tiếp thì bất ngờ hắn nổ súng. May sao, viên đạn chỉ trúng tay trái… Tài không bị sao cả. Cường và Thư thì đã khống chế được đối tượng” - anh Đức xắn tay áo chỉ cho chúng tôi xem dấu vết đạn bắn trên cánh tay.

Rồi anh Đức trầm ngâm kể tiếp câu chuyện: “Bẵng đi một thời gian, đối tượng Bình mãn hạn tù trở về địa phương. Và trong một lần cậy nhờ người tìm nhân công trồng rừng cho đơn vị, mình vô tình gặp Bình đến xin việc. Từ đây, Bình trở thành một thợ trồng rừng, tỉa rừng giỏi mỗi khi đơn vị nhờ đến”.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều