Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm về... nhà gỗ

09:04, 02/04/2013

Những ngôi nhà nâu đen, mái ngói xám bạc cùng những chi tiết chạm khắc tinh xảo, độc đáo theo lối nhà quan, nhà rường thuở xưa hiện được nhiều người tìm mua. Tùy thuộc vào chất liệu gỗ, lối kiến trúc, giá mỗi căn nhà có thể từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.

Những ngôi nhà nâu đen, mái ngói xám bạc cùng những chi tiết chạm khắc tinh xảo, độc đáo theo lối nhà quan, nhà rường thuở xưa hiện được nhiều người tìm mua. Tùy thuộc vào chất liệu gỗ, lối kiến trúc, giá mỗi căn nhà có thể từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.

Dựng nhà gỗ đang trở thành thú chơi của những người nhiều tiền. Đẳng cấp người chơi không chỉ nằm ở giá trị căn nhà, mà còn ở kiểu dáng độc đáo, độ tinh xảo trong từng tấm gỗ.

* Giá nào cũng có

Anh Trần Văn Quyết (35 tuổi), chủ Cơ sở chuyên phục dựng, thiết kế và mua bán nhà gỗ Bảo Trâm (ấp Xóm Gò, xã Long An, huyện Long Thành) cho biết, những căn nhà cổ có kiểu dáng xưa, hoa văn độc đáo, cột bằng gỗ lim đen bóng... được ưa chuộng, nên giá bao giờ cũng lên đến con số tiền tỷ. Để hoàn chỉnh căn nhà, tùy theo nhu cầu của khách hàng mà người dựng có thể tính toán khối lượng gỗ, tiền công sao cho hợp lý. Các công trình lớn, như: đình, chùa, nhà của các “đại gia” khó tính, thì phải theo thiết kế của gia chủ.

Nếu khách hàng ưng ý, nhà được dựng làm mẫu sẽ được tháo dỡ rồi dựng lại giống như ban đầu.
Nếu khách hàng ưng ý, nhà được dựng làm mẫu sẽ được tháo dỡ rồi dựng lại giống như ban đầu.

Theo anh Quyết, nhà giả cổ (nhà gỗ) thường chia ra làm ba loại, gồm: nhà kẻ truyền Bắc bộ, nhà rường Huế và nhà cổ Nam bộ. Mỗi loại nhà lại tượng trưng cho một kiến trúc và thể hiện nét văn hóa riêng của từng vùng miền. Trong đó, độ khó về kiểu dáng, đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn nhiều thời gian, công sức nhất vẫn là kiểu nhà truyền thống Bắc bộ. Tuy nhiên, qua thời gian, nhất là đối với người chơi đang sống ở các tỉnh phía Nam, dạng nhà này hiện đã được “tiết chế”, lược bớt nhiều chi tiết nên vẫn được ưa chuộng.

“Nói thế không phải ngụ ý người chơi bây giờ dễ tính, mà vì thời tiết, phong cách sống trong này khác ngoài đó. Bởi không ẩm thấp, mối mọt nhiều, nên độ bền nhà gỗ trong này chắc chắn sẽ lâu hơn. Đúng theo nguyên bản ngày xưa, nhà 3 gian 2 chái cần 36-42 cột, nhưng bây giờ số lượng cột giảm nhiều rồi. Người ta vẫn thích ngôi nhà thông thoáng, ít vướng víu, ngăn cách là thế. Ngoài nhà kẻ truyền Bắc bộ, thì nhà rường kiểu Huế được nhiều gia chủ lựa chọn. Bởi các loại nhà này giá cả phải chăng, lại hợp với văn hóa và sinh hoạt của họ” - anh Quyết cho biết.

Còn theo ông Hạnh (chủ Cơ sở Vãn Hạnh, phường Phú Bình, TX.Long Khánh), để làm nên ngôi nhà gỗ, chất liệu gỗ và kỹ thuật tinh xảo đóng vai trò quan trọng. Nhiều ngôi nhà gỗ ngày nay, bề ngoài to cao đồ sộ, màu sắc cũng như kiểu dáng bắt mắt, nhưng giá trị không khác với nhà truyền thống là bao. Bởi lẽ, gỗ dựng nhà thường bằng gỗ tạp, không phải là gỗ tốt thuộc nhóm tứ thiết (gồm các loại gỗ: đinh - lim - sến - táu, vừa cứng lại bền lâu). Nếu nhà thật sự được làm bằng nhóm gỗ này, thì qua nhiều đời vẫn vững chắc, đẹp mãi. Vậy nên, giá cả nhà tùy thuộc vào chất liệu gỗ, hoa văn và kiến trúc của căn nhà.

“Có nhà giá chỉ 400-500 triệu đồng, nhưng nhiều cái vẫn có giá vài tỷ đồng. Nói chung, giá nào cũng có. Tuy nhiên, những ngôi nhà bạc tỷ thường chúng tôi chỉ làm tính công. Khách hàng tập hợp gỗ, đưa bản vẽ kỹ thuật và mình cứ vậy làm thôi. Những đơn hàng như thế, có khi mất cả nửa năm mới hoàn thành. Trong quá trình làm, gia chủ giám sát cẩn thận và người thợ cũng tỉ mỉ để không xảy ra sai sót. Vì đấy là gỗ quý mà…” - ông Hạnh tâm sự.

* Phong trào “sính cổ”

Bây giờ, dựng nhà gỗ đang trở thành phong trào “sính cổ” của những người nhiều tiền, giới đại gia. Đẳng cấp người chơi không chỉ nằm ở giá trị căn nhà, mà còn ở kiểu dáng độc đáo, độ tinh xảo trong từng tấm gỗ.

Vào thăm một căn nhà rường vừa phục dựng để làm mẫu của anh Nguyễn Văn Sinh (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa), chúng tôi thật sự mê mẩn với lối kiến trúc của nó. Căn nhà rường 3 gian 2 chái, vừa thoáng mát lại gần gũi với cuộc sống và sinh hoạt của người Việt.

Toàn bộ gỗ trong xưởng của anh Sinh là các chi tiết được tháo ra từ nhiều căn nhà gỗ khác. Người thợ chỉ cần làm nốt những công đoạn cuối cùng là “mông má”, đục đẽo, chạm trổ..., rồi dựng lại nếp nhà sao cho khách nhìn thấy là ưng ý ngay. Ngoài ra, chủ nhà chỉ cần nói kiểu nhà, lòng nhà rộng, hẹp bao nhiêu là thợ có sẵn trong đầu kích thước của từng chi tiết kiến trúc, như: mái, bệ cửa, lan can, cột, kèo, cửa, đế sen…

“Cứ thế mà vung rìu. Việc chạm khắc trang trí cũng không kém phần phức tạp, bởi mỗi chủ nhà có một sở thích khác nhau về trang trí. Nói chung, khó nhất chỉ là phần chạm khắc trang trí... Thời gian đầu, việc dùng lại đồ cũ khá dễ dàng, nhưng bây giờ khó lắm. Của ít người đông, nhiều nhà dù gỗ đã mục, nhưng họ vẫn quyết giữ lại rồi thuê người về phục dựng. 90% nhà gỗ bây giờ toàn dùng gỗ mới, nhưng mình tạo dáng, đục chạm và sơn màu sao cho giống như nhà cũ ngày xưa” - anh Sinh kể.

Dân làm nhà giả cổ cho biết, vài năm trở lại đây, thú chơi nhà gỗ giả cổ trở nên thịnh hành. Không chỉ người chơi vất vả săn tìm những ngôi nhà có kiểu dáng “độc” và ít có sự thay đổi với lối kiến trúc ngày xưa, mà người thợ cũng phải có tay nghề cao mới đáp ứng thị hiếu khách hàng. Mở tủ lôi ra một cuốn album ảnh, với hàng chục ngôi nhà được chụp ở mọi góc độ, anh Sinh đưa cho chúng tôi lựa chọn. Chỉ tay vào một kiểu nhà rường ở Huế, anh Sinh nói thêm: “Ngoài giới nhà giàu, khu nghỉ dưỡng sính cổ, những người kinh doanh cà phê, sinh vật cảnh cũng chuộng phong trào này lắm. Tôi có người bạn vừa mở quán cà phê, dựng nhà theo lối kiến trúc này”.

Theo chỉ dẫn của anh Sinh, chúng tôi tìm đến quán cà phê Giáng Son, nằm lọt thỏm trong con hẻm ở KP1, phường Long Bình (TP.Biên Hòa). Chủ quán là một thanh niên trẻ, ham mê kiến trúc cổ nên mở quán dựng nhà gỗ cũ. Mọi vật dụng trong quán, từ: bàn ghế, khay nước, tủ… đều làm bằng gỗ và có kiểu dáng ngày xưa.

Anh Hùng, chủ quán cho biết: “Khách đến quán già có, trẻ cũng có. Không chỉ để gặp gỡ, mà họ còn coi đây là chốn đàm thoại bằng hữu. Lúc đầu, mình cũng đắn đo không biết cất nhà kiểu nào. Được nhiều người tư vấn, mình đã dựng nhà theo lối này, vì mình muốn có một căn nhà cổ hướng về cội nguồn dân tộc, gần gũi với cuộc sống của cha ông ngày xưa”...

Thanh Hải

 

 

Tin xem nhiều